Ráng chiều…

Không biết tự bao giờ tôi và Tuấn còi trở nên thân thiết? Nhớ năm tôi học lớp 6, ngày nào Ba tôi cũng đưa đón, đến cái con hẻm đường Lê Lai thì gặp Tuấn còi từ trong đó thắng chiếc xe đạp cà tàng phọt ra.

Rồi thời gian cứ vụt nhanh, đến năm lớp 8, Ba tôi vì nhiều việc không còn đưa đón tôi, nên tôi cũng phải tự thân đạp xe đến trường, ngày đầu tiên tôi loay hoay khổ sở với chiếc xe trên đoạn đường dài chỉ chừng hơn cây số. Mồ hôi nhễ nhải, tôi mới thấy thương Tuấn còi, nó hay khoe nhà nó xa chừng 5 cây số, phải dậy từ rất sớm, băng qua một cánh đồng, buổi sớm mai còn đọng hơi sương, lắm khi lạnh ngắt, mờ mờ sương mù giăng kín lối đi, buổi chiều tà ngang qua đấy vắng vẻ buồn tênh, nhưng cái ráng chiều nơi ấy đẹp lắm, lắm khi ông trời ngồi vẽ thêm hả gì đó đẹp đến mê hồn luôn, cái từ “mê hồn” của nó thôi thúc bọn tôi, âm ỉ nung nấu trong lòng bọn tôi, hẹn với nó rằng sẽ đến chơi nhà nó. Mà cái thằng bạn thân có vẻ kỳ lạ, khó tính, mỗi lần nghe chúng tôi đòi về nhà nó thì y như rằng nó bàn ra, nào là đường xa, các cậu không đạp xe thấu cả chuyến đi chuyến về, nào là con đò ngang lắm khi chỏng cheo trên bãi vì nước ròng, nói chung là có hàng trăm lý do để thuyết phục rằng, chúng tôi không thể đến nhà hắn.

Năm lớp 9, cuối cấp, rồi đây mỗi đứa mỗi ngả, ắt gì còn được gặp nhau, ắt gì được học chung trường, bởi biết rằng mấy bạn học giỏi nhà khá giả sẽ được ra thị xã, đứa nhà nghèo cam phận bám lấy ngôi trường huyện cũ kĩ, nhưng đậm nghĩa tình, số phận tôi với Tuấn Còi rồi chắc mẻm sẽ chia tay, vì ba mẹ tôi nói cho tôi ra thị xã ở nhà ông bà nội đi học. Còn Tuấn còi nó là học sinh xuất sắc, nó là niềm tự hào của ngôi trường này, ai cũng muốn giữ nó lại, không hẳn thế? Vì một lẽ khác hơn, tế nhị quá… Hai đứa tôi ngồi cạnh nhau bốn năm trường, mỗi lần mẹ cho cái bánh tôi đều xin thêm cái nữa cho nó, riết rồi mẹ tôi quen với việc xin thêm của tôi, lắm khi đi xa về mẹ đều có thêm chút quà để cho nó, bù lại nó hay túm tụm trái cây, con dế đá, con cào cào lửa, thậm chí con cá lia thia, có lúc bịch mía ngọt lịm mang vào cho tôi. Những món quà mộc mạc của nó tôi luôn trân quí, mà thật là đáng trân quí hơn cái thằng bạn, tình bạn keo sơn. Cái thằng “còi” mà học giỏi, nhờ nó mà tôi nỗ lực, nhờ nó mà tôi chăm chỉ.

Mùa hè năm đó tôi quyết định nài nỉ nó cho bọn tôi, có ba đứa chứ mấy? à mà thêm hai con nhỏ lanh chanh bàn trên, đến nhà nó chơi một lần để nhở mai… Cái điều mai rủi cuộc đời nhiều khi không muốn thốt ra vì nó bùi ngùi nơi tận cõi lòng. Thằng Tuấn Còi ậm ự rồi cũng bấm bụng, gật đầu.

Công kênh trên chiếc xe đạp qua hết con đường xi măng gần ba cây số, rồi rẻ vào con đường đất mòn lẳng để ra bến đò, chòng chành trên mặt nước, thằng Tuấn còi có vẻ tỉnh bơ, còn bọn tôi ngốp ngốp, có lẽ đó là chuyến đi đầu tiên dài nhất sau khi bố mẹ tôi cấp giấy phép cho tôi được cõng con xe đạp đến trường.

Phía trước là chiếc quán cốc, có vài ba chiếc bàn nhựa lưa thưa, trưa hè vắng vẻ, có mấy gã đang chén chú chén anh, chắc cũng thấm đẫm cái độ cồn vào máu, đang ồn ào, làm khuấy động sự bình yên của làng mạc, Tôi thấy Tuấn vụt xe nhanh qua, bỏ lại bọn tôi rơi rớt phía sau, cái thằng kỳ lạ, tuy là bạn thân nhưng ở một ngóc ngách nào đó trong tâm hồn nó vẫn giấu kỹ một chút riêng tư, thứ mà lắm khi tràn trào lên mắt nó, để rồi vô tình có lúc tôi đọc thấy, một nốt lặng trầm buồn. Con đường rẽ vào nhà Tuấn hai bên là đồng lúa xanh rì, căn nhà lá choi hoi giữa cánh đồng, bình dị yên lành, nhưng không giấu được cái nghèo khó, cái sần sùi của người nông dân, mọi thứ như phơi ra, trãi dài trước mắt, không cần phải lục lọi, không cần phải tư duy, tự dưng tôi như đang lờ mờ bơi lội trong ánh mắt lắm lúc già dặn đăm chiêu của nó…

_ Mẹ chốc nữa bạn con đến, con nói gì thì mẹ cũng ừa nhe.

Sao con lại nói thế?

_ Ừ, thì mẹ hứa đi.

_ Ừ mẹ hứa.

Tôi vừa trờ xe tới, nghe nửa vời cuộc mặc cả … Đời lắm khi nó tréo cẵng ngỗng,..

Bọn tôi, thằng Tú, Thằng Tân, hai đứa con gái mệt nhoài, chỉ mong tìm một chỗ ngả ra mà thở dốc..

Mẹ Tuấn, mang phích nước dừa với mấy cái ly nhựa ra, chưa kịp chào mời, bọn bạn tôi, mắt như muốn nhảy tỏm vào.

Tôi nhỏ nhẻ : _ Chào Bác, cứ để bọn cháu …

Người phụ nữ, không luống tuổi lắm, nét mặt hằn lên những nếp nhăn, chỉ mỗi nụ cười hiền dịu không che giấu được sự mộc mạc chân tình.

Tuấn giới thiệu: _Mẹ mình đấy!

Sau lời chào của bọn tôi. Thằng Tú nhanh nhảu: _ Ba cậu đâu?

_ Chết rồi, chết rồi hé mẹ?

Cái gật đầu nhẹ, ánh nhìn xót xa đưa về phía Tuấn… Có khi chỉ là một cử chỉ nhẹ, nói lên biết bao nhiêu điều.

Khuất sau bức rèm cửa, tôi nghe mẹ Tuấn thì thầm:

_Sao con lại nói thế? Sao con lại nói ba con chết?

_Vậy chứ mẹ muốn con nói với các bạn con ba con là kẻ nát rượu à? Con không muốn các bạn hỏi thêm. Con không muốn các bạn biết mỗi lần ba say, ba đánh đập mẹ con mình…

_ Nhưng con đã nói dối ?

_Con xin lỗi, con nói dối và còn yêu cầu mẹ xác nhận sự dối trá của con.

Lờ mờ trong trí tôi, hình ảnh Tuấn còi từ năm lớp 6 hiện về, với đầy đủ những dấu tích, có khi mặt thâm bầm, có khi chân tay lằn vết, tôi hỏi, nó cứ bảo té xe, có nhiều khi thành vết sẹo, tôi hay lén mẹ mang chay dầu nước xanh mà ai đó cho mẹ để cho nó sức, vết sướt có khi lành nhưng vết sẹo trong trái tim Tuấn vẫn còn. Tôi thấy nó mạnh mẽ, tôi ngưỡng mộ tính nó có vẻ ngang lỳ, ấy thế mà bên trong vẫn còn trái tim, cái thứ mong manh dễ vỡ, cái thứ chỉ cần chạm vào nó tan chảy đến vô chừng…

Con đường trở về “ ráng chiều” đang lên lột tả hết cái từ “ mê hồn” mà Tuấn hay nói, nhưng sao tôi lại cảm nhận chút gì đó buồn tênh, lãng đãng áng mây trôi lặng lẽ, trong tôi vẫn cô độc một ý nghĩ, lòng thầm khen ngợi thằng Tuấn còi ấy thế mà nó vẫn cảm nhận cái đẹp hú hồn của ráng chiều.

Quanh quẩn bên đời, được mất, mất được, tôi luôn cầu mong cho nó mãi tìm được cái góc để tả đẹp hú hồn để nó đạp mãi những vòng xe còn lại của tuổi học trò.

Tiểu Hổ.