Phỏng vấn cha Lombardi, nhà truyền thông cộng tác viên thân thiết của ba vị Giáo hoàng

Cha Federico Lombardi, một linh mục dòng Tên người Ý, là một trong những nhân vật quan trọng trong ngành truyền thông sau Công đồng Vatican II. Cha là cộng tác viên của ba vị Giáo hoàng, giữ chức vụ Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh dưới thời hai Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI và Phanxicô. Cha đã lãnh đạo Radio Vatican trong 25 năm, trong tư cách là Giám đốc các Chương trình và sau đó là Tổng Giám đốc. Cha cũng là Giám đốc Trung Tâm Truyền hình Vatican trong 10 năm.

Cuộc đời của cha Lombardi là một chứng tá và sự phục vụ Giáo hội, nổi bật với sự dấn thân và tài năng. Niềm đam mê của cha đối với ngành truyền thông vẫn tiếp tục ngày nay trong vai trò chủ tịch Quỹ Joseph Ratzinger-Biển Đức XVI và bề trên cộng đoàn dòng Tên phụ trách tạp chí La Civiltà Cattolica – Văn minh Công giáo. Chính tại tạp chí này cha đã bắt đầu hoạt động truyền thông của mình vào năm 1973, như là một ký giả, rồi sau đó trở thành phó tổng biên tập vào năm 1977.

Vào ngày 29/8/2022 cha Lombardi đã tròn 80 tuổi và vào ngày 2/9 sau đó ngài đã kỷ niệm 50 năm được lãnh nhận thiên chức linh mục. Trả lời phỏng vấn của nhà báo Alessandro Gisotti, Phó Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, vào ngày sinh nhật thứ 80, hôm  29/8/2022, cha Lombardi đã thuật lại kinh nghiệm của ngài, chia sẻ về một số giai đoạn cơ bản trong đời sống và nghề nghiệp cạnh ba vị Giáo hoàng gần đây nhất và kêu gọi các thế hệ ký giả mới “làm báo chí” như một ơn gọi chứ không chỉ là một nghề nghiệp.

Thưa cha Lombardi, cha cảm thấy thế nào khi gần đến ngày sinh nhật lần thứ 80 của cha và – cũng rất ý nghĩa – ngày kỷ niệm 50 năm cha được chịu chức linh mục vào ngày 2/9?

– Tôi có một cảm giác ngạc nhiên khi bước đến ngày hôm nay! Khi chúng ta còn trẻ, tất cả chúng ta đều nghĩ về 80 tuổi, hoặc 50 năm chịu chức linh mục, như những mục tiêu rất xa, về những người rất già … và rồi, từng ngày bạn tiến lại gần hơn và cuối cùng, bạn đi đến đó, và có thể bạn còn đi xa hơn nữa … vì vậy đó là một sự ngạc nhiên kèm theo, tất nhiên, là lòng biết ơn rất nhiều, bởi vì tôi chỉ có thể tạ ơn, về cuộc đời và vì đã được kêu gọi sống cuộc đời này như một tu sĩ và một linh mục.

Đó là thời điểm tạ ơn với một chút suy tư và “bảng kết toán” về cuộc sống của chính mình, về việc phục vụ của mình. Nhưng quan trọng hơn, đó là thời điểm tạ ơn, bởi vì những gì chúng ta đã nhận được là quá nhiều đến nỗi chỉ có thể cảm tạ Chúa và nói: “Tạ ơn Chúa; Chúa đã cho con rất nhiều thời gian và rất nhiều cơ hội và rất nhiều xác nhận về ân sủng của Chúa: cảm ơn Chúa đã đồng hành cùng con đến giờ phút này. Con hy vọng con đã đáp lại theo cách có thể chấp nhận được món quà mà Chúa đã dành cho con”.

Trong 80 năm cuộc đời của cha, gần 50 năm đã được cống hiến để phục vụ Giáo hội và Tòa Thánh trong lĩnh vực truyền thông. Thưa cha, cha đã học được điều gì – ngay cả khi, tất nhiên, tóm tắt nó là điều khó khăn – đặc biệt là trong quá trình phục vụ các Giáo hoàng khác nhau trong những năm được đánh dấu bằng sự thay đổi công nghệ nhanh chóng trong lĩnh vực báo chí?

– Điều đầu tiên tôi học được từ kinh nghiệm – tuy nhiên, tôi phải mất một thời gian mới học được – đó là đối với một người sống trong đức tin và trong Giáo hội, truyền thông là tham gia vào sứ mạng truyền bá Phúc Âm, truyền đạt các quan điểm mà trong đó một người có thể nhìn thấy toàn bộ thực tại của thế giới, về lịch sử, về mối quan hệ với Thiên Chúa và mối quan hệ giữa con người với nhau.

Đây là truyền thông: Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa Đấng truyền thông, một Thiên Chúa đã và đang thông truyền chính Người cho chúng ta bằng lời nói, bằng Mặc khải, bằng việc sai Chúa Giêsu Kitô đến với chúng ta! Và toàn thể Giáo hội có một sứ mạng; truyền thông, làm cho thế giới biết Chúa Giêsu, truyền bá Lời của Chúa Giêsu. Nếu ai đó được kêu gọi làm việc trong lĩnh vực truyền thông, họ được kêu gọi tham gia – ngay cả khi theo những cách thức và nhiệm vụ cụ thể – vào chính bản chất của Giáo hội và trong mối quan hệ giữa Thiên Chúa và nhân loại.

Cha là một tu sĩ Dòng Tên và đã từng được bổ nhiệm làm Bề trên Giám tỉnh của tỉnh dòng Ý. Linh đạo của thánh I-nhã đã ảnh hưởng như thế nào đến cách cha làm việc trong lĩnh vực truyền thông?

– Linh đạo thánh I-nhã dạy chúng ta, giúp chúng ta và giáo dục chúng ta nhìn thấy Chúa trong mọi sự, nhìn thấy công việc của Chúa xung quanh chúng ta, trong cuộc sống và những người xung quanh chúng ta. Vì vậy, nó giúp chúng ta nhìn thực tế và con người và sự kiện từ góc độ đức tin, như sự hiện diện của Chúa trong công việc.

Thánh I-nhã nói về Chúa là Đấng hoạt động: điều này luôn đánh động tôi rất nhiều. Chúa đang làm việc xung quanh chúng ta trong các sự kiện, trong lịch sử, trong con người: vấn đề là biết Người, nhìn thấy Người, tái nhận biết Người trong công việc này và giúp những người khác cũng nhìn thấy Người, hiểu Người và chào đón Người.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, và Đức Giáo hoàng Phanxicô. Cha đã có cơ hội trở thành cộng tác viên thân thiết với ba vị Giáo hoàng gần đây nhất. Cha học được gì, trước hết là ở cấp độ cá nhân, cũng như nghề nghiệp, từ một trải nghiệm phi thường, và độc đáo như vậy?

– Tôi luôn nghĩ công việc của mình là một công việc phục vụ, và dường như tôi luôn thấy rõ rằng Giáo hoàng là một người phục vụ: Giáo hoàng là một đầy tớ vĩ đại của Giáo hội và của nhân loại, là nhân chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới. Và vì vậy tôi đã được kêu gọi tham gia và cộng tác trong việc phục vụ này.

Với thời gian, lời kêu gọi cộng tác này thực sự dường như là một món quà tuyệt vời, bởi vì sứ mạng mà các Giáo hoàng thực hiện thực sự là một sứ mạng tuyệt vời vì lợi ích của con người, của nhân loại, của các tín hữu. Tôi đã có thể đặt tất cả sức mạnh của mình để giúp đỡ sứ vụ này; theo nghĩa là giúp hiểu về nó, làm cho nó được biết đến thông qua các phương tiện truyền thông của chúng ta.

Đó là sự hỗ trợ cho Đức Giáo hoàng phục vụ nhân loại và Giáo hội. Điều này luôn cuốn hút tôi, và tôi rất biết ơn khi được mời làm công việc như thế này.

Những người đã từng có may mắn làm việc với cha biết rằng cha đã luôn dành rất nhiều sự quan tâm cho những người trẻ, cho sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp của họ. Cha sẽ đưa ra lời khuyên nào cho một người trẻ tuổi ngày nay muốn trở thành một nhà báo?

– Tôi sẽ nói với họ rằng báo chí có thể là một nghề tuyệt vời, nhưng nó nên được sống như một ơn gọi: không chỉ là một nghề để phát triển các kỹ năng kỹ thuật, mà còn là một cách để giúp mọi người gặp gỡ những người khác và thiết lập một hình thức truyền thông truyền cảm hứng cho sự hiểu biết và đối thoại lẫn nhau: một hình thức truyền thông giúp một người biết sự thật và không lừa dối người khác, đồng thời học cách nhấn mạnh mặt tích cực chứ không chỉ đau khổ hoặc những vấn đề do sự ác và bất công gây ra. Chắc chắn những điều này phải được tường thuật, nhưng cũng cần phải có khả năng thể hiện một tinh thần của lòng tốt, của tình yêu, điều thường không được biểu lộ rõ, nhưng không kém phần quan trọng.

Tôi phải nói rằng trong những khoảnh khắc phục vụ tốt nhất, ngay cả khi phục vụ các Giáo hoàng, tôi đã có kinh nghiệm, ấn tượng, rằng ngay cả các nhà báo đồng nghiệp cũng rất vui khi khám phá ra vẻ đẹp của công việc truyền thông của họ, bởi vì họ đang làm việc để truyền bá các thông điệp tích cực cho nhân loại.

Điều này đối với tôi dường như là thái độ của những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông, với tất cả sự kiên nhẫn và sự nhạy cảm mà nó cần để học hỏi hàng ngày, để truyền thông tốt theo quan điểm chuyên môn: không để bản thân bị chi phối bởi kỹ thuật-chuyên nghiệp nhưng phải biết rằng những khả năng này phải được phục vụ cho một cái gì đó cao cả và đẹp đẽ để cùng nhau xây dựng một xã hội xứng nhân phẩm và cộng đồng Giáo hội.

Cha đã 80 tuổi, nhưng cha vẫn hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, tại tạp chí La Civiltà Cattolica, và cả ở Vatican với tư cách là chủ tịch của Quỹ Ratzinger-Biển Đức XVI. Ngay cả khi là một người cao tuổi, người ta có thể cống hiến rất nhiều, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra trong bài giáo lý gần đây của ngài về điều được gọi là “tuổi thứ ba” …

– Bao lâu chúng ta còn có thể, bao lâu chúng ta còn sức khoẻ, tất nhiên sẽ là điều tốt nếu chúng ta thực hiện việc phục vụ mình được yêu cầu.

Đôi khi, nó là một việc phục vụ thay đổi một chút về phong cách, bản chất và cả kết quả của nó: một người lớn tuổi có lẽ cảm thấy ít có khuynh hướng đón đầu những tin tức mới nhất nhưng thích suy tư hơn; về ý nghĩa của mọi việc, về giá trị và tương lai, bởi vì chúng ta không được rút lui vào trong chính mình: một tương lai trong đó những điều thiết yếu tiếp tục là kim chỉ nam.

Thật vậy, có lẽ hơi mang tính truyền thống, tôi cho rằng những điều chân thiện mỹ tiếp tục là điểm tham chiếu của cuộc sống và quan điểm hy vọng của chúng ta.

Vatican News

Nguồn: vaticannews.va/vi