Mùa thuyên chuyển

Mỗi năm đến Hè lòng man mác buồn …

Đó là dòng tâm sự của tuổi học trò. Lòng thật buồn khi không còn được gặp nhau khi ngồi chung một lớp, khi phải xa cây phượng đỏ góc trường.

Buồn ngăn ngắn nếu như năm tới còn gặp lại và sẽ buồn nhiều hơn nếu như tuổi học trò khép lại.

Trong khung cảnh của Giáo Hội, thường thì trung tuần tháng 7 hay theo chu kỳ nào đó của Giáo Phận, Đấng Bản Quyền sẽ trao bài sai cho những Cha mà Ngài muốn thay đổi. Cha nào đó nhận bài sai sẽ về nhà (Xứ) để thu xếp hành trang lên đường sang xứ mới. Những Cha đến tuổi hưu hay bệnh thì chuẩn bị dọn đến nơi mà anh em cao tuổi hơn mình đã ở. Lần lượt mỗi người không ai có thể tránh khỏi cái nơi gọi là hưu dưỡng. Có người thì lại không kịp về hưu.

Cứ đến độ này, dân lại cứ nghe ngóng xứ này cha đổi xứ kia cha đổi. Có người cũng mong cha xứ của mình sao ở lâu quá sao chưa được đổi đi nơi khác vì đã ở lâu năm mà xứ cứ ù lỳ không tiến triển. Có người lại mong cha xứ của mình ở thêm một thời gian nữa vì cha con mến tay mến chân nhau mới có vài năm. Có người lại muốn xin cha đó về xứ của mình vì họ cho ràng cha đó sẽ hợp hơn cha ki. Thế nhưng rồi tất cả cũng không ngoài ý Chúa qua lệnh thuyên chuyển của Bề Trên.

Mục tử ở với con chiên trong bầu khí gia đình để rồi ít nhiều gì đó cha con sẽ bịn rịn, quyến luyến nhau trong cái ngày chuyển xứ hay ngay khi nghe tin cha có bài sai. Phận người vậy thôi ! Đặc biệt với những ai hay lui tới, hay gần gũi hay có việc chung với Cha xứ lại là những người mang nặng cảm xúc hơn. Có những dòng nước mắt tự trào cho người đi cũng như hàng dòng lệ tuôn rơi nơi người ở lại.

Cầm bài sai, thật sự trong cái cảm của con người thì cũng có người vui và người buồn. Có lẽ ít nhiều gì cũng nghe ngóng về xứ này xứ nọ chứ chả phải giản đơn. Tâm lý mà, ai cũng thích được gửi đến một giáo xứ đã ổn định hay dân chúng có đời sống kinh tế vững tâm. Thế nhưng đã gọi là mục vụ và phục vụ thì dù muốn dù không vẫn lên đường theo như đức vâng phục.

Mỗi lần thuyên chuyển như vậy, nhắc nhớ cho phận người cách riêng người mục tử. Mục tử đúng nghĩa là rày đây mai đó, rong ruỗi suốt cả đời với đoàn chiên.

Ai ai cũng muốn cống hiến đời mình cho đến tận hơi thở cuối cùng nhưng rồi do hạn chế của sức khỏe cũng như phần năng động của con người cũng suy giảm do tuổi tác. Dù muốn dù không thì cũng đến cái tuổi gọi là nghỉ ngơi sau thời gian dài mục vụ.

Tôi trộm nghĩ những ngày hưu hay dưỡng bệnh quả là chuỗi ngày hạnh phúc còn lại của cuộc đời dâng hiến. Khi thanh thản với công việc mục vụ và trở về với tuổi già hưu bệnh là khoảng thời gian tịnh dưỡng cũng như có nhiều thời giờ hơn để trò chuyện với Đấng Tình Quân.

Trở về với tuổi già cũng y như tuổi thơ vậy. Ở cái tuổi ấy con người trở nên bé nhỏ và đa phần là sống lệ thuộc vào người khác hơn. Khi còn chức còn quyền hay còn sức khỏe thì tự mình điều khiển người khác và điều khiển cà chính mình. Đến tuổi già hưu bệnh thì lúc đó mình chẳng còn quyền trên ai nữa. Ngay cả cái cơ thể mà mình tưởng bấy lâu nay mình làm chủ thì mình cũng đành phải buông xuôi vì không điều khiển được nó. Đơn giản là giấc ngủ. Cơ thể sẽ không còn ngon giấc hay ngủ đúng giờ khi còn trai trẻ nữa mà phải khó ngủ hơn cũng như thời gian ngủ không như mong muốn.

Phận con người là vậy đó, dù bất cứ ai cũng phải chấp nhận lệ thuộc vào cái định luật của con người là sinh – lão – bệnh – tử. Thời gian hưu dưỡng đau bệnh có lẽ là thời gian tuyệt vời nhất để mỗi người ý thức được cái thân phận nhỏ bé của mình.

Khi còn trẻ, còn khỏe thì mình muốn đi đâu tùy sức cũng như tùy tự do của bàn thân mình. Đến một khi nào đó ta sẽ không tự mình di chuyển nữa và đến phút cuối là người ta di chuyển mình đến nơi mình không muốn đến.

Nhìn các cha thuyên chuyển thay giáo xứ khác hay như cha gần giáo xứ gia đình đang sinh sống sẽ bước vào cánh cửa của nhà hưu để cảm nhận ra cái giới hạn của phận người hay là đời tu sẽ không nơi nào là vĩnh viễn. Chỉ có một nơi vĩnh viễn đó chính là quê Trời. Chả ai lột da sống đời được. Ai ai rồi cũng phải ra đi cũng như rời khỏi căn nhà thân yêu của mình để về với lòng đất Mẹ chờ ngày phục sinh với Chúa.

Với góc nhìn như vậy, ta thấy đời ta có những chuyến đi. Con người cứ mãi thuyên chuyển cho đến khi người khác “thuyên chuyển” ta đến nơi mộ phần.

Và vì phận người là như vậy nên rồi không còn con đường nào khác con đường mà mục tử Giêsu đi và mời gọi. Ai nào đó yêu hết mình, phục vụ hết mình và dấn thân suốt đời vì đoàn chiên với tấm lòng nhân hậu và mục tử tốt lành như lòng Chúa mong muốn thì dù chuyển đi xứ khác hay về nhà hưu dưỡng thì lòng cũng sẽ thảnh thơi vì như Chúa nói khi làm xong việc nào đó con hãy nói “con chỉ là đầy tớ vô dụng”.

Ước mong các mục tử sẽ thi hành sứ vụ mà mình được gửi đến bằng cả tấm lòng để khi rời khỏi xứ đi xứ khác hay đến nhà hưu dưỡng thì cha con vẫn nhớ đến nhau trong lòng mến cũng như trong các giờ kinh nguyện.

Lm. Anmai, CSsR