Đức Thánh Cha chủ sự giờ Kinh Chiều với các Giám mục, Linh mục,… Bồ Đào Nha

Chiều 2/8/2023, trong bài giảng trong giờ Kinh Chiều với các Giám mục, Linh mục, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ Bồ Đào Nha, Đức Thánh Cha khuyến khích họ vượt qua chủ nghĩa bi quan và thả lưới một lần nữa với niềm hy vọng.

Đến Đan viện Thánh Giêrônimô, Đức Thánh Cha được Đức Hồng y Manuel Clemente, Thượng phụ Lisbon, Đức cha José Ornelas Carvalho, Giám mục giáo phận Leiria-Fatima và cũng là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bồ Đào Nha, và cha sở của giáo xứ Đức Maria ở Belém chào đón ở cửa nhà thờ. Sau khi hôn Thánh Giá và rảy nước thánh ở cửa vào nhà thờ, Đức Thánh Cha nhận hoa từ hai em bé và sau đó tiến lên phía bàn thờ.

Đức Thánh Cha chủ sự giờ Kinh Chiều với các Giám mục, Linh mục, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ Bồ Đào Nha

Trong lời chào mừng Đức Thánh Cha, Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bồ Đào Nha, nói rằng trong giờ Kinh Chiều, họ sẽ cùng Đức Thánh Cha cầu nguyện “để cuộc tập hợp những người trẻ này, được đánh dấu bằng cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, có thể dẫn họ hiểu và mơ giấc mơ của chính Thiên Chúa, tìm ra những cách tham gia vui tươi, quảng đại và biến đổi vào Giáo hội và toàn thể nhân loại.”

Đức Thánh Cha chủ sự giờ Kinh Chiều với các Giám mục, Linh mục, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ Bồ Đào Nha

“Vâng lời Thầy con xin thả lưới”

Giảng trong giờ Kinh Chiều, Đức Thánh Cha đã chia sẻ những suy tư dựa trên đoạn Tin Mừng thuật lại sự kiện Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên. Khi các môn đệ cam lòng bỏ cuộc sau khi vất vả cả đêm mà không bắt được con cá nào, Chúa Giêsu lên thuyền và mời họ thả lưới tiếp. Khi gặp thất bại chúng ta thường mệt mỏi bỏ cuộc nhưng chúng ta cần dâng lên Chúa những vất vả và nước mắt, để với tâm hồn rộng mở tìm ra những con đường mới với niềm tin rằng Chúa luôn đưa tay trợ giúp và nâng đỡ chúng ta. “Chúa đã cứu chuộc chúng ta và gọi chúng ta, không phải vì công việc chúng ta đã làm, nhưng do ân sủng của Người” (x. 2Tim 1,9).

Bài chia sẻ của Đức Thánh Cha bắt đầu từ khung cảnh xinh đẹp của Bồ Đào Nha, nơi có những bãi biển vàng nhìn ra đại dương rộng lớn. Chúa Giêsu đã gọi các môn đệ đầu tiên trên bờ biển hồ Galilê. Khi các môn đệ rời thuyền đi giặt lưới thì Chúa đã lên thuyền và sau khi dạy dỗ đám đông, Người đã thay đổi cuộc đời của những ngư dân đó bằng cách mời họ đi ra chỗ nước sâu và thả lưới.

Đức Thánh Cha phân tích hai sự tương phản: các môn đệ ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu lên thuyền; họ muốn cất lưới của mình, Chúa muốn họ lại quăng lưới xuống biển lần nữa để bắt cá.

Đức Thánh Cha chủ sự giờ Kinh Chiều với các Giám mục, Linh mục, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ Bồ Đào Nha

Tin tưởng rằng Chúa Giêsu luôn sẵn sàng đưa tay ra và nâng đỡ chúng ta

Các môn đệ ra khỏi thuyền để giặt lưới của họ. Chúa Giêsu thấy cảnh này và Người dừng lại. Đức Thánh Cha nhận định: “Chúa Kitô muốn mang sự gần gũi của Thiên Chúa đến chính những nơi và hoàn cảnh mà con người đang sống, làm việc và hy vọng, đôi khi bám lấy những thất bại và thiếu sót của họ, giống như những người đánh cá đã làm việc suốt đêm và không bắt được gì.”

Chúa thông cảm với Simon và các bạn đồng hành, những người mệt mỏi và thất vọng, đang giặt lưới như thường lệ, cam chịu sẽ trở về nhà tay không. Đức Thánh Cha nói rằng đây cũng là thái độ của chúng ta trong hành trình của Giáo hội, khi chỉ có những mẻ lưới trống rỗng. “Ngài giải thích: “Đó là một tâm tình khá phổ biến ở các quốc gia có truyền thống Kitô giáo cổ xưa, trải qua nhiều thay đổi xã hội và văn hóa và ngày càng được đánh dấu bởi chủ nghĩa thế tục, bởi sự thờ ơ đối với Thiên Chúa, bởi việc ngày càng rời bỏ thực hành đức tin. Và điều này thường được nhấn mạnh bởi sự thất vọng và tức giận của một số người đối với Giáo hội, đôi khi do chứng tá tồi tệ của chúng ta và những vụ bê bối đã làm biến dạng khuôn mặt của Giáo hội, và kêu gọi chúng ta thực hiện một sự thanh tẩy khiêm tốn và liên tục, luôn bắt đầu từ tiếng kêu đau đớn của các nạn nhân, những người luôn phải được đón nhận và lắng nghe. Nhưng khi chúng ta cảm thấy bị tấn công thì chúng ta có thể cảm thấy bị cám dỗ rời bỏ thuyền, bị mắc vào mạng lưới cam chịu và bi quan. Ngược lại, chúng ta cần dâng lên Chúa những nỗ lực và nước mắt của mình, để rồi cùng nhau đáp ứng những nhu cầu mục vụ và thiêng liêng, với tâm hồn rộng mở và tìm ra những con đường mới để theo Người, tin tưởng rằng Chúa Giêsu luôn sẵn sàng đưa tay ra và nâng đỡ Hôn Thê yêu dấu của Người.”

Đức Thánh Cha chủ sự giờ Kinh Chiều với các Giám mục, Linh mục, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ Bồ Đào Nha

Chúng ta có để Chúa lên thuyền và cầm lái con thuyền cuộc đời của chúng ta?

Nhưng Chúa Giêsu lên thuyền rồi mời họ thả lưới lần nữa. Đức Thánh Cha nói tiếp: “Cũng thế, Người đến tìm chúng ta trong sự cô đơn và khủng hoảng của chúng ta để giúp chúng ta bắt đầu lại. Ngay cả hôm nay Người vẫn đứng trên bờ của cuộc sống của chúng ta để đánh thức lại niềm hy vọng của chúng ta và cũng để nói với chúng ta, như đã nói với Simon và những người khác: ‘Hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá’ (Lc 5,4).”

Hôm nay Chúa đang hỏi chúng ta có muốn để Người lên thuyền cầm lái cho chiếc thuyền cuộc đời của chúng ta, để rồi lại hăng hái quăng lưới bắt cá. Nghĩa là “Chúa đang yêu cầu chúng ta: làm sống lại lòng nhiệt thành không ngơi nghỉ đối với việc truyền bá Tin Mừng.” “Thả lưới lần nữa và ôm lấy toàn thế giới với niềm hy vọng của Tin Mừng: đây là điều chúng ta được mời gọi!

Theo Đức Thánh Cha, chúng ta cần đưa ra những chọn lựa để có thể mạnh dạn dong buồm ra biển khơi rao giảng Tin Mừng và sứ vụ và ngài chỉ ra ba lựa chọn.

Đức Thánh Cha chủ sự giờ Kinh Chiều với các Giám mục, Linh mục, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ Bồ Đào Nha

Chèo thuyền ra chỗ nước sâu: rời bỏ sự thất vọng ù lì

Trước hết là chọn lựa chèo thuyền ra chỗ nước sâu. Đức Thánh Cha nói: “Để quăng lưới xuống biển lần nữa, chúng ta cần rời bỏ bến bờ của những thất vọng và ù lì, tránh xa nỗi u sầu mờ nhạt và sự hoài nghi và mỉa mai có thể bủa vây chúng ta khi đối mặt với khó khăn. Cần phải chuyển từ mặc cảm thất bại sang thái độ của đức tin, như ông Simon, dù đã vất vả suốt đêm vô ích, vẫn nói: ‘Theo lời Thầy con sẽ thả lưới’ (Lc 5,5).” Và để tin cậy Chúa và Lời của Người mỗi ngày, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng cần phải cầu nguyện nhiều hơn nữa. “Chỉ trong sự thờ lạy, chỉ trước mặt Chúa, chúng ta mới thực sự lại tìm thấy sự yêu thích và lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể vượt qua cám dỗ thực hiện một ‘hoạt động mục vụ mang tính hoài niệm và tiếc nuối’ và có can đảm ra chỗ nước sâu mà không mang theo các ý thức hệ hay các hình thức thế tục, được thúc đẩy bởi một ước muốn duy nhất: đó là Tin Mừng được rao giảng cho mọi người.”

Đức Thánh Cha chủ sự giờ Kinh Chiều với các Giám mục, Linh mục, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ Bồ Đào Nha

Cùng nhau tiến hành chăm sóc mục vụ: Giáo hội đối thoại, đồng trách nhiệm

Lựa chọn thứ hai: cùng nhau tiến hành chăm sóc mục vụ. Đức Thánh Cha lưu ý rằng mọi người trên thuyền đều được mời thả lưới. Và khi bắt được nhiều cá, họ gọi các bạn đồng nghiệp ở thuyền khác đến giúp. Do đó, “Giáo hội là số nhiều, đó là sự hiệp thông, hỗ trợ lẫn nhau, một hành trình chung. Trên thuyền phải có chỗ cho tất cả mọi người: tất cả những người đã được rửa tội đều được mời gọi lên thuyền và thả lưới, trực tiếp dấn thân loan báo Tin Mừng.”

Đức Thánh Cha nhận xét rằng đây là một thách đố lớn, nhất là trong những bối cảnh mà các linh mục và những người tận hiến đang mệt mỏi bởi vì trong khi nhu cầu mục vụ gia tăng thì họ ngày càng ít đi. Tuy nhiên, ngài nhắc nhở, “chúng ta có thể xem tình huống này như một cơ hội để giáo dân tham gia với lòng nhiệt thành huynh đệ và sự sáng tạo mục vụ lành mạnh. Do đó, các tấm lưới của các môn đệ đầu tiên trở thành hình ảnh của Giáo hội, vốn là một ‘mạng lưới các tương quan’ nhân bản, thiêng liêng và mục vụ.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Nếu không có đối thoại, đồng trách nhiệm và tham gia, Giáo hội sẽ già đi”. “Giáo hội, không bao giờ không có những người khác, không có thế giới. Trong Giáo hội không có chủ nghĩa thế tục, nhưng không có nghĩa là không có thế giới. Trong Giáo hội, chúng ta giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau và chúng ta cũng được mời gọi lan tỏa bầu khí huynh đệ xây dựng ra bên ngoài.”

Đức Thánh Cha chủ sự giờ Kinh Chiều với các Giám mục, Linh mục, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ Bồ Đào Nha

Trở thành những ngư phủ lưới người: Giáo hội được ủy thác sứ vụ mang đến cho con người sự sống của Chúa Giêsu

Cuối cùng, lựa chọn thứ ba: trở thành những ngư phủ lưới người. Chúa Giêsu trao phó cho các môn đệ sứ vụ dấn thân vào biển thế gian. Đức Thánh Cha nói: “Lưới người và kéo họ lên khỏi mặt nước có nghĩa là giúp họ đi lên khỏi nơi họ đã chìm đắm, cứu họ khỏi sự ác có nguy cơ nhấn chìm họ, hồi sinh họ khỏi mọi hình thức chết chóc. Thật vậy, Tin Mừng là một lời loan báo về sự sống trong biển của sự chết, về sự tự do trong những vòng xoáy nô lệ, về ánh sáng trong vực thẳm bóng tối.”

Đức Thánh Cha lưu ý rằng “ngày nay có nhiều bóng tối trong xã hội. Chúng ta dường như đánh mất ý nghĩa của lòng nhiệt huyết, dũng khí dám ước mơ, nghị lực đương đầu với thử thách, thiếu niềm tin vào tương lai; và vì thế chúng ta dong buồm trong sự bấp bênh, bấp bênh về kinh tế, trong sự nghèo nàn tình bạn xã hội, thiếu hy vọng.” Nhưng Giáo hội, Đức Thánh Cha giải thích, “được ủy thác sứ vụ chèo thuyền vào dòng nước của đại dương này và thả tấm lưới Tin Mừng, không chỉ tay lên án, nhưng mang đến cho con người thời đại chúng ta một đề xuất về một sự sống mới, đó là sự sống của Chúa Giêsu. Chúng ta được mời gọi đem sự cởi mở của Tin Mừng đến một xã hội đa văn hóa; đem sự gần gũi của Chúa Cha đến với những hoàn cảnh bấp bênh và nghèo đói đang gia tăng, nhất là nơi giới trẻ; mang tình yêu của Chúa Kitô đến nơi gia đình mong manh và những mối quan hệ bị tổn thương; trao truyền niềm vui của Chúa Thánh Thần vào nơi bị thống trị bởi sự thất vọng và thuyết định mệnh.”

Kết thúc giờ Kinh Chiều Đức Thánh Cha lên xe trở về Tòa Sứ thần cách đó khoảng 10 km, dùng bữa tối và nghỉ đêm, kết thúc ngày thứ nhất trong chuyến viếng thăm Bồ Đào Nha.

Đức Thánh Cha chủ sự giờ Kinh Chiều với các Giám mục, Linh mục, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ Bồ Đào Nha

Nguồn: vaticannews.va/vi