Giêsu của bạn ở đâu?

Một câu hỏi xem ra ngớ ngẩn mà không ngớ ngẩn chút nào, bởi lẽ để trả lời cách thuyết phục cho câu hỏi này, người ta phải có kinh nghiệm sống nữa. Thực ra câu hỏi này không mới chút nào. Nó đã được đặt ra cách đây hàng ngàn năm trước rồi, chỉ là dưới một hình thức khác mà thôi. Tác giả Thánh vịnh 113B (115) đã cho thấy rõ điều đó khi thốt lên: “…sao chư dân lại nói: Thiên Chúa chúng ở đâu?” (x. Tv 113B,2). Gần gũi hơn, trong Tân Ước, thánh sử Mát thêu cũng ghi lại một câu hỏi tương tự của 3 nhà đạo sĩ từ Đông phương theo ánh sao lạ tìm đến tôn thờ Hài Nhi Giêsu đặt ra cho Hêrôđê: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh hiện ở đâu?” Một câu hỏi làm cho nhà vua, triều thần và cả thành Giêrusalem bối rối. Vậy là một cuộc điều tra nhanh chóng được triển khai để tìm ra nơi sinh của Hài Nhi và chẳng mấy chốc sẽ có kết quả vì sách ngôn sứ Mikha đã tiên báo: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa” (Mk 5,1; x. Mt 2,6). Một thắc mắc được đặt ra: Tại sao các Thượng tế và kinh sư đã biết rõ điều đó từ lâu rồi nhưng sao bây giờ sau khi nghe các nhà đạo sĩ hỏi họ lại hoảng hốt như vậy? Có lẽ vì họ không thể tin hay chấp nhận nổi sự thật ấy?

Xin quay trở lại câu hỏi đặt ra cho bài viết này: Giêsu của bạn ở đâu? Một người không có đức tin thoáng nghe đâu đó nói về một ông Giêsu là Con Thiên Chúa, xuống thế làm người, chịu chết, sống lại, lên trời…đến hỏi chúng ta: “Giêsu của bạn ở đâu?” Có lẽ chúng ta không đến nỗi bối rối như Hêrôđê và thành Giêrusalem xưa, vì dựa vào Giáo lý Hội thánh Công giáo, chúng ta có thể nói cho họ biết Giêsu đang hiện diện ở nơi nào: trong Bí tích Thánh Thể, nơi Lời Chúa được công bố, nơi các Bí tích của Hội thánh, nơi thừa tác viên cử hành Phụng vụ, và cả nơi mỗi người Kitô hữu là chi thể của Ngài (Hội thánh là Thân thể mầu nhiệm có Chúa Kitô là Đầu) (GLHTCG số 1088. 787-195; x Ga 15,4-5). Câu trả lời hoàn toàn chính xác, nhưng xem ra nó chưa thỏa mãn cho người không có niềm tin Kitô giáo (câu trả lời trên chỉ phụ hợp cho người cùng niềm tin mà thôi).

Vậy phải làm sao, khi chúng ta chưa được nhìn thấy Chúa nhãn tiền, mà mới chỉ nhận ra sự hiện diện của Ngài bằng con mắt đức tin và kinh nghiệm cá nhân qua việc cầu nguyện mà thôi? Chúng ta được mang danh là người Kitô hữu, nghĩa là người có Chúa Kitô trong mình, vậy chúng ta phải thể hiện như thế nào để người khác thấy Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong ta, hay nói cách khác, chúng ta phải sống như thế nào để người không có đức tin nhận thấy khuôn mặt Chúa Kitô đang hiện diện trên trần gian này?

Quả là một thách đố lớn cho mỗi Kitô hữu. Ai dám tự hào vỗ ngực là Chúa Kitô đang hành động trong tôi, khi mà hằng ngày biết bao công việc chúng ta làm đâu có tốt hơn người khác, thậm chí còn tồi tệ hơn người không có niềm tin nữa là khác. Vâng, để trả lời cho câu hỏi trên thật không dễ một chút nào, bởi vì câu trả lời có tính thuyết phục đòi phải là tất cả cuộc sống của chúng ta. Người ta chỉ có thể nhận ra và hiểu được khuôn mặt thật của Đức Giêsu như thế nào và Người ở đâu khi họ thực sự gặp gỡ Ngài qua cầu nguyện. Chính chúng ta cũng phải tự đặt câu hỏi này cho mình mỗi ngày để thức tỉnh mình, để nỗ lực tìm kiếm và kết hợp mật thiết hơn nữa với Đấng là Đường, là Sự thật và là Sự sống (Ga 14,6). Chúng ta không thể làm được điều đó nếu thiếu đời sống cộng đoàn vì: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20).

Vì lẽ đó mà Hội đồng Giám mục Việt Nam năm nay đã mời gọi chúng ta Phúc Âm hóa đời sống Giáo xứ hầu làm mới lại và rõ hẳn khuôn mặt đích thực của Đức Giêsu. Trong thư mục vụ của Giáo phận, Đức cha Tôma cũng đã nêu cụ thể những việc cần làm trong năm Phúc Âm hóa này: Giáo xứ là một cộng đoàn “siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng”. Giáo xứ là một cộng đoàn “chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy”. Giáo xứ là một cộng đoàn “luôn luôn hiệp thông với nhau” (x. Cv 2,42) (Trích Thư mục vụ – Giáo phận Bùi Chu ngày 24/11/2014). Chỉ khi nào đời sống của chúng ta thực sự là cuộc sống của Chúa Kitô, khi ấy chúng ta mới có thể hiên ngang trả lời cho câu hỏi trên: “Bạn hãy nhìn vào đời sống của tôi để biết Giêsu là ai và Người ở đâu (x. Cv 17,28; Gl 2,20).

 

Tác giả bài viết: Cs. HBT