Phép Lạ và Những Phản Ứng Đầu Tiên

Đã có những phép lạ xảy ra: những người bệnh lâu năm, bệnh nan y được chữa lành… sự kiện ấy đồn đi xa truyền lan nhanh như thuốc súng, càng làm tăng thêm số người đến nơi hiện ra.

Chính vì thế mà Nhà nước Xã Hội chủ nghĩa hồi đó, cảm thấy an ninh trật tự bị đe dọa (!) nên đã ra lệnh cấm cách và bắt bớ các em. Nhưng được cái là họ không hành hung, tra tấn hay làm hại gì đến các em.

Khi được diện kiến Đức Mẹ, các thị nhân như sống ngoài không gian và thời gian: mắt các em như bất động và cùng hướng về một phía, dù có dùng đèn sáng cực mạnh cũng không ảnh hưởng gì. Các em như bị thôi miên, nói đúng hơn, các em xuất thần, chìm ngập trong bầu khí thiên đàng.

Được hỏi về dung nhan của Mẹ, cậu bé Jakov 10 tuổi trả lời: “Em chưa thấy người phụ nữ nào đẹp như vậy, nếu phải chết ngay bây giờ, em không còn tiếc gì, vì em đã được xem thấy Đức Mẹ”.

Còn Mirjana thì nói: “Chúng tôi nóng lòng chờ đợi…. Tính từng phút. Chỉ sợ làm điều gì sai quấy mà Đức Mẹ không hiện ra nữa. Khi được thấy Đức Mẹ chúng tôi vui sướng hết sức không cầm được nước mắt.”

 

Những phản ứng đầu tiên

 

Sự kiện Đức Maria hiện đến mỗi ngày với sáu thanh thiếu niên nam nữ tại làng nhỏ Mễ-Du, cùng với phép lạ đầu tiên (một cậu bé tên là Daniel được khỏi bệnh tê liệt) đã được lan truyền đi khắp nơi, trong và ngoài nước Nam Tư, tạo nên những phản ứng trong khắp các tầng lớp tôn giáo, chính quyền, dân chúng…

 

a) Linh mục chánh xứ Mễ-du:

 

Giáo xứ Mễ-Du được các tu sĩ Dòng Phan Sinh lo việc mục vu, và cha JOZO ZOVKO lúc ấy làm chánh xứ, cùng với cha Tomislav Vlasic làm phó. Linh mục JOZO không phải là một người mau mắn tin vào những hiện tượng lạ đang xảy ra trong xứ đạo của ngài.

Nhưng khi chứng kiến cuộc canh tân đời sống của toàn họ đạo cùng với lòng sốt sắng của khách hành hương mỗi ngày mỗi ào ạt tuôn đến tại đây thì cha JOZO đã dần dần chuyển hướng: Từ đó đã có những lời giảng của ngài trở nên đặc biệt sốt sắng. Và người ta đã coi ngài như một vị thánh sống.

Cũng vào đầu tháng 8 năm đó, cha Jozo như được linh cảm nói với cha phó T.Vlasic: “Cha hãy chuẩn bị thay thế tôi” Thế là ngày 17-8 công an bao vây nhà thờ và bắt cha Jozo, gán cho tội gây hỗn loạn, cũng chỉ vì ngài bảo vệ các thị nhân.

Ra trước toà án, ngài bị kết án 3 năm rưỡi tù ở (1). Từ đó, cha T. VLASIC đã trở thành người mang trách nhiệm xứ đạo, và cũng là người chứng kiến và điều hành cuộc sống canh tân thiêng liêng mà Mẹ Maria đã khởi xướng tại đây.

 

b) Hàng giáo phẩm

 

Vì các sự kiện còn đang tiếp diễn và chưa được biết ngày nào sẽ chấm dứt, và sẽ diễn tiến ra sao, cho nên Giáo Hội chưa có thể lên tiếng chính thức công nhận được. Và cả cho đến nay năm 2015, cũng vậy. Đó là thủ tục thường xuyên và khôn ngoan của Giáo Hội. Một người tuy được dân chúng coi là thánh sống (chẳng hạn Mẹ Têrêsa thành Calcutta), nhưng Giáo Hội cũng không thể phong thánh lúc người đó chưa chấm dứt cuộc đời. Một việc gì còn đang diễn tiến, chưa chấm dứt không ai có thể đưa ra một phê phán chung cục được. Sự lương thiện đòi hỏi như vậy. Một lẽ đơn sơ dễ hiểu như vậy mà nhiều người – kể cả hàng giáo sĩ – thường lầm lẫn, khi nghe nói: Mễ Du chưa được Giáo Hội công nhận, là đâm ra nghi ngờ và gạt sang một bên, thậm chí còn coi như chuyện ma quỉ bày đặt. Tối thiểu cũng nên nghĩ rằng: Chưa công nhận không có nghĩa là không công nhận.

Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II. Bên phải là Đ.H.Y Franic (Nam Tư). Bên trái là thị nhân Mirjana. Cô được Đức Giáo Hoàng gọi vào gặp riêng 20 phút. Sau đó, cô thuật lời Ngài bảo: “Nếu Ta không là Giáo Hoàng, Ta đã đến viếng Mễ Du rồi”.

Về phần Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Ngài đã được thông tin đầy đủ để biết rõ về tất cả những gì đang xảy ra tại nơi đây, đặc biệt qua bức thư mà Cha Tomislav Vlasic gửi lên cho Ngài. Nhưng qua nhiều ngả khác, chúng ta cũng được biết Ngài rất thiện cảm với sự kiện Mễ Du. Những lời Ngài nói tốt về Mễ Du thì nhiều, chỉ xin trích một: “Ngày nay, thế giới đã đánh mất cảm thức của mình về thế giới siêu nhiên. Song nhiều người đang đi tìm và đã thấy ở Mễ Du, nhờ cầu nguyện, đền tội và ăn chay.” (Lời Ngài nói tháng 8-1989, với phái đoàn bác sĩ Ý có nhiệm vụ khảo sát hiện tượng Mễ Du về mặt khoa học).

 

c) Dân chúng nghĩ gì và đã làm gì ?

 

Dân chúng Nam Tư không phải là những người dễ tin, mê tín, cuồng tín. Những sự kiện lạ lùng ở Mễ-Du đã lôi cuốn rất đông người hành hương từ các nước lân cận, các bệnh nhân muốn được chữa khỏi, và dĩ nhiên cũng không thiếu những kẻ hiếu kỳ.

Được biết: Tại Nam Tư có ba tôn giáo chính là: Chính Thống Giáo (42%), Công Giáo (32%), và Hồi Giáo (12%). Cả ba tôn giáo đều được nhìn nhận và hưởng quyền lợi như nhau, mặc dầu Nam tư là nước theo Xã Hội Chủ Nghĩa.

Chỉ trong ba tháng đầu tức tháng 7, 8, 9 năm 1981 số người đến tại Mễ-Du đã lên đến con số 500,000 người. Con số ấy vẫn không ngớt tăng lên từ tất cả các nước Pháp, Anh, Ý, Bồ, Tây Ban Nha…., mặc dầu người ta chạm chán với rất nhiều khó khăn do chính quyền gây nên.

Có một điều người ta quan sát được là dân chúng tỏ ra sốt sắng và đạo đức, đồng tâm hưởng ứng lời kêu gọi cầu nguyện, hối cải, xưng tội và ăn chay… mà Đức Mẹ đưa ra (2). Cũng chỉ trong ba tháng đầu, số người xưng tội đã đến 100 ngàn người và số lần rước lễ là 150,000. Dân chúng tỏ ra rất bình thản khi gặp những khó khăn trở ngại, lắm người phải đi bộ cả chục cây số, và còn đi chân không trong tinh thần hành hương, đền tội và cầu nguyện. Các cuộc hành quân công an bao vây, lục soát, tịch thu tài liệu, tiền bạc cũng không làm cho người ta xao xuyến âu lo và mất bình tĩnh của niềm tin.

* * *

(1) Được biết, sau khi cha Jozo bị kết án, cả mấy vạn bức thư trong và cả ngoài nước Nam-Tư yêu cầu xoá bản án bất công vì cha không có tội gì . Nhờ đó bản án đã được hạ xuống còn một năm rưỡi.

(2) Và điều kỳ diệu nhất là giáo xứ Mễ Du cho đến nay sau 34 năm, vẫn không suy giảm trong lòng đạo đức sốt sắng ấy. Đó chẳng phải là bằng chứng về sư hiện diện của Đức Mẹ ở đó sao?

 

Trích “ Mẹ Đến Lần Cuối

 

Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT chuyển dịch.