Gợi ý suy niệm Lời Chúa – Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời

Lời Chúa: Lc 2,16-21

 

 

Trong ân sủng của lễ Chúa giáng sinh, Giáo hội mời gọi chúng ta nhìn về khuôn mặt khả ái của Maria, Mẹ Thiên Chúa. Ngày lễ hôm nay được đặt vào ngày đầu năm dương lịch. Như thế Giáo hội muốn đặt năm mới này dưới sự che chở của Mẹ. Bài đọc trích sách Dân số cũng nói cho chúng ta thấy Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta trong năm mới: “Nguyện Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em!” Chúng ta hãy dâng năm mới này cho Chúa, cho Mẹ nhân lành. Cuộc sống của chúng ta ngày nay không dễ dàng và nhiều biến chuyển đang đến không hứa hẹn những điều tốt đẹp. Chân trời của năm mới đầy đe dọa. Chiến tranh, khủng bố khắp nơi. Các nước đang tranh chấp và không biết sẽ xảy ra những gì. Chúng ta tin tưởng phó thác cho Mẹ, là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ có thể giúp chúng ta sáng suốt để chọn đúng những gì phải chọn.

 

Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa đã được Công Đồng Êphêsô chấp nhận năm 431 để chống lại Nestorius, Thượng phụ giáo chủ Contantinop, chủ trương Đức Maria chỉ là Mẹ của Chúa Giêsu mà thôi, xem Chúa Giêsu như một người được Thiên Chúa chọn làm Đấng cứu chuộc mà thôi. Công đồng muốn nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật vì thế Mẹ của Chúa Giêsu là Mẹ Thiên Chúa chứ không chỉ là mẹ một con người.

Đối với chúng ta, việc ấy là việc của những nhà thần học. Chúng ta cũng tin thật Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Người đầu tiên, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần đã kêu lên:“Hạnh phúc cho tôi biết bao, vì Mẹ Thiên Chúa đến thăm tôi!” Đó là lời đầu tiên tuyên xưng Maria là Mẹ Thiên Chúa. Lời của bà Êlisabet đó, chúng ta tuyên xưng hằng ngày khi chúng ta đọc kinh Kính mừng.

Làm mẹ Thiên Chúa là một Nữ Hoàng mà thiên thần Gabrien phải cung kính mừng chào, nhưng là một nữ hoàng của một vị vua khiêm tốn, một vị vua nghèo khó. Được làm nữ hoàng, làm mẹ của Vua Trời đất, nhưng Mẹ vẫn là một thôn nữ đơn sơ, tầm thường. Không một mái nhà để sinh con, phải trú nhờ trong một hang đá. Mấy anh chăn chiên được loan báo đã tìm gặp được không phải một bà hoàng lộng lẫy xiêm y, mà là một bà mẹ như bao nhiêu bà mẹ khác, và nghèo hơn mọi người. Một bà mẹ đáng thương, đặt con nằm trong máng cỏ.

Vừa được vài tháng phải bồng bế con chạy lánh nạn nơi xa Ai Cập. Và suốt đời sống như một người nghèo, vợ của một ông thợ mộc vườn. Nhưng Mẹ hạnh phúc biết bao khi thấy con mình lớn khôn, đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa. Như mọi bà mẹ, Mẹ Maria lo cho con, đứa con thần linh của Mẹ. Dạy cho con những tiếng nói đầu đời, dạy cho con những lời kinh mẹ đọc hằng ngày. Mẹ biết con mình là ai. Và Mẹ vẫn gọi nó  bằng tiếng: con ơi.

Mẹ vẫn là nữ tỳ của Thiên Chúa. Săn sóc Chúa Giêsu, Mẹ luôn thấy rằng Mẹ là nữ tỳ. Mẹ phục vụ vô điều kiện. Mẹ đầy tràn Chúa Thánh Thần và luôn sống dưới ánh sáng của Ngài. Vì thế, Mẹ luôn ghi nhớ những gì xảy ra và suy đi nghĩ lại trong lòng, Khi Giêsu ở lại trong Đền thờ mà không báo trước, Mẹ cũng trách: “Con ơi, sao con làm như thế đối với cha mẹ? Con không biết rằng mẹ và cha con phải đau đớn tìm con sao?” Và Giêsu đã trả lời một câu mà Mẹ không hiểu: “Cha mẹ tìm con làm gì? Cha mẹ không biết rằng con phải làm việc của Cha con sao?” Thánh Luca ghi lại: Maria không hiểu lời đó và chắc chắn đã ghi nhớ. Lần đầu tiên Mẹ nghe con của Mẹ nói về Cha trên trời. Chúng ta cũng thấy, chính Mẹ trách Chúa Giêsu, Giuse vẫn im lặng. Ngài tôn trọng Mẹ vì Mẹ mới là Mẹ thật của Chúa.

Maria nghèo về vật chất và cũng nghèo cả về tinh thần, có nghĩa là Maria luôn khiêm tốn phục vụ. Cái nghèo mà sau này Chúa Giêsu tuyên bố là có phúc. Mẹ không hãnh diện vì được làm mẹ Con Đấng Tối Cao, Mẹ chỉ biết âm thầm lo cho con. Mẹ vẫn là nữ tỳ khiêm hạ, làm việc trong bóng tối, không cần ai biết.

Khi con của Mẹ bước ra làm việc của Cha trên trời, Mẹ hoàn toàn lui vào bóng tối. Một đôi khi chúng ta thấy Mẹ xuất hiện, nhưng không do ý muốn mà chỉ do hoàn cảnh như ở tiệc cưới Cana. Mẹ xuất hiện không như một người khách mà là người phục vụ. Mẹ biết được hoàn cảnh của gia đình nhà đám đang thiếu rượu. Mẹ can thiệp không chậm trễ. Nơi đây chúng ta thấy được một nét đặc biệt của Mẹ là lòng nhân ái. Mẹ biết con Mẹ là ai, và mẹ tin rằng con Mẹ sẽ không từ chối Mẹ điều gì. Đây cũng là cách thi thố uy quyền âm thầm của Mẹ, uy quyền của tình yêu. Mẹ đến với Chúa và chỉ cần một lời nói, Mẹ cứu vớt gia đình nhà đám. “Nhà này hết rượu rồi, con”. Chúa Giêsu vâng lời.

Chóp đỉnh của mọi sự: đỉnh đồi Canvê thống khổ. Nơi đó Mẹ mới thực sự là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ kiên vững đứng dưới chân thập giá nhìn con yêu của mình chịu treo như một tên tử tội. Mẹ chứng kiến tất cả. Có lẽ lúc ấy Mẹ nhớ lời của cụ già Simêon: một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tim Bà”. Mẹ đau khổ đến tột cùng nhưng vẫn can đảm. Mẹ Thiên Chúa là như thế, là liên đới với con trong sứ mệnh của con. Im lặng để cho đau khổ xé nát tim Mẹ. Mẹ khắc ghi những lời cuối cùng của con Mẹ trên thập giá và một lời đáng ghi nhớ đối với chúng ta: “Này là con Bà, này là Mẹ con”. Mẹ không những là mẹ của Chúa Con mà Mẹ lại là mẹ chúng ta. Vào cuối Công Đồng Vatican II, Đức Phaolô VI đã không ngại tuyên bố, Mẹ là Mẹ Giáo hội, là Mẹ của Chúa Giêsu toàn thể.

Nơi Mẹ chúng ta nhìn thấy Mẹ nối kết hai thái cực. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, một tước vị có một không hai trong trời đất, nhưng lại là người đau khổ nhất, khiêm tốn nhất.

Khi mừng Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta nhìn thấy hồng ân và tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Chúa đã chọn Mẹ, đã giữ gìn Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, để ban cho Mẹ hồng ân đón tiếp Ngôi Hai xuống thế, và chính chúng ta là những người hưởng nhờ hồng ân vô giá đó. Nhờ Mẹ, chúng ta có được Chúa Giêsu, nhờ Mẹ chúng ta được cứu chuộc và được làm con Chúa. Chúng ta đang sống trong tình yêu của Chúa và của Mẹ. Dù thế giới có sôi sục hận thù, chúng ta vẫn có Chúa là tình yêu không vơi cạn. Dù cuộc sống chúng ta trăm chiều đau khổ, chúng ta vẫn còn có thể tin cậy.

Noi gương Mẹ, sống khiêm nhu và phục vụ, lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần dạy chúng ta cầu nguyện, dạy chúng ta yêu thương, ơn Chúa sẽ triển nở trong cuộc sống chúng ta, sẽ làm cho cuộc sống tầm thường của chúng ta trở nên hồng ân cho chúng ta và cho mọi anh em cùng sống với chúng ta trong cuộc sống cơ cực khốn khổ này.

Xin Mẹ giúp chúng ta biết hiến dâng như Mẹ, phục vụ như Mẹ, lấy Chúa làm trung tâm của cuộc sống, của tình yêu chúng ta, cuộc sống sẽ đẹp hơn. Nơi bàn thờ hiến tế, chúng ta cùng Mẹ hiến dâng của lễ tạ ơn, và yêu thương đón nhận Chúa Giêsu, Con Mẹ, để cùng Ngài sáng tạo tương lai của chúng ta và của Giáo hội. Hiến dâng năm mới này cho Mẹ để nhờ Mẹ giúp chúng ta yêu mến Chúa hơn. Cuộc sống này chỉ đẹp khi Chúa Giêsu trở thành trung tâm.

Lm Trầm Phúc