Mầu nhiệm phép rửa của Chúa Giêsu

Phụng vụ Chúa Nhật này nối kết giữa mầu nhiệm Giáng Sinh với Chúa Nhật thứ nhất mùa thường niên. Phụng vụ hôm nay dẫn chúng ta đi từ Bê-lem tới bờ sông Gio-đan. Ba mươi năm là khoảng thời gian Chúa Giê-su sống trong âm thầm, giản dị, bình dân, không ồn ào và Tin mừng cũng không nhắc gì nhiều trong khi Ngài còn chờ đợi giờ phút của Cha. Và hôm nay, giờ đã điểm. Chính hôm nay Chúa Cha đã chọn ngày giờ cho sự khởi hành sứ mạng công khai của Chúa Giê-su, ngày của đời sống âm thầm mở ra. Đó là sự khởi đầu loan báo Nước Thiên Chúa của Chúa Giê-su.
 
Chúng ta hãy ngắm nhìn Chúa Giê-su trong số những người đang chờ được chịu phép rửa. Ôi! Sao Ngài hạ mình. Nói đến đây, chúng ta cũng nhớ đến cử chỉ hạ mình của Đức Phanxicô khi đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Đức Thánh Cha đã cúi đầu xin phép lành của Đức Thượng phụ Chính thống giáo. Với Chúa Giê-su, khi xin chịu phép rửa, Ngài đã liên kết với thân phận loài người tội lỗi. Đấng Cứu độ hòa mình với mọi tội nhân. Như Nguồn hòa vào dòng suối nước để thánh hóa chính dòng nước này.
 
Khi nhập thể, Ngài mang thân phận xác phàm. Bây giờ, Ngài lại gánh lấy tội trần gian khi liên đới với chúng ta. Thánh Gioan xác định : “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”. Như thế, Chúa Giê-su đã mặc lấy mọi tội trong lịch sử loài người. Ngài trình diện trước Chúa Cha trong hoàn cảnh của một Thiên Chúa sống giữa tội nhân vì Ngài đảm nhận tội mà Ngài không hề có. Ngài đã trở nên một trong số anh chị em của mình để cứu họ khỏi tội lỗi. Điều này đã trở thành chướng tai gai mắt cho người Do thái khi Thiên Chúa làm người. Giờ đây, nó còn trở thành cớ vấp phạm khi Ngài chịu phép rửa. Người ta tưởng Ngài cũng mang tội như họ, nên họ nghĩ Ngài chỉ là phàm nhân.
 
Nhưng tình yêu Thiên Chúa quá lớn lao bởi Ngài đã quá hạ mình. Tình yêu Thiên Chúa trong và qua Chúa Giê-su mạnh hơn tội lỗi và mạnh hơn mọi sự dữ. Sự hạ mình của Ngài để làm gương, để thánh hóa, để cứu độ, để chiến thắng mọi tội lỗi do Sa-tan giăng bẫy chính Thiên Chúa và loài người. Trong biến cố Chúa chịu phép rửa, tình yêu của Chúa Cha dành cho Chúa Con diễn tả qua việc sai Chúa Thánh Thần hiện xuống như chim bồ câu, chứng tỏ Chúa Thánh Thần luôn hiện diện nơi Chúa Giê-su. Chúa Thánh Thần cũng đến với mỗi chúng ta khi chúng ta lãnh Bí tích Thánh Tẩy.
 
Khi mà chịu phép rửa, Chúa Giê-su trình diện trước Chúa Cha, Chúa Thánh Thần và toàn nhân loại. Cho nên, Chúa Cha sẽ nói với Chúa Giê-su bằng một tiếng nói vọng từ trời cao : “Đây là Con Ta yêu dấu; nơi Con, Cha thấy niềm vui của Cha”. Thật đúng là tương quan vĩnh hằng của Cha dành cho Con vì Cha đã sinh ra Con nhưng không phải tạo thành theo cách hiểu của loài người.
 
Chim bồ câu không chỉ là biểu tượng của hòa bình mà nhất là biểu tượng của Thánh Thần tình yêu. Nếu Ngài đã hiện diện trên mặt nước trong cuộc sáng tạo tiên khởi thì Ngài càng phải hiện diện hơn trong cuộc sáng tạo mới được khởi sự từ Chúa Giê-su hôm nay. Còn tiếng của Chúa Cha chính là dấu đã được báo trước bởi các ngôn sứ và dân chúng đang chờ đợi. Gioan Tẩy giả, đại diện cho họ để nói rằng: “Có Đấng đến sau tôi mà cao trọng hơn tôi;… tôi làm phép rửa trong nước; còn Đấng ấy sẽ rửa anh chị em trong Chúa Thánh Thần” (Mc 1, 7-8).
 
Xin cho Bí tích Thánh Tẩy của chúng ta và của anh chị em chúng ta lãnh nhận thật sự là món quà của Chúa Thánh Thần. Xin cho Bí tích này thanh tẩy tội nguyên tổ của chúng ta, sẽ thanh tẩy nhiều người khác nữa. Xin cho mỗi người chúng ta tin rằng : “Ai tin và chịu Phép Rửa thì sẽ được cứu độ” (Mc 16, 16) và cũng luôn sống Bí tích này nữa.
 

Lm. Vinh Sơn