Đức Giêsu: Niềm hy vọng của nhân loại

TUẦN 5

G 7,1-4.6-7; 1 Cr 9,16-19.22-23; Mc 1,29-39

Những ngày sắpp tết, được gặp gỡ nhiều người và hỏi thăm về cuộc sống của họ trong năm qua và dự định của họ trong năm mới, tôi nhận được những câu trả lời có nội dung gần giống nhau: năm rồi làm ăn khó khăn, không lãi bao nhiêu, thậm chí còn lỗ vốn. Dù lời hay lỗ, ai cũng thừa nhận một năm đã trôi qua đầy vất vả sóng gió. Năm nay không biết ra sao, cứ can đảm bắt tay vào việc, đến đâu hay đến đó và mạnh mẽ phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa. Hôm qua đến bệnh viện khám bệnh, tôi thấy phòng khám bệnh và phòng phát thuốc cho người có bảo hiểm y tế đông đúc, bệnh nhân xếp hàng dài, nét mặt nhăn nhó đầy mệt mỏi. Từ những sự kiện trên, tôi thầm nghĩ: cuộc đời sao lắm đau khổ như Đức Phật đã nói “đời là bể khổ”. Cuộc đời sẽ đau khổ và vô nghĩa hơn nữa nếu không có nơi để đặt niềm hy vọng.
 
Ông Gióp đã giãi bày sự vô nghĩa của cuộc đời trong bài đọc thứ nhất rằng: Cuộc sống con người nơi dương thế là thời khổ dịch, lao lung vất vả như kẻ làm thuê, tựa như người nô lệ mong bóng mát, kẻ làm thuê đợi tiền công. Gia tài của họ là những tháng vô vọng và số phận là những đêm dài đau khổ. Mới nằm xuống đã nhủ thầm: khi nào trời sáng; mới thức dậy đã hỏi: bao giờ chiều buông? Ngày đời thấm thoát hơn thoi đưa và chấm dứt không một tia hy vọng. Vì cuộc đời nhiều khổ đau và vô nghĩa nên ông Gióp đã thưa cùng Thiên Chúa: Xin Chúa nhớ cho cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng hạnh phúc bao giờ. Nói với Chúa như thế là ông Gióp muốn Thiên Chúa lo liệu cho cuộc đời mình. Nếu Chúa ghé mắt nhân từ nhìn đến cuộc đời đầy đau khổ của ông thì ông sẽ được cứu thoát, sẽ tìm được lẽ sống và niềm hy vọng bởi vì Thiên Chúa có tất cả và nơi Ngài, mọi khát vọng của con người được thỏa mãn. 

Quả thật, ở nơi Thiên Chúa, con người được thỏa mãn mọi khát vọng. Đức Giêsu làm thỏa mãn mọi khát vọng của nhân sinh qua việc giải thoát. Ngài giải thoát con người khỏi đau khổ do bệnh tật: chữa cho mẹ vợ của Phêrô hết sốt bằng cách cầm lấy tay đỡ dậy và chấm dứt ngay cơn sốt; chữa nhiều kẻ đau ốm mắc đủ thứ bệnh tật làm họ hoang mang, lo âu, sợ hãi và mất niềm vui sống. Ngài giải thoát con người khỏi sự trói buộc của satan bằng cách trừ quỉ để họ được hoàn toàn tự do làm con Thiên Chúa, làm môn đệ của Ngài và làm anh em với nhau trong đại gia đình Thiên Chúa. Ngài giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết bằng việc ban ơn tha thứ, tạo mọi cơ hội cho tội nhân hoàn lương và sống thanh thản. Ngài giải thoát con người bằng cách kiên trì cầu nguyện và đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Cuối cùng, Ngài giải thoát con người khỏi sự chết và hòa giải họ với Thiên Chúa qua việc tự nguyện chịu chết trên cây thập giá. Đây là sứ mạng chính yếu của Đức Giêsu khi đến thế gian.

Thánh Phaolo xác tín cách mạnh mẽ rằng Tin Mừng làm thỏa mãn mọi khát vọng đời người nên đã coi việc rao giảng Tin Mừng là bổn phận, là trách nhiệm và là lý tưởng: “rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà là sự cần thiết bắt buộc của tôi. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.” Người rao giảng Tin Mừng một cách quảng đại vô vị lợi “không hưởng bất kỳ quyền lợi nào mà Tin Mừng dành cho”. Người sống tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng chấp nhận trở thành nô lệ của mọi người, để chinh phục nhiều người, trở nên yếu đuối để chinh phục những người yếu, trở nên tất cả cho mọi người để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng mà người làm tất cả để được cùng thông chia phần phúc của Tin Mừng. Phần phúc của Tin Mừng chính là bình an sâu sắc, niềm vui tròn đầy, sự sống viên mãn và hạnh phúc vĩnh cửu. Nói cách khác, những thứ ấy làm thỏa mãn mọi khát vọng của con người, làm con người không còn khổ đau chán nản và nhất là biến cuộc đời vô vị của con người thành cuộc đời đầy ý nghĩa và đáng sống vì cuộc sống con người không chấm dứt trên trần thế này mà kéo dài đến vĩnh cửu trong Thiên Chúa, Đấng là khởi điểm và cùng đích của mọi loài.

Cuộc đời con người lắm khổ đau, nhiều trăn trở và thậm chí không ít thất bại. Tuy nhiên, nó sẽ không trở nên vô nghĩa nếu con người tìm được bến đỗ cuộc đời là Thiên Chúa mà hiện thân là Đức Giêsu. Ngài đến thế gian để giải thoát con người khỏi đau khổ do tật bệnh, giải phóng con người khỏi sự trói buộc của satan, biến đổi người nô lệ thành người tự do trước tội lỗi, làm cho tội nhân nên con Thiên Chúa. Ngài thực hiện việc giải thoát bằng cách đưa tay chữa lành đủ mọi thứ bệnh hoạn tật nguyền, cảm thông với người đau khổ, chữa lành tâm hồn bầm dập bằng cách tha thứ, kiên nhẫn cầu nguyện, đi khắp đây đó loan báo Tin Mừng cứu độ và sau cùng tự nguyện đón nhận cái chết trên thập giá. Xin cho mỗi kitô hữu cho dù cuộc đời còn nhiều khó khăn thử thách, luôn kiên vững tin tưởng vào Đức Giêsu, để chính nhờ niềm tin và tình thương, chúng ta được cứu thoát trọn vẹn. Amen.    

 
 

 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh