Ý Nghĩa Mùa Chay thánh của Giáo hội Công Giáo

Ý Nghĩa Mùa Chay thánh của Giáo hội Công Giáo

 

 Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ý Nghĩa Mùa Chay thánh của Giáo hội Công Giáo.

Thứ Tư ngày 13 tháng 2/2002, Giáo hội Công Giáo bước vào Mùa Chay thánh. Vậy Mùa Chay là gì?

Trong tiếng Latinh,  Mùa Chay thánh được gọi là “Quadragesima” (ngày thứ 40), tức là thời kỳ gồm 40 ngày,  (thực sự là 46 ngày, nếu tính từ Thứ tư lễ Tro cho đến Chúa nhật Phục sinh), nhưng theo nghĩa hẹp, Mùa Chay tính từ Chúa nhật thứ nhất đến chiều Thứ Năm Tuần Thánh, nghĩa là cho tới lúc cử thành thánh lễ Tiệc Ly vào ban chiều “in Caena Domini”,  trong đó Chúa lập Bí tích Thánh Thể,  rửa chân cho 12 môn đệ và truyền lại Giới răn mới.

Mùa Chay kéo dài 40 ngày, trước hết để nhớ lại 40 ngày Chúa Giêsu ăn chay và cầu nguyện trên Núi. Núi này cao 500 thước, ở mạn bắc cánh đồng Gerico, cách thành phố này 4 cây số. Theo truyền thống từ lâu,  Núi nầy được coi là nơi Chúa Giêsu ăn chay và cầu nguyện trong 40 đêm ngày và sau đó bị Satan cám dỗ (Mt 4,1-11; Lc 4,1-15). Hiện nay, trên đỉnh núi có một nhà nguyện được xây cất tại chính nơi Satan cho Chúa  nhìn thấy “tất cả các nước trên thế giới và sự huy hoàng của các nước này (Mt 4,8).

Thời gian 40 ngày cũng để nhớ lại 40 đêm ngày Maisen cầu nguyện trên Núi Sinai và được Chúa trao cho 10 Giới răn. Rồi 40 ngày còn để nhớ lại cuộc hành trình 40 ngày trong sa mạc của Tiên tri Elia, lúc ông trốn khỏi cơn thịnh nộ của  Hoàng hậu Gezabele,  để tiến về Núi Oreb (cũng là núi Sinai, kế Biển Ðỏ và Kênh đào Suez), nơi đây Chúa mạc khải và trao cho ông sứ vụ mới (1 Vua 19).

Mùa Chay của Giáo hội Công giáo là thời kỳ chuẩn bị trong cầu nguyện, trong  sám hối, trong suy tư , trong  thanh vắng và bằng những hy sinh, những công việc bác ái, cách riêng đối với các anh chị em nghèo khổ, để có thể được tái sinh thiêng liêng  trong ngày Chúa Phục sinh.

Việc ăn chay và kiêng thịt ngày nay được giảm bớt rất nhiều, chỉ còn buộc có hai ngày: Thứ tư Lễ Tro, bắt đầu Mùa Chay và Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày kính nhớ Cuộc Tử nạn của Chúa trên Thánh giá. Dù sao  cũng nên kiêng thịt các ngày thứ sáu Mùa Chay. Trong Mùa Chay thánh, các tín hữu nên nhớ lại ba mệnh lệnh: ăn chay, sám hối và cầu nguyện. Việc ăn chay đẹp lòng Chúa hệ  tại giải thoát mình khỏi tính ích kỷ và ở tại việc an ủi và giúp đỡ tha nhân, cách riêng những người sống trong cảnh cùng cực. Giáo hội giảm bớt rất nhiều việc ăn chay bên ngoài, có mục đích thúc giục con cái mình dấn thân nhiều hơn trong việc giúp đỡ các người đau khổ, cùng cực. Mùa Chay là thời giờ khám phá ra những nhu cầu của anh chị em mình và nhắc nhở hết thảy chúng ta tìm mọi cách để đến gặp gỡ các người đau khổ tinh thần và thể xác, bằng việc từ bỏ chính bản thân và những gì có thể ngăn trở việc tiến về Chúa. Việc ăn chay được thực hiện với lòng yêu mến Chúa và với tình yêu đối với tha nhân là dấu chỉ của ý chí thành thực muốn trở về với Thiên Chúa, muốn thay đổi cuộc đời. Theo ý nghĩa sâu xa này, việc ăn chay vẫn giữ toàn vẹn giá trị của nó.

Phụng vụ Mùa Chay rất giúp ích cho việc suy gẫm Lời Chúa. Mỗi ngày trong Mùa Chay đều có những bài Sách thánh riêng, giúp chúng ta thực hiện giáo huấn của Chúa: “Con người không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng những lời phát xuất bởi miệng Chúa nữa”. Trong Mùa này, các tín hữu được mời gọi tham dự thánh lễ hằng ngày, nếu có thể và các vị chủ chăn được mời gọi giải thích Lời Chúa cho cộng đồng tham dự thánh lễ.

Phụng vụ Lời Chúa trong Mùa Chay còn giúp các anh chị em tân tòng chuẩn bị trực tiếp, để lãnh Bí tích Rửa tội và giúp những ai đã được rửa tội rồi, củng cố đức tin để  tiến mạnh trên con đường thánh thiện. Trong Ðêm Vọng Phục sinh, anh chị em tân tòng và các tín hữu sẽ cùng nhau, cầm nến sáng trong tay, tuyên xưng lại lời hứa Phép rửa tội. Trong lễ nghi rửa tội, các tín hữu đã thề từ bỏ ma quỉ và các việc của chúng, cam đoan tin kính Chúa Ba Ngôi và trung thành với Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Vì thế, càng gần lễ Phục sinh, các tín hữu càng được mời gọi suy ngắm cuộc Tử nạn và Phục sinh của Chúa, để cùng với cuộc Tử nạn, các tín hữu chôn vùi tội lỗi trong mồ và sau đó cùng sống lại trong vinh quang phục sinh với Chúa Kitô.

Tiếp liền sau Mùa Chay, là TAM NHẬT THÁNH,  bắt đầu từ Thánh lễ Tiệc Ly  (in Caena Domini) và  được kết thúc với giờ Kinh chiều Chúa nhật Phục sinh. Trong ba ngày Thánh này, Giáo hội suy ngắm cách riêng Cuộc Tử nạn của Chúa và chờ đợi ngày Phục sinh của Người, với những nghi thức phụng vụ rất ý nghĩa cảm động.

Trong sứ điệp Mùa Chay năm 2002, ÐTC nhắc lại cho con cái Giáo hội:  Mùa Chay là lúc trở về với nguồn gốc đức tin, bởi vì, trong khi suy ngắm về ơn thánh vô cùng lớn lao của Mầu nhiệm cứu chuộc, chúng ta không thể không ý thức được rằng: tất cả những gì đã ban cho chúng ta là do sáng kiến yêu thương của Thiên Chúa. Mùa Chay, trong khi đặt gương Chúa Kitô hy sinh trên Ðồi Calvario,  giúp chúng ta cách riêng hiểu rằng: sự sống đã được chuộc lại nơi Người. Qua trung gian Chúa Thánh Thần, Người canh tân cuộc sống chúng ta và làm cho chúng ta thông phần vào chính sự sống Thiên Chúa; sự sống này dẫn đưa chúng ta vào trong sự thân mật của Thiên Chúa Ba Ngôi và làm cho chúng ta cảm nghiệm tình yêu thương của Người đối với chúng ta. Ðây là một ơn cao cả, mọi tín hữu chỉ biết tuyên xưng ơn này và cảm tạ Chúa  với niềm hân hoan mà thôi.