Thánh Clauđiô La Colombière sinh năm 1641 tại làng nhỏ gần thành phố Lyon, nước Pháp. 41 năm sau thánh nhân qua đời ở Paray-le-Monial. Cuộc đời ngắn ngủi của ngài có thể được tóm tắt trong một nguyên tắc căn bản của linh đạo thánh I-nhã: sống nghèo khó, bị kinh chê, chịu sỉ nhục. Đó là đường dẫn tới khiêm nhường, đó là những bậc thang đưa tới sự thánh thiện anh hùng.
Những năm đầu đời, thánh Colombière sống hạnh phúc với gia đình. Năm 9 tuổi, ngài được gởi đi học tại trường Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Lyon. Ba năm sau, ngài sang học tại trường Chúa Ba Ngôi ở Lyon, cả hai trường học này đều của Dòng Tên. Thánh nhân được coi là cậu bé khôn ngoan, đạo đức, vâng lời và dễ thương. Nhưng cách chung, thánh nhân chưa tỏ ra có điều gì xuất chúng.
Năm 17 tuổi, thánh nhân tỏ ý xin vào Dòng Tên. Gia đình thánh nhân phản đối, nhưng cuối cùng cũng đành chấp nhận. Chính thánh nhân cũng không cảm thấy thích đời sống tu trì lắm. Ngài đã chọn tu vì nghe rõ tiếng Chúa mời gọi hơn là những lý do tình cảm. Ngày 25.10.1658, ngài vào Nhà tập ở Avignon.
Đời tu của ngài tương đối ngắn, chỉ vỏn vẹn chưa đầy 24 năm trời. Thời gian nầy có thể chia làm hai phần: 12 năm đầu thuận buồm xuôi gió, và 12 năm sau gió dập sóng vùi. Từ giã gia đình vào nhà tập, thánh nhân đã bắt đầu cảm thấy đau khổ, nhưng đó mới chỉ là bước đầu của đoạn đường dài.
Thánh Colombière ngay từ nhà tập đã gặp nhiều dịp để thực tập việc quên mình và hãm mình trong sự nghèo khó, khinh chê, sỉ nhục mà thánh I-nhã rất quý chuộng. Là con nhà khá giả, trong gia đình, cậu bé Colombière đã được nâng niu chiều chuộng. Là một thiếu niên thông minh, thánh nhân cũng là một người rất nhạy cảm, và có thể nói là có chút khó tính. Sống 2 năm với chừng 30 đồng bạn, dù rất nhã nhặn nhưng không phải là luôn luôn tế nhị, thánh nhân thực sự đã trải qua một thời gian huấn luyện cam go.
Ngài chỉ bắt đầu nổi bật khi thực tập tông đồ. Thánh nhân có tài ăn nói rất đặc biệt. Năm 1665 ngài được cha Viện trưởng chỉ định đọc bài diễn văn bằng tiếng La tinh trong buổi khai giảng năm học. Hôm đó có cả Đức Tổng Giám Mục giáo phận cùng với các Kinh sĩ nhà thờ chánh tòa và các nhân vật vị vọng khác tới dự. Trước hàng thính giả ưu tú của thành phố, vị diễn giả trẻ tuổi, thân hình mảnh khảnh đã làm mọi người phải say mê. Thánh nhân thành công đến nỗi sau đó trong dịp lễ thánh Phanxicô Salê được phong thánh, ngài được chọn giảng cùng với những vị linh mục lỗi lạc về giảng thuyết trong miền. Từ đây anh học viên này trở thành một nhân vật nổi tiếng trong giới trí thức.
Tuy nhiên đã đến lúc thánh nhân phải rời bỏ thành phố Lyon nhiều quyến rũ để lên đường đến Paris học thần học. Ở kinh thành ánh sáng, thánh nhân được đón tiếp với tất cả sự kính trọng chẳng những vì tài năng mà còn vì đời sống đạo đức sâu xa nữa. Chẳng bao lâu thánh nhân được mời làm giáo viên phụ đạo cho cậu con trai ông Bộ trưởng tài chính. Đây là vinh dự hiếm có và lại dành cho một học viên trẻ tuổi. Với phép của Dòng, thánh nhân có phòng riêng trong tư dinh ông Bộ trưởng, coi sóc việc học hành và đạo đức của hai thiếu niên. Trong học viện thánh nhân là người mặc quần áo đẹp nhất, vì được ông Bộ trưởng rất quý mến, dưới sự hướng dẫn của thánh nhân, hai thiếu niên thành công rực rỡ trong việc học hành. Chính cha Tổng quan từ Rôma cũng gởi lời khen ngợi đến ông Bộ trưởng.
Dầu sao, thánh nhân vẫn là học viên, và thánh nhân miệt mài với việc học và đời sống thiêng liêng, xác tín rằng nên thánh là việc mỗi ngày và nên không bao giờ thánh nhân trì hoãn. Năm 28 tuổi, thánh nhân lãnh sự vụ linh mục. Ai cũng tưởng một tương lai tươi sáng đang ở trước mắt thánh nhân. Nhưng Chúa Giêsu đã nói: “Hãy học với Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, chính Ngài sẽ trao ách êm ái và gánh nhẹ nhàng của Ngài cho người môn đệ trung tín.
Mùa thu 1670, chỉ vừa hoàn tất giáo trình thần học, thánh Colombière được gọi trở vệ học viện Chúa Ba Ngôi ở Lyon. Tại sao không tiếp tục sống tại kinh thành Paris hoa lệ? Thánh nhân đã bị thất sủng. Ông Bộ trưởng Tài chính hình như vì tự ái, đã mời thánh nhân nghỉ việc. Người ta đồn đãi nhiều về việc này. Tương lai của thánh nhân như sụp đổ thảm thương, con người nhạy cảm của thánh nhân làm cho ngài đau khổ não nùng. Những anh em sống với ngài khó biết được nỗi tê tái trong lòng ngài, nhưng ai cũng nhận thấy thánh nhân trở về với cuộc sống mới một cách tốt đẹp. Chỉ một mình Chúa biết rằng người môn đệ ấy đang được chuẩn bị để lãnh nhận một sứ mạng đặc biệt.
Trở về với địa vị khiêm tốn của một giáo viên bậc phổ thông. Giã từ giới thượng lưu trí thức, giã từ đời sống vinh hoa. Trong ba năm làm giáo viên, thánh nhân can đảm sống trong những công việc tầm thường và học biết những nhân đức anh hùng như nghèo khó, chịu sỉ nhục. Như một môn đệ trung tín, thánh nhân tập bước theo vị Thầy Chí Thánh. Trong một bài giảng về Chúa Giêsu biến hình, thánh nhân đã nói: “Tôi cảm thấy rõ ràng là: trên đời không có ai hạnh phúc hơn những môn đệ của Chúa.” Có lẽ đó chính là 3 năm của cuộc đời giáo viên của ngài tại trường phổ thông Chúa Ba Ngôi.
Năm 1674, thánh nhân được gởi đến nhà tập Thánh Giuse, cũng ở trong thành phố Lyon, để làm năm nhà tập ba. Đức Kitô đang sẵn sàng chờ thánh nhân ở đó. Trong một tháng linh thao, thánh nhân đã khấn trung tín giữ các điều luật của Dòng. Thánh nhân nhận thấy Thiên Chúa muốn mình tận hiến trọn vẹn cho Ngài. Chúng ta đọc thấy trong nhật ký thiêng liêng của thánh nhân: “Các bạn con thương con và con thương họ. Điều đó, lạy Chúa, Chúa biết rõ hơn con, con sẽ làm việc dâng hiến này, dù điều đó con thấy còn khó hơn cả việc con đã lìa bỏ cha mẹ con vì Chúa.”
Ước nguyện của thánh nhân được Chúa nhận lời. Thật vậy, sau năm nhà tập thứ ba, thánh nhân được gởi đến làm Bề trên cộng đoàn Paray-le-Monial. Paray-le-Monial cũng vô danh như Nazareth của Chúa Giêsu ngày xưa. Cộng đoàn Dòng Tên ở đó có 3 anh em.
Ở Paray-le-Monial cũng có một cộng đoàn các chị Dòng Thăm Viếng. Trong cộng đoàn này có chị Magarita Maria là một người đang gây nhiều xáo trộn cho chị em. Chị được Chúa ban cho nhiều an ủi thiêng liêng kỳ diệu, nhưng lại bị cộng đoàn hiểu lầm chống đối quyết liệt đến nỗi chị cảm thấy hầu như thất vọng. Chị được Chúa chọn để cổ võ lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhưng không ai tin những lời chị nói. Cả cộng đoàn coi chị như một người mất trí vì thỉnh thoáng chị lại đưa ra những đề nghị lạ đời. Có lần chị được Chúa Giêsu trao cho sứ mạng vận động xin Tòa Thánh lập lễ kính Thánh Tâm Chúa, chị đã chán nản thưa với Chúa: “Nhưng con biết làm gì? Con biết nói cho ai được?” Khi ấy Chúa cho biết Ngài sẽ gởi đến với chị người tôi trung và bạn thân của Ngài để giúp đỡ chị. Ít lâu sau, cha Clauđiô Colombière đến Paray-le-Monial và được chỉ định làm cha giải tội ngoại thường cho cộng đoàn Thăm Viếng. Và lần đầu tiên cha nhận lời giảng một bài huấn đức cho cộng đoàn, chị Magarita Maria nghe tiếng Chúa nói với mình: “Đây là người Thầy sai đến với con.”
Tuy nhiên, thánh Colombière được trao một vai trò không mấy thú vị. Ngài phải cứu xét kỹ lưỡng trường hợp chị Magarita Maria cho đến khi xác tín rằng chị thực sự được Thánh Tâm Chúa hướng dẫn. Rồi ngài khuyến khích chị, cổ võ chị thăng tiến. Ngài cũng phải trình bày cho chị Bề trên cộng đoàn Thăm Viếng hiểu là chị Magarita Maria không ảo tưởng, nhưng được Chúa lưu ý đặc biệt. Những điều đó làm cho thánh nhân trở thành mục tiêu của bao lời đàm tiếu. Trong suốt thời gian giúp chị Magarita Maria, ngài phải gặp chị thường xuyên. Vài anh em trong cộng đoàn còn biết rõ ngài gặp chị bao nhiêu lần và mỗi lần bao lâu. Họ không ưa chị Magarita Maria và ái ngại cho cha Colombière. Dầu sao ngài cũng còn trẻ lại thiếu kinh nghiệm. Nguy cơ hẳn không xa lắm. Nếu ngài không sa ngã thì cũng rất dễ bị lạc vào cơn lốc ảo tưởng.
Thánh Colombière đau khổ không ít, nhưng ngài vẫn kiên nhẫn đứng bên cạnh chị Magarita Maria. Ngày 21.6.1675, cả hai cũng làm nghi thức tận hiến cho Thánh Tâm. Cũng từ ngày đó, ngài dùng mọi cơ hội để phổ biến lòng sùng kính Thánh Tâm. Ngài trở thành Tông đồ của Thánh Tâm Chúa.
Thánh Colombière khuyên chị Magarita Maria viết lại tất cả những gì Chúa Giêsu đã tỏ cho chị biết. Cuốn nhật ký của chị đã in ở Lyon năm 1684 và đã góp phần rất lớn vào việc truyền bá lòng sùng kính Thánh Tâm. Theo thường tình loài người chúng ta có thể nói: nếu không có chị Magarita Maria thì không có việc sùng kính Thánh Tâm. Cũng vậy giả như không có cha Colombière thì việc tôn sùng Thánh Tâm chắc không vượt khỏi phạm vi cộng đoàn các chị Thăm Viếng ở Paray-le-Monial.
Thật vậy, ở Paray-le-Monial, thánh Colombière bắt đầu âm thầm truyền bá lòng sùng kính Thánh Tâm. Cha công khai rao giảng tại các nhà thờ. Cha còn quy tụ nhiều người thành một hội đoàn chuyên chăm chầu Thánh Thể để đền tạ Thánh Tâm Chúa. Nhờ vậy, lòng sùng kính Thánh Tâm chẳng bao lâu được phổ biến sâu rộng khắp nơi.
Lòng nhiệt thành tông đồ của ngài còn nghĩ đến những người đau khổ, người nghèo đói. Ở Paray-le-Monial, ngài đã đi vận động những người tai mắt trong miền để lập một nhà thương cho người nghèo.
Giữa bao công việc như thế, thánh nhân vẫn giữ được một lòng keo sơn với Chúa đặc biệt với Thánh Tâm Chúa Giêsu: Tôi thấy mình phải gắn bó với một mình Chúa thôi và đặt nơi Ngài tất cả hy vọng của tôi. Hình như Chúa đã ban cho tôi một ơn trọng đại là thật sự xác tín như thế, và tôi thấy mình can đảm từ bỏ mọi sự cách dễ dàng… Tôi vui lòng nhận mọi công việc Bề Trên trao phó. Lạy Chúa, nếu Bề Trên cho con chọn, thì con hứa nhắc lại lời khấn mà Chúa đã soi sáng cho con làm, là luôn luôn chọn công việc và địa điểm con ít ưa thích nhất nơi con tin rằng trong Chúa và thật sự con phải chịu nhiều đau khổ nhất. Như thế, chúng ta thấy trước khi thánh Colombière rao giảng cho người khác, thì chính bản thân ngài đã thành một lời rao giảng sống động về lòng tôn sùng Thánh Tâm.
Một khi công việc Chúa trao phó đã hoàn tất ở Paray-le-Monial cuối năm 1676, thánh nhân được gửi đi Luân Đôn làm tuyên úy cho quận công thành York. Sau gần 2 năm âm thầm với sứ mạng tông đồ của Thánh Tâm, giờ đây hình như thánh nhân lại được một địa vị vẻ vang. Nhưng chính thánh nhân đã gọi nước Anh là “Đất Thánh Giá”. Ngài giảng dạy trong nhà nguyện của Quận công giúp đỡ người nghèo, dạy giáo lý cho người ít học và đã dẫn đưa nhiều người trở lại với Giáo hội Công giáo. Ảnh hưởng của ngài đã lớn mạnh, và ngài bị tố cáo, rồi bị giam, bị tra tấn, bị lên án tử hình. Ngài tưởng đã nắm chắc ngành thiên tuế tử đạo. Nhưng vua nước Pháp can thiệp với vua nước Anh, và án tử hình được đổi thành án trục xuất vĩnh viễn.
Ngày 30.12.1678, sau 2 năm ở Luân Đôn, thánh Colombière trở về Pháp và được tiếp đón như một vị thánh tử đạo. Tuy nhiên lúc này sức khỏe của ngài đã giảm sút, trong khi thân xác ngài như chiếc lá úa chỉ còn chờ gió thoảng qua là êm đềm rụng xuống. Ngài đã chịu đựng những ngày cô đơn buồn chán ấy trong suốt 4 năm trời một cách anh hùng với nụ cười héo hắt trên môi.
Khi trở về Paray-le-Monial vào năm 1680, thánh nhân sống như đã chết. Trước khi ngài hướng dẫn chị Magarita Maria, thì nay ngược lại, chị hướng dẫn khuyên bảo ngài. Thường xuyên ho ra máu, ngài vẫn vui sống dù nhiều khi bị buộc phải vâng phục. Cha Colombière ngạc nhiên hỏi lý do, chị cho biết: “Chúa Giêsu cho biết Chúa muốn của lễ chính là mạng sống của cha”. Thánh nhân để mặc Chúa định liệu. Ngài đã chuẩn bị sẵn sàng, ngày 15.2.1682, ngài bị xuất huyết dữ dội và tắt thở.
Cuộc đời thánh Colombière thật ngắn ngủi, chỉ vỏn vẹn 41 năm trời với nhiều đau khổ. Nhưng đã bị Thánh Tâm Chúa Giêsu thu hút, ngài đã biến những ngày tháng buồn sầu thành lễ hy sinh đền tạ thật xứng với tước hiệu “Tôi trung và Bạn của Thánh Tâm” như Đức Piô XI đã gọi ngài, khi phong Chân phước cho ngài vào ngày 16.6.1929. Ngài được Đức Gioan Phaolo II tôn phong bậc Hiển Thánh vào năm 1992.
Lời nguyện: Lạy Cha là Thiên Chúa chúng con, Cha đã nói với thánh Clauđiô La Colombière là tôi tớ trung tín của Cha trong cõi thinh lặng của tâm hồn, để ngài trở nên chứng nhân cho tình yêu hải hà của Cha. Xin Cha ban ân sủng để ngày càng nhiều người được nhận biết và làm chứng về tình yêu của Cha dành cho con người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Cha, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Cha hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.