Nói về đoàn hành hương của chúng tôi, đoàn gồm có 24 thành viên thuộc 3 châu lục khác nhau. Việt Nam chiếm đông nhất : 8 linh mục và 1 thầy dòng Xitô, thứ đến là Inđônêsia, dù không có visa, họ vẫn đi hành hương được, nhờ hãng Routes bibliques bảo lãnh. Như vậy họ không phải mất thời gian và phí tổn để làm visa, tiếp đến là 3 người Trung Quốc: 1 linh mục và 2 nữ tu, thứ 4 là 2 người Pháp: 1 linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris và 1 giáo dân Paris, sau cùng là 1 linh mục Miến Điện, 1 linh mục Thái Lan, 1 linh mục Brasil và 1 linh mục Haiti. Tất cả thuộc 9 quốc gia khác nhau. Đây cũng là dịp để chúng tôi hiểu biết thêm về đời sống đạo của những quốc gia kia.
Tối đầu tiên đoàn đến Haifa, phía Bắc Israel, bên bờ Địa Trung Hải, nghỉ tại khách sạn của các sơ Dòng Cácmen. Hôm sau chúng tôi đến Xêdarê Maritime, cũng bên bờ Địa Trung Hải, thủ đô cũ của Hêrôđê Đại đế, các di tích thời Rôma và trung cổ trong cuộc viễn chinh. Nơi đây, thánh Phaolô xuống tàu đi Tarso, Phêrô rửa tội cho Corneille, đại đội trưởng và là quê hương của giám mục Eusède. Cũng còn nhiều biến cố xảy ra tại đây không thể kể hết. Hệ thống dẫn nước dài 25 km vẫn còn di tích.
Chúng tôi tiếp tục hành trình đến Nazarét, trên đường cũng có thể nhìn thấy những hầm mộ nằm trong đá, nó giúp chúng tôi nhớ lại ngôi mộ cách đây gần 2000 năm Chúa Giêsu đã an nghỉ trong 3 ngày. Đến Nazarét, trời khá nóng, gần đến bãi đậu xe, chúng tôi gặp đoàn diễu hành đi ủng hộ cho một ứng cử viên người Ả rập trong cuộc bầu cử chính trị. Xung quanh nhà thờ Đức Mẹ truyền tin là khu của người Ả rập. Trong khuôn viên nhà thờ có các hình ảnh Đức Mẹ của các quốc gia. Gần nhà thờ này cũng có nhà thờ thánh Giuse. Xế chiều cùng ngày, chúng tôi đến khách sạn bên bờ hồ Tibêria.
Hôm sau, cả đoàn lên núi Bát Phúc và dâng lễ ngoài trời. Nhà thờ do các sơ dòng Phan sinh quản trị. Sau thánh lễ, chúng tôi đến Capharnaum thăm hội đường Do thái và nhà mẹ vợ ông Phêrô. Trên nền đất này ngày nay là nhà thờ do các tu sĩ dòng Phan sinh quản trị. Tiếp tục hành trình để lên thuyền sang bên bờ bên kia. Đến giữa hồ, thuyền tắt máy để chúng tôi cùng nghe Tin mừng kể về việc Chúa làm phép lạ cho sóng yên, biển lặng. Sang đến bờ bên kia, chúng tôi ăn trưa với món cá rán, gọi là cá thánh Phêrô. Buổi chiều bắt đầu bằng đoạn Tin mừng Chúa trừ quỷ cho một người cứ ở trong mồ mả. Quỷ đã nhập vào đàn lợn và lao hết xuống hồ. Rồi, xe đưa chúng tôi lên đến tận Xêdarê Philiphê, gần biên giới Xyri và Libăng. Đường đèo uốn lượn như rắn làm mấy sơ Trung Quốc mệt mỏi, khó chịu. Sau đó, chiều tối trở về khách sạn Emily’s.
Thứ 2 đầu tuần, chúng tôi leo núi Tabor, xe buýt không thể lên tới đỉnh cao. Chúng tôi phải đi taxi, mỗi xe chở được 8 người. Lái xe điêu luyện, xem ra họ lên xuống đúng kiểu dân thổ địa. Thánh lễ tại nhà thờ Chúa biến hình diễn ra sốt sắng nhân dịp linh mục người Haiti kỷ niệm 6 năm thánh chức. Thánh lễ với lời ca nguyện cũng phải làm cho quý thầy Phan sinh thấy sốt sắng và cảm động. Hành trình về Giêrusalem có ghé qua biển Chết, làng Qumran, vào Giêricô để ăn trưa, sau đó thăm Sycomore nơi Chúa gặp Giakêu và núi Cám dỗ.
Hôm sau, tức ngày 25 tháng 2, đoàn chúng tôi đến nhà thờ Bêlem sớm nhất, nhưng lại gặp đúng lúc anh em Chính thống cử hành Thánh lễ, chúng tôi phải chờ ở cửa hầm vào đúng một tiếng. Những nhà thờ nào có anh em Chính thống quản trị thì trang trí đều rườm rà: ảnh tượng, đèn nến,… Nhà thờ đen ngòm vì dùng nhiều hương trong phụng vụ. Cũng ở dưới lòng nhà thờ có nơi thánh Giêrôrimô đã cần mẫn dịch Kinh Thánh ra tiếng La tinh. Sau đó, chúng tôi đến Cánh Đồng Chiên để dâng lễ. Buổi chiều thăm bảo tàng lưu trữ các bản khảo Kinh Thánh được phát hiện tại Qumran và sơ đồ mô phỏng Giêrusalem thời Hêrôđê Cả trị vì.
Ngày 26 là hành trình lên núi Ôliu để thăm nhà thờ có Kinh Lạy Cha bằng các thứ tiếng, các nhà thờ: Eleola, nơi Chúa khóc thương thành Giêrusalem, vườn Ôliu, vương cung thánh đường các Quốc gia, nhà thờ Đức Mẹ, núi Sion, nhà thờ Tiệc Ly, nhà thờ và tu viện Đức Mẹ sinh thì, nhà thờ Phêrô sám hối và dâng lễ rửa chân. 6 linh mục, 1 thầy Xitô, 2 nữ tu, 3 giáo dân được cha già 83 tuổi cúi xuống rửa chân và hôn chân làm cho ai cũng cảm động, nhất là 4 phụ nữ đã phải rơi lệ.
Hôm sau, chúng tôi thăm Đền thờ Hồi giáo có vòm mầu vàng nổi bật ở Giêrusalem, thăm nhà thờ thánh Anna và bể bơi Bếtdatha hay còn gọi là nơi tẩy rửa các đồ hy tế. Buổi chiều thăm bảo tàng thành cổ và đi đàng Thánh giá từ cửa bảo tàng đến nhà thờ Mộ Chúa để dâng lễ Chúa mừng Phục sinh. Sau đó một số trong đoàn tranh thủ xếp hàng để vào cầu nguyện và hôn mộ Chúa. Với tôi, phải đến đó lần thứ 4 mới vào được vì đông người hoặc vì đóng cửa. Mỗi lần chỉ được 4 người vào đến tận Mộ Chúa.
Ngày áp chót của cuộc hành hương, chúng tôi đến thăm tòa thượng phụ Công giáo La tinh, gặp gỡ Đức cha phụ tá, dâng Thánh lễ Chúa Thánh Thần. Tiếp tục đi thăm di tích thành cổ Đavít, giếng nước Warren, chui xuống kênh dẫn nước sâu trong đá, thăm bể nước Silôê. Buổi chiều thăm nhà thờ Mẹ Thăm viếng, có kinh Magnificat bằng các thứ tiếng. Tại đây chúng tôi gặp anh em Chính thống Rumani, họ vui vẻ chụp hình chung với chúng tôi.
Ngày cuối cùng, tức thứ 7 mồng 1 tháng 3, buổi sáng chúng tôi đến Abu Gosh để dâng lễ ở nhà thờ của các cha dòng Biển Đức áo trắng. Sau thánh lễ, cha Bề trên biết đoàn chúng tôi có một số là Việt Nam, nên ngài đã khen ngợi rằng anh em Biển Đức ở Việt Nam rất mạnh. Rồi chúng tôi đến Amwas để thăm di tích của nhà thờ kiến trúc Byzăngtin do các linh mục và tu sĩ cộng đoàn Bát Phúc quản trị.
Buổi chiều đi đến sân bay để làm thủ tục về Pháp là điều xem ra có vẻ phức tạp. Tuy nhiên, trong đời người Kitô hữu, có một lần hành hương Đất Thánh là một điều mãn nguyện, thỏa lòng mong ước.
Tác giả bài viết: Lm. Vinhsơn Đinh Minh Thỏa