Diễn văn của Đức Thánh Cha dành cho các tham dự viên Hội nghị về sự thánh thiện ngày nay

Từ ngày 3-6.10.2022 vừa qua, Bộ Phong thánh đã tổ chức một Hội nghị chuyên đề quốc tế về “Sự thánh thiện ngày nay” tại Học viện Giáo hoàng Augustinianum, gần Vatican. Trong dịp này, vào sáng ngày 6.10, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến khoảng 300 tham dự viên hội nghị. 

Sau đây là nội dung Bài diễn văn của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Tôi rất vui được gặp anh chị em khi kết thúc Hội nghị chuyên đề về “Sự thánh thiện ngày nay”, do Bộ Phong Thánh tổ chức. Tôi chào mừng và cảm ơn Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng Trưởng Thánh Bộ; quý Bề trên, quý Viên chức, quý Thỉnh viên, và cộng tác viên. Tôi xin chào tất cả anh chị em, những người đến từ nhiều nơi trên thế giới, đã tham gia vào những ngày nghiên cứu và suy tư này, được phong phú hơn nhờ sự đóng góp của các diễn giả xuất sắc đại diện cho các lĩnh vực thần học, khoa học, văn hóa và truyền thông.

Chủ đề được chọn cho Hội nghị phù hợp với Tông huấn Hãy vui mừng và hân hoan (Gaudete et Exsultate) nhằm “làm cho lời kêu gọi nên thánh một lần nữa được vang lên, cũng như cố gắng hiện thực hóa lời mời gọi đó trong mối liên hệ đến những rủi ro, những thách đố và những cơ hội” (số 2). Lời kêu gọi này là trọng tâm của giáo huấn của Công đồng Vatican II, trong đó đã dành hẳn một chương của Hiến chế Ánh sáng muôn dân (Lumen Gentium) để nói về ơn gọi nên thánh phổ quát. Hiến chế khẳng định rằng “Tất cả các Kitô hữu, dù trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, cũng đều được Chúa kêu gọi, để mỗi người mỗi cách, vươn tới sự thánh thiện trọn hảo như chính Chúa Cha là Đấng trọn lành” (số 11). Ngày nay cũng vậy, điều quan trọng là phải khám phá ra sự thánh thiện nơi dân thánh của Thiên Chúa: nơi những bậc cha mẹ nuôi dạy con cái bằng tình yêu thương, nơi những người nam, nữ tận tụy làm việc để nuôi sống gia đình, nơi những người kiên nhẫn chịu đựng tình trạng bệnh tật, nơi những người già yếu luôn mỉm cười và cho đi sự khôn ngoan của họ. Chứng tá về các thực hành đạo đức của Kitô hữu ngày nay được rất nhiều môn đệ của Chúa trải nghiệm, là sự khích lệ đối với tất cả chúng ta để đáp lại lời mời gọi nên thánh một cách cá vị. Họ là những vị thánh “ngay bên cạnh”, những người mà chúng ta đều biết.

Bên cạnh đó, hay nói đúng hơn, giữa vô số tín hữu, những người mà tôi đã định nghĩa là “những vị thánh ở ngay bên cạnh” (Tông huấn Vui mừng và Hân hoan, số 7) là những người mà Giáo hội giới thiệu cho chúng ta như những mẫu gương, những vị cầu thay nguyện giúp, và những bậc thầy. Đây là những vị thánh được phong chân phước và phong thánh, những người nhắc nhở tất cả chúng ta rằng việc sống theo Phúc Âm cách trọn vẹn là điều khả thi và tốt đẹp. Thật ra, sự thánh thiện trên hết không phải là một chương trình của những nỗ lực và từ bỏ, một kiểu “rèn luyện tâm linh” nhưng là một điều gì đó rất khác. Trước hết, đó là kinh nghiệm rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương và lãnh nhận cách nhưng không tình yêu và lòng thương xót của Ngài. Món quà thần linh này mở ra nơi chúng ta lòng biết ơn và cho phép chúng ta cảm nghiệm một niềm vui lớn lao, vốn không phải là cảm xúc nhất thời hay chỉ đơn thuần là sự lạc quan của con người, mà là sự xác tín rằng chúng ta có thể đương đầu với mọi thử thách bằng ân sủng và sức mạnh đến từ Thiên Chúa.

Nếu không có niềm vui này, đức tin sẽ bị giảm thiểu thành một sự rèn luyện quá sức và buồn bã. Các thánh không phải là “những người sầu não”, mà là những người nam, nữ tâm hồn vui tươi, và mở ra cho niềm hy vọng. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô I, người đã được phong chân phước mới đây, cho chúng ta một ví dụ về sự thánh thiện tràn đầy tính cách vui vẻ này. Chân phước Carlo Acutis cũng là một hình mẫu của niềm vui Kitô giáo đối với thanh thiếu niên và người trẻ. Và “niềm vui trọn vẹn” đầy tính nghịch lý phúc âm của Thánh Phanxicô Assisi luôn gây ấn tượng với chúng ta.

Sự thánh thiện bắt nguồn từ đời sống cụ thể của các cộng đoàn Kitô hữu. Các thánh không đến từ một “thế giới song song”, nhưng là những tín hữu thuộc về dân trung thành của Thiên Chúa và có nền tảng vững chắc trong cuộc sống hàng ngày,vốn được tạo nên từ mối tương quan gia đình, học tập, công việc, xã hội, kinh tế và chính trị. Trong tất cả những bối cảnh này, các Thánh luôn cố gắng không ngừng, không sợ hãi hay do dự, để thực hiện ý muốn của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Điều quan trọng là mỗi Giáo hội địa phương phải nhận ra và đánh giá cao những gương sáng của đời sống Kitô hữu phát triển trong dân Chúa, những người luôn có “bản năng” đặc biệt để nhận ra những gương mẫu thánh thiện và những chứng nhân phi thường của Tin Mừng. Do đó, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng sự đồng thuận của những người xung quanh về những đời sống Kitô hữu gương mẫu này. Thật vậy, các tín hữu, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, được ban tặng với một ý thức thiêng liêng chân chính cho phép họ xác định và nhận ra việc thực thi các nhân đức Kitô giáo một cách anh hùng trong cuộc sống cụ thể của một số người đã chịu phép Rửa. Danh tiếng về sự thánh thiện (fama sanctitatis) trước hết không đến từ hệ thống phẩm trật mà đến từ các tín hữu. Chính dân Chúa, trong các thành phần khác nhau, là nhân vật chính của danh tiếng về sự thánh thiện, nghĩa là, quan điểm phổ biến và rộng rãi liên quan đến tính toàn vẹn của đời sống một người, được coi là chứng nhân của Đức Kitô và của các Mối Phúc của Phúc âm.

Tuy nhiên, cần phải xác minh rằng danh tiếng về sự thánh thiện này là tự phát, ổn định, bền vững và phổ biến trong một bộ phận đáng kể của cộng đoàn Kitô hữu. Trên thực tế, điều này là chân thật khi nó chống lại những thay đổi của thời gian, của thời đại, và luôn tạo nên những tác động lành mạnh đối với tất cả mọi người, như chúng ta có thể thấy nơi lòng đạo đức bình dân.

Trong thời đại của chúng ta, việc tiếp cận đúng cách với các phương tiện truyền thông có thể nâng cao kiến ​​thức về đời sống Kitô hữu của các ứng viên được phong chân phước hoặc phong thánh. Tuy nhiên, trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, và đặc biệt là mạng xã hội, có thể có nguy cơ bị cường điệu hoặc xuyên tạc bị lèo lái bởi những lợi ích thấp hèn hơn. Vì vậy, cần có sự phân định khôn ngoan và sáng suốt đối với tất cả những người xem xét những tình huống của danh tiếng về sự thánh thiện. Mặt khác, bằng chứng về danh tiếng về sự thánh thiện hoặc danh tiếng về sự tử đạo (fama martirii) luôn là danh tiếng về các phép lạ (fama signorum). Khi các tín hữu xác tín về sự thánh thiện của một Kitô hữu, họ có quyền đòi hỏi – đôi khi rất lớn và nồng nhiệt – vào lời cầu bầu trên trời của vị ấy; thực tế là Thiên Chúa nghe lời cầu nguyện của các ngài thể hiện một sự xác nhận về niềm xác tín này.

Anh chị em thân mến, các thánh là những viên ngọc quý, luôn luôn sống động và hợp thời, không bao giờ mất giá trị, bởi vì các Ngài là một bài diễn giải hấp dẫn về Tin Mừng. Cuộc đời của các Ngài giống như một cuốn sách giáo lý bằng hình ảnh, minh họa cho Tin mừng mà Chúa Giêsu đã mang đến cho nhân loại: rằng Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng yêu thương mọi người bằng tình yêu bao la và sự dịu dàng vô hạn. Thánh Bênađô nói rằng khi nghĩ đến các Thánh, ngài cảm thấy tràn đầy “những khao khát cháy bỏng” (Sermo 2; Opera Omnia, Edit. Cisterc. 5, 364ff.). Xin cho tấm gương của các Thánh soi sáng tâm trí của những người nam, nữ trong thời đại chúng ta, làm sống lại đức tin, khích lệ đức cậy, và khơi dậy đức mến, để mọi người cảm thấy được thu hút bởi vẻ đẹp của Tin Mừng, và không ai bị lạc trong mây mù của những điều vô nghĩa và tuyệt vọng.

Tôi không muốn kết thúc bài nói chuyện mà không đề cập đến một khía cạnh của sự thánh thiện mà tôi đã dành một chương trong Tông huấn Vui mừng và Hân hoan: đó là tinh thần hài hước. Ai đó đã nói: “Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn”. Cần phải biết thưởng nếm cuộc sống với khiếu hài hước bởi vì nó mang đến nụ cười, và nâng đỡ tâm hồn. Có một lời cầu nguyện mà tôi khuyến khích anh chị em cầu nguyện – Tôi đã cầu nguyện hàng ngày trong hơn 40 năm. Đó là lời cầu nguyện của Thánh Thomas More. Lạ lùng thay, khi cầu nguyện cho sự thánh thiện, ngài bắt đầu bằng cách nói: “Lạy Chúa, xin ban cho con một hệ tiêu hóa tốt, và cũng xin ban cho con một món gì đó để tiêu hóa”. Thánh nhân đi thẳng vào vấn đề, nhưng theo một cách hài hước. Anh chị em có thể tìm thấy lời cầu nguyện này trong Chú thích 101 của Tông huấn Vui mừng và Hân hoan, và có thể tự cầu nguyện với lời cầu nguyện ấy.

Tôi hy vọng rằng những suy tư và đề xuất của Hội nghị của anh chị em có thể giúp Giáo hội và toàn xã hội nhận thức được những dấu chỉ của sự thánh thiện mà Đức Chúa không ngừng khơi dậy, đôi khi theo những cách bất ngờ nhất.

Tôi cảm ơn anh chị em vì công việc của anh chị em. Tôi phó thác anh chị em cho sự chuyển cầu của Mẹ Maria, Nữ Vương Các Thánh nam nữ. Tôi ưu ái ban phép lành cho anh chị em. Đức Hồng Y Semeraro đã cam kết anh chị em sẽ cầu nguyện cho tôi, vì vậy tôi sẽ không nói nữa. Ngài đã nói tất cả rồi. Xin cảm ơn anh chị em.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (06. 10. 2022)