Tình cha thiêng liêng

Nhìn Đức Thánh Cha Phan-xi-cô thăm đoàn con cái đông đảo tại Philippin, ngài yêu thương, làm những cử chỉ gần gũi, tươi cười, an ủi mọi người, nhất là nơi đã bị hứng chịu thiên tai, làm cho nhiều người xúc động rơi lệ, tôi nhớ đến tình cha thiêng liêng. Trong lịch sử cứu độ, có ba giai đoạn đáng nhớ: thời Cựu ước, thời Tân ước và thời của Giáo Hội hôm nay. Mỗi giai đoạn xuất hiện tình cha thiêng liêng kép. Chúng ta cùng tìm hiểu.
 

 
1. Thời Cựu ước

 

Thiên Chúa là Cha của Ít-ra-en. Vua Đa-vít và nhiều tác giả diễn tả cách rất gần gũi tình cha đối với Thiên Chúa. Chẳng hạn, Đa-vít đã kêu lên mà nói rằng : “Lạy Chúa, là Thiên Chúa Ít-ra-en Cha chúng con, xin dâng lên Ngài lời chúc tụng từ muôn thuở đến muôn ngàn đời” (1Sb 29, 10) ; Vịnh gia ca tụng Thiên Chúa là Cha, Đấng bảo đảm ơn cứu độ: “Ngài chính là Thân Phụ, là Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con được cứu độ!” (Tv 89, 27); tác giả sách Huấn ca thì cầu xin mà nói rằng : “Lạy Ðức Chúa là Cha và là Thiên Chúa của đời con, xin đừng để mắt con trâng tráo” (Hc 23, 4); Tôbia chúc tụng Thiên Chúa toàn năng nhưng lại gần gũi: “Người là Chúa Tể, là Thiên Chúa ta thờ, là Thân Phụ của ta, là Thiên Chúa đến muôn thuở muôn đời” (Tb 13, 4). Diễn đạt rất phong phú qua việc sử dụng tính từ sử hữu ‘của tôi, của con’ hay số nhiều ‘của chúng tôi, của chúng con’. Đó là điều mà Chúa Giê-su sau này sẽ nói với Maria Madala: “Cha của tôi và là Cha các ngươi” (Ga 20, 17).

 

Nếu Thiên Chúa là Cha, Ít-ra-en là con, tương quan tình cha này rất rõ ràng trong sách Sa-mu-en quển thứ hai: “Ðối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Khi nó phạm lỗi, Ta sẽ sửa phạt nó bằng roi của người phàm, bằng đòn của con người” (2Sm 7, 14). Thiên Chúa là Cha giáo dục Ít-ra-en như người cha giáo dục con cái: thưởng và phạt với tình yêu đời đời mà ngôn sứ Hô-sê đã nói: “Khi Ít-ra-en còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Ai-cập Ta đã gọi con Ta về” (Hs 11, 1). Ít-ra-en cũng gọi Thiên Chúa là Cha và là Đấng Cứu độ: “Lạy Ðức Chúa, Ngài mới là Cha, là Ðấng cứu chuộc chúng con: đó là danh Ngài từ muôn thuở” (Is 63, 16). Tóm lại, dân Ít-ra-en muốn rằng Thiên Chúa là Cha để yêu, để che chở và cứu độ họ.

 

Áp-ra-ham là cha thiêng liêng về đức tin. Có nhiều người được gọi là “cha” trong dân Ít-ra-en, nhưng họ chỉ ưa thích gọi Thiên Chúa và Áp-ra-ham như những người cha đáng kính nhất.

 

2. Thời Tân ước

 

Chúa Giê-su đã gọi Thiên Chúa là Cha. Trong cuộc đối thoại giữa Ngài với Tô-ma, Chúa Giê-su khẳng định: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha của Thầy” (Jn 14, 7). Cũng vậy trong cuộc đối thoại giữa Ngài với Phi-líp-phê, Chúa Giê-su khẳng định cách chắc chắn rằng : “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9). Trong Tin Mừng Luca, Ðức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10, 21). Ngài còn nói: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Lc 10, 22). Chúa Giê-su là hình ảnh của Cha, đây không phải là một tuyên bố quá đáng mà chính là Ngài đã nói về tình cha sâu xa trong tin mừng Gio-an: “Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta” (Ga 14, 10; 17, 21). Ngài không bao giờ đơn độc là luôn là một với Cha; Ngài biết, nhìn thấy, lắng nghe, yêu mến Cha (x. Ga 5, 20). Ngài gọi Thiên Chúa là Cha trong kinh Lạy Cha. Chúng ta không thể kể hết những lời của Chúa Giê-su liên quan đến tình cha của Ngài.

 

“Cha nào con ấy” xuất hiện trong nhiều ngôn ngữ và văn hóa, phát xuất từ kinh nghiệm từ rất lâu trong lịch sử nhân loại để kế thừa phẩm chất và những giới hạn của người cha, người mẹ. Khi Chúa Giê-su đến thế gian, chúng ta không rõ Ngài có biết câu này hay không, nhưng theo Tin Mừng, đời sống của Ngài luôn luôn diễn tả câu nói này, điều đó mang một chiều kích thần linh, thiêng liêng và đi xuống. Vì Thiên Chúa là vô hình, thế thì Chúa Giê-su phải diễn tả điều đảo ngược của câu này, tức là “Con nào Cha ấy”. Người ki-tô hữu không thể biết Chúa Cha vô hình, khi họ không thấy. Do đó, họ phải tin vào Chúa Giê-su mạc khải để sống tình Cha như Chúa Giê-su đã sống, đã gọi, đã cầu nguyện. Chúa Giê-su là Con cả (x. Rm 8, 29), là mẫu gương tuyệt hảo của tình con thiêng liêng với Cha Trên Trời.

 

Ngài cũng có một người cha thiêng liêng khác là thánh Giu-se. Chính thánh nhân đã nuôi dưỡng con của Cha Trên Trời trong nhiều năm ở Na-da-rét. Vai trò của thánh nhân không thể thiếu trong đời sống của Chúa Giê-su từ lúc sinh đến khi thánh nhân qua đời. Các thánh sử không viết lại một lời của thánh nhân, nhưng chắc chắn ngài không phải là người câm, ngài phải phục vụ Chúa Giê-su và Đức Mẹ cách khiêm nhường và dịu hiền với tư cách là cha gia đình trong mọi hoàn cảnh với một sứ mạng đã được trao phó cho ngài. Thế nhưng, Chúa Giê-su luôn luôn nhấn mạnh Tình Cha Trên Trời và thích Tình Cha này hơn tình cha với thánh Giu-se: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2, 49).

 

3. Trong Giáo Hội

 

Ngoài Thiên Chúa, Đấng là Cha Trên Trời, đối với người tín hữu, các linh mục là cha trong đời sống thiêng liêng. Điều này “có thể được hiểu như là ý nghĩa phong phú”[1] của chữ “Cha”, linh mục là cha được gọi là tình cha thiêng liêng như thánh Phao-lô xưng “cha” của các ki-tô hữu tại Cô-rin-tô (x. 1Co 4, 16) và như Xavier Lacroix, giáo sư Luân Lý Tính Dục Đại Học Công Giáo Lyon, nói: “Diễn đạt ‘cha thiêng liêng’ được sử dụng nhất là trong bối cảnh của một tương quan tháp tùng, (tương quan hướng dẫn, linh hướng). Diễn đạt này chỉ trách nhiệm, sứ mạng nhằm giúp đỡ người nào đó phân định điều được gọi là ý Chúa trong người đó”[2].

 

Như vậy, trong Cựu ước, Ít-ra-en có hai người Cha thiêng liêng: Thiên Chúa và Áp-ra-ham; trong Tân ước, Chúa Giê-su có hai người Cha thiêng liêng: Thiên Chúa và Giu-se; bây giờ trong Giáo Hội, người tín hữu có hai người Cha thiêng liêng: Thiên Chúa và linh mục, dĩ nhiên trước tiên phải kể đến Đức Thánh Cha, người cha cao trọng nhất trong Giáo Hội, trong số các người cha khác: Hồng y, giám mục, linh mục, nhưng Tình Cha đối với Thiên Chúa luôn luôn là căn bản và mẫu mực trong mọi tình cha thiêng liêng.

 

Lm. Vinhsơn Đinh Minh Thỏa