1Sm 3,3b-10.19; 1 Cr 6,13c-15a.17-20; Ga 1,35-42
Chúng ta sinh ra trên đời để làm gì, hay ơn gọi của chúng ta là gì khi có mặt trong cuộc đời này? Rất nhiều người cho rằng chúng ta sinh ra trên đời chỉ để ăn, để mặc, để lớn lên, học hành, kiếm tiền, hưởng thụ, kết hôn, sinh con, dạy dỗ con khôn lớn, già đi rồi chết. Cái chết thật đáng sợ vì nó sẽ kết thúc mọi sự và không còn gì để hy vọng sau khi chết. Chúng ta sinh ra trong thế giới này chỉ có thế hay còn mục đích hoặc có một ơn gọi nào cao quí hơn nữa? Thật khó trả lời đối với những người không có niềm tin tôn giáo, nhưng lại khá dễ đối với chúng ta, những người tin vào Thiên Chúa và tin vào Đức Kitô bởi vì Kinh Thánh mạc khải rằng chúng ta sinh ra trên đời để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người hầu đạt tới sự sống đời đời và vinh quang vĩnh cửu.
Quả thật, bài đọc thứ nhất trích sách Samuel nói về ơn gọi của Samuel. Qua ơn gọi của Samuel, chúng ta biết được ơn gọi của chúng ta và hiểu được mục đích cuối cùng của cuộc đời mỗi người. Vâng đúng như vậy! Samuel được bà Anna sinh ra trong lúc tuổi già và được dâng cho Thiên Chúa giúp việc tại đền thờ Chúa tại Silô. Thiên Chúa đã gọi Samuel 4 lần trong đêm khuya khi Samuel đang ngủ. Ba lần đầu, Samuel không nhận ra tiếng Thiên Chúa, nên tưởng là thầy cả Êli gọi. Ba lần Samuel đều mau mắn thức dậy chạy đến với Êlia và thưa “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Êli phải dùng chính kinh nghiệm của ông chỉ cho Samuel rằng, không phải ông gọi mà là chính Thiên Chúa gọi. Ông nói với Samuel, nếu có ai gọi thì hãy thưa “Lạy Thiên Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe.”
Sự việc đã xảy ra đúng như lời thầy Êli khuyên dặn. Thiên Chúa đã gọi Samuel lần thứ 4 “Samuel, Samuel” và Samuel đã đáp lại: “Xin Ngài hãy phán vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” Thiên Chúa đã phán và Samuel đã lắng tai nghe. Samuel đã chú ý đến mọi lời Thiên Chúa phán và thực hiện rất đầy đủ những gì Thiên Chúa muốn. Ông không để rơi vãi bất kỳ lời nào của Thiên Chúa. Nói cách khác, kể từ khi Thiên Chúa gọi, Samuel trở thành người phục vụ Lời Chúa. Ông làm ngôn sứ, cộng tác với nhà vua dẫn dắt dân Chúa. Ông thay mặt Thiên Chúa xức dầu tấn phong Saolê làm vua dân Israel, góp ý kiến cho vua dẫn dắt dân theo đúng đời lối của Thiên Chúa. Sau này, Samuel còn xức dầu tấn phong Đavít làm vua kế vị Saolô. Trong triều đại của Đavít, Samuel không ngại lên tiếng khi Đavít lỗi lầm, nhắc nhở vua tuân hành thánh ý của Thiên Chúa. Nhờ đó, vua Đavít trở thành vị vua mẫu mực không chỉ cho Israel mà còn cho mọi người, dù cho cuộc đời của Đavít vẫn còn lỗi lầm.
Ơn gọi phụng sự Thiên Chúa hầu đạt tới sự sống vĩnh cửu còn được thể hiện rõ ràng hơn nữa qua đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Gioan Tẩy Giả được sai đến dọn đường cho Đấng Cứu Thế, làm người giới thiệu Chúa Giêsu cho dân chúng, làm ánh cho Chúa trong một thời gian. Cả đời ông đã làm như thế. Ông dọn đường bằng kêu gọi dân chúng sám hối lỗi lầm, sửa đổi đời sống và chỉ cho dân thấy Chúa. Đoạn Tin Mừng hôm nay kể rằng khi ông đang đứng với hai môn đệ của mình, thấy Chúa Giêsu đi qua, ông lên tiếng nói: “Đây Chiên Thiên Chúa.” Hai môn đệ này bỏ ông mà đi theo Chúa Giêsu, nhưng ông không tìm cách giữ lại. Hơn nữa, ông còn cảm thấy vui mừng vì ông đang làm đúng sứ mạng của mình. Có lần ông đã lên tiếng: “Ngài phải lớn lên và tôi phải nhỏ đi.”
Hai môn đệ của Gioan đã đi theo Chúa Giêsu, đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Nhờ đến xem chỗ Chúa Giêsu ở và ở lại với Người mà họ đã quyết định đi theo Người cả đời. Một trong hai người ấy là Anrê, anh của Simon Phêrô. Anrê đã đi theo Chúa Giêsu và giới thiệu cho Phêrô cùng theo. Ông nói với Phêrô rằng: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia”, rồi ông dẫn Phêrô đến gặp Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã gọi Phêrô là Kêpha, nghĩa là đá và Phêrô đã theo Chúa Giêsu. Như thế, ơn gọi của Anrê, mục đích cuộc đời của Phêrô là làm tông đồ của Chúa Giêsu, cộng tác với Ngài loan báo Tin Mừng cứu độ cho nhân loại và lấy chính cuộc đời làm chứng cho Ngài.
Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô bảo rằng thân xác của người tín không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa vì Chúa làm chủ thân xác, và thân xác cũng sẽ được sống lại trong ngày sau hết để cùng hưởng vinh phúc với Đức Kitô phục sinh trên thiên quốc. Hơn nữa, thân xác của người tín hữu là phần thân thể của Chúa Kitô nên phải được kết hợp với Ngài. Người kết hợp với Chúa Kitô phải tránh xa tội lỗi, đặc biệt là tội gian dâm vì tội này xúc phạm đến chính thân xác, mà thân xác chúng ta lại là đền thờ của Chúa Thánh Thần, nên khi xúc phạm đến thân xác là xúc phạm đến chính Chúa Thánh Thần. Từ những lập luận như vậy, thánh Phaolô một lần nữa khẳng định “Anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.”
Chúng ta được sinh ra trên đời để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân hầu mong đạt tới sự sống đời đời và hạnh phúc vĩnh cửu mai sau. Có nhiều con đường phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Người thì phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân trong ơn gọi tu trì, người thì phụng sự Thiên Chúa và tha nhân trong ơn gọi hôn nhân gia đình. Dù ở trong ơn gọi nào đi nữa, tất cả chúng ta đều phải sống một đời thánh thiện, trong sạch, luôn sẵn sàng lắng nghe và thực thi ý Chúa. Xin cho chúng ta hiểu biết sâu xa về ơn gọi phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân của chúng ta, biết chăm chỉ đọc lời Chúa và siêng năng cầu nguyện hầu có thể nhận ra ý Chúa và can đảm thực hành trong đời sống thường ngày. Nhờ đó, chúng ta đạt đến đích điểm cuộc đời là được hưởng trọn vẹn niềm vui, bình an và hạnh phúc đích thật trong Nước Chúa. Amen.
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh