Công Nhân Và Đời Sống Đạo

2

  • Anh đến trao Mình Thánh Chúa. À, mà em xưng tội lâu chưa?
  • Dạ thưa thầy, em làm công nhân bận rộn lắm nên đã lâu rồi chưa xưng tội rước lễ…
  • Thầy thông cảm – anh của em chen vào – giới công nhân tụi em đầu tắt mặt tối, ra đi khỏi nhà lúc mặt trời chưa lên, về nhà thì mặt trời đã lặn, thời gian đâu để đi lễ và xưng tội?
  • Ồ, bận thế cơ à, vậy một ngày của hai anh em diễn ra như thế nào, kể cho anh nghe đi?

Và hai anh em bắt đầu kể:

Hai anh em vốn quê ở Hương Khê, Hà Tĩnh. Nhà có 8 anh chị em. Bốn anh em ở chung căn phòng trọ 13m2, tiền thuê 1.8tr/ tháng. Lương lúc mới vào làm trong công ty là 3.2tr/ tháng, 8 tiếng/ ngày. Ở Sài Gòn thời nay, một thanh niên với mức lương 3.2tr/ tháng thì làm sao sống? Thế nên hầu như công nhân nào cũng tranh thủ tăng ca kiếm thêm thu nhập. Đa số tăng ca thêm 4 tiếng nữa, có người “ham làm” thì tăng ca 8 tiếng, tức là làm 16 tiếng/ ngày!! (tôi không hiểu làm sao họ có thể sống!), và làm luôn thứ bảy và Chủ Nhật. Đồng tiền cứ ám ảnh giới công nhân suốt, vì cuối tháng là bao nhiêu thứ phải chi tiêu: Gởi về quê cho vợ con, trả tiền nhà trọ, tiền điện nước, tiền ăn, đi đám cưới, cà-phê với bạn bè… Bởi vậy mà người nào còn sức khoẻ là đâm đầu vào làm hết sức có thể, mong rằng còn có chút gì đó để dành cho tuổi già, hay cho những sự cố không mong muốn như em đây (em mới bị tai nạn xe cộ, đứt gân tay, chỉ mới nhập viện hơn một tháng mà đã tốn hết gần trăm triệu đồng). Của thiên trả địa, làm nhiều như vậy mà đời sống cứ trong vòng luẩn quẩn, chẳng dư ra được đồng nào.

  • Làm quá sức như vậy rồi không sợ bệnh à?
  • Tụi em không thể lo nhiều như vậy thầy ạ. Tranh thủ lúc còn trẻ thì cố gắng làm thôi. Với lại, nhìn đứa con nhỏ, tụi em không muốn nó sau này cũng khổ như tụi em, thế nên cố gắng hy sinh vì con cái vậy…
  • Làm cả ngày chủ nhật như vậy thì giờ đâu đi lễ?
  • Dạ, Chủ Nhật em tranh thủ đi lễ sớm lúc 5 giờ sáng, nhưng thú thật với thầy, nhiều khi em không thể nhấc mình dậy được. Tối về đặt mình xuống là ngủ luôn. Em có nói chuyện với ông cha xứ của em ngoài quê rồi. Cha bảo rằng nếu tụi em đi làm mệt quá mà không thể đi lễ được thì ráng đọc một vài kinh rồi đi ngủ, chắc là Chúa không chấp tội đâu. Em thì nghĩ như vậy chắc là vẫn có tội, nhưng mà…tội nhẹ hơn!

Hai anh em vui vẻ và đơn sơ thật! Tôi chăm chú lắng nghe, hai anh em thi nhau tâm sự. Sau cùng, tôi chào hai anh em để đi sang những bệnh nhân khác, nhưng lòng vẫn không thôi suy nghĩ về xóm nhà trọ công nhân nghèo của hai anh em:

Thứ nhất, cái nghèo của người công nhân xa quê thật khốc liệt: Nghèo vật chất, nghèo tình cảm, nghèo thời gian, nghèo cả cơ hội thay đổi cuộc sống. Quanh đi quẩn lại cả ngày, người công nhân chỉ thấy mình bận rộn với công việc mà không thể dứt ra được, cho tới lúc bệnh hoặc bị sa thải. Anh nói: “Chắc đã lâu lắm rồi con chưa được thấy ánh sáng ban ngày thực ra sao, lúc nào cũng chỉ là ánh sáng nhân tạo của những chiếc đèn neon trong một cái xưởng rộng bao la…” Một đời sống của sự “tù đày” vô hình. Một cuộc sống “ít được sống”. Động lực chính giúp họ nỗ lực làm việc là hy vọng có thể kiếm được chút vốn nào đó để thay đổi cuộc đời, hay để gởi về quê giúp gia đình. Có điều, trong rất nhiều trường hợp, vì lao lực quá sức nên cuối cùng tiền dành dụm của họ rồi cũng bay đi mất trong các bệnh viện, trạm y tế… Tôi nghĩ chắc thánh Giuse là người có thể đồng cảm với họ nhiều nhất vì xưa kia ngài cũng đầu tắt mặt tối lo cho gia đình như vậy. Xin thánh Giuse cầu bầu cùng Chúa cho họ được bình an và hạnh phúc trong công việc thường hằng.

Thứ hai, tôi có chút suy nghĩ vẩn vơ về đời sống đạo của anh chị em công nhân. Anh đã nói với tôi: “Giới công nhân tụi em đầu tắt mặt tối, ra đi khỏi nhà lúc mặt trời chưa lên, về nhà thì mặt trời đã lặn, thời gian đâu để đi lễ và xưng tội?” Vâng, tôi vẫn nghĩ rằng việc tăng ca và làm thêm thứ bảy và Chủ Nhật để có thêm thu nhập là một nhu cầu chính đáng của anh chị em công nhân, vì cuộc sống thời nay khó khăn, lạm phát gia tăng, nhu cầu chi tiêu lại ngày càng nhiều… Tôi chỉ xin kể lại kinh nghiệm này của tôi: Tôi được biết một cố Linh Mục Dòng Tên,  ngài vẫn đi làm tông đồ hằng tuần ở tuổi 80 và ngài rất tha thiết trong việc kêu gọi các gia đình duy trì giờ kinh chung và cơm chung. Vào một buổi tối, khi ngài đang ngồi chờ người tới rước ngài tới địa điểm tông đồ, tôi đến bắt chuyện rồi giả vờ hỏi cắc cớ ngài: “Giới trẻ ngày nay bận rộn đi làm cả ngày, tối về phải cho họ đi chơi với bạn bè hoặc giải trí chứ cha? Cha bắt họ ở nhà ăn cơm chung, đọc kinh chung thì khó khăn cho họ quá?!” Ngài im lặng trong giây lát, rồi trả lời tôi, giọng đầy xác tín: “Nhưng nếu họ biết cái gì là quan trọng ở cuộc đời này, nếu họ có cái nhìn thấu suốt tới tận đời sau, họ phải biết ưu tiên chọn lựa cái gì!” Phần tôi, tôi hằng xác quyết rằng chọn lựa tức là phải có sự từ bỏ những cái ít tốt hơn để lấy cái tốt nhất, cái quan trọng nhất. Chọn lựa còn là thái độ của niềm tin! Tôi cầu chúc cho anh chị em công nhân sáng suốt để có được những chọn lựa tốt nhất.

Anthony Nghi, S.J.