“Từ buổi mai xin cho con nghiệm thấy tình thương của Chúa” (Tv 143,8)

Giảng lễ tạ ơn Sr. Maria

Kính thưa, quý ông bà và anh chị em, cách riêng kính thưa tân nương là Maria của Tân lang Đức Ki-tô.

Hôm nay cả cộng đoàn đang hiệp cùng với nữ tu Maria để tạ ơn Chúa vì Ngài đã thương chọn nữ tu dành riêng cho Ngài để thánh hiến và sai nữ tu ra đi Loan Báo tin Mừng cho muôn dân. Nữ tu Maria là 1 người nữ bình thường như bao thôn nữ khác, thậm chí còn thua kém hơn các bạn bè cùng lứa tuổi về mọi mặt. Thế nhưng, vì muốn thuộc trọn cho Chúa và muốn trở nên dụng cụ Chúa dùng để ban phát và gửi trao yêu thương đến cho mọi người, nhất là những hoàn cảnh éo le, bệnh hoạn và tật nguyền. Bởi đó, Chị Maria được gọi vào dòng ngày 15/2/2010 tại cộng đoàn Quy Chính. Năm 2013 phục vụ ở họ Đức Thịnh, Xứ Quan Lãng. Tháng 5/2014 vào lớp Tiền Tập. Tháng 5/2014 vào nhà tập I. Tháng 5/2015 vào tập II, Chị được sai đi phục vụ ở cộng đoàn Thuận Nghĩa.  Ngày 5/7/2016 khấn lần đầu. Học hai năm thần học tại Học Viện Liên Dòng Giáo hoàng Gioan XXIII. Ngày 10/6/2019 chuyển vào cộng đoàn Bác Ái Hoàng Mai, Gò vấp TP HCM. Tháng 12/2021, chị được gọi vào lớp Đại tập. Sau những năm tháng hành trình với ơn gọi trong Hiệp hội TSBA Vinh với biết bao thử thách và gian nan, thì vào lúc 8 giờ sáng ngày 31/5/2022 chị đã được chọn gọi và lãnh nhận hồng ân vĩnh khấn. Nhận ra ơn gọi mình là bởi ơn Chúa và mình chỉ là nữ tỳ của Chúa, nên nữ tu Maria đã chọn cho cuộc đời thánh hiến của mình câu “Ngay từ buổi sớm mai, xin cho con nghiệm thấy tình thương của Chúa” làm kim chỉ nam hay châm ngôn sống cho hành trình bước theo Chúa của mình. Ước mong rằng cuộc đời nữ tu dệt nên bài ca ngợi tình yêu Thiên Chúa qua bổn phận được trao với tư cách là thành viên trung thành của Chúa và của Hội hiệp hội mình. Ước mong rằng không chỉ riêng buối sớm mai, mà cả ngày sống và trong suốt suốt cả cuộc đời xơ Maria, Xơ luôn luôn nhớ đến Chúa, và gắn kết với Chúa cách sâu sắc và trung tín.

Kính thưa, cách riêng nữ tu Maria,

Trong bài chia sẻ này tôi muốn mượn hình ảnh “chiếc nhẫn” để nói với cộng đoàn, nhất là nói với nữ tu MARIA. Chúng ta sẽ cùng nhau trả lời cho những vấn đề đặt ra như sau: Chiếc nhẫn nói lên điều gì vậy? Chiếc nhẫn cưới trong ngày hôn nhân của hai người yêu nhau và “chiếc nhẫn cưới” trong ngày khấn dòng muốn nói lên điều gì vậy? Để giữ trọn chiếc nhẫn cưới đó, chúng ta có gặp những khó khăn, thử thách và cám dỗ nào không? Đâu là cám dỗ của đời sống thánh hiến trong thế giới hôm nay? Giải pháp nào có thể vượt qua được những cám dỗ của đời tu hay đời thánh hiến?

Quả thật, kính thưa,

Nhẫn là một vòng tròn, thường làm bằng kim loại, được đeo như một trang sức ở ngón tay, thỉnh thoảng là ngón chân. (Theo từ điển Wikipedia). Người Ai Cập cổ đại là những người đầu tiên lấy biểu tượng cho sự bất diệt là vòng tròn, và dùng nó để tượng trưng cho hôn nhân. Họ đeo nhẫn ở ngón thứ tư của bàn tay trái (một truyền thống vẫn còn đến bây giờ) bởi vì họ tin rằng mạch chảy tình yêu sẽ chạy thẳng từ ngón tay này đến tim. Những chiếc nhẫn cổ xưa được làm từ da, xương và sau này là kim loại.

Trong ngày lễ cưới, chúng ta đã chứng kiến việc linh mục, vị chứng hôn đã làm phép cho đôi nhẫn mà đôi nam nữ sắp trao cho nhau. Họ cầm nhẫn lên và nói: “ Em, Anh hãy nhận lấy chiếc nhẫn này để làm bằng chứng tình yêu và lòng chung thủy của Em, hay của Anh, nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần.” Như thế, chiếc nhẫn cưới là dấu chỉ của tình yêu và dấu chỉ của lòng chung thủy của hai anh chị sắp về chung sống với nhau sau lễ cưới. Chiếc nhẫn cưới ở hai ngón tay của hai người nối kết lại thành vòng số tám(8) và được giữ bền chặt với nhau mà không thể tách lìa. Một sự gắn bó mật thiết với nhau và trong nhau. Một sự nối kết không bao giờ được chia rẽ. Nối kết đó đến từ Chúa như Kinh Thánh khẳng định: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợploài người không được phân ly”(Mc 10, 9).

Cũng vậy, trong ngày lễ khấn hiệp hội, Đức Giám Mục đã trao cho nữ tu MARIA một chiếc nhẫn vào ngón tay như là dấu chỉ từ nay nữ tu MARIA là tân nương cưới Tân lang là Đức Ki-tô. Từ nay, chiếc nhẫn mà nữ tu đeo trên mình không là đồ trang sức bình thường nhưng là dấu chỉ nữ tu thuộc trọn về Chúa Giê-su, thuộc trọn vào Hội Thánh, và nhất là nữ tu thuộc trọn cộng đoàn chị em trong ơn gọi TSBA Vinh. Chiếc nhẫn nơi nữ tu từ nay trở thành dấu chỉ tình yêu trọn vẹn cho Đức Ki-tô, vị Tân Lang muôn đời mà không phải thuộc về một ai khác. Thật vậy, khi quan thống đốc thành Rôma sai quân đến thúc bách cô Anê hãy lấy con của ông, thánh nữ liền hãnh diện từ chối bằng một câu trả lời cao cả: “Quan đến giạm hỏi cho tôi một người bạn trăm năm sao? Tôi đã có Người Bạn Trăm Năm đó rồi. Người Bạn Trăm Năm của tôi phú quý gấp mấy!” Ý thánh nữ Anê muốn nói: Đó là Chúa Giêsu, Bạn Trăm Năm tuyệt vời của cô! Chúa Giêsu muốn chúng ta gọi Ngài là Thầy, là Cha, là Đấng Chăn Chiên lành. Nhưng đối với nữ tu MARIA, Chúa Giêsu muốn nữ tu gọi Ngài là Bạn Trăm Năm của Ngài, và được Ngài gọi là Hiền Thê của Ngài. Chúa Giêsu và nữ tu kết duyên với nhau một cách thiêng liêng cao trọng bằng sự chung thủy như ngôn sứ Ôsê mà chúng ta đã lắng nghe trong bài đọc 1: “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương; Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Ðức Chúa.” (Hôsê 2, 21-22). Từ nay Nữ tu MARIA dâng trọn xác hồn cho Chúa Giêsu, như lời nhận xét của thánh Phaolô khi nói với giáo đoàn Côrintô trong bài đọc 2: “Người trinh nữ chuyên lo việc Chúa, để trọn thuộc về Chúa cả hồn lẫn xác.” (1 Cr 7, 34).

Quả thật, kính thưa,

Để giữ trọn vẹn chiếc nhẫn vĩnh khấn đó, nữ tu phải trải qua rất nhiều và rất nhiều việc cắt tỉa đối với cuộc sống hằng ngày bởi những cám dỗ trong đời dâng hiến: tiền bạc, hưởng thụ, nhục dục, danh vọng,…Quả thật, chiếc nhẫn cưới trong ngày khấn dòng của nữ tu MARIA, không chỉ treo vào ngón tay bình thường, nhưng đã được đặt vào tâm trí và toàn thể con người của nữ tu với 3 lời khuyên Phúc Âm: Vâng phục, khiết tịnh và khó nghèo. Từ nay nữ tu MARIA phải nỗ lực hết mình để sống trọn 3 lời khấn mà nữ tu đã tự nguyện tuyên khấn trước mặt Chúa và Bề Trên.

Từ nay ‘sống trọn đời trinh khiết là nữ tu phải đi ngược với con người thế gian, là con người ưng hoàn toàn thoả mãn tính dục, bất chấp mọi rào cản luân lý và đạo đức. Từ nay ‘sống trọn đời khó nghèo’ là nữ tu được đòi buộc đi ngược với con người thế gian, là con người ưng gom tóm mọi của cải vật chất để ích kỷ hưởng thụ một mình cho sung sướng. Từ nay ‘sống trọn đời vâng phục là nữ tu được mời gọi đi ngược với con người thế gian, là con người ưng tự do hoàn toàn, muốn gì được nấy, thích chi là làm. Quả thật, để sống trọn đời 3 lời khấn trên, quả là không dễ dàng chút nào!

Thế thì làm sao để nữ tu giữ trọn lời tuyên khấn mà mình đã đoan hứa trong ngày thánh hiến? Chính Đức Giêsu đã chọn gọi 12 Tông Đồ để các ông ở với Ngài và để Ngài sai đi. Cũng vậy, để trở nên môn đệ đích thực và là nữ tu trung thành của Đức Kitô, nữ tu MARIA cũng phải hằng luôn ở lại trong Đức Kitô, sống với Đức Kitô và đi cùng Đức Kitô. Để như Thánh Phaolô hằng tâm niệm “Tôi sống không phải là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi”. (Gl2, 20)

Tại sao phải ở lại với Đức Kitô? Là môn đệ của Đức Kitô, nữ tu MARIA cũng được mời gọi hãy ở lại với Ngài để học hỏi với Ngài về lời ăn tiếng nói; về đức khiết tịnh, về đức khó nghèo, về đời sống cầu nguyện,…Ở lại với Đức Kitô để múc lấy nguồn sức sống dồi dào từ Ngài; ở lại trong Đức Kitô để học nơi Ngài sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng; ở lại với Đức Kitô để cũng biết cảm thông, sẻ chia và ủi an những ai đang lầm đàng lạc lối, những ai đang sống trong tình trạng tội lỗi; ở lại với Đức Kitô để luôn biết tin tưởng và phó thác cho tình yêu quan phòng của Thiên Chúa Cha; ở lại với Đức Kitô để luôn biết yêu thương và tha thứ cho anh chị em,… Nói tóm lại, ở lại với Đức Kitô là nên giống Đức Kitô mọi đàng. Khi ở lại với Đức Kitô, và ở lại với Thiên Chúa, chúng ta sẽ được đầy tràn nhựa sống hạnh phúc và bình an. Trong Phúc Âm hôm nay, Chúa Giê-su đã ví mình là cây nho, mỗi chúng ta là cành. Như cành nho muốn sinh hoa kết quả trĩu nặng và thơm tho, cành nho phải kết hợp và gắn liền với thân nho, cũng vậy, nếu muốn sống tốt 3 lời khuyên Phúc âm giữa biển đời giông tố bão bùng với đầy cám dỗ, nữ tu MARIA phải trở nên “chiếc nhẫn nối kết” bền chặt hơn với Đức Ki-tô để một khi đã nối kết thâm hậu với Chúa rồi, ắt nữ tu sẽ dễ dàng nối kết với anh chị em, nhất là với những hoàn cảnh khó khăn thất vọng nơi mà nữ tu được giao nhiệm vụ gặp gỡ và coi sóc. Quả thật, như câu châm ngôn sống của Chị Maria đã chọn, chị Thánh Tê-rê-xa khuyên rằng: “Trên hết tất cả, anh em hãy làm cho lòng mình đầy tràn Thiên Chúa trước đã, rồi sau đó anh em mới có thể chia sẻ, đem Chúa cho người khác được.” Vì thế, việc gặp gỡ anh chị em, hiện diện với tha nhân hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự ở lại, sự gặp gỡ và hiện diện với Đức Ki-tô trong đời sống cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em, 

Nữ tu MARIA từ nay thuộc trọn về Hiệp hội Thừa Sai Bác Ái giáo Phận Vinh với Mục đích: Tôn vinh Thiên Chúa, xây dựng Giáo hội và loan báo Tin mừng cứu độ cho muôn dân bằng việc thi hành bác ái. Với mục đích này, nữ tu MARIA luôn ý thức rằng tất cả mọi việc mình làm, nói và suy nghĩ là luôn tôn vinh Thiên Chúa, xây dựng Giáo hội và Loan báo tin Mừng cho muôn dân qua đời sống phục vụ bác ái yêu thương.

Tuy nhiên, tự sức nữ tu MARIA khó để sống xứng đáng là thành viên thánh thiện của hiệp hội, khó để thực hiện được mục đích ấy, vì thế, nữ tu cần có sức mạnh từ Chúa Giê-su và noi gương Đức Mẹ thăm viếng, sống và thi hành bác ái với mọi người, đặc biệt với những người thiếu may mắn.

Với Linh đạo của hiệp hội là Sống bác ái theo tinh thần Tin mừng (hết mình) với tha nhân, phục vụ tận tình đối với những người tàn tật, già nua đau yếu, không nơi nương tựa, từ nay, linh đạo này sẽ luôn gắn bó và trở thành xương thành thịt trong suốt đời tận hiến của nữ tu MARIA.

Chính nhờ đời sống cầu nguyện, thì mọi công việc của nữ tu MARIA mới sinh hoa kết trái. Vì đời sống thiêng liêng là linh hồn của đời tu, và cầu nguyện là hơi thở của đời sống tâm linh”. Thiếu đời sống cầu nguyện trong đời sống thánh hiến là đánh mất giá trị, mất hết nhựa sống để sống bình an và gieo rắc bình an.

Thật vậy, kính thưa, tạ ơn Thiên Chúa hôm nay không chỉ dừng lại ở đầu môi chót lưỡi, nhưng Chúa muốn mỗi chúng ta hãy biến lời tạ ơn thành những công việc cụ thể. Cuộc đời của nữ tu MARIA từ nay sẽ là lời tạ ơn không bao giờ ngừng với 3 lời khấn: trọn đời khiết trinh, trọn đời đói nghèo, trọn đời vâng phục. Là thân phận con người mỏng dòn, yếu đuối, nữ tu MARIA cũng rất cần lời cầu nguyện của tất cả mọi người để nữ tu mỗi ngày trở nên môn đệ đích thực của Chúa Kitô và là bạn đồng môn trung thành, dễ thương của chị em trong tu viện. Xin Chúa chúc lành cho nữ tu MARIA và cho tất cả quý ông bà và anh chị em. Xin Chân thành cám ơn quý vị đã lắng nghe.

Linh mục Paul Phạm Trọng Phương