Lời Chúa: Thứ Hai tuần XI mùa Thường Niên

Không trả đũa

 
 
Thứ Hai tuần XI mùa Thường Niên – Ngày 13/6: Thánh Antôn Pađôva
Lời Chúa: 

Mt 5,38-42

38 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe bảo: ‘Mắt đền mắt, răng đền răng’. 39 Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. 40 Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. 41Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. 42 Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ”.

(Nguồn: Uỷ ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

“Nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa.” (Mt 5,39)

 
Suy niệm: 

* Hạnh Thánh: Thánh ANTÔN PAĐUA
Linh mục và tiến sĩ Hội Thánh (1195 – 1231)

Lòng tôn sùng rộng rãi và mạnh mẽ đối với thánh Antôn Pađua thật lạ lùng so với những sự kiện đời Ngài. Ngài sinh năm 1195 có lẽ gần Lisbonne, với tên gọi là Fernanđô. Cha Ngài là hiệp sĩ và viên chức tại triều đình hoàng đế Alphongsô thứ II, vua nước Bồ Đào Nha. Fernanđô được gởi đi học trường nhà thờ chính toà tại Lisbonne. Nhưng vào tuổi 15, Ngài gia nhập dòng thánh Augustinô.

Sau hai năm tại nhà dòng, Ngài xin được chuyển về Coimbra vì bạn bè đến thăm quá đông. Tu viện Coimbra có một trường dạy Thánh Kinh rất danh tiếng. Tám năm trời Fernanđô nỗ lực học hỏi và đã trở thành học giả sâu sắc về thần học và Kinh thánh.

1. Biến cố thay đổi

Ngày kia với nhiệm vụ tiếp khách, Ngài săn sóc cho 5 tu sĩ Phanxicô đang trên đường tới Morocco. Về sau họ bị tàn sát dã man và thi hài họ được đưa về Coimbra để tổ chức quốc táng. Fernanđô mong ước hiến đời mình cho cánh đồng truyền giáo xa xăm.

Nôn nóng với ước vọng mới, Fernanđô phải tiến một bước bất thường đầy đau khổ là rời bỏ dòng Augustinô để nhập dòng Phanxicô. Nhà dòng đặt tên Ngài là Antôn và chấp thuận cho Ngài tới Moroccô. Nhưng vinh dự tử vì đạo không được dành riêng cho Ngài. Ngài ngã bệnh và phải trở về nhà. Trên đường về, con tàu bị bão thổi bạt tới Messina ở Sicyly. Thế là Antôn nhập đoàn với anh em Phanxicô nước Ý. Có lẽ thánh nhân có mặt trong cuộc họp ở Assisi năm 1221 và gặp thánh Phanxicô ở đây. Ít lâu sau Ngài được gởi tới viện tế bần ở Forli gần Emilia để làm những công việc hèn hạ.

2. Biến cố hai

Dầu vậy một biến cố bất ngờ khiến người ta khám phá ra khả năng đặc biệt của thánh nhân. Trong một lễ nghi phong chức ở Forli nhà giảng thuyết đặc biệt vắng mặt. Không ai dám thay thế. Cha giám tỉnh truyền cho Antôn lên tòa giảng. Antôn làm cho khán giả kinh ngạc. Người ta thấy ngay trước được rằng: Ngài là một nhà giảng thuyết bậc nhất. Kết quả tức thời Ngài không lường trước là Ngài được chỉ định làm nhà giảng thuyết trong cả Italia. Đây là một thời mà Giáo hội cần đến những nhà giảng thuyết hơn bao giờ hết để chống lại các lạc thuyết.

Kể từ đó nhà tế bần Forli không còn gặp lại Antôn nữa. Ngài du hành không ngừng bước từ miền nam nước Ý tới miên Bắc nước Pháp, hiến trọn thời gian và năng lực cho việc giảng dạy. Sự đáp ứng của dân chúng đã khích lệ Ngài nhiều, các nhà thờ không đủ chỗ cho người đến nghe. Người ta phải làm bục cho Ngài đứng ngoài cửa. Nhưng rồi đường phố và quảng trường đã lại chật hẹp quá và người ta lại phải mang bục ra khỏi thành phố tới những cánh đồng hay sườn đồi, nơi có thể dung nạp từ 20 đến 40 ngàn người đến nghe Ngài. Nghe tin Ngài đến đâu, thì nơi đó tiệm buôn đóng cửa, chợ hoãn phiên họp, tòa ngưng xử án. Suốt đêm dân chúng từ khắp hướng đốt đuốc tụ về. Dường như bất cứ ai một lần chịu ảnh hưởng của thánh Antôn thì không có gì chống lại được sự lôi cuốn bởi các bài giảng của Ngài.

3. Chủ trương

Ngài thường mạnh mẽ chống lại sự yếu đuối của hàng giáo sĩ với những tội nổi bật trong xã hội đường thời như: tính tham lam, nếp sống xa hoa, sự độc đoán của họ. Đây là một giai thoại điển hình: khi Ngài được mời để giảng ở hội đồng họp tại Bourges, dưới sự chủ tọa của Tổng Giám mục Simon de Sully. Với những lời mở đầu “Tibi loquor cornute” (Tôi xin thưa cùng Ngài đang mang mũ giám mục trên đầu), thánh nhân tố giác vị giám mục mời Ngài tới, làm mọi thính giả phải kinh ngạc.

Cũng tại Bourges, nên ghi lại một phép lạ lừng danh về một con lừa thờ lạy bí tích cực trọng. Với một người Do Thái không tin phép Bí tích Thánh Thể, thánh nhân nói: – Nếu con lừa ông cưỡi mà quỳ xuống và thờ lạy Chúa ẩn mình dưới hình bánh thì ông có tin không? Người Do Thái nhận lời thách thức. Hai ngày ông ta không cho lừa ăn rồi dẫn tới chỗ họp chợ, giữa một bên là lúa mạch và bên kia thánh Antôn kiệu Mình Thánh Chúa đi qua, con vật quên đói quay sang thờ lạy Chúa.

Mùa Chay cuối cùng thánh Antôn giảng ở Pađua và người ta còn nhớ mãi về sau, nhiệt tình mà thánh nhân đã khơi dậy. Dân địa phương đã không thể nào tìm ra thức ăn lẫn chỗ ở cho đoàn người đông đảo kéo tới. Nhưng sau mùa Chay này, thánh nhân đã kiệt sức. Ngài xin các bạn đồng hành đưa về nhà thờ Đức Maria ở Pađua để khỏi làm phiền cho chủ nhà trọ. Không nói được nữa, Ngài dừng chân ở nhà dòng Đức Mẹ người nghèo ở Arcella.

Tại đây, người ta đặt Ngài ngồi dậy và giúp Ngài thở. Ngài bắt đầu hát thánh thi Tạ ơn và qua đời giữa tiếng ca ngày 13 tháng 6 năm 1231.


Thánh tích Thánh Antôn Pađua

** Suy niệm:

A- Phân tích (Hạt giống…)

Chúa Giêsu tiếp tục bàn đến luật trả đũa.

Khuynh hướng tự nhiên là muốn trả đũa, và trả đũa thì thường nặng hơn mức người ta gây cho mình: “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”.

Cựu ước hạn chế sự trả đũa đúng với mức thiệt hại người ta gây cho mình: “mắt đền mắt, răng đền răng”.

Phần Chúa Giêsu Ngài dạy hoàn toàn không trả đũa.

B- Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. Không trả đũa, đó không phải là thái độ của kẻ yếu, mà ngược lại đó là thái độ của kẻ mạnh. Chỉ người nào rất mạnh mới chế ngự được khuynh hướng trả đũa và vốn nằm sẵn trong lòng mình. Người đó còn mạnh về tình thương nữa, vì chỉ có một tình thương rất mạnh mới có thể tiếp tục yêu thương và không trả đũa kẻ xúc phạm mình.

2. Đời nước Tề, có một người nằm mơ thấy có người đem gươm vào nhà ông mắng chửi rồi giận dữ bỏ đi. Ông ta giật mình tỉnh dậy nhưng không tài nào ngủ lại được nữa. Sáng hôm sau ông nói với một người bạn: từ thủa nhỏ tới giờ, tôi vốn là người trí dũng. Đến nay 80 tuổi tôi chưa hề bị ai làm nhục. Thế mà đên qua có người đến làm nhục tôi. Tôi cảm thấy bức rức và cố tìm gặp được người đó, bằng không tôi phải chết mất.

Thế là ngay sáng hôm ấy, ông cùng người bạn đi tìm kẻ thù đã khiêu khích mình. Năm ngày trôi qua, nhưng ông vẫn chưa tìn được kẻ thù. Tức tối vì bị kẻ thù làm nhục, hâm hực vì không tìm được kẻ thù, ông về nhà mất ăn mất ngủ mà chết.

Cicéron diễn giả Lamã nói: “con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình”. Đúng thế, con người tự tạo ra cho mình kẻ thù rồi tự tiêu diệt chính mình. (trích món quà giáng sinh)

3. “Anh em đã nghe luật dạy rằng: “mắt đền mắt, răng đền răng”. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự với người ác; trái lại, nếu ai bị vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5,38-39)

Trong trận bóng chung kết tuần vừa qua của trường, tôi tham gia thi đấu cho khoa của mình. Trân đấu diễn ra trong sự vui vẻ đoàn kết.

Đến phút 20 của hiệp I, tôi ghi được một bàn thắng. Và từ giây phút đó, trận đấu trở nên sôi nổi hơn nhưng cũng không thiếu sự thô bạo.

Tôi sớm trở thành nạn nhân. Một cái đạp từ phía sau, do cố ý, làm tôi gục xuống. Tuy đau nhưng tôi vẫn gượng cười và tiếp tục thi đấu. Hiệp I gần kết thúc, sự “không may” một lần nữa đến với tôi bằng cú lên gối ngực của chính kẻ đã đạp tôi lần trước. Thế là tôi phải ra sân.

Trận đấu kết thúc với tỉ số 1-1. Người ấy đã đến gặp tôi và xin lỗi.

Chúa ơi, nếu con vì đau mà trả thù ngay trên sân thì ắt sẽ không có sự nhận lỗi và xin lỗi này. Và hận thù sẽ tiếp nối hận thù phải không Chúa ? Con cám ơn Chúa đã giúp con thắng được chính mình. Xin cho con luôn nhớ rằng: “bạo động chỉ gây thêm bạo động. Chỉ có tình yêu mới mang lại tình yêu” (Hosanna).

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúa là hoàng tử bình an, là ông vua thái bình. Chúa đã đến để mang lại cho chúng con ơn bình an. Chúa đã dạy chúng con cách thức để được bình an, đó là sự tha thứ và nhường nhịn lẫn nhau. Xin giúp chúng con biết học nơi Chúa luôn dịu hiền và khiêm nhường trong lòng. Xin giúp chúng con cũng biết trao ban lời bình an cho tha nhân thay vì những lời giận dỗi, chua cay.

Chúa ơi, nếu cuộc sống chúng con chỉ lấy oán báo oán thì oán sẽ chập chùng. Và hận thù sẽ nối tiếp hận thù phải không Chúa? Nếu cuộc sống chỉ quanh đi quẩn lại những hận thù, bỏ vạ, cáo gian, có lẽ đó là những ngày tháng bất hạnh và đau thương của kiếp sống con người!. Xin Chúa giúp chúng con biết tha thứ cho nhau thay vì nuôi dưỡng giận hờn. Xin giúp chúng con biết nghĩ tốt, nói tốt về nhau thay vì nghĩ xấu, nói xấu về nhau. Xin giúp chúng con luôn nhớ rằng: “bạo động chỉ gây thêm bạo động, chỉ có tình yêu mới mang lại tình yêu”.

Lạy Chúa là Ðấng chậm bất bình và rất mực khoan nhân, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa luôn sống yêu thương và hoà thuận với mọi người. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)