Tranh biếm họa gây đổ máu

Không ai muốn người thân của mình chết thương tâm bằng phát súng của tên khủng bố. Còn tên khủng bố thì chỉ biết bắn và bắn, không biết những người xung quanh mình là ai. Đơn cử như vụ thảm sát hôm thứ Tư ngày 7 tháng 1 năm 2015. Một tên khủng bố đã bắn một phát súng vào đầu gây tử vong cho một cảnh sát quận tên là Ahmed và viên cảnh sát này lại là người theo đạo Hồi.
 
Tờ báo hàng tuần Charlie Hebdo (Charlie là tên của nhà hài kịch nổi tiếng của Anh quốc: Charlie Chaplin) chuyên vẽ và bình luận ngắn về mọi lãnh vực để gây cười cho độc giả. Tuy nhiên, mặt trái của nó là gây bực tức cho nhân vật bị vẽ trên tờ báo, cho thân nhân của họ. Nguy hiểm nhất cho tờ báo này là vẽ các Đấng thần linh của các tôn giáo, nhất là vẽ tiên tri Mahomet để gây cười. Chính vì thế, tờ báo này đã nhận hằng trăm lá thư đe dọa và chính tòa soạn báo này đã bị đốt và cũng xảy ra tương tự tại Đức. Đau thương nhất là vụ thảm sát hôm thứ Tư vừa qua và lập tức tạo nên hiệu ứng dây chuyền với vụ khủng bố thứ hai có liên quan đến vụ này gây thêm 4 người chết nữa tại siêu thị của người Do thái ở Vincennes.
 
Hai tên khủng bố là hai anh em ruột, có hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc. Cha mất sớm. Họ đã từng sang Yemen và được huấn luyện bắn súng. Họ đã từng phạm tội và ở tù. Khi bắn chết và gây thương tích cho 20 người, họ đã kêu lên: Chúng tao đã trả thù cho vị tiên tri (Mahomet). Khi bị bao vây trong một xí nghiệp mà họ ẩn trốn, qua điện thoại họ đã tuyên bố rằng chúng tao muốn chết tử vì đạo. Cuối cùng thì họ cũng bị bắn chết.
 
Cũng nói thêm, tờ báo này thiên về phe chính trị muốn cho tự do. Cho nên, hôm Chủ Nhật ngày 11 tháng 01 năm 2015, Tổng Thống Pháp và Chính Phủ kêu gọi xuống đường biểu tình chống khủng bố, cũng có nhiều chính khách cao cấp của nhiều quốc gia tham dự. Chống khủng bố là điều ai cũng ủng hộ vì giết người vô tội. Nhưng để trả lời cho câu hỏi: Bạn có phải là charlie không ? Câu trả lời đòi phải có sự phân định. Đức Hồng Y André Vingt-Trois cũng bị hỏi câu này, ngài trả lời: Không, tôi là Tổng giám mục Tổng giáo phận Paris.
 
Thế nhưng tự do như vẽ tranh biếm họa các vị lãnh đạo tôn giáo để cười là đi quá đà, gây phẫn nộ cho các tín hữu tôn giáo đó, nhất là những kẻ cực đoan của đạo Hồi (Islam). Họ sẵn sàng chết để trả thù và như vậy được gọi là tử vì đạo đối với họ.
 
Trong lá thư mục vụ hôm 10 tháng 1 năm 2015, Đức Hồng Y André Vingt-Trois một đàng kêu gọi người công giáo Tổng giáo phận Paris cầu nguyện cho các nạn nhân và chia buồn với thân nhân, gia đình của họ, đàng khác ngài cũng thêm hai ý trong lá thư đó. Đó là “tranh biếm họ, là mùi vị xấu và có những phê bình đôi khi không đúng”. Chính ngài cũng đã có lần bị tờ báo này vẽ tranh biếm họa và phê bình.
 
Người ta đặt câu hỏi: Nếu vẽ cái gì cũng để cười, vậy vẽ biếm họa rồi gây ra khủng bố liệu có cười được không ? Tranh biếm họa như thế đã trở thành cái nghiệp mạo hiểm. Từ cái nghiệp này, thế giới Hồi giáo và người Ả-rập nghĩ rằng Tây phương đang bài kích họ, đang cười nhạo họ. Cho nên, nhiều nhà báo và người Tây phương bị bắt làm con tin và bị giết, một phần vì tiền, phần khác vì khái niệm tự do như vừa nói trên.
 
Những ngày này mọi người trên đất Pháp đang chia sẻ với nhau bằng văn bản, bằng điện thoại, hay trực tiếp nói chuyện về những vụ khủng bố. Có người nói rằng nếu không hài lòng về sự tự do Tây phương, xin trở về nước bạn. Ý kiến khác thì trích lời nhà văn và là nhà tư tưởng Nga, Leskov thế kỷ 19 nói: Luật pháp giống con ngựa, người ta muốn dẫn nó đi đâu mà họ muốn”. Khủng bố không phải là hai con ngựa đối đầu nhau mà những con người theo các ý tưởng đối đầu nhau : những người theo luật tự do báo chí bị những người theo luật đạo Hồi trả thù cho tiên tri Mahomet như là tử đạo.
 
Cần phải nhanh chóng tìm ra các giải pháp và phương thuốc để chữa trị. Khủng bố có muôn hình muôn vẻ, nó xuất phát từ mọi ý thức hệ, kể cả tôn giáo. Dù sao đi nữa, “Con người là cao cả” để phục vụ các giá trị cao cả khác.
 

Minh Sáng