Công giáo ra đời ở Trung Á nhưng lại phát triển mạnh ở châu Âu nên mang nhiều dấu ấn văn hóa của châu lục này. Một trong các dấu ấn đó chính là lịch Phụng vụ của giáo hội tính theo dương lịch.
Dương lịch, chính là lịch được công bố dưới triều Giáo hoàng Grigori XIII, năm 1582. Lịch này tính toán ngày tháng năm dựa trên cơ sở vòng quay của mặt trời khác với cách tính của các nước phương Đông (trong đó có Việt Nam) dựa trên chu kỳ của mặt trăng. Khi Công giáo du nhập vào nước ta cũng mang theo cách ghi ngày tháng theo dương lịch. Vì vậy, lịch Phụng vụ trong đạo cũng được ghi theo dương lịch. Nhưng người Công giáo Việt Nam vẫn phiên lịch Phụng vụ đó sang lịch ta tức âm lịch. Thể hiện rõ qua lịch lễ hội ở vùng Bùi Chu- Phát Diệm:
Tháng giêng ăn Tết ở nhà
Tháng hai ngắm đứng, tháng ba ra Mùa.
Tháng tư tập trống rước hoa,
Kết đèn làm Tạm, chầu giờ tháng Năm.
Tháng sáu, kiệu ảnh Lái Tim,
Tháng bảy chung tiền đi lễ Phú Nhai.
Tháng tám đọc ngắm Mân Côi
Trở về tháng chín xem nơi chồng mồ
Tháng mười mua giấy sao tua,
Quay qua một, chạp, sang mùa ăn chay (1).
Do đó, dù vẫn dùng dương lịch, vẫn có lễ tạ ơn cuối năm dương lịch và đón năm mới theo dương lịch trong Phụng vụ nhưng người Công giáo Việt Nam vẫn gắn bó với văn hóa dân tộc qua cách dùng lịch âm và đón Tết cổ truyền dân tộc.Họ cũng có cách nhắc lịch Tết qua câu tục ngữ: “Lễ Nến ( 2-2) Tết đến sau lưng”.
Người Việt vốn coi trọng Tết cổ truyền, coi đó là thời khắc thiêng liêng mở đầu một năm mới. Thành ra những công nợ phải lo thu xếp trả trong năm cũ, những bất hòa, mâu thuẫn với láng giềng phải được hòa giải trước giao thừa…Họ cũng có thói quen vẽ vôi xung quanh nhà để ngăn chặn yêu ma, dựng một cây nêu trước cửa nhà, trên có một cái giỏ đựng tiền vàng để cho cha mẹ, ông bà, tiên tổ dùng. Alexandre de Rhodes có ghi lại những tục lệ này khi đến Đàng Ngoài năm 1627:
“Còn những người khác có phận sự trong nhà như gia trưởng thì vào cuối năm họ có thói dựng gần cửa nhà một cột dài vượt quá mái nhà, trên ngọn treo một cái giỏ hay một cái túi đục thủng nhiều lỗ và đựng đầy những thứ tiền bằng giấy vàng, giấy bạc. Họ điên dại tưởng tượng là cha mẹ đã mất, vào cuối năm có thể bị túng thiếu và cần đến vàng hay bạc để trả nợ. Cũng còn có một tục lệ khác là không một ai, từ những người giàu sang tới kẻ nghèo khổ khất nợ quá hạn năm mà họ đã vay mượn,từ trường hợp không thể trả nổi mà thôi” (2).
Người Công giáo, theo giáo lý không được tin có chuyện ông bà tiên tổ về lấy tiền để tiêu sau khi qua đời nhưng theo tập tục cổ truyền, ngày Tết họ vẫn dựng cây nêu trước sân nhưng có mang biểu tượng của đạo. Cũng A. Rhodes mô tả ngày Tết cổ truyền ở kinh thành Thăng Long năm 1627 như sau:
“ Tới ngày đầu năm, theo tục lệ lương dân, thường có những cúng bái mê tín dị đoan trong ba ngày Tết. Chúng tôi truyền cho giáo dân làm những việc đạo đức trong ba ngày này. Để thay thế cái hộp treo ở đầu cây nêu cao dựng ngay ở cửa nhà, như chúng tôi đã nói ở trên, thì chúng tôi khuyên họ đặt cây Thánh giá. Họ làm theo. Thế là trong khắp phố phường trong kinh thành người ta xem thấy biểu hiệu đáng kính của việc cứu rỗi được dựng cao chót vót qua mái nhà làm cho ma qủi sợ hãi và các thiên thần vui mừng…Trong ba ngày đầu, chúng tôi đã cho huấn dụ và cho giữ như sau: Ngày mồng một Tết kính công việc tạo thành và gìn giữ muôn loài, kính dâng Thiên Chúa Cha. Ngày mồng hai, nhận biết ơn cứu chuộc, cao cả khôn sánh, kính dâng Con Thiên Chúa và ngày mồng ba, khiêm tốn cảm tạ Chúa Thánh Linh vì ơn được gọi vào đạo Kitô. Và không ai là không hăm hở làm các việc này, không ai là không vui mừng sung sướng” (3).
Vì tin vào sự linh thiêng của Thánh giá và nước phép nên người Công giáo thường vẽ hay treo Thánh giá trước cổng, trước cửa nhà và cũng sái nước phép quanh nhà tối 30 Tết để ngăn đuổi ma quỷ.
Người Việt vẫn có thói quen: “Mồng một tết cha, mồng hai tết chú, mồng ba tết thày”, có nghĩa là ngày tết phải nhớ đến các bậc sinh thành, bề trên, thày dạy dỗ của mình. Người Công giáo cũng giữ thói quen tốt lành đó nhưng còn thêm kính cha phần hồn nữa. Cho nên, cứ sáng mồng một, sau lễ đầu năm, giáo dân trong xứ lại vào chúc tuổi cha xứ rồi mới về chúc tuổi cha mẹ, ông bà. Trước tết, người Công giáo cũng lo dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn thờ cho sạch sẽ, bày hoa mới, thêm câu đối trên bàn thờ. Họ cũng lo sửa mộ tiên tổ, dọn cỏ, quét vôi ve “để ông bà có nhà mới đón Tết”. Bận mấy, họ cũng chuẩn bị sẵn nồi nước tắm có nấu lá mùi thơm để tắm rửa trước giao thừa. Còn về phần hồn, họ cũng lo xưng tội để dọn tâm hồn đón Chúa đến trong năm mới. Cứ sang giao thừa, người ta lại ra nhà thờ mừng tuổi Đức Mẹ bằng cách dâng hoa, đọc kinh và trước đây là đốt pháo. Sau đó xin “lộc” bằng cách rút một tờ giấy có in “Lời Chúa” đưa về coi như là lời dạy về cách sống của mình trong năm mới. Thông thường hiện nay, sau thánh lễ đầu năm và chúc tuổi cha xứ, giáo dân lại qua nhà văn hóa xã dự lễ chào cờ đầu năm cùng nhân dân địa phương rồi đi viếng nghĩa trang liệt sĩ. Bây giờ lịch Phụng vụ Công giáo quy định: ngày mồng một Tết cầu bình an cho năm mới; Ngày mồng hai Tết: kính nhớ tổ tiên; Ngày mồng ba Tết: thánh hóa công ăn việc làm. Thành ra, các nghĩa trang của người Công giáo trong ngày mùng hai và mùng ba Tết rất đông người ra viếng, đọc kinh cầu nguyện cho tiên tổ. Vì lịch phụng vụ thứ tư lễ Tro mở đầu Mùa Chay thường rơi vào Tết. Ví dụ năm 2002, năm 2013, ngày thứ tư ăn chay kiêng thịt đúng vào ngày mùng 4 Tết nên các giáo phận thường cho lui ngày ăn chay kiêng thịt vào thứ sáu hoặc thứ tư tuần sau nữa để không làm ảnh hưởng đến không khí đón xuân của mọi người.
Ngày Tết, từ đời Giáo hoàng Gioan Phao lô 2, mỗi dịp Tết của người Á Đông trong đó có Việt Nam, Giáo hoàng vẫn có lời chúc Tết đến dân chúng Á Đông. Ở Việt Nam, các vị chủ chăn cũng thường có thông cáo hay thư chúc tết để nhắc nhở giáo dân sống tốt lành trong năm mới. Tết Giáp thân năm 2004, Giám mục Thái Bình FX. Nguyễn Văn Sang đã có thông cáo:
“2. Ngày Xuân nên đi lại thăm hỏi ông bà, cha mẹ, anh em, bạn bè nhưng nên tránh ăn uống chè chén say sưa, sinh nhiều bệnh tật và thói hư nết xấu. Vui chơi giải trí, song tránh cờ bạc, xì ke ma túy, tin dông, tin dài, bói toán kẻo tiền mất tật mang, nhiều khi sai phạm pháp luật xã hội.
Nên dùng thời giờ đi thăm viếng những người ốm đau bệnh tật, khó khăn thiếu thốn và tới nhà thờ dâng lễ, đọc kinh như đã khuyên cáo trong lịch Công giáo về ba ngày Tết nguyên đán” (4).
Hồng y JM Phạm Đình Tụng trong dịp Tết cổ truyền 2001( Tân Tỵ) sau khi chúc bình an cho năm mới đã viết:
“Bình an không phải là lời chúc suông, tự nhiên nó đến. Bình an cũng không phải là một mâm cỗ dọn sẵn, cứ việc ngồi mà hưởng thụ. Bình an là một hồng ân của Thiên chúa, vì trừ Chúa không ai có thể ban ơn cứu độ cho ta được. Bình an cũng là một công trình kéo dài cần phải xây dựng mỗi ngày, xây dựng bằng chừa cải tội lỗi, hãm dẹp nết xấu và tuyệt đối tin cậy vào tình yêu của Thiên chúa…
Đi đôi với việc chừa cải tội lỗi, chúng ta phải ra sức hãm dẹp các nết xấu: kiêu ngạo, hà tiện, dâm ô, mê ăn, nóng giận, ghen ghét, lười biếng. Đó là những nết xấu mà ta thường gọi là bảy mối tội đầu, là mầm mống nảy sinh tội lỗi và phá hoại sự bình an” (5).
Nhờ những giáo huấn như vậy, nên người Công giáo ít phạm tội hơn trong dịp Tết từ cờ bạc, rượu chè, bói toán đến các tội phạm hình sự khác. Các giáo xứ, dòng tu thường gói bánh chưng, chuẩn bị quà tết đi thăm các trại phong cùi, nhà trẻ mồ côi hay các bệnh nhân HIV/AIDS…Đấy cũng là nét đẹp mà đạo Công giáo đóng góp cho văn hóa dân tộc.
TS. Phạm Huy Thông