Đức Maria, mẫu gương đức tin

Tin Mừng phác hoạ chân dung Đức Maria, người phụ nữ có phúc, vì đã tin: -đã đón nhận trong sự vâng phục lời thiên sứ truyền tin; -đã ngợi khen Thiên Chúa khi thăm bà Êlisabeth; -đã vui mừng khi Con Chúa sinh ra nơi lòng đồng trinh; -đã tín nhiệm thánh Giuse; -đã lắng nghe Lời Chúa và suy niệm trong lòng; -đã theo chân Con đến đồi Gôlgôtha; -đã mừng vui khi Con sống lại; -đã đồng hành với các môn đệ[1]. Trọn cuộc đời Đức Mẹ là một hành trình đức tin, một đức tin sáng ngời, một đức tin bền bỉ trong những khó khăn. Chiêm ngắm hành trình đức tin của Đức Mẹ, sẽ giúp chúng ta củng cố và được ơn nâng đỡ trong hành trình đức tin của mình.
 
1. “Phúc cho Bà là kẻ đã tin”
 
Sau Công đồng Vaticanô II, hình ảnh Đức Maria “tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin”[2] được nhắc đến nhiều, nhất là qua các giáo huấn của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong Thông điệp Redemptoris Mater – Mẹ Đấng Cứu Thế, Ngài nói: “Được nên mạnh mẽ nhờ sự hiện diện của Đức Kitô, Giáo Hội tiến bước trong thời gian qua các thế kỷ và tiến bước để gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng đang đến; nhưng cuộc hành trình này diễn tiến theo sau cuộc hành trình đã được hoàn tất nơi Đức Trinh Nữ Maria, trong đó Mẹ đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin và đã giữ vững lòng tin kết hợp với Người Con cho đến chân thập giá”[3]. Cũng trong Thông điệp này, Ngài nói: “Đức Maria được trở nên sự hiện diện đích thực nhờ mầu nhiệm Đức Kitô vì Mẹ đã tin”[4]. Trong Tông thư Tertio millennio adveniente – Ngàn năm thứ ba đang đến, Đức Thánh Cha lặp lại: “Đức Maria giới thiệu trọn vẹn Con của Ngài và cho tất cả các tín hữu một khuôn mẫu đức tin sống động”[5].
 
Vì tin như thế, nên Mẹ đã trở thành Mẹ của Ngôi Lời nhập thể. Tuy nhiên, Mẹ cũng đã trải qua cuộc hành trình đức tin trong tăm tối. Như niềm tin của tổ phụ Abraham, trọn đời sống Mẹ là một đời sống đức tin, nhất là khi phải đối diện với những thách đố khó khăn: “Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng, lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện” (Lc 1,45). Nếu Abraham là “Cha của các kẻ tin” vì đã không chối bỏ Thiên Chúa khi hiến dâng Isaác, thì Đức Maria là “Mẹ của chúng ta trong đức tin”. Mẹ đã can đảm đứng dưới chân thập giá với niềm tin tưởng, yêu mến và hy vọng, khi dường như không còn gì để hy vọng (x. Rm 4,18). Mẹ cũng đã tin rằng làm trinh nữ những cũng làm mẹ. Như vậy, chức vị làm Mẹ Thiên Chúa là kết quả của một đức tin kiên vững vì Mẹ đã để tâm lắng nghe tiếng Chúa (x. Lc 11,27-28).
 
«Nơi Đức Maria […], toàn bộ lòng tin của dân Israel, khởi đầu với lòng tin vốn chưa từng thấy của Abraham, được kết tụ thành một, một thứ lòng tin quy hướng về Đức Kitô và hằng giữ vai trò như là mẫu gương cho các Kitô hữu. […] Trong việc thiết lập Giao Ước Mới, vốn là thứ Giao Ước đã được minh nhiên khẳng định như là “thành tựu” của Giao Ước Cũ, làm sao hết thảy mọi yếu tố vô cùng tích cực của Giao Ước này lại không được kể đến? Làm sao Đức Kitô có thể đi vào lịch sử cứu độ mà lại không để tất cả những gì có tính cách tích cực như thế được trao ban cho mình qua Mẹ của Người?» [6].
 
Thánh Augustinô nói: “Đức Trinh Nữ Maria đã hạ sinh trong niềm tin, niềm tin ấy có trước khi thụ thai… Mẹ đã gìn giữ sự thật trong tâm trí trước khi trở nên xác phàm trong dạ. Đức Kitô là sự thật, Đức Kitô là xác phàm; Đức Kitô là sự thật trong tâm trí Đức Maria, Đức Kitô là xác phàm trong dạ Mẹ, hay đúng hơn, Mẹ đã sinh hạ Đức Kitô trong tâm hồn trước khi trong lòng dạ”[7]. Mẹ đã không hiểu những điều thiên sứ nói, nhưng đã tin và đã lữ hành trong đức tin với niềm phó thác. Thánh Alphongsô Maria Liguori nói: «Lạy Đức Trinh Nữ, Mẹ đã có đức tin hơn mọi người dương thế, hơn các thiên thần, vì Mẹ đã nhìn thấy Con của Mẹ nơi chuồng chiên Bethlehem nhưng vẫn tin Ngài là Đấng tạo tác thế gian; đã thấy Ngài khi trốn khỏi tay Hêrôđê nhưng không mất niềm tin rằng Ngài là Vua các vua; đã thấy Ngài được sinh ra và cũng đã tin Ngài là Đấng vĩnh cửu, đã thấy Ngài nghèo hèn, cần đến thức ăn đồ uống, nhưng cũng đã tin rằng Ngài là Chúa Tể vũ trụ; đã đặt Ngài trên cỏ rơm nhưng luôn tin rằng Ngài là Đấng toàn năng; đã thấy Ngài chẳng nói, nhưng vẫn tin Ngài là Đấng khôn ngoan vô lường; đã khóc thương Ngài và vẫn tin Ngài sẽ được vinh hiển; đã chứng kiến Ngài chết, chịu sự nhục nhã, chịu đóng đinh, hay cho dù gặp muôn vàn chao đảo khác trong đức tin, Mẹ đã luôn luôn xác tín rằng Ngài là Thiên Chúa… Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh, nhờ công đức tin lớn lao, xin ban cho con ân sủng của đức tin sống động, lạy Mẹ, xin tăng thêm đức tin nơi chúng con»[8].
 
2. “Fiat/Fide/Amen”
 
Niềm tin của Đức Mẹ giúp chúng ta tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin cho dù phải gặp những thử thách nặng nề nhất vì “Mẹ đã tin vào điều Ngài tin xảy ra cho Ngài, thì chúng ta cũng hãy tin, để điều xảy ra nơi Mẹ cũng lợi ích cho chúng ta”[9].
 
Một điều gây ngạc nhiên trong Kinh Tín Kính đó là lời đầu tiên “Tôi tin” và lời cuối cùng “Amen” đều cùng một từ gốc “tin”. Thật vậy, chữ “amen” là một từ Do Thái cổ, có nghĩa là sự vững vàng, tin, tin tưởng. Như vậy, câu đầu và câu cuối của Kinh Tin Kính hoà nhịp với nhau, bao trùm và nối kết mọi lời tuyên xưng. Điều này cho thấy sự thống nhất trong các chân lý đức tin và cũng cho thấy đức tin là một cuộc hành trình. “Amen” làm vọng lại ý nghĩa của “fide/tin”: an tâm vững dạ, bước lên trên nền tảng vững chắc. Vì thế đức tin Kitô giáo là cả một thái độ sống được diễn tả qua tiếng “amen”, một lời ngắn gọn nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa: tin tưởng, phó thác, trung thành, vững vàng, chắc chắn, sự thật, chân lý[10]. Khi Đức Mẹ nói “fiat” trong biến cố truyền tin, thì cũng có nghĩa là: đúng như vậy, con tin như thế và con xin vâng.
 
Khởi đầu trong cuộc hành trình đức tin của Mẹ là lời thưa fiat/amen[11]. Chúng ta cũng được mời gọi để thưa xin vâng với tất cả tâm tình con thảo, trọn vẹn và toàn diện, giao phó cho Chúa toàn thể con người chúng ta, tương lai, tự do của chúng ta. Việc thưa xin vâng một lần cho tất cả và từng lần trong những bước đi cuộc đời mang một tầm quan trọng quyết định vận mệnh của chúng ta. SGLCHTCG nói: «Đức Maria tin chắc chắn rằng, đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được, nên với “sự vâng phục của đức tin”, Mẹ đã trả lời: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,37-38)»[12]. Sau đó SGLCHTCG đã trích dẫn lời dạy của Công đồng Vaticanô II, trong đó có tư tưởng của Thánh Irênê như sau: «Nhờ vâng phục, Đức Mẹ đã trở nên nguyên nhân ơn cứu độ cho chính mình và cho toàn thể nhân loại […] nút dây do sự bất tuân của bà Evà thắt lại, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria; điều mà trinh nữ Evà đã buộc lại do sự cứng lòng tin, Đức Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ đức tin»[13].
 
Đã có lời fiat của Đức Mẹ và cũng đã có lời fiat của Chúa Giêsu trong cuộc thương khó: “Nguyện ý Cha được thành sự” (x. Lc 22,42). Đến lượt Giáo Hội và cả chúng ta, rất cần một lời fiat nữa: “Fiat voluntas tua – nguyện ý Cha được thành sự”. Lời fiat của Đức Mẹ diễn tả sự vui mừng hân hoan vì ý Chúa thể hiện. Chúng ta cũng cầu xin Mẹ cho chúng ta được nói lên lời xin vâng với tất cả niềm vui, lòng thành kính, chứ không bắt buộc, miễn cưỡng. Chúng ta sẽ được tự do thật sự khi giao phó đời mình cho Chúa, trao thân gửi gắm cho Ngài. Thực ra, người ta không thể sống mà không tin vào ai đó hay cái gì. Các Kitô hữu sẽ biết mình tin vào ai như Thánh Phaolô đã nói: “Tôi biết tôi tin vào ai” (2 Tm 1,12).
 
Để đạt được điều này, chúng ta phải tìm kiếm thánh ý Chúa: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Cha” (Ga 4,34). Không dễ dàng để có được đức tin như thế, nên cần phải thúc giục ý chí đi tìm kiếm thánh ý Chúa. Câu trả lời cuối cùng cho những vấn nạn của cuộc sống chỉ có thể có được nơi Thiên Chúa. Để có được một đức tin trưởng thành, chúng ta còn phải biết đón nhận nữa. Lờifiat/fide/amen của Đức Mẹ là lời fiat/fide/amen/xin vâng, tin tưởng, sẵn sàng đón nhận của mỗi người chúng ta. Chúng ta phải chấp nhận rằng, dù đưa ra biết bao lý do để giải thích, dù có cố gắng đến đâu, chúng ta cũng không bao giờ hiểu hết được kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa nơi chúng ta. Chúng ta hãy đọc ra các biến cố trong cuộc đời mình những sứ điệp mà Chúa muốn gửi đến. Thái độ đón nhận trong đức tin cũng có nghĩa là mở lòng ra cho mầu nhiệm được mạc khải như Mẹ đã ghi nhớ tất cả những biến cố ấy trong lòng (x. Lc 2,19; 3,15). Đây chính là sự gắn bó, sống phù hợp với niềm tin, điều chỉnh cuộc sống theo điều mình tin tưởng. Gắn bó trọn cả cuộc đời là một thách đố lớn lao, vì đức tin thường phải gặp những thử thách. Lời xin vâng của Đức Mẹ dưới chân thập giá giúp chúng ta hiểu được thế nào là hành trình đức tin tăm tối. Công đồng Vaticanô dạy: «Đối với Thiên Chúa, Đấng mạc khải, con người phải bày tỏ “sự vâng phục bằng đức tin” (Rm 16,26; x. Rm 1,5; 2 Cr 10,5-6), qua đó, con người tự do phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa bằng việc “dâng lên Thiên Chúa, Đấng mạc khải, sự quy phục trọn vẹn của lý trí và ý chí”, và tự nguyện ưng thuận mạc khải Ngài đã ban»[14].
 
Chân Phước J.H. Newman nói: «Phải chi chúng ta coi mình có phúc khi, dần theo năm tháng, chúng ta được ban thêm hết ân huệ này đến ân huệ khác […]. Ân huệ đầu tiên là đức tin, ân huệ cuối cùng là đức ái; nhiệt tâm đến trước, nhân từ đến sau; khiêm hạ đến trước, an bình theo sau; chuyên cần có trước, rồi mới đến nhẫn nhục. Phải chi chúng ta học biết cách làm tăng triển mọi ân huệ trong chúng ta»[15].
 
3. “Người công chính sống bởi đức tin”
 
Kitô hữu sống bởi đức tin, bởi Lời Chúa và Mình Thánh Chúa. Đức tin ấy luôn hàm chứa việc làm, rất cần được thể hiện, rất cần được dấn thân, cần hy sinh, quảng đại: “Người công chính sống bởi đức tin” (x. Kb 2,4; Rm 1,17). Cuộc lữ hành đức tin của chúng ta đã được khai lối nhờ gương sáng của Đức Mẹ. Hãy đi vào đường lối đó, hãy tin để những gì thành sự nơi Mẹ cũng thành sự nơi chúng ta.
 
Noi gương Mẹ, chúng ta được mời gọi canh tân niềm tin đã có khi chịu Phép Thánh Tẩy. Thật vậy, từ thời kỳ Giáo Hội sơ khai cho đến nay, việc huấn giáo cho các tân tòng, luôn nhấn mạnh đến vai trò của Đức Maria như nội dung cơ bản của việc tuyên xưng đức tin trong Bí tích Thánh Tẩy. Khi dìm mình trong nước thánh tẩy, sẽ được thẩm vấn như sau: “Con có tin Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria …?”. Người chịu thánh tẩy trả lời: “Con tin”. Với lời đáp trả của đức tin, người tân tòng đón nhận được ơn cứu độ của Giáo Ước. Đức Maria chính là Hòm Bia Giáo Ước Mới, hiện diện như là Mẹ của Đức Kitô và của Giáo Hội. Khi đón nhận đức tin chính là lúc đón nhận Đức Maria vào trong cuộc đời mình, đồng thời cũng nhận được sự che chở của Người[16].
 
Trong Đức Maria và với Ngài, chúng ta có được một sự thống nhất hài hoà giữa đức tin và đời sống chúng ta; trở nên thành viên trong đại gia đình Thiên Chúa; đức tin trở nên lời cầu nguyện thiết tha, hài hoà giữa đời sống chiêm niệm và hoạt động; mở rộng lòng đón nhận Thiên Chúa và tha nhân; là anh em trong Đức Kitô vì cùng là con của Đức Mẹ. Như vậy Đức Mẹ sẽ nên mối dây hiệp nhất trong chúng ta, vì Mẹ là người phụ nữ có lòng tin tưởng, lòng bao dung dịu hiền, đem lại niềm an vui để xây đắp nền văn minh tình thương[17].
 
LM Giuse Phạm Quốc Điêm

—————————–
Chú thích: 

Bài viết này đã được in trong: TGMBC, Hạt giống đức tin, Tủ sách Ra Khơi, Bùi Chu 2012, 113-120.

[1]. Cfr. Bênêđictô XVI, Tông thư Porta Fidei (11/10/2011) 13.

[2]. Vaticanô II, Hiến chế Tín lý về Giáo Hội Lumen gentium (21/11/1964) 58.

[3]. Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Mater (25/3/1987) 2.

[4]. Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Mater (25/3/1987) 12.

[5]. Gioan Phaolô II, Tông thư Tertio millennio adveniente (10/11/1994) 4.

[6]. H. U. von Balthasar, A short primer for unsettled laymen, Ignatius Press, San Francisco 19872, 89.

[7]. Augustinô, Sermo 293, PL 38, 1327.

[8]. A. M. de Liguori, Le glorie di Maria, Parte II, III, 4. «Như thế, Ðức Nữ trinh cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin của mình, kiên trì giữ vững mối hiệp nhất với Con mình cho đến chân thập giá là nơi ngài đã đứng – theo kế hoạch của Thiên Chúa – để cùng chịu với Người Con duy nhất của mình nỗi thống khổ cực độ của Người, dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra». VATICANÔ II, Hiến chế Tín lý về Giáo Hội Lumen gentium (21/11/1964) 58.

[9]. Augustinô, Sermon 215, 4 (PL 38, 1074).

[10]. Cfr. J. Ratzinger, Introduzione al cristianesimo, Queriniana, Brescia 1977, 68-69.

[11]. «Từ Amen có cùng ngữ căn với từ “tin”. Ngữ căn này diễn tả sự vững bền, sự đáng tin, sự trung tín. Như vậy, chúng ta hiểu tại sao từ “Amen” có thể được dùng để nói về sự trung tín của Thiên Chúa đối với chúng ta, và về lòng tin cậy của chúng ta vào Ngài» SGLCHTCG 1062. Ðức Maria có lẽ đã không nói “fiat” vốn là một từ Latinh, cũng không nói “génoito”, một từ Hy Lạp, nhưng chính lời từ miệng Ngài thốt ra, hay ít là từ ngữ lúc bấy giờ nằm trong văn hoá Sêmít mà thánh Luca đã sử dụng thì hẳn phải là từ “amen”. “Amen” là một từ Do Thái có nghĩa là sự vững chắc, chắc chắn, thành tín, tín tưởng. Cfr. R. Cantalamessa, Maria uno specchio per la Chiesa,Ancora, Milano 1990, 243-254.

[12]. SGLCHTCG 494.

[13]. SGLCHTCG 494; cfr. Vaticanô II, Hiến chế Tín lý về Giáo Hội Lumen gentium (21/11/1964) 56.

[14]. Vaticanô II, Hiến chế Tín lý về Mạc khải Thiên Chúa Dei Verbum (18/11/1965) 5.

[15]. J.H. Newman, “Equanimity” trong Parochial and Plain Sermons, Ignatius Press, San Francisco 1987, 996.

[16]. Cf. R. Fratellone, La devozione mariana nella pedagogia della fede, trong Marianum 53 (1991) 216–217.

[17]. U. Casale, Pensare la fede attraverso Maria trong Theotokos 2 (1994) 531-559.