Cầu nguyện

Tâm hồn giải phóng khi cầu nguyện

 Có thể nói cầu nguyện là hoạt động xuyên suốt, và là tâm điểm trong đời sống của người Ki-tô vì qua cầu nguyện chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa và kín múc nguồn mạch sự sống thần linh từ ngài. Đôi khi chúng ta vẫn thường nghe, “Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn!” – quả thật cầu nguyện là điều vô cùng quan trọng, và nó mang tính chất sống còn đối với người Ki-tô!

 

Tuy nhiên không phải ai cũng thực sự biết cách cầu nguyện cho đúng đắn, vì theo như thánh Inhaxio Loyola [I-nhã] nhận định, “Trong một trăm người thường xuyên cầu nguyện, thì có chín mươi người theo ảo tưởng?”

 

Bạn có ngạc nhiên không, bây giờ bạn có thể nói, “Ồ như vậy theo thánh I-nhã thì cũng rất có thể tôi cũng nằm trong số những người cầu nguyện theo ảo tưởng đó sao? Vì con số này quá đông mà!” – Tôi có thể thú thật với bạn rằng: Vâng, cũng có thể bạn đang ảo tưởng trong đời sống cầu nguyện!

 

Trích dẫn Sách Thánh Vịnh (119: 105) “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,là ánh sáng chỉ đường con đi.” – Như vậy, khi chúng ta không bước đi theo ánh sáng lời Chúa thì sự tối tăm sẽ bao phủ trên chúng ta và Chúa Jesus cũng đã từng cảnh báo trước tình trạng này, “Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!” (Mát-thêu 6:23) – Như vậy khi chúng ta không cầu nguyện đúng theo tinh thần Chúa dạy thì chúng ta sẽ cầu nguyện trong sự tối tăm mù mịt, cầu nguyện trong sự nô lệ của bóng tối và đây là tình trạng linh hồn bị giam cầm và sẽ là một gánh nặng khiến chúng ta không thực sự vui vẻ, bình an trong đời sống cầu nguyện và khiến chúng ta không được thanh thoát khi cầu nguyện. Vì như trong sách  I Thessalonica (5:16-17) “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng” – Cầu nguyện đích thực theo Chúa dạy không phải là gánh nặng mà là sự vui mừng hoan hỉ.

 

Vậy chúng ta phải cầu nguyện thế nào để đạt được niềm vui trọn vẹn và làm sao để chúng ta ưa thích khi cầu nguyện? Trước hết chúng ta cần phải XÁC ĐỊNH LẠI cầu nguyện là gì? – Thánh Teresa  Hài Đồng Giê-su phát biểu, “Với tôi, cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa là cái nhìn đơn sơ hướng về trời, là tiếng kêu tri ân với Thiên Chúa khi gian truân cũng như lúc vui mừng.”

 

Chúng ta cần phải nhìn nhận cách đúng đắn về mục đích trong đời sống cầu nguyện và mục đích ấy chính là để giúp tâm linh ta lớn lên trong Chúa và là sự thông công liên lạc với Thiên Chúa trong mọi việc để thánh ý Chúa thể hiện nơi ta hay giúp ta chu toàn bổn phận với Thiên Chúa.

 

Có thể nói cách cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa nhất chính là cách cầu nguyện theo như sự dạy dỗ của Chúa trong Kinh Thánh. Vậy trong Kinh Thánh Chúa dạy chúng ta cầu nguyện thế nào?

 

Trích dẫn lời Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện trong Kinh Thánh:

 

 “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.” (Mát-thêu 6: 7-8)

 

Như vậy Chúa Giê-su dạy rất rõ rằng khi cầu nguyện chúng ta đừng “lải nhải” hay “nói nhiều” như dân ngoại… Có một thực tế mà chúng ta không thể phủ nhận rằng có những người cứ hay khoe khoang này nọ khi cầu nguyện rằng ngày hôm nay tôi đọc được mấy trăm câu kinh hay dành mấy tiếng đọc kinh rồi tự nhận mình đạo đức, tốt lành hơn kẻ khác. Ô hay, cầu nguyện là thưa chuyện với Thiên Chúa chẳng lẽ tôi lại phải đếm xem mình đã nói với Chúa được bao nhiêu câu hay là tính xem thời gian tôi nói chuyện là bao lâu sao?

 

Chúng ta phải thừa nhận rằng Thiên Chúa là Đấng Khôn Ngoan chứ không phải là kẻ khờ dại ngốc nghếch. Cầu nguyện là thưa chuyện với Chúa và bây giờ chúng ta thử đặt mình trong địa vị của Chúa để khi người khác thưa chuyện với chúng ta, chúng ta cảm thấy thế nào? – Thật sự khi một người nào đó nói chuyện với chúng ta cách máy móc chẳng hạn như cứ cầm tờ giấy ghi chép đọc đi đọc lại cho ta nghe một câu nào đó, rõ ràng chúng ta cũng thấy nản, phiền não, bực bội huống chi là Thiên Chúa.

 

Vậy cầu nguyện là gì?

 

Như trên đã trình bày, cầu nguyện là hình thức liên lạc, thông công với Thiên Chúa. Không nhất thiết cứ phải mở miệng ra là “Lạy Chúa! Lạy Chúa” mới là cầu nguyện, thực sự không nhất thiết phải vậy! Có nhiều cách cầu nguyện, sau đây là một số gợi ý:

 

– Nghĩ về Chúa cũng là cầu nguyện.

 

– Nghĩ về những điều tốt lành dự định làm cho tha nhân cũng là cầu nguyện

 

– Nói một câu “Cảm ơn” cũng là cầu nguyện.

 

– Nở một nụ cười cho tha nhân cũng là cầu nguyện

 

– Đi làm bác ái cũng là cầu nguyện

 

– Suy nghĩ về một điều gì hay tốt đẹp cũng là cầu nguyện

….

 Có thể nói cầu nguyện là những suy nghĩ, ước muốn, lời nói, việc làm bao gồm tất cả những gì tốt lành, thiện hảo chúng ta dành cho dành cho Chúa hay dành cho tha nhân và nhân danh Chúa.

 

Có thể nói lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa nhất là lời cầu nguyện mà do chính Chúa dạy dỗ chúng ta, đó là những lời đơn sơ, giản dị, tự nhiên xuất phát từ con tim của chúng ta ở đó chúng ta thưa chuyện với Chúa cách gần gũi trong tâm tình của người con thảo với Cha hiền như lời Chúa Giê-su dạy trong Kinh Thánh:
 

9 “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:
“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,

10 triều đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

11 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;

12 xin tha tội cho chúng con
như chúng con cũng tha
cho những người có lỗi với chúng con;

13 xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.”

 (Mát-thêu 6: 9-13)

(Vũ Thắng)