Tại sao các linh mục buộc phải đi tĩnh tâm hằng năm?

Tĩnh tâm hằng năm là do giáo luật đòi buộc và để bắt chước mẫu gương cầu nguyện của Chúa Giêsu trước khi thi hành sứ vụ.

Giáo luật rõ ràng yêu cầu các linh mục, tu sĩ và cả chủng sinh tĩnh tâm hằng năm.

– Các tu sĩ trung thành giữ việc tĩnh tâm hàng năm (Điều 663 §5).

– Các linh mục buộc tham dự các cuộc tĩnh tâm, theo qui định của luật địa phương (Điều 276 §4).

– Hằng năm, các chủng sinh phải lo tĩnh tâm (Điều 246 §5).

Tại sao vậy?

Nếu một linh mục đi khỏi giáo xứ của mình một thời gian, chẳng phải ngài đang rời bỏ đàn chiên của mình sao?

Chính Chúa Giêsu đã có lúc rời khỏi đoàn chiên của mình, thậm chí Ngài còn thực hiện một cuộc tĩnh tâm trong 40 ngày trước khi thi hành sứ vụ công khai của mình.

Được tràn đầy Thánh Thần, từ sông Giordan trở về, Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn vào trong hoang địa suốt 40 ngày (x. Lc 4, 1-3)

Nhiều lần Chúa Giêsu rời khỏi sứ vụ của mình để cầu nguyện một mình, đem lại cho chúng ta một mẫu gương để noi theo.

Cha Gioan Baotixita Chautard trong cuốn Linh hồn của việc Tông đồ minh họa nguyên tắc này bằng một hình ảnh mạnh mẽ.

Nếu bạn là người khôn ngoan, bạn sẽ là hồ chứa chứ không phải con kênh…. Những con kênh để nước chảy đi và không giữ lại giọt nào. Nhưng là hồ chứa thì trước tiên nó phải đầy, rồi sau đó, không tự cạn, mà chảy tràn ra ngoài, những cánh đồng nào có nước thì luôn được đổi mới.

Cha Chautard tin chắc rằng để các linh mục có thể trao chính mình cho tha nhân trước tiên họ phải được lấp đầy. Nếu không, các linh mục và tu sĩ có nguy cơ trở thành những con kênh và cạn kiệt, thậm chí không có một giọt nước nào dành cho họ.

Các khóa tĩnh tâm rất quan trọng, và các nhà lãnh đạo tinh thần cần dành thời gian cho bản thân để được phục hồi.

Đòi hỏi này đối với các linh mục cũng là một dấu hiệu đối với người giáo dân chúng ta. Chúng ta cũng cần tái nạp năng lượng thiêng liêng của mình, đặc biệt nếu chúng ta là các bậc làm cha mẹ. Không có thời gian tĩnh lặng và cầu nguyện, không chỉ làm cho linh hồn chúng ta gặp nguy hiểm mà còn cho những người mà chúng ta chăm sóc nữa.

Philip Kosloski

Giuse Võ Tá Hoàngchuyển ngữ

(gpquinhon.org)