Thân phận nô lệ

 

Các bạn thân mến.

Sau khi A-đam và E-và ăn trái cấm, ông bà nguyên tổ đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng và bắt đầu một cuộc sống trần ai. Từ vị thế là chủ nhân ông của muôn loài muôn vật được Thiên Chúa giao quyền cai quản mọi sự, con người đã mất trắng tất cả chỉ vì tham vọng muốn bằng Thiên Chúa. Chẳng thấy bằng Thiên Chúa, chỉ thấy con người càng ngày càng đánh mất vị thế của mình đến độ phải quỵ lụy cả những tạo vật khác.

Tuy nhiên, Thiên Chúa quyết tâm gầy dựng một dân mới, một dân riêng do chính Ngài tuyển chọn. Giống dòng của A-đam và E-và chỉ sản sinh ra những người kém tin và bội phản, cao ngạo và chống đối Thiên Chúa nay được thay thế bằng dòng dõi những người tín thác vào Thiên Chúa mà tổ phụ là chính Áp-ra-ham. Chính vì sự ngoan ngùy và trung tín của Áp-ra-ham, Thiên Chúa đã quyết định thiết lập một giao ước giữa Ngài và Áp-ra-ham rằng dòng dõi của ông sẽ đông như sao trên trời, như cát ngoài bãi biển. Tuy nhiên, đến đời cháu chắt của Áp-ra-ham, con cháu ông đã phải di cư đến Ai-cập vì nạn đói. Đó là nhờ người con trai của ông Gia-cóp là Giuse, người đã có công lớn với triều đình và đất nước Ai-cập khi giúp họ dự báo được nạn đói để dự trữ lương thực trước đó. Những tưởng với thế lực cùng công trạng của Giuse, con cháu của ông sẽ mãi mãi sống trong cảnh phú quí giàu sang nơi đất khách Ai-cập. Nào ngờ có ngày thời thế thay đổi, nhà cầm quyền của Ai cập bắt đầu phụ nghĩa vong ân khi chứng kiến cảnh con cái Ít-ra-en ngày một sinh sôi nảy nở. Người Ai-cập bắt đầu đàn áp Ít-ra-en, từ vị thế của khách ngoại kiều họ đã trở nên những nô lệ cho người Ai-cập. Dân Ít-ra-en phải làm những việc cực nhọc và nặng nề để phục vụ cho Ai-cập vĩ đại. Những hài nhi nam của Ít-ra-en cũng chẳng có được cơ may sống sót vì Ai-cập không muốn cho Ít-ra-en có cơ hội ngóc đầu lên. Ít-ra-en đã lâm cảnh lầm than và mãi bị đọa đày như những người nô lệ. Họ không còn là một dân tự do nhưng chỉ là những kẻ làm công để hầu hạ người khác. Chính khi ấy, nỗi niềm hoài hương và khát vọng tự do trào dâng trong lòng con cái Ít-ra-en.

Các bạn thân mến

Ngày nay nạn nô lệ đã bị xóa bỏ trong nền văn minh của chúng ta. Tiếc thay, có những bạn vẫn đang sống và hành xử như thể mình đang là nô lệ. Nô lệ cho đồng tiền vì để có chút tiền có khi các bạn đã phớt lờ cả luân thường đạo lý. Có khi các bạn sẵn sàng luồn cúi, nịnh hót hay bất chấp thủ đoạn để mong được thăng tiến mau hơn. Làm thế, các bạn có ý thức mình đang nô lệ cho danh vọng hão huyền? Ngoài ra, con đường học vấn thì lại bị đè nặng vì thành tích và áp lực thi cử. Thay vì phải làm chủ kiến thức để sống cho tốt đạo đẹp đời, các bạn lại đặt nặng chuyện bằng cấp trong khi kiến thức thì rỗng tuếch.

Kế đó, thử hỏi, có mấy người chống lại được cám dỗ theo đuổi những máy móc tối tân, hiện đại nhất? Những phương tiện truyền thông đại chúng như phim ảnh, ca nhạc, internet đã chủ ý dựng tượng đài cho những thần tượng các loại, các bạn có mù quáng để khiến mình phải nô lệ cho những thần tượng rởm đời này không? Vẫn còn đó, những thói quen, và những khuynh hướng hay đam mê xấu tựa hồ có sức nặng ngàn cân nặng trĩu trên đôi vai con người. Bao nhiêu điều lắng lo bóp nghẹt và trói chặt khiến ta chẳng có những phút giây thảnh thơi mà vui sống. Quang gánh cuộc đời ta mải miết gánh gồng sức nặng của nỗi lo cơm áo gạo tiền. Cuộc sống phát triển và văn minh đang tỉ lệ nghịch với tự do của con người.

Như dân Ít-ra-en ngày xưa, họ đã trông đến và kêu cầu Thiên Chúa như niềm hy vọng duy nhất và tối. Thế nhưng, có lúc họ cũng đã trách mắng Mô-sê và cả Thiên Chúa mỗi khi Pha-ra-ôn khước từ đề nghị giải thoát dân và càng đàn áp họ nặng nề hơn. Họ đã thúc thủ và cam chịu vì tuyệt vọng rằng chẳng ai giải thoát họ được ngay cả Đấng hùng mạnh là Thiên Chúa. Niềm tin son sắt, đức cậy trung kiên và lòng mến nồng nàn với Thiên Chúa mà tổ phụ của họ đã từng sở hữu đã không được di truyền lại cho các thế hệ con cháu. Họ đã nhu nhược mà chẳng dám kháng cự lại Ai cập. Buông xuôi đầu hàng và cả niềm tin vào Thiên Chúa của giao ước cũng bị lung lay nên họ mãi bị đọa đầy trong thân phận nô lệ.

 Các bạn thân mến, bao sức nặng và thế lực đè nặng và bủa vây lấy cuộc sống của ta như thể người chủ nô mong muốn mãi thống trị lấy nô lệ của mình. Có lắm khi ta sống như nô lệ mà cứ tưởng rằng mình đang là chủ nô. Cần xin ơn để nhận ra điều gì đang thao túng và nô lệ hóa cuộc đời tôi. Điều quan trọng là phải chiến đấu với những áp lực đó và không được buông xuôi và đầu hàng. Càng nhát đảm, những thế lực đè nặng cuộc đời càng lấn tới hơn. Chiến đấu hết sức mình với niềm tin vững vàng vào Thiên Chúa quyền năng để rồi chính Ngài sẽ tiến hành những cuộc giải phóng ngoạn mục và thần kỳ cho mỗi người chúng ta.

 

Jos. Nguyễn Huy Mai