Những chiếc nhẫn vàng của bà góa nghèo

Tôi biết bà qua những lần thăm viếng người thân. Nhưng rồi hình ảnh của một bà góa nghèo sống trong một làng quê cũng nghèo nàn mau chóng bị lãng quên, để nhường chỗcho những lo lắng học hành và công việc bề bộn.

 
Rồi một lần thật tình cờ, tôi được một em dự tu rủ đi cùng, để mang chiếc nhẫn vàng của bà góa mà tôi quen biết năm nào đi dâng cúng cho công việc tái thiết đại chủng viện.(Sau lần đó tôi được biết bà lại gửi cho ơn gọi giáo phận một chiếc nhẫn nữa.) Vì trước đây đã biết sơ qua gia cảnh của bà, nên tôi rất bất ngờ và ngạc nhiên về tấm lòng của bà. Lúc đó, tôi nhớ ngay đến hình ảnh bà góa nghèo nhưng có tấm lòng quảng đại đã được Chúa Giêsu khen ngợi và nêu gương cho các môn đệ trong Tin mừng (xc. Mc 12,41-44).Tôi liền dặn với lòng mình, là sẽ đến thăm và tìm hiểu rõ hơn về gia cảnh của bà. Rùi rắng mãi, đến tận dịp lễ nghỉ vừa rồi, tôi mới thực hiện được ước nguyện đó.
 
Nhờ người chỉ lối, đi qua những đường dong vòng vèo như mê cung và con  ngõ rất nhỏ chúng tôi mới đến được nhà của bà. Hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong mắt chúng tôi là ngôi nhà ba gian lợp ngói đất cũ kỹ nhưng rất sạch sẽ và ngăn nắp. Trong ngôi nhà của bà, hầu như chẳng thấy có vật dụng gì đáng giá đến vài trăm ngàn. Nhưng nụ cười rạng rỡ và thái độ niềm nở khi tiếp đón chúng tôi thì thể hiện rằng bà thật giàu có về tình người.
 
Qua câu chuyện, chúng tôi mới biết bà có một hoàn cảnh thật đặc biệt. Bố và các anh mất khi bà vẫn còn trong dạ mẹ. Chỉ còn hai mẹ con, nhưng mẹ cũng không chăm sóc bà được lâu, vì khi bà lên ba tuổi mẹ cũng bỏ bà để về nơi vĩnh hằng. Bà được người dì cưu mang. Hoàn cảnh nhà dì cũng rất khó khăn, nhà nghèo lại đông em, bữa đói bữa no, củ khoai củ sắn nhưng rồi cũng qua ngày. Lớn lên một chút  bà đã phải đi ở, đi làm thuê làm mướn để nuôi thân và phụ với dì cho các em ăn học, còn chính bản thân bà thì chỉ đượchọc hết lớp… một. Bà đã trải qua nhiều công việc khác nhau, từ việc đi dân công, cho đến việc làm ở lò gạch, lò ngói…Bà bảo rằng công việc nặng nhọc mấy bà cũng không ngại, chỉ có một điều làm bà luôn băn khoăn, áy náy là không thể chu toàn được bổn phận của người làm con Chúa, vì công việc phải phụ thuộc thời gian vào người ta.
 
Thời gian thấm thoát trôi thật nhanh, những năm tháng bươn trải cho cuộc sống đã lấy mất tuổi thanh xuân của bà. Lúc này, bà đã bước vào tuổi tứ tuần. Khi nghĩ đến cảnh phải lủi thủi một mình lúc tuổi già bóng xế, bà đã đi xây dựng gia đình. Sống với ông được gần mười năm thì ông mất, bà lại một mình một bóng, vì ông bà không có người con nào. Ông ra đi chỉ để lại cho bà ngôi nhà cũ nát và mảnh vườn nhỏ. Từ mảnh vườn nhỏ này, mỗi ngày bà bòn nhặt được một vài chục ngàn qua việc chăm bón những luống rau thơm để “bỏ” cho các quán ăn. Với sự cần cù, chắt chiu, chịu thương chịu khó dường như đã trở thành bản chất, bà dần ổn định cuộc sống, xây sửa mộ cho chồng, cho bố mẹ, và lại còn dành dụm được chút ít để đóng góp cho công việc nhà Chúa. Quả vậy, nhìn những tấm bằng ghi ơn treo trong ngôi nhà đơn sơ (có cả những tấm bằng còn cuộn nguyên trong giấy báo), chúng tôi biết rằng bà không chỉ đóng góp cho ơn gọi của giáo phận, mà còn quảng đại dâng cúng ở nhiều giáo xứ, giáo họ và các hội đoàn khác nữa. Tôi hỏi: bà có một thân một mình, sao không để dành những số tiền đó mà dưỡng già hoặc phòng khi ốm đau bệnh tật? Bà bùi ngùi: mình từ nhỏ đã mồ côi ông bà cha mẹ, không nơi nương tựa, những khi gặp đau khổ, bị ức hiếp, bị hiểu lầm… “chỉ có Chúa biết con thôi, nên luôn luôn tạ ơn Chúa nhiều lắm”. Bà còn làm chúng tôi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng: “Nghe lời các cha khuyên bảo, con chim nó chẳng có kho tàng tích trữ gì, ngày nào nó kiếm ăn ngày ấy, thế mà Chúa còn chẳng để nó chết đói. Tất cả là của Chúa, Chúa không ban của trao tay, nhưng ban cho sức khỏe là có hết, đến đâu có đến đấy, hằng ngày Chúa vẫn ban cho dùng đủ…”, giọng bà đầy tin tưởng! Đến đây, chúng ta nhớ lại lời thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi cho ông Timôthê đã viết: “các bà góa đích thực, sống một thân một mình,thì đã đặt hy vọng vào Thiên Chúa và ngày đêm kiên trì đọc kinh cầu nguyện” (1Tm 5,5). Đặt câu Lời Chúa trên vào cuộc đời của bà, chúng ta có thể nói bà là một bà góa “đíchthực” theo tiêu chuẩn của thánh nhân.
 
Chắc hẳn rằng quá trình tái lập và tái thiết Đại Chủng viện Bùi Chu, đã nhận được rất nhiều những lời cầu nguyện và sự giúp đỡ về cả tinh thần, vật chất từ những tấm lòng quảng đại của quí ân nhân, của bà con giáo hữu trong và ngoài giáo phận. Trong rất nhiềunhững tấm lòng quảng đại đó, có hình dáng của bà góa nghèo chúng ta vừa nêu ở trên,với những đồng bạc khiêm tốn nhưng được “rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống” (Mc 12, 44b). Thiết nghĩ, đây chính là những hoa trái ngọt ngào thể hiện một “Cây Đức Tin Bùi Chu” đang phát triển xanh tươi, mạnh mẽ. Và, chính chúng tôi – những chủng sinh đang được trực tiếp hưởng dùng các cơ sởvật chất từ những tấm lòng quảng đại của các vị ân thân nhân, sẽ phải cố gắng hơn rất nhiều trong quá trình tu học, hầu không phụ những tấm lòng cao cả đã dành cho mình.

Phaolô Ninh Quốc Ban