Một tâm tình trong Cựu Ước cầu xin Thiên Chúa : « Lạy Chúa, ai sẽ cho chúng con thấy hạnh phúc ? » và thánh giáo phụ Augustinô hoàn toàn không phải là một tác giả hài kịch đã nói rằng ngay cả đối với người sắp treo cổ tự vẫn cũng chỉ tìm một điều, đó là hạnh phúc.
Thế còn quần chúng nghĩ gì về điều này, hạnh phúc như lòng mong ước có thể đến từ đâu ? Những cuộc thăm dò đã thấy câu trả lời được ưu tiên là: từ gia đình. Bất cứ ai thuộc thế hệ nào khi được hỏi đều nghĩ như vậy và đều biết rằng câu định nghĩa về gia đình có phần uyển chuyển.
Ngay khi đề cập đến vấn đề nhà cửa và đồ ăn thức uống, thì trên quảng cáo không thiếu những hình ảnh về gia đình « hạnh phúc ». Những hình ảnh này thường chỉ là cái gì đó mang tính ước lệ và màu mè. Điện ảnh, và trước nó là sân khấu và văn chương kể cho chúng ta toàn là những câu chuyện về gia đình bất hạnh, thậm chí bị chúc dữ rõ mồn một. Có thể những câu chuyện bi hài đó lại đóng một vai trò tích cực : « Gia đình tôi có thể không hoàn hảo nhưng có thể còn tệ hơn như vậy là đàng khác ».
Ngược lại, cần phải nhìn nhận rằng bất hạnh lớn nhất của phần đa đồng loại là thất bại về cuộc sống gia đình. Đó là điều mà giữa các cặp vợ chồng với nhau, hay giữa cha mẹ với con cái thật khó chấp nhận. Một vài tang tóc đôi khi có cảm tưởng kéo dài lê thê suốt một đời, huống chi những tan vỡ, bất hòa, ruồng bỏ còn thật khó chịu đựng hơn rất nhiều.
Về ly hôn, cần phải tìm ra thủ phạm. Rất thường tình do người khác và vì tình cảm bị phản bội có thể chuyển thành thù hận hay vô liêm sỉ. Đôi khi, nạn nhân tự quy kết mình và sống khép kín trong sự giày vò của nỗi ân hận. Để làm rõ đề tại này, chỉ cần đến thăm những người cao tuổi trong các nhà dưỡng lão để nghe những lời chê trách và những nỗi hối hận.
Tất cả những điều nêu trên muốn nhấn mạnh rằng điều kiện tiên quyết để có được hạnh phúc gia đình đó là lòng tin. Đó chính là lý lẽ nhìn nhận nơi gia đình tồn tại một thang giá trị hàng đầu. Tôi chờ đợi nơi xã hội một vài sự đảm bảo như : tự do, an toàn, chăm sóc sức khỏe, hưu trí khi về già. Thế nhưng xã hội có thể sẽ bỏ rơi tôi trong trường hợp tôi có đầy dẫy những cơ cực. Trong số những những bạn bè thân thiện, nhưng có được bao mối tình bạn còn bám trụ lại sau sự bào mòn của thời gian và những bất trắc của cuộc sống ? Chỗ nương tựa chính là gia đình. Cho nên ước gì mỗi gia đình tìm được cách sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Mỗi gia đình có phong cách riêng và cần có một vài liều lượng hài ước như là điều không thể thiếu. Nếu các thành viên coi những chuyện không tránh khỏi xảy ra thường nhật là quá nghiêm trọng, thì một bầu không khí ngột ngạt sẽ đến một cách nhanh chóng.
Điều quan trọng nhất là xây dựng niềm tin. Cần phải loại bỏ những gì là miệt thị và dối trá. Mỗi người cần biết đặt niềm tin nơi người khác và bên cạnh đó cũng nên kiểm chứng cho người khác thấy để họ có thể tin tưởng nơi mình. Điều đó càng cần thiết giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ và con cái, và giữa anh chị em với nhau. Thông thường những bậc ông bà còn sống nhận được sự tin yêu dễ hơn nơi những bậc cháu chắt bởi vì họ có lòng bao dung đối với chúng hơn những gì mà họ đã không có được đối với những con cái mình trước đây. Điều đó là một lợi thế, nhưng không thể thay thế cho mối quan hệ tự nhiên tiếp ngay sau : mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Nói về niềm tin, cần phải nhắc đến sự tha thứ. Chúng ta không phải lúc nào cũng xứng đáng để cho người khác tin yêu : chúng ta đã tìm những tư lợi, và từ đó chỉ làm những điều mình thích bằng cả công lý và sự thật ; chúng ta đã không chu toàn trách nhiệm của mình ; chúng ta từ chối lắng nghe bởi vì không muốn bị quấy rầy ảnh hưởng đến những công việc của mình hay những phương thức tư duy… Niềm tin cần phải không ngừng được tái xây dựng.
Với người tín hữu thì điều này được biết ngay từ thời niên thiếu. Tất cả thiên tình sử về mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người là một lịch sử của niềm tin và sự tha thứ. Tội lỗi làm gián đoạn mối quan hệ với Thiên Chúa chính là sự tin tưởng vào chính mình nhiều hơn là tin vào Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa vẫn cứ tiếp tục tin yêu nhân loại : Ngài tha thứ. Ngài ký lại giao ước. Ngài uốn nắn lịch sử theo chiều hướng của mối quan hệ. Đức Giêsu đã đề nghị chúng ta làm như vậy đối với nhau : « Con phải tha thứ bao nhiêu lần ? 7 lần chăng ? », thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu. Ngài trả lời : « 70 lần 7 ». Nếu nơi nào mà ở đó lời Chúa Giêsu được áp dụng triệt để theo mặt chữ, thì nơi đó chính là gia đình : tha thứ được lặp đi lặp lại, tuy nhiên không bao giờ theo cách máy móc tự động cả.
Điểm lưu ý cuối cùng : không được mong muốn chỉ có riêng mình mới được xứng đáng tin yêu. Cần phải nhận ra những giới hạn của mình để biết hướng đến trạm tiếp sức. Áp dụng nguyên tắc này vào trong gia đình : tất cả các thành viên cần phải tạo ra sự tin tưởng lẫn nhau, tuy nhiên nhìn một cách toàn diện, gia đình cũng phải biết rộng mở ra bên ngoài. Một gia đình khép kín một ngày nào đó sẽ bị xé rách khi mà một trong những thành viên muốn hít thở một bầu khí khác lạ.
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
Chuyển ngữ từ nguồn : Simples questions sur la vie