Câu hỏi được đặt ra là: tại sao những người thông truyền đức tin lại chủ yếu là những phụ nữ? Đơn giản bởi vì Đấng đã mang Chúa Giêsu đến cho chúng ta là một người phụ nữ. Đó là con đường đã được Chúa Giêsu lựa chọn.
Vai trò trước hết và trên hết của phụ nữ trong việc thông truyền đức tin
Vai trò chính yếu và không thể thiếu được của phụ nữ trong việc thông truyền đức tin cho các thế hệ trẻ là trọng tâm bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta vào sáng thứ Hai 26 tháng Giêng nhân lễ nhớ hai Thánh Timôthê và Titô – giám mục và là các môn đệ của Thánh Phaolô Tông Đồ.
Đức Thánh Cha đã đặc biệt khai triển bức thư thứ hai của Thánh Phaolô gởi ông Timôthê.
Các bà mẹ và bà ngoại thông truyền đức tin
Thánh Phaolô nhắc nhớ là “đức tin chân thành” của Timôthê đến từ đâu: đức tin của người môn đệ ngài đến từ Chúa Thánh Thần, “qua mẹ và bà ngoại” của ông. Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp: “Mẹ và bà ngoại là những người [chủ yếu] thông truyền đức tin”.
Có hai khía cạnh: một là truyền lại đức tin, hai là dạy dỗ những vấn đề đức tin. Đức tin là một ân sủng: người ta không thể nghiên cứu Đức tin. Chúng ta nghiên cứu những khiá cạnh của đức tin, đúng thế, để hiểu đức tin tốt hơn, nhưng chỉ nghiên cứu mà thôi ta sẽ không bao giờ đạt tới được đức tin. Đức tin là một ân sủng của Chúa Thánh Thần, vượt lên tất cả việc đào tạo mang tính “học thuật”.
Đức tin, hơn thế nữa, là một ân sủng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thông qua các “công việc tốt đẹp của các bà mẹ và những người bà, và những công việc đẹp đẽ của những phụ nữ đóng những vai trò này “trong một gia đình”, cho dù họ là người giúp việc hoặc cô dì,” những người đang lưu truyền đức tin.
Câu hỏi được đặt ra là: tại sao những người thông truyền đức tin lại chủ yếu là những phụ nữ? Đơn giản bởi vì Đấng đã mang Chúa Giêsu đến cho chúng ta là một người phụ nữ. Đó là con đường đã được Chúa Giêsu lựa chọn. Ngài muốn có một người mẹ: hồng ân đức tin đến với chúng ta thông qua những người phụ nữ, như Đức Giêsu đã đến với chúng ta qua Đức Maria.
Trân trọng hồng ân đức tin để đức tin đừng lụi tàn
Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Ngày nay, chúng ta cần xem xét liệu người phụ nữ có thực sự nhận thức được nghĩa vụ phải thông truyền đức tin của họ không.” Thánh Phaolô mời gọi Timôthê hãy bảo vệ Đức tin, kho tàng Đức tin, tránh xa “thứ tranh luận ngoại giáo trống rỗng, thứ tranh luận rỗng tuếch của thế gian”
Đức Thánh Cha nói tiếp, “Chúng ta – tất cả chúng ta – đã nhận được hồng ân đức tin. Chúng ta phải giữ gìn nó, ít nhất là để nó không bị tàn lụi, để đức tin vẫn vững mạnh, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần là Đấng đã ban đức tin cho chúng ta”. Chúng ta giữ vững đức tin bằng cách trân trọng và dưỡng nuôi nó mỗi ngày.
Nếu chúng ta không chăm sóc mỗi ngày, không linh hoạt hồng ân này của Thiên Chúa là Đức Tin, nhưng cứ để đức tin chúng ta suy yếu, tan loãng, thì kết cục đức tin chỉ còn là một thứ văn hóa: “Vâng, tôi là một Kitô hữu, đúng lắm “- nhưng chỉ là một thứ văn hóa –một kiến thức ngộ đạo, hay một dạng chuyên biệt của kiến thức:” Vâng, tôi biết rõ tất cả các khía cạnh của đức tin, tôi rành rẽ giáo lý’. Nhưng anh chị em sống đức tin của mình như thế nào? Như thế, điều trọng yếu là phải linh hoạt hồng ân này mỗi ngày: phải đưa nó vào cuộc sống.
Đức tin không thể gia tăng nếu ta nhút nhát và xấu hổ vì đức tin
Thánh Phaolô nói rằng có hai điều đặc biệt tương phản với một đức tin sống động: đó là “tinh thần hèn nhát và xấu hổ”.
Thiên Chúa đã không ban cho chúng ta một tinh thần nhút nhát. Thái độ rụt rè đi ngược lại với hồng ân đức tin: nó không để cho đức tin phát triển, vươn lên, và lớn mạnh. Còn xấu hổ thì là tội lỗi sau đây, [chẳng hạn có người nói] “Vâng, tôi có đức tin, nhưng tôi che đậy nó, để người ta thấy chút chút thôi’. Một chút chỗ này, một chút chỗ kia – như các bậc tiền bối của chúng ta thường gọi là thứ đức tin “nước hoa hồng” – bởi vì tôi xấu hổ không dám sống đức tin mạnh mẽ. Không. Như thế không còn là Đức tin nữa: Đức tin không thể rụt rè cũng không thể xấu hổ. Vậy, đức tin là gì? Thưa, đó là một tinh thần mạnh mẽ, yêu thương, và khôn ngoan: đức tin là như thế”
Đức tin là không thể thương lượng
Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng tinh thần của sự khôn ngoan là biết rằng chúng ta không thể làm tất cả mọi thứ chúng ta muốn: nó có nghĩa là tìm kiếm những cách thế để thăng tiến đức tin một cách thận trọng.
Đức Thánh Cha kết luận rằng:
“Chúng ta cầu xin ân sủng của Chúa để chúng ta có thể có một đức tin chân thành, một đức tin không tương nhượng tùy theo những hoàn cảnh cụ thể, một đức tin được chúng ta linh hoạt mỗi ngày hay ít nhất là xin Chúa Thánh Thần linh hoạt nó cho chúng ta, và làm cho nó sinh nhiều hoa trái. “
Đặng Tự Do