Nhất cự ly

 

Vừa đặt chân lên linh địa La vang, cậu bạn từ Sài Thành đã gọi điện nhờ vả liền:

– Đang ở La vang hả? Cho gửi ké lời cầu đặc biệt của gia đình tớ nhé!

– (Mình giả bộ nghiêm giọng) Đức Mẹ ở đâu mà chẳng giống nhau! Cậu cứ việc đến nhà thờ giáo xứ mà nguyện cầu tha thiết, thế nào Mẹ cũng nhận lời mà! Cậu đúng là kém đức tin!

– Hì hì, thôi nào, cầu nguyện với Mẹ tại linh địa thì vẫn mau nhận được ơn mà! Không nhớ “Nhất cự ly” sao!

Nhất cự ly! Ở gần Mẹ La vang cầu sẽ linh hơn ở xa?

Thế nào là gần nhỉ? Thoáng trong đầu những định nghĩa về khoảng cách. Lời Chúa mở ra cho mình lời giải đáp:

Khi đã đến nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập giá cùng với hai tên trộm cướp, một đứa bên hữu một đứa bên tả Người. Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục người rằng: “Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”.

Ðối lại, tên kia mắng nó rằng: “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?” Và anh ta thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”. (Lc 23,33.39-43)

Nếu nói về cự ly gần Chúa, có lẽ không ai ở gần kề Chúa vào lúc đó hơn hai tên trộm cướp cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu, hai con người đáng thương! Bởi lẽ họ có thể trao đổi lời nói và lắng nghe được những người bị đóng đinh cùng với mình! Tên gian ác không chịu hối cải lên tiếng thách thức Chúa, tiếng hắn nói vẫn vang đến tai tên gian phi biết ăn năn kia rõ mồn một mà! Ngay cả tiếng thì thào của một người đang hấp hối vẫn được lắng nghe và đón nhận trong vui mừng khôn xiết, đó là khi Chúa gắng chút hơi tàn lên tiếng hứa với người trộm lành: “Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta.”

Như thế cự ly đến với Chúa giữa hai tên là bằng nhau. Nhưng chỉ có một tên “cướp” được Nước Trời ngay vào “phút 90”, tại sao?

Tên thứ nhất chỉ có xác gần thân Chúa mà tim cách xa Tâm Chúa! Hắn chỉ muốn được cứu cái xác, trong khi chẳng mảy may quan tâm đến hồn!

Vậy nên, tim hắn mãi mãi lìa xa Tâm Yêu Thương của Chúa!

Người thứ hai không muốn xuống, ngược lại anh ta chỉ khao khát được lên: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”.

Và anh ta đã nhận được ân huệ từ “Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn.” (Ep 4, 10), bởi vì “Người đã lên cao, dẫn theo một đám tù ; Người đã ban ân huệ cho loài người.” (Ep 4, 8).

Dường như anh tử tội này đã quên mất tấm thân đang cận kề cái chết, chỉ để tâm hồn hướng lên trời cao. Khoảng cách giữa anh và Chúa không còn đo bằng khoảng trống vật lý xác-thân mà được nối kết chặt chẽ giữa tim khao khát của anh và Tâm Yêu Thương của Chúa Giêsu!

Quả thật, “nhất cự ly” vẫn là kinh nghiệm đúng trong trường hợp này. Cự ly có Chúa thì gần hơn là cự ly không có Chúa, dẫu rằng cùng một khoảng cách!

Bỗng một bàn tay vỗ mạnh vào vai, “Nè, sao đứng ngẩn người ra thế! Chào Mẹ đi chứ!”

Mải nghĩ về “cự ly” mà quên rằng đang đứng trước nhan Mẹ La vang với biết bao ý nguyện tha thiết của bao người thân nhắn gửi mình đến thân thưa với Mẹ Maria!

Sực tỉnh!

Mẹ ơi, con chào Mẹ! Xin cho con gần Chúa Giêsu như Mẹ!

 Chiên Già