Chia sẻ cảm nghiệm Mùng 2 và Mùng 3 Tết

MÙNG 2 TẾT: NHỚ ƠN TỔ TIÊN

 

 “ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,

  uống nước nhớ nguồn ”.

 

Biết ơn trời, nhớ nguồn gốc Tổ Tiên thật là một tục lệ đẹp và mang đầy nét nhân văn của lòng biết ơn được văn hóa Việt Nam trân trọng và được chính Chúa Ki-tô đánh giá cao (x. Lc 17, 11-19).

 

Trong ý nghĩa tri ân đất Trời Tổ Tiên, trong ba ngày Tết, mùng Một dành tết Trời – cầu bình an, mùng Hai Tết ông bà – nhớ đến Tổ Tiên đã qua đời, và Mùng Ba Tết thánh hóa công ăn việc làm …

 

Ngày đầu năm mới, mùng Một Tết mọi người cùng nhau vui vẻ chúc Tết nhau. Có những gia đình năm ngoái ông bà cha mẹ cùng với con cái cháu chắt vui Tết, nhưng năm nay đã có người ra đi vĩnh viễn. Niềm vui Tết được bộc lộ bên ngoài cùng với nỗi niềm thổn thức trong lòng vì cha mẹ, người thân đã không còn vui Tết với con cháu, với anh chị em của mình.

 

Mùng Hai Tết – tuy không khí ngày Tết vẫn rộn ràng vui tươi của ngày Xuân, những người công giáo Việt Nam đến nhà thờ và viếng nghĩa trang với tâm trạng bồi hồi xúc động, vì hôm nay kính nhớ Tổ Tiên, những người con dâng Thánh Lễ với tấm lòng hiếu thảo cầu nguyện cho Gia Tiên và hồi tưởng về Tổ Tiên, ông bà cha mẹ và những người thân đã qua đời.

 

Cây có gốc mi nở nghành sanh ngọn.
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu,
Người ta có gốc từ đâu?
Có cha có mẹ rồi sau có mình.

 

 Những ánh nến lung linh trong ngày mùng 2 tết, soi hồi ức của người con về những kỷ niệm đẹp với ông bà cha mẹ và người thân khi còn sống bên cạnh, những nén hương thơm tựa như lời cầu nguyện chân thành dành cho người đã khuất bay tới Trời cao như Thánh Vịnh có nói : “ Ước chi lời con nguyện, tựa hương trầm bay tỏa trước Thánh Nhan ”, những bông hoa muôn sắc dâng tiến như tâm tình biết ơn đẹp mãi không phai, và luôn thắm như hoa Xuân.

Nhớ về Tổ Tiên, chúng ta làm sống lại tâm tình của sách Huấn ca về sự nghiệp của Tổ Tiên luôn sống động mãi : “ Miêu duệ họ sẽ tồn tại đến muôn đời, và vinh quang của họ không bao giờ bị lu mờ. Thân xác họ được chôn cất bình an, tên tuổi họ sẽ sống đời này qua đời nọ. Sự khôn ngoan của họ cộng đoàn truyền tụng, và công hội thuật lại lời ngợi khen họ ” (Hc  44, 12-15)

 

Thảo hiếu với cha mẹ còn sống và kính nhớ ông bà Tổ Tiên đã khuất bằng lời cầu nguyện trong ngày mùng Hai Tết, chúng ta sống tâm tình của Thánh Phao-lô về chữ hiếu trong gia đình luôn làm phần phúc cho người con thảo mà Thánh Phao-lô đã viết khuyên nhủ cho cộng đoàn tín hữu Êphêsô : “ Hãy thảo kính cha mẹ ngươi, đó là giới răn thứ nhất kèm theo lời hứa để ngươi được phần phúc và sống lâu dài trên địa cầu ” (Ep 6, 1-2). Phần phúc được Thiên Chúa chúc phúc như Huấn ca nói : ” Người kính mẹ khác nào kẻ tích trữ kho tàng … Kẻ kính cha sẽ được trường thọ ” (Hc 3,4.6).

 

Hôm nay cầu nguyện cho Tổ Tiên đã qua đời, chúng ta càng thêm xác tín : “ Tôi tin xác loài người ngày sau sẽ sống lại ”, tin vào lời Thầy Giê-su đã phán dạy : “ Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta sẽ không chết bao giờ, cả những ai tin vào Người Con thì được sống muôn đời ” (Ga 11, 25-26). Được sống muôn đời là sống trong mùa Xuân vĩnh cửu. Niềm tin đó không hề phai mà chúng ta hằng tuyên xưng, nhắc nhở chúng ra sống sao cho trọn với kiếp người được cứu độ để được sống lại như Đấng đã Phục sinh. Chính vì lẽ đó, chúng ta mang tâm tình của Bossuet : “ Chúng ta hãy bắt đầu kể từ cuộc sống này những gì mà chúng ta làm trong sự vĩnh cửu. Hãy bắt đầu cởi bỏ những ham muốn bất xứng và sống theo phần thánh thiêng bất diệt thuộc về Thiên Chúa đang hiện diện trong chúng ta ”. Cho nên, mừng Xuân – vui Tết của chúng ta chỉ là niềm vui tạm thời và hữu hạn, là hình bóng của niềm vui vĩnh cửu trên thiên quốc mà tổ tiên, ông bà cha mẹ và những người thân đã đến trước đang hưởng thật. Đó là niềm vui đích thực, bất tận và hạnh phúc viên mãn, đó thật sự là mùa Xuân vĩnh cửu với Chúa Xuân Giê-su. Nơi  muôn đời đó, thánh Phao-lô đã tuyên tín hiện hữu, dù rằng Ngài chưa nhìn thấy : “ Điều mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người là điều mà mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ được ” (1 Cr 2, 9).

 

Cầu nguyện cho Tổ Tiên là hành động của niềm tin vào Đấng Phục Sinh – Chúa Xuân vĩnh cửu sẽ ban cho chúng ta hạnh phúc thật trường tồn. Thật thế, bằng lời cầu nguyện và hy sinh của anh chị em đang sống, các linh hồn tồ tiên được gia nhập vào hàng ngũ Giáo Hội chiến thắng và bầu cử lại cho anh chị em đang ở Giáo Hội chiến đấu như thánh Công Đồng tuyên tín : “Khi được về quê Trời và hiện diện trước nhan Chúa, nhờ Người, với Người và trong Người, các thánh lại không ngừng cầu bầu cho chúng ta bên Chúa Cha…”.

 

Kính nhớ ông bà tổ tiên còn là “ đạo làm người ” trong tư cách con người, đạo biểu hiện lòng biết ơn các đấng sinh thành dưỡng dục :

“ Công cha như núi Thái Sơn;

nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”

 

Vâng, ngày Xuân nhớ đến Gia Tiên, chúng ta với cây nến, nén hương trong tay chúng ta tin rằng : Mùng xuân hôm nay nói về mùa xuân Thiên Quốc : tất cả đều trổ bông với một sức sống mới:  Con người cũng sẽ Phục sinh, nở hoa khi theo bước chân của Đức Kitô, như thánh Phaolô đã tuyên xưng: ” … chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Ðức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Ðức Giêsu.” (1Th 4, 14).

 

Tất cả sẽ cùng Đức Kitô đi vào trong Giáo Hội Chiến thắng – Mùa Xuân Cứu Độ.

 

Mồng Ba Tết – Cầu Cho Công Ăn Việc Làm

Mt 25,14-30

 

 

      Tục ngữ Việt Nam có câu: “Tay làm hàm nhai”.

Tay lao động mới có của ăn, như ca dao nhấn mạnh:

 

“Có làm thì mới có ăn
Không dưng ai dễ mang phần tới cho”.

 

Chúng ta có tồn tại được là do sự lao động cần cù, lao động trong tương quan với cuộc sống gắn chặt sâu sắc như tư tưởng sau đây: “Lao động là đổ thêm dầu vào cây đèn cuộc sống, còn tư tưởng thắp sáng nó lên” (G. Benlerse).                          

                         

Dân gian Việt Nam trải qua ngàn năm lịch sử luôn khắc ghi câu chuyện cổ tích Thần Trụ Trời làm ra trời đất: Thần Trụ vươn vai đứng dậy, ngẩng đầu đội trời lên. Thần đào đất, khuân đá, đắp thành một cái cột vừa to, vừa cao để chống trời. Cột đắp lên cao chừng nào thì trời như tấm màn mênh mông được nâng dần lên chừng ấy. Thần một mình hì hục đào, đắp, cột đá cứ cao dần, cao dần và đẩy vòm trời lên tận mây xanh… Sau khi thần Trụ Trời chia ra trời đất thì có những thần khác nối tiếp công việc xây dựng nên cõi thế gian này. Các vị thần đó rất nhiều, như thần Sao, thần Sông, thần Núi, thần Biển…Vì vậy, dân gian có câu hát còn truyền đến ngày nay: “Ông đếm cát, Ông tát bể (biển), Ông kể sao, Ông đào sông, Ông trồng cây, Ông xây rú (núi), Ông trụ trời…”.

 

Như vậy, ngay từ ngàn xưa người dân Việt Nam đã nhìn thấy cái gốc của vũ trụ vạn vật được xuất phát từ lao động.

 

Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa lao động sáu ngày trong sáng tạo vũ trụ vạn vật, khi Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Người, Thiên Chúa đã muốn tháp nhập lao động vào trong chương trình của Ngài sau khi thiết định vũ trụ: “Thiên Chúa đã đặt họ trong vườn Êđen để họ canh tác và giữ vườn” (St 2,15). Con người làm việc hoà hợp với ý muốn của Thiên Chúa, đồng thời phản ánh hành động của Tạo Hoá: Đặt lao động vào tay con người với quyền chiếm hữu và cai trị trái đất (x. St 1,28). Thiên Chúa nói với con người “Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có ăn” (St 3,19). Kinh thánh nghiêm khắc với người ở không nhàn rỗi, nguyên nhân chỉ vì người lười biếng không có gì ăn (x. Cn 13,4) và có nguy cơ chết đói (x. Cn 21,25), Kinh Thánh chế nhạo kẻ lười biếng: “Kẻ lười biếng lăn trở trên giường khác nào cánh cửa xoay trên bản lề” (Cn 26,14). Thánh Phaolô nói trực diện sự sai lầm của những người lười biếng lao động: “Ai không làm việc thì đừng ăn” (2 Tx 3,10).

 

Lao động là công việc thánh thiêng, qua lao động con người được kêu gọi cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa (x. St 1,26). Nhờ lao động chúng ta góp phần cứu rỗi chính mình và thế giới (x. Lc 19,13). Ngôi Lời nhập thể không loại trừ lao động ra khỏi cuộc sống “nhập thể” của Người, Ngài lao công trong gia đình thợ mộc tại Nadarét. Đồng hương của Người đã không lầm lẫn khi gọi Người là “con bác thợ” (Mt 13,55), “ông thợ mộc” (Mc 6,3). Người đã sống cái “nghiệp” ấy trong 30 năm trời tại Nadarét. Lao động là cách hằng ngày diễn tả tình yêu trong cuộc sống của gia đình Nadarét. Nghề thợ mộc của Chúa Giêsu học từ cha nuôi Giuse trong những năm tháng ở nhà Nadarét. Tin Mừng nói rõ loại công việc mà thánh Giuse làm để nuôi sống gia đình mình: Người là một thợ mộc.

 

 Sau này khi rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu dạy cho con người chăm chỉ làm việc, Ngài noi gương Chúa Cha: “Cha Ta làm việc liên lỉ Ta cũng vậy”(Ga 5,17). Trong các dụ ngôn về Nước Trời, Đức Giêsu luôn nói về lao động: Dụ ngôn người Mục tử (x. Ga 10,1-16); người nông dân (x. Mc 12,1-12), người gieo giống (x. Mc 4,1-9)… Thánh Phaolô làm nghề may lều và Ngài tự hào về nghề này, vừa có thể làm tông đồ, vừa có thể phục vụ cho vấn đề mưu sinh: “Ngày đêm chúng tôi làm việc vất vả lam lũ, để không phải phiền toái đến ai trong anh em”(2 Tx 3,8).

 

Chúng ta – những người lao động, vất vả với cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Lao động thì được Chúa chúc lành và ban ơn nếu con người biết hướng lao động theo ý Chúa như lời Thánh Vịnh:

 

“Bốn mùa Chúa đổ hồng ân.

Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi”

                                                  (Tv 65,12).

 

Trong tâm tình của Mùng Ba Tết – ngày thánh hoá công ăn việc làm, cùng với dân tộc Việt Nam, chúng ta hãy dâng lên Chúa tất cả công việc sẽ làm trong năm mới này, cùng với những lao nhọc cực khổ mà chúng ta đang mang trách nhiệm gánh vác:

 

“Bao lâu đất này còn, thì mùa gieo mùa gặt,

trời lạnh và trời nóng, tiết hạ và tiết đông,

   ban ngày và ban đêm, sẽ không ngừng đắp đổi”

                                                         (St 8,22).

 

                                                                             Lm. Vinh Sơn SCJ, Sài gòn…