HIỆP SỐNG TIN MỪNG
LỄ ĐÓN GIAO THỪA ĐẦU XUÂN
Mt 5,1-10
TÁM MỐI PHÚC THẬT
1. LỜI CHÚA:“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3)
2. CÂU CHUYỆN:
PAUL GETTY là ông chủ một hãng dầu lớn nhất tại Anh Quốc. Khu đất ông ở rộng bốn mươi mẫu tây. Tài sản của ông trị giá hàng tỷ mỹ kim. Thế mà mỗi ngày ông đều phải thức dậy làm việc từ lúc ba giờ sáng. Chung quanh ông lúc nào cũng có tới mười cảnh sát bảo vệ. Mỗi ngày, ông nhận được hàng trăm cú điện thoại và những lời đe dọa ám sát… Ông đã phải thốt lên rằng: “Tôi là người chẳng bao giờ biết đến hạnh phúc!”.
3. THẢO LUẬN: 1) Hạnh phúc thực sự là gì? 2) Làm thế nào để đạt được hạnh phúc thực sự trong cuộc sống hiện tại và mai sau?
4. SUY NIỆM:
1) Lời chúc hạnh phúc đầu Xuân:
Năm cũ sắp qua nhường chỗ cho năm mới đang tới. Trong dịp này, chúng ta thường chúc cho nhau những điều tốt đẹp. Chẳng hạn: Chúc cho đông con nhiều cháu, phát tài phát lộc, khỏe mạnh sống lâu… Những lời cầu chúc thường qui về ba chữ: Phúc, Lộc, Thọ. Tóm lại là chúc nhau được hạnh phúc. Nhưng thế nào là hạnh phúc thực sự?
2) Hạnh phúc không ở sự thỏa mãn nhu cầu thể xác:
Hạnh phúc là sự thỏa mãn khi đạt được những điều mình mong ước. Tuy nhiên không nhất thiết cứ có đông con nhiều cháu, cứ sở hữu nhiều nhà cửa tiền bạc, cứ có chức cao quyền trọng hoặc được sống lâu trăm tuổi là hạnh phúc… Vì lòng tham con người vô đáy như người đời thường nói: “Được voi đòi tiên”, “Đứng núi này trông núi nọ”
…
Chúng ta cũng thường chúc cho nhau khỏe mạnh, nhưng khỏe mạnh vẫn chưa phải là thứ hạnh phúc đích thực. Vì nếu sức khỏe thực sự là niềm hạnh phúc, thì chắc hẳn những nhà lực sĩ sẽ hạnh phúc nhất. Thế nhưng, không phải luôn như vậy. Bởi vì có những người đau yếu, sức khỏe èo uột, thế mà nụ cười vẫn tươi nở trên đôi môi khô héo của họ, đang khi những người có sức khỏe vô địch lại thường xuyên lo lắng bị kẻ khác soán ngôi vô địch như người ta thường nói: “Cao nhân tất hữu cao nhân trị”.
Rất nhiều người đã mong ước tìm được một việc làm hợp khả năng và kiếm ra được nhiều tiền để sống an nhàn như câu sau đây hay được nhiều người hay lặp đi lặp lại:
“Có tiền mua tiên cũng được: Đồng tiền là Tiên là Phật; Là sức bật của tuổi trẻ; Là sức khỏe của tuổi già; Là cái đà của danh vọng; Là cái lọng để che thân; Là cán cân của công lý; Là triết lý của cuộc đời”.
3) Đi tìm hạnh phúc đích thực:
Hạnh phúc thật sự không nhất thiết do tiền bạc, chức quyền, sắc đẹp, sức khỏe… dù rằng những điều đó đều là ưu điểm có khả năng mang lại cho chúng ta những niềm vui trong một thời gian nào đó. Vậy hạnh phúc đích thật ở đâu?
Thực ra: Con người chúng ta không những gồm có thân xác mà còn có linh hồn. Cơm áo gạo tiền hay tiền bạc vật chất, địa vị chức quyền, sắc đẹp, tài năng, sức khỏe, sống lâu… chỉ đáp ứng được những nhu cầu về thể xác bên ngoài, nhưng không thỏa mãn được những nhu cầu tinh thần bên trong. Điều quan trọng cần được thỏa mãn để có hạnh phúc thực sự chính là biết tha thứ để có được sự bình an trong tâm hồn, có được niềm vui ơn cứu độ như Đức Ma-ri-a sau khi được ca tụng là diễm phúc, đã dâng lời ca tụng Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa. Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1,46-47). Dù thân xác có gặp tai nạn trái ý, nhưng người có đức tin phó thác vào Thiên Chúa vẫn tìm thấy niềm vui hạnh phúc trong sự nhẫn nhịn chịu đựng và quảng đại tha thứ chỏ kẻ bách hại mình như Thánh Tê-pha-nô khi bị ném đá đã cầu xin Thiên Chúa: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (Cv 7,60), hoặc như Đức Giê-su đã xin Chúa Cha khi bị treo trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Như thế, hạnh phúc chúng ta nhận được phải bắt nguồn từ Thiên Chúa là nguồn mạch mang lại hạnh phúc đích thực. Nơi nào có Chúa Giê-su hiện diện thì nơi ấy sẽ có sự bình an hạnh phúc như Người đã hứa: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi. Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28-29).
4) Phương thế để được hạnh phúc thực sự là sống Tám Mối Phúc:
Để luôn có Chúa ở cùng, để có hạnh phúc thực sự trong Nước Trời, mỗi người chúng ta phải quyết tâm thực hành Tám Mối Phúc trong Tin Mừng hôm nay: Sống khiêm hạ nghèo khó, luôn ứng xử hiền lành, chấp nhận con đường qua đau khổ vào vinh quang, luôn khát khao nên người công chính, có lòng chạnh thương những kẻ bất hạnh, có tâm hồn trong sạch, luôn ăn ở thuận hòa, sẵn sàng chịu bách hại vì sống công chính, chấp nhận bị sỉ nhục vì danh Chúa…
Niềm hạnh phúc của một tâm hồn luôn có Chúa ở cùng, cũng chính là niềm hạnh phúc mà chúng ta cần phải cầu chúc cho nhau trong giờ phút đón Giao Thừa và trong Năm Mới này. Dù chúng ta ít nhiều vẫn còn chịu đau khổ và gặp những điều trái ý, nhưng nếu thực sự có Chúa ở cùng, chắc chắn chúng ta vẫn cảm thấy vui mừng và hy vọng, bình an và hạnh phúc như thánh Phao-lô đã chia sẻ kinh nghiệm: “Tâm hồn tôi chứa chan niềm an ủi và tràn ngập nỗi vui mừng trong mọi cơn gian nan khốn khó” (2 Cr 7,4b).
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con quyết tâm thực thi tinh thần Tám Mối Phúc của Chúa trong Tin Mừng hôm nay, thể hiện qua cách suy nghĩ, nói năng và cách ứng xử khiêm tốn, vị tha, luôn nhẫn nhịn, tha thứ và từ bi nhân hậu noi gương Chúa khi xưa, để tâm hồn chúng con được bình an, vui tươi ngay từ hôm nay, là dấu chỉ sau này chúng con cũng sẽ được hưởng an bình hạnh phúc trên Thiên Đàng với Chúa Ba ngôi.- AMEN.]
************************
HIỆP SỐNG TIN MỪNG
MÙNG MỘT TẾT
Mt 6,25-34
NGÀY NÀO CÓ CÁI KHỔ CỦA NGÀY ẤY
1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34).
2. CÂU CHUYỆN: TÁI ÔNG THẤT MÃ, AN TRI HỌA PHÚC
Sách Hoài Nam Tử có ghi lại một câu chuyện dạy đời như sau:
Một ông lão ở gần biên giới giáp với nước Hồ phía Bắc nước Tàu, gần bên Trường thành có nuôi một con ngựa. Một hôm con của ông lão dẫn ngựa ra gần biên giới cho ăn cỏ, vì lơ đễnh nên con ngựa vọt chạy qua nước Hồ mất dạng. Những người trong xóm nghe tin đến chia buồn với ông lão. Ông lão rất bình tỉnh nói: Biết đâu con ngựa chạy mất ấy sẽ đem lại điều tốt cho tôi.
Vài tháng sau, con ngựa chạy mất ấy quay trở về, dẫn theo một con ngựa của nước Hồ, cao lớn và mạnh mẽ. Người trong xóm hay tin liền đến chúc mừng ông lão và nhắc lại lời ông lão đã nói trước đây. Ông lão không có vẻ gì vui mừng, nói: Biết đâu việc được ngựa Hồ nầy sẽ dẫn đến tai họa cho tôi.
Quả nhiên con trai của ông lão rất thích cưỡi ngựa, thấy con ngựa Hồ cao lớn mạnh mẽ thì thích lắm, liền nhảy lên lưng cỡi nó chạy đi. Con ngựa Hồ chưa thuần nết, chưa quen người nên nhảy loạn lên, con ông lão bị ngựa Hồ hất xuống đất, bị té gãy một xương đùi thành ra què chân chịu cảnh tật nguyền. Người trong xóm vội đến chia buồn với ông lão, thật không ngờ con ngựa không tốn tiền mua nầy lại gây ra tai họa cho con trai của ông lão như thế. Ông lão thản nhiên nói: Xin các vị chớ lo lắng cho tôi, con tôi bị ngã gãy chân, tuy bất hạnh đó, nhưng biết đâu nhờ họa nầy mà lại được phúc đó.
Một năm sau, nước Hồ kéo quân sang xâm lấn Trung nguyên. Các trai tráng trong vùng biên giới đều phải sung vào quân ngũ chống ngăn giặc Hồ. Quân Hồ thiện chiến, đánh tan đạo quân mới gọi nhập ngũ, các trai tráng đều bị tử trận, riêng con trai ông lão vì bị què chân khỏi phải đi lính, nên còn sống sót.
3. THẢO LUẬN: 1) Qua câu chuyện “Tái ông thất mã, an tri họa phúc” nghĩa là: Lão ông mất ngựa, họa hay là phúc?, bạn suy nghĩ thế nào về các điều phúc họa trong cuộc sống của bạn? 2) Tin Mừng trong thánh lễ Mùng Một Tết hôm nay dạy thế nào về sự quan phòng của Thiên Chúa trước những điều may rủi gặp phải giữa đời thường?
4. SUY NIỆM:
1) Nội dung Tin Mừng ngày đầu Năm Mới:
Tin Mừng thánh lễ ngày đầu Năm Mới hôm nay, Đức Giê-su đã dạy môn đệ đừng quá lo lắng về đời sống cho bản thân nhưng phải tin cậy vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa qua ba ví dụ cụ thể như sau:
Một là loài chim trời không gieo không gặt nhưng chúng vẫn được Cha trên trời nuôi sống.
Về việc sống lâu thì dù có lo lắng cũng không thể kéo dài đời mình thêm một vài gang tấc!
Về cơm ăn áo mặc: Như loài hoa huệ ngoài đồng không kéo sợi may mặc, thế mà Cha trên trời vẫn cho chúng mặc đẹp hơn vua Sa-lo-mon vinh hoa tột bậc.
Từ đó Đức Giê-su dạy các môn đệ phải biết phó thác cậy trông vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa: Nếu loài chim trời chẳng đáng giá bao nhiêu, và loài hoa đồng nội sớm nở tối tàn mà Cha trên trời còn chăm sóc như thế, phương chi con cái loài người đáng giá hơn muôn phần lại không được Thiên Chúa quan phòng gìn giữ hay sao? Và Đức Giê-su kết luận: “Vậy đừng quá lo lắng về ngày mai. Ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày đó”.
2) Về sự quan phòng của Thiên Chúa:
Ngày nay chúng ta cũng có muôn ngàn nỗi lo chínhđáng: Người làm cha mẹ thì lo sao cho gia đình có cái ăn cái mặc hằng ngày, lo căn nhà đang ở khỏi dột khi mùa mưa đến, lo cho con cái học hành tử tế, lo cho người nhà mắc bệnh được có tiền để khám bệnh uống thuốc, lo giá cả tiêu dùng không bị tăng vọt, lo mùa màng ngoài đồng không bị thất bát do nắng hạn, sâu rầy hay lũ lụt… Những nỗi lo như thế phát xuất từ trách nhiệm của mỗi người chúng ta và đều chính đáng đúng theo thánh ý của Thiên Chúa.
3) Phải tránh thói ỷ lại lười biếng và vô trách nhiệm:
Chim trời tuy không phải vất vả gieo gặt như loài người, nhưng chúng cũng phải bay đi đó đây để tìm mồi. Hoa huệ ngoài đồng tuy không phải dệt may nhưng cũng phải đâm rễ tìm chất bổ dưỡng. Đàng khác chính Đức Giê-su đã nói: “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34).
Không những Đức Giê-su không muốn chúng ta lười biếng vô trách nhiệm, mà còn muốn ta phải chịu khó làm việc để góp phần làm cho môi trường ta đang sống, cho thế giới này ngày một tốt đẹp hoàn thiện hơn. Ngay từ khi dựng nên loài người, Thiên Chúa đã ra lệnh cho họ phải canh tác trái đất và làm chủ vạn vật. Trong dụ ngôn về những nén bạc (x. Mt 25,15-25), Đức Giê-su đã đòi mỗi đầy tớ phải làm lợi cho chủ gấp đôi các nén bạc được trao, chứ không phải đem đi chôn giấu. Như vậy, chúng ta có bổn phận phải lo lắng, tiên liệu cho tương lai. Điều Chúa không chấp nhận là quá lo lắng về đời sống vật chất, coi nó là cùng đích đời mình.
4) Tiên vàn phải lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa:
Người môn đệ Đức Giê-su phải coi trọng nước Thiên Chúa. Những điều khác cũng cần phải quan tâm, nhưng không được coi chúng hơn Nước Thiên Chúa. Thường người ta coi tiền bạc vật chất là ưu tiên số một và có khả năng giải quyết được mọi vấn đề của con người. Nhưng thực tế chứng minh suy nghĩ ấy là sai lầm. Thực ra tiền bạc của cải là phương tiện cần giúp con người có đời sống tốt hơn như người ta thường nói: “Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc”. Nhưng của cải tự nó không mang lại hạnh phúc. Nó chỉ tốt khi chúng ta biết dùng nó như phương tiện, như đầy tớ của chúng ta. Nhưng tên đầy tớ tiền bạc này lại rất có uy, rất dễ biến thành ông chủ lúc nào không biết. Khi nó đã nắm quyền làm chủ, nó sẽ bắt chúng ta phải phụng sự nó với bất cứ giá nào.
Ưu tiên tìm nước Thiên Chúa là phải chịu khó làm việc với hết khả năng, tìm kiếm đối sách và nhìn xa trông rộng để giải quyết các vấn đề mới phát sinh theo khả năng của mình. Cần tránh thái độ ỷ lại vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Khi gặp sự khó chúng ta tránh thái độ thụ động, nhưng phải biết chủ động xin ơn Thánh thần soi sáng để tìm ra cách giải quyết theo gương mẫu và lời dạy của Đức Giê-su trong Tin Mừng. Cần theo lời người xưa dạy: “Hãy làm hết sức mình, rồi trời sẽ giúp”, hoặc : “Hãy thắp sáng lên ngọn đèn, chứ đừng ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối”.
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giê-su. Hôm nay Chúa đã dạy chúng con phải biết ưu tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính, còn những thứ khác như ăn gì mặc gì, thì phó thác vào tình thương quan phòng của Cha trên trời. Xin cho chúng con ý thức rằng: “Đồng tiền chính là đầy tớ tốt nhưng lại là ông chủ xấu”. Nhờ biết sử dụng đồng tiền phục vụ cho Nước Chúa và phục vụ tha nhân, mà chúng con sẽ có sự bình an trong tâm hồn và sẽ nên chứng nhân trước mặt người đời, xây dựng một thế giới mới tốt đẹp là Nước Trời đời sau.- AMEN.
************************
HIỆP SỐNG TIN MỪNG
MÙNG HAI TẾT
Mt 15,1-6
HIẾU THẢO VỚI ÔNG BÀ CHA MẸ
1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Thiên Chúa đã dạy : Ngươi hãy thờ cha kính mẹ. Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: Ai nói với cha với mẹ rằng: Những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa” Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa” (Mt 15,4-6).
2. CÂU CHUYỆN:
Một người đàn ông kia sống chung với người cha cao niên và đứa con trai mới năm tuổi của anh ta. Một hôm người cha của anh do tuổi già tay bị run, thường hay làm bể cái chén kiểu đắt tiền khi ăn cơm, nên anh ta ra vườn nhặt mang về một chiếc gáo dừa rồi gọt dũa làm thành một cái chén gáo dừa cho bố anh ta dùng. Đứa con trai thấy vậy liền hỏi lý do tại sao thì anh ta trả lời con rằng: Để ông nội con dùng khỏi bị bể nếu ăn cơm có bị run tay làm rơi xuống đất.
Một hôm anh ta thấy đứa con trai của anh đang loay hoay dùng dao chơi với một chiếc gáo dừa. Sợ con bị đứt tay anh liền ngăn cản. Khi được hỏi tại sao làm như vậy thì được đứa con trả lời: “Con thấy bố cho ông nội ăn cơm bằng chiếc gáo dừa để khỏi bị bể, nên con cũng chuẩn bị trước cho bố một cái, để sau này bố già dùng nếu bố có bị run tay giống như ông nội bây giờ!”.
3. THẢO LUẬN: 1) Về lối sống hiếu thảo với ông bà tổ tiên, bạn có đồng ý với câu người xưa nói: “Sóng trước vố đâu, sóng sau vỗ đó” hay không? Tại sao? 2) Bạn sẽ làm gì để thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ ông bà trong dịp Tết và trong thời gian sắp tới?
4. SUY NIỆM:
1) Ngày Xuân xây dựng tình thân gia đình:
Hôm nay, ngày Mồng Hai Tết là dịp để các tín hữu chúng ta thực hành bổn phận hiếu thảo với ông bà tổ tiên, cụ thể là các bậc sinh thành là cha mẹ. Sự hiếu thảo được thể hiện qua những lời nói, thái độ cử chỉ và hành động với cha mẹ, cụ thể là món quà chúng ta dâng tặng cha mẹ đượm tình thảo hiếu với các ngài.
Ngày Tết cũng là ngày hội vui của đại gia đình. Ai cũng mong ngày Tết được đoàn tụ với người thân trong gia đình. Mọi người Việt Nam đều muốn được chờ đón những giờ phút thiêng liêng của ngày đầu năm bên cha mẹ ông bà và anh chị em con cháu.
2) Phương cách tỏ lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ:
Sự hiếu thảo không chỉ được biểu lộ trong những ngày Lễ Tết, nhưng còn phải được thể hiện trong suốt những ngày tháng dài sống chung với ông bà cha mẹ trong gia đình.
Phải sống thế nào cho tròn chữ hiếu với tổ tiên ông bà cha mẹ. Nếu cha mẹ chúng ta còn khỏe, con cái phải tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho chúng ta lá chắn che chở suốt đời mình.
Nếu cha mẹ già yếu, con cháu phải tránh coi thường và coi các ngài như gánh nặng. Hãy nói với các ngài bằng những lời thưa gởi hiếu kính, cảm thông với những sự lẩm cẩm của các ngài và đừng bao giờ tỏ thái độ vô lễ to tiếng cãi lại hoặc khinh thường cáu gắt với các ngài. Hãy luôn tôn trọng các ngài vì chính các ngài cũng đã từng phải kiên nhẫn ân cần chăm sóc, bú mớm dọn dẹp vệ sinh khi ta còn thơ bé.
Khi cha mẹ qua đời, con cái hãy năng đọc kinh cầu nguyện, xin lễ và làm các việc lành để các ngài sớm được về thiên đàng. Hãy lập bàn kính nhớ tổ tiên bên cạnh và thấp hơn bàn thờ Chúa. Hãy năng đọc kinh cầu nguyện cho ông bà cha mẹ vào giờ kinh tối gia đình hằng ngày hoặc trong những ngày Giỗ Tết.
3) Làm gì trong những ngày này?:
Xin đừng phụ công ơn dưỡng dục của các bậc sinh thành. Hãy sống sao cho đúng phận làm con, vì:
“Công cha như núi thái sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
“Sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó”. Chúng ta cư xử với cha mẹ mình thế nào thì con cái của chúng ta sau này cũng sẽ đối xử với chúng ta như vậy.
Dịp Xuân Mới, bàn sẽ biếu quà gì cụ thể để tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ ông bà còn sống và những đấng bề trên đã qua đời?
5. LỜI CẦU:
Lạy Thiên Chúa Cha là Chúa tể của Mùa Xuân đất trời. Xin chúc lành cho ngày họp mặt của gia đình chúng con hôm nay. Xin liên kết mọi người chúng con trong tình yêu của Cha. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con biết trân trọng giây phút xum vầy trong ngày đầu Xuân, coi đó là hồng ân Cha ban để sống trọn tình con thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ và sống yêu thương huynh đệ với anh chị em trong gia đình ruột thịt của chúng con.- Amen.
LM ĐAN VINH – HHTM