Một chia sẻ về câu chủ đề của Lễ Truyền Thống Hội SVCG tổng giáo phận Hà Nội XVII

 

Một chia sẻ về câu chủ đề của Lễ Truyền Thống Hội SVCG

tổng giáo phận Hà Nội XVII

“Ta sẽ sai ai đây? Dạ, con đây, xin Người hãy sai con!” (Is. 6,8)

le-truyen-thongsinh-vien-cong-giaoCâu Kinh Thánh trên là tiếng gọi của Chúa và lời đáp trả của ngôn sứ I-sai-a. Trước cuộc đối thoại ơn gọi này, môi miệng ngôn sứ I-sai-a đã được thanh tẩy bằng than hồng do chính tay sứ thần Chúa dùng cặp gắp từ bàn thờ Chúa. Trước đó I-sai-a còn tuyệt vọng kêu lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế” (Is. 6, 4). Thế mà, ngay sau khi môi miệng ông được thanh tẩy, khi được hỏi “Ta sẽ sai ai đây?,” I-sai-a đã mau mắn đáp lời mời của Chúa: “Dạ, con đây, xin Người hãy sai con.”

I-sai-a, một người môi miệng ô uế, được tình thương của Chúa tách ra khỏi một dân tộc môi miệng ô uế. Chúa tình thương đã thánh hóa ông, rồi Người đưa ông trở lại với dân tộc môi miệng còn ô uế của ông, không phải để ông sống cuộc đời thánh thiện một mình, nhưng là để loan báo cho dân tộc ấy về một Thiên Chúa Thánh Thiện và đầy tình thương.

Và đây là sư phạm Chúa dùng khi kêu gọi một ai đó thực hiện sứ mạng Người trao: Người tha thứ tội lỗi người ấy trước bằng một tình thương lớn hơn tội lỗi họ nhiều lần, rồi mới trao sứ mạng cho họ. Tình thương của Đức Giê-su đụng đến thân phận tội lỗi của Phê-rô, thánh hóa ông cho một sứ mạng rât lớn – lưới người! (Lc 5, 1-11). Sau cú ngã ngựa ngoạn mục, mọi việc làm xấu của Phao-lô được xá giải, và Đức Giê-su đã mời ông tham dự vào dự án chinh phục dân ngoại về cho Chúa (Cv 9, 1-19).

Bạn thân mến,

Có rất nhiều lý do chúng ta chọn Is 6, 8 làm chủ đề cho lễ Truyền Thống của Hội Sinh Viên tổng Giáo Phận Hà Nội lần thứ XVI năm nay.

Lý do quan trọng nhất là: bạn và tôi đã được tình thương Chúa thánh hóa, và cũng chính tình thương ấy sai chúng ta đi vào thế giới. Chúng ta không thể giữ tình thương Chúa cho riêng mình, hay trong nhóm của mình. Bạn và tôi được sai đến những biên cương cuộc sống, nơi có rất nhiều người đang chờ đợi Tin Mừng.

Với 16 năm hiện diện, có khi chúng ta chỉ đóng khung cảm nghiệm tình thương của chúng ta, ơn gọi của chúng ta, sứ mạng của chúng ta trong khuôn khổ của một địa điểm sinh hoạt, một nhóm hay một hội. Chúng ta được thanh tẩy bằng tình thương, không phải chỉ để chúng ta sống thánh một mình; chúng ta được sai vào thế giới để loan báo về một Thiên Chúa của tình thương thứ tha.

Lý do thứ hai, thế giới mà chúng ta được sai đến hôm nay không khác với thế giới mà I-sai-a được sai đến năm xưa: cả hai đều mang môi miệng ô uế. Cái ô uế nơi dân Ít-ra-en thời I-sai-a bị phơi bày nơi bất công xã hội và nơi sự xuống cấp của nền luân lý, vốn là kết quả của những lần Ít-ra-en ngoại tình về tôn giáo, nghĩa là Ít-ra-en đã bỏ Chúa để thờ các thần ngoại bang.

Còn cái ô uế của thế giới chúng ta hiện nay, nói theo cách nói của đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, tỏ lộ dưới hình thức của ba thứ lầm than: “lầm than vật chất, lầm than luân lý và lầm than tinh thần.”[i]

Lầm than vật chất  được tìm thấy nơi rất nhiều người nghèo, nhất là ở những quốc gia đang phát triển. Cuộc sống của họ thiếu trước hụt sau, đến độ sự thiếu hụt này đè nặng trên cuộc đời họ, làm cho họ sống không xứng đáng với phẩm giá con người họ được trao, vì quá nghèo.

Lầm than luân lý là cách gọi khác của những nô lệ cho tật xấu và tội lỗi, đến độ, con người hôm nay đã đánh mất “cảm thức về tội.” Rất nhiều người trẻ dễ bị những hình thức nghiện ngập  – rượu, ma túy, cờ bạc và dâm ô – đốt cháy. Cuộc sống của họ chẳng còn ý nghĩa, chẳng còn tương lai và hy vọng.

Lầm than tinh thần lên ngôi khi nhân loại đang từ từ bỏ quên Chúa và tình thương của Người. Cuộc hiện sinh của chúng ta bỗng thành một cuộc sống vội, bất cần tình liên đới sẻ chia.

Trong ba thứ lầm than này, lầm than tinh thần là nguyên nhân của hai thứ lầm than còn lại. Khi Thiên Chúa bị lãng quên là lúc cách sống thiếu vắng tình thương lên ngôi. Bị ba thứ lầm than này đè nặng trên vai, thế giới hôm nay đang chao đảo vì mất trọng tâm. Chỉ có Thiên Chúa mới có khả năng giải thoát nhân loại khỏi những tình trạng thiếu hụt khốn khổ. Bạn và tôi, chúng ta được mời gọi nối dài cánh tay tình thương của Chúa, giúp làm giảm đi ba thứ lầm than này, ngay trong môi trường học đường của chúng ta, trước khi chúng ta có thể đi ra với thế giới rộng lớn hơn.

Lý do thứ ba: năm nay là năm Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình. Trong logo của năm Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình, bạn tìm thấy 4 nội dung: yêu thương, cầu nguyện, phục vụ sự sống và loan báo Tin Mừng. Bạn và tôi sẽ cầu nguyện theo nhóm hay cá nhân để biết và cảm nhận mình được yêu thương. Kinh nghiệm được yêu thương này sẽ thúc bách chúng ta phục vụ sự sống con người bằng một việc thiết thực nhất, đó là ra đi loan báo Tin Mừng về tình thương mà chính chúng ta đã cảm nhận bằng con tim mình.

Trở lại với bối cảnh lịch sử của cuộc đối thoại sứ mạng giữa Chúa và ngôn sứ I-sai-a năm xưa, bạn sẽ nhận thấy thêm điều này nữa: khi hỏi “Ta sẽ sai ai đây?” Chúa đã không quăng lời mời của Người vào trong không gian mênh mông không lời đáp trả; trái lại, Người ngỏ lời mời này trực tiếp tới I-sai-a, người vừa được thanh tẩy. Qua kinh nghiệm được Chúa thanh tẩy này, I-sai-a biết và ao ước dân tộc ông cũng được thanh tẩy trong tình thương của Chúa như thế. Chúa không ép I-sai-a phải nhận lời mời lên đường. Như thế ông sẽ mất tự do! Thế mà, ai đó đã cảm nhận mình được yêu thương thì chính người ấy sẽ háo hức lên đường loan báo tình thương ấy cho anh chị em khác, những người cũng cần được tình thương này đụng chạm đến. Như thế, Chúa cần I-sai-a và Người đã trao cho I-sai-a một cơ hội phục vụ tình thương của Người.

Hôm nay Đức Giê-su cũng ngỏ trực tiếp với bạn và tôi cùng một lời kêu gọi: “Ta sẽ sai ai đây?” Ước gì bạn và tôi, khởi đi từ kinh nghiệm chúng ta được Chúa yêu thương, sẽ không để lời mời của Chúa vuột khỏi tầm tay, bay vào cái mênh mang của không gian và thời gian. Lời mời ấy ước ao được ở lại trong những con tim của chúng ta, trở thành một nội lực thúc bách chúng ta lên đường loan báo tin vui.

Xưa và nay, không gian và thời gian có thể đã thay đổi, nhưng những vấn đề của nhân loại vẫn y nguyên. Có khác biệt điều gì thì sự khác biệt ấy chỉ ở cấp độ và sự tinh vi trong hình thức phô bày của chúng mà thôi. Nhưng có một tin vui cho nhân loại: Thiên Chúa tình thương thì vẫn là một, hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Vị Thiên Chúa này muốn bày tỏ tình thương của Người cho thế giới, và ý định này không bao giờ Người thay đổi, dù mọi thứ chung quanh đã đổi thay.

Để vận chuyển tình thương này đến cho thế giới, hôm nay Chúa cần chúng ta góp một tay, như người đã cần cánh tay trợ giúp của I-sai-a năm xưa!

 

Phao-lô Nguyễn Thái Sơn, S.J

[i] Đức giáo hoàng Phan-xi-cô, Sứ Điệp Mùa Chay 2014.