Cuộc tuyên truyền táo tợn của Bolivia trong chuyến công du Giáo hoàng sẽ sớm nở chóng tàn

..Đức Phanxicô có lẽ đã dùng thời gian nói chuyện riêng với tổng thống Bolivia để thúc đẩy ông về các vấn đề căng thẳng giữa giáo hội và chính quyền cũng như các bận tâm về môi trường, và với tầm đại chúng cũng như vốn chính trị của giáo hoàng, thì thật khó để nói ngài không có một động thái khôn ngoan.
Cuộc tuyên truyền táo tợn của Bolivia trong chuyến công du Giáo hoàng sẽ sớm nở chóng tàn

Cuộc tuyên truyền táo tợn của Bolivia trong chuyến công du Giáo hoàng sẽ sớm nở chóng tàn

Cuộc gặp giữa Giáo hoàng Phanxicô và tổng thống Bolivia, Evo Morales, người kế vị Hugo Chavez làm nhà dân túy bài phương Tây có tiếng nhất ở Mỹ La tinh, chắc chắn là rất đáng chú ý. Và hôm thứ tư, tại La Paz, thủ đô Bolivia, hai người đã gặp nhau.

Sáng thứ năm, tôi bị gọi dậy bởi một cuộc điện thoại khẩn từ một nhà báo Chilê đang muốn biết các phản ứng với quan điểm cho rằng chính phủ Bolivia vừa thắng một đột phá ngoại giao và tiếp thị hình ảnh, bởi giáo hoàng vừa kêu gọi đối thoại đối thoại giữa Bolivia và Chilê về vấn đề xung đột biên giới.

Nói cho tôi biết về những lời phàn nàn của người Công giáo, nhà báo bạn cũng muốn biết tại sao giáo hoàng lại để Morales tặng ngài một tượng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên một thập giá với hình búa liềm cộng sản. Morales cũng tặng giáo hoàng một quyển sách mô tả chiến dịch xâm phạm Chilê, khi Chilê đóng cửa lãnh hải của mình hồi chiến tranh thế kỷ XIX.

Tôi có hai nhận định như sau.

Thứ nhất, thật khó để quy lỗi cho giáo hoàng hay Vatican về những đòn hiểm này.

Về những chuyện xung đột biên giới, Đức Phanxicô không đứng về bên nào. Nhưng ngài kêu gọi đối thoại ‘để tránh các xung đột giữa các dân tộc anh chị em … Thay vì xây tường, chúng ta cần xây các nhịp cầu.’

Thật khó để nghĩ ra được một nhận định nào tránh tính phe phái hơn thế. Có lẽ, Bolivia tự nhận mình thắng, bởi lập trường lâu nay của Chilê là không cần đối thoại gì hết, nhưng người ta không thể hình dung một giáo hoàng nào lại không ủng hộ đối thoại hơn là xung đột.

Còn về các món quà, Vatican không thể kiểm soát được các nguyên thủ sẽ tặng giáo hoàng những gì.

Nếu như Bolivia đã tử tế mà tham vấn các viên chức Vatican xem giáo hoàng sẽ thích những gì, thì thật khó mà tưởng tưởng được một tượng Chúa Kitô trong hình dung Cộng sản lại được chọn.

(Mà nói cho công bằng, cần biết rằng thánh giá này thực sự là một di tích của cha Luis Espinal, nhà truyền giáo Tây Ban Nha bị các lực lượng bán quân sự giết hại hồi năm 1980. Và trên đường từ sân bay về, Đức Phanxicô đã dừng lại cầu nguyện tại nơi tìm thấy thi thể ngài.)

Xét sâu hơn nữa, đây không phải là lần đầu tiên Vatican đối mặt với cuộc đua của các chính thể muốn lạm dụng chuyến công du của giáo hoàng.

Hồi năm 1987, thánh Gioan Phaolô II đã đến thăm Chilê, và ngài đã chụp ảnh với Augusto Pinochet trên ban công Dinh Moneda. Một số người xem các tấm ảnh này là một lời chúc lành giáo hoàng cho chế độ độc tài Pinochet.

Nhưng trong vòng một năm, Pinochet đã chấp thuận [và thất bại] một cuộc trưng cầu dân ý, và Chilê tiến bước vào con đường dân chủ.

Cũng khá tương tự khi năm 1982, Đức Gioan Phaolô II đến thăm Argentina, cũng đang dưới thời quân phiệt. Thời đó, chính thể quân phiệt tự nhận sự chính đáng của mình qua sự hiện diện của giáo hoàng, và rồi chưa đầy một năm, chế độ này sụp đổ.

Năm 1988, Đức Gioan Phaolô II đến thăm Paraguay dưới thời độc tài Alfredo Stroessner, và mọi chuyện cũng diễn tiến hệt như thế. Chính thể Stroessner tự nhận vơ chiến thắng về mình, và chưa đầy một năm sau ông đã bị phế truất.

Xem lịch sử như trên, hồng y O’Malley của Boston từng đùa rằng Fidel Castro của Cuba là độc tài duy nhất ở Mỹ La tinh tồn tại được sau một chuyến công du giáo hoàng.

Thật vậy, sự sẵn sàng chịu những rắc rối do các nỗ lực tuyên truyền táo tợn trong ngắn hạn, chính là cái giá mà các giáo hoàng phải trả để, từ sau sân khấu, thúc đẩy các chế độ này cải cách.

Không phải ngẫu nhiên khi sự hiện diện của Đức Gioan Phaolô đã thúc đẩy các chính quyền độc đoán nới tay ra một chút, khi họ phải đối mặt với sự lên án đạo đức và sự chỉ trích của quốc tế. Như thế, chính giáo hoàng Gioan Phaolô đã giúp lắp bánh xe cho làn sóng dân chủ ở Mỹ La tinh hồi thập niên 1990.

Và vẫn còn phải chờ sẽ liệu Đức Phanxicô có cùng tác động như thế đến Bolivia hay không. Và có một điều nữa phải lưu ý, Morales không phải là độc tài quân phiệt, ông được bầu lên 3 lần đều theo đường lối dân chủ, và xét mọi mặt ông được ủng hộ rộng rãi.

Dù gì đi nữa, vẫn còn nhiều vấn đề giữa Morales và Đức Phanxicô, bao gồm các căng thẳng giữa giáo hội và chính quyền cũng như các bận tâm về môi trường. Đức Phanxicô có lẽ đã dùng thời gian nói chuyện riêng với tổng thống Bolivia để thúc đẩy ông về các vấn đề này, và với tầm đại chúng cũng như vốn chính trị của giáo hoàng, thì thật khó để nói ngài không có một động thái khôn ngoan.

Xét đủ mọi đường rồi tôi bảo anh bạn nhà báo Chilê của tôi hãy thoải mái đi: Bạn không thể đánh đồng việc giáo hoàng chấp nhận một vài khoảnh khắc khó xử trước một nhân vật gây tranh cãi, với việc ngài chúc lành cho người đó được.

Thật vậy, nếu Morales biết về lịch sử các chuyến công du giáo hoàng, thì chắc hẳn ông đang khá là lo lắng đó.

(J.B. Thái Hòa, phanxico.vn/ Crux – John L. Allen Jr. – 09/07/15)