Khi bàn về thánh Piô Piettrelcina triết gia Jean Guitton người bạn thân của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã nói như thế này: “Cha Piô là một trong những hiện tượng kỳ lạ nhất trên trái đất này; người ta sẽ còn bàn tán nhiều về vị linh mục nghèo khó, kín đáo, mang trong mình những vết thương khó hiểu”
Piô Piettrelcina chào đời vào ngày 25-5-1887 tại Piettrelcina một làng khá đông dân, trên 4.000 người, cách thành phố Benevento vài ba cây số. Ngay sáng hôm sau bé Piô đã được chịu Bí Tích Rửa tội tại nhà thờ họ và được đặt tên là Phanxicô để kính vị thánh lập ra Dòng Anh Em Hèn Mọn.
Cha mẹ ngài là ông Horace Forgione và bà Joseph de Nunzio. Hai ông bà thuộc thành phần nông dân nghèo và mù chữ nhưng lòng đạo đức thì sâu xa khó có ai sánh bằng. Tính tình của họ đơn sơ, ngay thẳng. Ông bà có tất cả 8 người con, ba người chết lúc còn nhỏ. Còn lại hai trai ba gái. Theo cha Mortimer Carty thì đến năm 1950 cha Piô chỉ còn người anh cả tên là Michel, tiếp tục sống bằng nghề nông và một người em gái vào dòng nữ lấy tên là Pia.
Vào mùa thu năm 1902 Piô xin và được chấp nhận vào dòng thánh Phanxicô chi nhánh Capucin thuộc tỉnh dòng Forggia. Thánh 11 cùng năm ấy cậu được nhận vào nhà tập tại Morcone khi mới được 15 tuổi 5 tháng. Sau này có người hỏi tại sao cha chọn chi nhánh Capucin. Cha trả lời hóm hỉnh: “Vì tôi thích những ông thầy dòng mang râu”
Thầy Piô chịu chức linh mục tại nhà thờ chính toà Benevento ngày 10-8-1910. Ngay sau đó cha dâng lễ đầu tay tại quê nhà tức là làng Piettrelcina. Tất cả làng đều tham dự thánh lễ này. Người ta đã tổ chức ăn mừng cha mới.
Sau những ngày hoan lạc tại gia đình, cha Piô trở vể tu viện. Bệnh sốt cha thường mắc khi còn học tại học viện nay trở lại. Các bề trên phải cho cha về nhà nghỉ ngơi. Thời gian lưu tại Piettrelcina khá dài, tới 6 năm.
Thời gian này người ta đã thấy những có những hiện tượng khác thường nhất là những khi cha dâng lễ. Nhìn cha dâng lễ, người ta thấy tấm thảm kịch núi Sọ trở nên linh động và lôi cuốn. Nhiều lần ngài ngất trí lâu giờ. Thánh lễ thường dài đến 1 giờ 30 phút đến 2 giờ, có khi lâu hơn. Về sau cha sở cũng là cha giải tội cho ngài phải cho cha dâng lễ riêng. Những khi ngài ngất trì lâu giờ, phải lắc chuông cho ngài tỉnh lại. Sau lễ ngài cũng cám ơn rất lâu giờ.
Năm 1916, Cha Piô được gọi nhập ngũ nhưng các bác sĩ ghi nhận ngay, họ không cần gì đến người công dân đang trình diện với những dữ kiện lâm sàng ngoài tiêu chuẩn: nhiệt độ cao đến nỗi làm nổ tung cả nhiệt kế.
Sau nhiều cuộc xét nghiệm và nhiều thời kỳ nghỉ phép, vì bệnh, ngài được miễn hẳn.
Sau một thời gian ngắn ngài lưu lại tu viện Foggia, ngài được chuyển tới tu viện vừa bé nhỏ vừa tồi tàn ở San Giovanni Rotindo. Chính tại đây ngày 20-9-1918 ngài nhận những dấu thương tích của Chúa.
Việc ngài nhận được dấu thương tích thật lạ lùng. Ngay lập tức tin này được loan đi và đời sống cha Piô khởi đầu một gian đoạn mới. Thị trấn San Giovanni Rotondo mỗi ngày một phát triển mạnh hơn. Năm tháng trôi qua, thị trấn đã trở thành một thành phố nhỏ, xinh đẹp được bố trí chu đáo và có được một trong những bệnh viện tuyệt vời nhất nước Ý, vừa rộng lớn vừa được trang bị đầy đủ, đó là “Casa Sollievo della Soffrenza” (“Nhà xoa dịu nỗi đau”). Cơ sở này được xây cất nên nhờ tấm lòng hảo tâm của nhiều người ở khắp nơi để phục vụ cho những người nghèo khó và bị bỏ rơi.
Cha Piô đã sống cuộc đời tông đồ của Ngài suốt 50 năm trời tại đây và phần lớn cuộc đời phục vụ trong chức linh mục của cha là nơi toà giải tội. Từ sáng tới chiều ngài gặp người ta tại đó. Năm 1919 trong thơ ngài gửi cho ông Caceavô ngài nói:“Sức khoẻ của tôi vẫn rất khá. Nhưng ngày đêm tôi rất bận vì phải giải tội cho hàng trăm người. Tôi không có lúc nào rảnh; nhưng phải tạ ơn Chúa vì Ngài đã giúp tôi rất nhiều trong chức vụ tông đồ của tôi”
Con người của cha Piô là con người cho Thiên Chúa và cho mọi người. Vì Chúa và vì mọi người ngài đã đón nhận tất cả những gì Chúa gửi đến. Thánh Phanxicô chỉ mang thương tích của Chúa Giêsu có hai năm rồi ngài về với Chúa còn cha Piô mang thương tích của Chúa Giêsu suốt 50 năm trời, một quãng thời gian dài bằng nửa thế kỷ. Điều đó chứng tỏ sự liên kết giữa Chúa Giêsu và ngài thắm thiết mặn nồng như thế nào.
Sau những ngày phục vụ Thiên Chúa và anh em đồng loại, Chúa đã cất ngài về an nghỉ trong Chúa vào ngày 23 tháng 9 năm 1968.
2. Những nét đặc trưng về cuộc đời cha Piô
+ Cha Piô là một người dám sống đến tận cùng ơn gọi linh mục của mình. Những công việc của ngài là không có gì to lớn, cao cả và vĩ đại. Ngài chỉ làm những việc phải làm của một linh mục như dâng lễ, cầu nguyện, giải tội, an ủi, tiếp xúc, khuyên bảo v.v nhưng làm với tất cả tấm lòng và tình yêu mến khiến mọi người có dịp tiếp xúc với Cha, họ cảm thấy như được gặp chính Chúa Giêsu.
+ Đàng khác nhờ sự kết hợp mất thiết và sâu xa với Chúa Giêsu mà thái độ, phong cách cũng như tâm tình của cha đã mang dáng dấp của Chúa Giêsu thật rõ nét. Những người có dịp gần gũi cha đều cảm nhận được điều đó. Ta hãy nghe đôi dòng tâm sự của cha, ta sẽ thấy điều đó.
– Con chẳng bao giờ nên mãn nguyện về vài điều tốt lành con nhận thấy nơi con, bởi vì mọi sự đều do Thiên Chúa và con cần biểu dương tôn vinh Người (Thư IV, 257).
– Nều như con vấp phạm,thì hãy khiêm tốn, hãy làm những lời dốc quyết rõ ràng, rồi chỗi dậy và tiếp tục đi (Thư III, 704).
– Con nên lấy đức bác ái kitô mà tha thứ tất cả, nhìn ngắm tấm gương Chúa Cứu Thế, Đấng cầu xin Cha Người tha thứ cho cả những kẻ đóng đinh Người (Thư IV, 257).
– Con hãy hiểu rõ ý nghĩa của luỹ cấm và chớ có khinh thường. Đó là trường học hoán cải đích thực, nhờ đó mọi tâm hồn học biết rèn luyện mình, chịu trau dồi và đánh bóng hầu một khi đã được bằng phẳng và bóng láng, tâm hồn có thế tích cực kết hợp với thánh ý của Thiên Chúa (Thư IV, 370).
– Để đạt tới sự thiện hoàn hảo, con cần phải chịu dựng những khuyết điểm nơi con; cha muốn nói là hãy nhẫn nại chịu đựng, chứ đừng yêu thích hoặc ve vuốt chúng. Chính trong sự đau khổ đó mà lòng khiêm tốn được dưỡng nuôi (Thư IV, 406).
Lm. Giuse Đinh Tất Quý