CÚ ĐỤNG TAY THẦN DIỆU
(CN VI/TN-B)
Theo y học thì bệnh phong (cùi, hủi) không phải là bệnh di truyền mà là một bệnh nhiễm khuẩn, gây ra bởi một loại trực khuẩn có tên khoa học là Mycobacterium Leprae (còn được gọi là trực khuẩn Hansen). Bệnh phong lây qua đường da hoặc hô hấp. Tuy nhiên, mắc bệnh hay không thì còn tùy thuộc vào đáp ứng của cơ thể mỗi người đối với vi khuẩn Mycobacterium Leprae. Bệnh có tính chất kéo dài và hay lây, có biểu hiện toàn thân nhưng nổi bật và thường xuyên nhất là triệu chứng da và một số dây thần kinh. Tuy ngày nay với tiến bộ của khoa học, có thể chữa khỏi được bệnh, có thể khống chế được sự lây lan, nên có quan niệm đối xử nhân đạo với bệnh nhân; nhưng ở thời xa xưa, các quốc gia Đông Tây – Việt Nam cũng không ngoại lệ – thường coi bệnh phong là bệnh nan y, không thể chữa khỏi, phần thì cho là dơ bẩn, ô uế, nên có thái độ ghê tởm và đối xử tàn bạo với bệnh nhân.
Có một trường hợp điển hình về quan niệm trên ở Việt Nam, đó là thi sĩ tài danh Hàn Mặc Tử – Nguyễn Trọng Trí (1912-1940). Ông không may mắc bệnh phong, mà thành kiến sai lầm cho rằng đây là căn bệnh truyền nhiễm, ô uế, nên bị cộng đồng hắt hủi, ngược đãi; không những thế, gia đình ông còn bị áp lực của chính quyền địa phương đòi phải cách ly. Vì thế, gia đình phải đưa ông đi trốn tránh ở nhiều nơi. Mãi tới khi bệnh trầm trọng mới được đưa vào viện phong Quy Hòa và chết ở tuổi quá trẻ (28 tuổi). Chính Gour Vile – bác sĩ điều trị tại viện phong – đã trách gia đình không đưa bệnh nhân vào trại phong sớm và bác sĩ kết luận nhà thơ chết là do nội tạng hư hỏng quá nhanh vì uống quá nhiều thuốc tạp nham của lang băm trước khi nhập viện. Xin đơn cử một số câu thơ của thi sĩ đau khổ vì căn bệnh của mình:
* Bài SAY TRĂNG: “Gió rít từng cao trăng ngã ngửa, Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô, Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy, Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra.”
* Bài BIỂN HỒN TA: “Ôi ta đã mửa ra từng búng huyết, Khi say sưa với lượn sóng triền miên, Khi nhận lấy trong thân tâm cay nghiệt, Giọng hờn đau trăm vạn nỗi niềm riêng.”
* Bài HỒN LÀ AI: “Thịt da tôi sượng sần và tê điếng, Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên.”
* Bài RƯỚM MÁU: “Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút, Mỗi lời thơ đều dính não cân ta, Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt, Cho mê man chết điếng cả làn da.”
* Bài TRÚT LINH HỒN: “Máu đã khô rồi, thơ cũng khô, Tình ta chết yểu tự bao giờ, Từ nay trong gió – trong mây gió, Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ.”
Với dân Do-thái thì cũng vậy, họ đã coi bệnh phong cùi là thứ bệnh ô uế và người bệnh phải bị cách ly (“Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: “Ô uế! ô uế!” Bao lâu còn mắc bệnh, người ấy sẽ còn là ô uế. Người ấy phải ở riêng ra, chỗ ở của họ là một nơi bên ngoài trại.” – Lv 13, 45-46). Người Do-thái không những coi bệnh nhân là người dơ bẩn ô uế, mà còn quan niệm bệnh hoạn là do tội lỗi gây ra, bệnh càng nặng thì chứng tỏ tội người ấy càng lớn. Đối với bệnh phong cùi, họ cho rằng đây là căn bệnh bất trị, người mắc bệnh này là người bị Chúa phạt, Chúa nguyền rủa bởi vì họ quá tội lỗi. Chính vì thế, người Do-thái xa lánh người bị bệnh phong cùi, đẩy bệnh nhân ra khỏi xã hội và ghép họ vào những thành phần bất hảo, còn sống nhưng coi như đã chết rồi. Đến ngay như ngôn sứ Isaia khi nói về Đấng Mê-si-a cũng phải thốt lên một cách chua chát: “Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề.” (Is 53, 4), thì đủ hiểu quan niệm của dân Do-thái thiển cận như thế nào.
Đối với người bị bệnh phong cùi trong bài Tin Mừng hôm nay (CN VI/TN-B – Mc 1, 40-45), có một điều rất đáng lưu ý là người ấy vẫn chấp hành luật lệ Do-thái nghiêm túc đối với mọi người; nhưng khi thấy Đức Giê-su Ki-tô thì người ấy đã phá lệ, thay vì kêu lớn tiếng “ô uế! ô uế!” thì người đó lại “quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Mc 1, 40). Điều này nói lên rằng đức tin của anh ta rất vững mạnh. Anh đã biết và tin rằng Đức Giê-su là Thiên Chúa, mà khi Người là Thiên Chúa thì Người sẽ thương xót và chữa anh khỏi bệnh. Ước nguyện chính đáng của anh xuất phát từ niềm tin tuyệt đối đã giúp anh toại nguyện, khi “Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi! ” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch”. (Mc 1, 41-42).
Còn một điều đáng lưu ý nữa là Đức Giê-su Ki-tô, vì Người là Thiên Chúa nên chỉ cần đứng từ xa, phán một lời là bệnh nhân khỏi bệnh. Vậy mà Người lại “chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh”, trái ngược hẳn với luật lệ khắt khe của người Do-thái. Điều đó chứng tỏ Chúa Giê-su luôn quan tâm đến với những người nghèo khó, bệnh hoạn, tật nguyền, bởi “chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta.” (Is 53, 4). Và cũng chính vì thế nên “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mc 2, 17). Quan điểm ấy được biểu lộ rõ ràng khi Đức Giê-su chữa cho người mù từ lúc mới sinh (“Các môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” Đức Giê-su trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.” – Ga 9, 2-3).
Ngay ở Việt Nam cũng đã có một bản sao trung thực hình ảnh “Đức Giê-su chạnh lòng thương chữa người bị phong hủi”, đó chính là Đức Giám mục Jean Cassaigne (30/01/1895 – 31/10/1973). Ngài thuộc Hội thừa sai Paris, năm 1927 sang truyền giáo tại Việt Nam, ngài được cử làm linh mục chính xứ Di Linh. Với tâm huyết “Việt Nam, quê hương của tôi” ngài đã sống và chết với người phong, cống hiến cả cuộc đời cho các dân tộc thiểu số vật lộn với bệnh phong chốn rừng rậm thâm u trên cao nguyên, nơi con người hàng ngày quằn quại chiến đấu với bệnh tật và tử thần. Ngài sáng lập trai phong Di Linh và tận tụy chăm sóc bệnh nhân phong cùi cho đến cuối đời. Vì thế ngài được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tôn phong là “Giám mục phong cùi của người phong cùi” Khẩu hiệu “Bác Ái và Yêu Thương” do ngài chọn đã nói lên điều đó rất nhiều.
Sống “Bác Ái và Yêu Thương” đến độ sẵn sàng từ chức giám mục Gp Saigon, để về trại phong sống tới cuối đời. Trang web Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã phác họa “Chân dung linh mục Việt Nam: Đức cha Jean Cassaigne” thời gian đó như sau: Ngày 20-2-1941, cha sở Di Linh Jean Cassaigne nhận được bài sai về kế nhiệm Đức Giám mục Địa phận Saigon vừa tạ thế. Ngày 24/6/1941, ngay từ 7 giờ sáng, chuông các nhà thờ Saigon đồng loạt đổ vang, báo tin lễ tấn phong Đức cha Cassaigne. Tuy nhiên, sau sáu tháng phục vụ Tông tòa Saigon, rong ruổi khắp địa phận rộng lớn, công việc vất vả đã làm cho các bộ phận cơ thể ngài vốn mệt mỏi, lại bị suy yếu, đến nỗi bệnh phong cùi nằm phục từ lâu, nay phát tác. Làm Giám mục chính tòa Saigon được 14 năm, tới ngày 5/3/1955, ngài xin từ chức và rút lui về trại phong Di Linh. Vào lúc 10g00 đêm ngày 30/10/1973, Đức cha lãnh nhận bí tích xức dầu lần cuối do cha sở họ Di Linh và rạng sáng hôm sau Đức cha đã được Chúa gọi về hồi 01g25.
Trên thế giới ngày nay, bệnh phong cùi không còn là bệnh nan y nữa, nhưng mặc cảm khinh chê ghê tởm đối với căn bệnh này vẫn không phải là đã chấm dứt. Người ta vẫn kinh sợ, vẫn còn cái nhìn ghẻ lạnh, thiếu thiện cảm với những con người mắc phải bệnh đó. Kể ra, để gột sạch được mặc cảm ấy cũng không phải là chuyện đơn giản, vì con số người tin vào Đức Giê-su Thiên Chúa vẫn còn là thiểu số trong cộng đồng nhân loại. Nhưng cái đáng sợ không phải là phong cùi thể xác, mà là phong hủi tinh thần. Phải chăng khi con người chẳng hề nghĩ đến những người anh em đang gặp cảnh khốn cùng vì bệnh hoạn, vì thiên tai, mà co cụm vào trong lâu đài ích kỷ, thì đã là người bị phong hủi tinh thần? Đáng ngại nhất là những người lòng chai dạ đá trước những người anh em đang quằn quại rên siết với không chỉ phong hủi mà là đủ thứ bệnh quái ác.
Bệnh tật là do định luật tự nhiên của con người (sinh – lão – bệnh – tử). Ai cũng có bệnh, không bệnh nặng thì bệnh nhẹ. Chẳng ai thoát khỏi cái vòng kim cô ấy. Bệnh tật là điều bình thường của kiếp sống con người. Không phải có tội là bị bệnh, có người bị bệnh nhưng không có tội (Ga 9, 2-3), nhưng cũng không hiếm trường hợp khoẻ như voi mà tội lỗi đầy mình. Tội lỗi cũng như bệnh tật, chẳng ai là không có tội. Ấy cũng bởi vì “Lầm lỗi là bản tình của con người” (“errare humanum est” – châm ngôn La ngữ), duy có điều là có biết nhìn lại mình để biết mình có tội và ăn năn hối cải hay không mà thôi. Nên nhớ khi con người phạm tội mà không tự biết, cứ tưởng mình là thánh sống, hiu hiu tự đắc, thì tội chồng lên tội. Vì thế, cũng như khi bị bệnh về thể xác phải tìm thày chạy thuốc thế nào, thì khi mắc bệnh tâm linh cũng phải biết tìm đến Thầy Thuốc chí thánh xin Người chữa trị cho.
Hiểu được như vậy, xin đừng lo sợ thái quá mà hãy NHÌN LẠI mình để biết mình tội lỗi, nhiên hậu NHÌN LÊN Đấng mà mình đã biết và đã tin: Đức Giê-su Ki-tô, cầu xin “Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào” đáy sâu tâm hồn của anh, chắc chắn “ngay lập tức chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch“. Anh vui mừng phấn khởi vì đã được sạch, ngoài việc tạ ơn Người đã cho anh khỏi bệnh, anh còn cần phải NHÌN RA xung quanh, để cảm thông, giúp đỡ và chia sẻ với những anh em bị bệnh, đặc biệt đối với những người mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo. Chỉ có như thế mới không phụ lòng Người Thầy Thuốc Chí Nhân Chí Lành – Đức Giê-su Chí Ái – đã chữa lành cho anh và cũng chính Người đã dạy anh, dạy tất cả chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em“ (Ga 15, 12). Môt cách cụ thể, hãy sống với châm ngôn: “Vui với người vui, khóc với người khóc“ (Rm 12, 14). Ước được như vậy.
Người Ki-tô hữu Việt Nam hãy cùng với Hàn Mặc Tử cầu nguyện cùng Đức Trinh Nữ Maria để “Nhờ Mẹ, đến với Chúa Giê-su – Ad Jesum per Mariam”, xin Người “chạnh lòng thương đụng tay vào” con người bất toàn của minh:
Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh!
Run như run thần tử thấy long nhan.
Run như run hơi thở chạm tơ vàng…
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.
Lạy Bà là Đấng trinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi.
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm luỵ vừa trải qua dưới thế.
Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ
Dòng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ
But tôi reo như châu ngọc đền vua
Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị
Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí
Và trong tay nắm một nạm hoà quang
Tôi no rồi ơn võ lộ hoà chan.
Tấu lạy Bà. Bà rất nhiều phép lạ
Ngọc như Ý vô tri còn biết cả
Huống chi tôi là Thánh thể kết tinh
Tôi ưa nhìn Bắc Đẩu rạng bình minh
Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới
Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi
Thơm dường bao cho miệng lưỡi không khen
Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Ga-bri-en
Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú
Người có nghe náo động cả muôn trời
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng – bằng hương hoa sáng láng
Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng
Một đêm xuân rất đỗi anh linh
Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp
Khói nghiêm trang sẽ dâng lên tràn ngập
Cả Hàn Giang, cả màu sắc thiên không
Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng
Cho sốt sắng, cho đê mê nguyện ước.
Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước
Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm
Thơ trong trắng như một khối băng tâm
Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu
Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương
Chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng
Lòng vua chúa cũng như lòng thê thứ
Sẽ ngất ngây bởi chưng thơ đầy ứ
Nguồn thiêng liêng yêu chuộng Mẹ Sầu Bi.”
(trich “AVE MARIA” – Hàn Mặc Tử)
Ôi! “Mẹ từ bi, ngày nay con đến nép thân dưới áo Mẹ lành che khuất bao u buồn nơi khóc than. Ðời con đang sống, giữa ba đào trăm nguy biến. Xin Mẹ dắt dìu con qua khỏi nơi nguy nan. ĐK: Ôi Maria, ôi Mẹ từ bi lân tuất. Không sợ ba thù con nép dưới áo Mẹ từ nhân. Mẹ coi con khỏi chước ba thù đang khuấy khuất. Ðưa về thiên đàng cùng Mẹ hưởng phúc thanh nhàn.” (TCCĐ “Mẹ Từ Bi”). Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.