Mồng 2 Tết
THẮP NÉN HƯƠNG LÒNG
NHỚ VỀ TỔ TIÊN
Dân tộc Việt Nam ta có truyền thống đạo đức rất đáng trân trọng: Chữ hiếu lúc nào cũng được đặt nặng. Vì thế, người có đạo hay không vẫn tương đồng về chữ hiếu. Bởi vì: “Chim có tổ, nước có nguồn, con người sinh ra có cha có mẹ”.
1. Phụng vụ Mồng 2 Tết quy hướng về ông bà tổ tiên
Theo truyền thống tốt lành của Giáo hội Việt Nam, mồng hai Tết, Giáo hội mời gọi mọi người kính nhớ đến tổ tiên, ông bà và cha mẹ đã qua đời, đồng thời cũng nhắc nhở mọi người biết hiếu thảo với bậc sinh thành còn sống. Việc báo hiếu mang một tầm vóc rất quan trọng trong gia đình và cá nhân. Điều này hoàn toàn không đi ngược lại với niềm tin Kitô giáo. Vì thế, trong Ca Nhập Lễ mồng hai Tết, Giáo hội nhắc nhở ta:
“Con ơi giữ lấy lời cha,
Chớ quên lời mẹ, nhớ mà ghi tâm.
Đèn soi trong chốn tối tăm,
Ấy chính là những lời răn, lệnh truyền.
Nhớ cầu cho bậc tổ tiên,
Khắc ghi công đức một niềm tri ân.”
Riêng với Lời Nguyện Nhập Lễ, Giáo hội kêu mời mọi người khẩn cầu xin Thiên Chúa ban Phúc lành cho các ngài: “Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa dạy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo. Hôm nay nhân dịp đầu năm mới, chúng con họp nhau để kính nhớ ông bà tổ tiên và cha mẹ. Xin Chúa trả công bội hậu cho các bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con và giúp chúng con luôn sống phải đạo đối với các ngài.”
Trong khung cảnh của ngày lễ hôm nay, Giáo hội không chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở ta báo hiếu với tổ tiên, nhưng còn thức tỉnh cho những ai còn ông bà cha mẹ, hãy tỏ lòng hiếu thảo với các ngài. Đặc biệt Lời Chúa hôm nay cũng quy hướng chúng ta về lòng hiếu thảo, và chắc cũng làm lay động tâm hồn và con tim ta, nếu thực sự chưa yêu thương ông bà cha mẹ. Và hy vọng rằng, với những tâm hồn chai đá, thì trong khoảnh khắc nào đó của cuộc đời, Lời Ngài sẽ tác động và làm bừng tĩnh trong họ một khát vọng yên thương đong đầy khi chưa thi hành đạo hiếu.
“ Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng” (Hc 3,2-6)
“Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già, bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người… ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Chúa nguyền rửa” (Hc 3, 12-13.16)
2. Nỗi niềm ngày Tết
Khi vui Tết và nhất là khi tham dự Thánh lễ mồng hai Tết sẽ làm khơi dậy trong ta nhiều nỗi niềm:
*Nhớ về cội nguồn: Tết vui thật, nhưng trong niềm vui rộn ràng ấy vẫn không sao khỏa lấp nổi nỗi lòng của ta, bởi phảng phất đâu đó nỗi nhung nhớ miên man sâu lắng phát lên từ cõi lòng hướng về tổ tiên ông bà. Hầu hết ngoài việc chuẩn bị đón tết gia đình nào cũng chăm lo trang trí, đơm hoa quả cho bàn thờ tổ tiên ông bà. Tập tục một số nơi dành ngày 30 tết để đón ông bà tổ tiên về ăn tết với con cháu, có gia đình thì 25 tết đã đón ông bà về để ăn tết sớm cho thong thả hơn. Rồi mồng bốn tết “cúng tất” để tiễn ông bà đi. Những nghĩa cử cao đẹp ấy rất linh thiêng và cảm động, như chưa bao giờ ta cảm nhận hình ảnh tổ tiên ông bà lại gần gũi đến thế: Đúng là “Người chết nối linh thiêng vào đời.” Riêng với người Kitô hữu ngoài việc dâng lễ ở nhà thờ, nhiều giáo xứ con tổ chức dâng lễ ngoài nghĩa trang để cầu nguyện và thăm viếng các ngài.
Có câu chuyện sau: năm Giáp Ngọ vừa rồi, người cha dắt con cháu ở xa về nghĩa trang quê để tham dự Thánh lễ mồng hai Tết, trước giờ lễ, ông không quên dắt con cháu đến từng mộ phần của ông bà, hầu giới thiệu cho con cháu biết: đây là mộ ông cố và bà cố, còn đây là mộ ông bà nội ngoại … Câu chuyện vắn gọn thôi, nhưng gợi lên một đạo lý làm người. Điều này cũng dễ hiểu, vì con người luôn hướng về cội nguồn, và Tết là thời gian thuận tiện nhất để ta có thể lội ngược dòng, tìm về ông bà tổ tiên. Ca dao Việt Nam có câu: Uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu…
*Nhớ mãi công ơn sinh thành dưỡng dục
Mới Tết năm nào đó còn đi chúc Tết ông bà cha mẹ, vậy mà Tết năm nay các ngài đã không còn nữa. Lòng thương nhớ cứ trào dâng trong ta mỗi độ Tết về. Ngoài công ơn sinh thành, các ngài đã hy sinh gian khổ một đời để dạy dỗ giáo dục cho con cái nên người, giờ đây đã nằm xuống để cho con cháu được lớn lên, được bay cao lên, được sống vui và hạnh phúc. Ai làm cha làm mẹ thì mới hiểu được công ơn sinh thành dưỡng dục.
Chính vì lẻ đó mà Giáo hội dạy ta phải ý thức thi hành bổn phận đối với các ngài: “Lòng tôn kính cha mẹ dựa trên sự biết ơn với những người, bằng việc trao ban sự sống, bằng tình yêu và công lao của mình, đã sinh ra các con cái mình, giúp chúng có khả năng lớn lên về tuổi tác, về sự khôn ngoan và ân sủng:(GLCG số 2215) “Cha con con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau, Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng ?” (Hc 7, 27-28)
*Nhớ hoài những kỷ niệm
Vào những ngày tết, bao kỉ niềm tràn về, làm khơi dậy trong ta những hình ảnh đẹp của của ông bà cha mẹ một thuở xa xưa: nhớ ngàn lời ru, nhớ hoài nụ cười, nhớ từng bước chân, nhớ mãi những lo âu thể hiện trên khuôn mặt của mẹ cha lúc gia cảnh còn nghèo. Mỗi cái Tết đến là một nỗi âu lo: lo cho có nồi bánh chưng, lo cho mỗi đứa con có manh áo mới… bao nhiêu nỗi khó khăn chồng chất trên đôi vai cha mẹ. Giờ gẫm lại sao thấy thương quá! Tất cả giờ đây trở thành những kỉ niệm đẹp thật đáng trân trọng. Điều này cũng muốn thầm nhắc những ai hạnh phúc khi còn ông bà, cha thì mẹ hãy yêu mến các ngài, hãy dệt lên những kỉ niệm đẹp, và trân trọng để tận hưởng những giây phút được sống bên cha mẹ ông bà trên cuộc đời này.
Nhớ đến các ngài cũng chính là lúc nhớ đến những khuyết điểm và lầm lỗi của mình, bởi ta còn nhiều thiếu sót trong cách đối xử với các ngài. Nhiều người con quỳ bên mộ phần của cha mẹ ông bà đau xót khóc thương cho sự nuối tiếc muộn màng. Tiếng khóc nói lên lòng nhung nhớ đã đành vì mất đi người thân, nhưng hơn thế, tiếng khóc cũng biểu lộ cho những tâm hồn sám hối vì chưa làm tròn chữ hiếu. Hãy cắm lên mộ phần của các ngài bằng những bông hoa thiêng liêng. Đó là bông hoa hy sinh, bông hoa yêu thương, bông hoa bác ái, bông hoa quảng đại và tha thứ. Bởi các ngài vẫn cần lắm những bông hoa ấy.
*Nhớ và biết ơn “những sứ giả đầu tiên”
Ông bà cha mẹ ta ngày xưa nghèo thật, nhưng không vì thế mà sao lãng việc sống niềm tin. Chính các ngài cũng là những mẫu gương sống động về niềm tin. Điều ưu tư nhất của các ngài là hướng dẫn và giáo dục con cái sống niềm tin: kinh hạt sớm hôm, tham dự Thánh lễ Misa mỗi ngày, chu toàn việc bổn phận của người giáo dân cách nghiêm chỉnh. Chính vì thế, trong Kinh Tiền Tụng của mồng hai Tết Giáo hội cũng cho thấy: “Cha đã ban sự sống cho tổ tiên và ông bà cha mẹ chúng con, để các ngài truyền lại cho con cháu. Cha cũng đã ban cho các ngài ân huệ dư đầy, dể chúng con được thừa hưởng mà nhận biết, tôn thờ và phụng sự Cha.”
Giáo lý Hội thánh còn dạy: “Nhờ ân sủng của bí tích Hôn Phối, cha mẹ nhận trách nhiệm và đặc ân loan báo Tin Mừng cho con cái. Cha mẹ khai tâm cho con cái về các mầu nhiệm đức tin ngay từ lúc đầu đời, chính họ là “những sứ giả đầu tiên” của đức tin đối với con cái mình. Lúc chúng còn thơ ấu, cha mẹ phải cho con cái hòa nhập vào đời sống của Hội Thánh. Cách sống của gia đình có thể nuôi dưỡng những tâm tình tốt đẹp, những tâm tình đó vẫn luôn là sự chuẩn bị và sự nâng đỡ đích thực của đức tin sống động trong cuộc sống.” (GLCG số 2225)
Lời kết
Một lần nữa, Xuân lại về tết lại đến. Có bao điều đáng nhớ đáng thương. Xuân về chuyên chở cho ta bao nguyện ước tốt đẹp. Ước nguyện đất nước an bình, nhà nhà hạnh phúc, người người yêu thương. Tết đến khơi dậy trong ta bao kỉ niệm đẹp về hình ảnh một thời xa xưa của ông bà cha mẹ. Cảm ơn công ơn sinh thành dưỡng dục của các ngài, và hơn thế nữa, các ngài đã truyền lại cho con cháu niềm tin và lòng hiếu thảo. Để đến hôm nay tâm hồn ta vẫn luôn âm vang điệp khúc: chim có tổ, nước có nguồn, con người sinh ra có cha có mẹ. Cầu chúc các ngài vui hưởng một Mùa Xuân hạnh phúc vĩnh viễn trên quê trời.
Lm. Châu Linh