Một đêm tối trời, cảnh vật đã chìm trong yên tĩnh, trên trời lác đác mấy ngôi sao. Tiết trời cuối đông càng về khuya càng lạnh. Nửa đêm thế này, ít ai còn muốn ra đường trừ khi vì lý do hệ trọng. Hai hàng cây bên đường cũng im lìm chìm trong tĩnh lặng cùng vũ trụ mênh mông. Những cành liễu rủ xuống khẽ đu đưa khi có làn gió nhẹ đi qua cũng không làm cho cảnh đêm chộn rộn thêm chút nào.
Sương đêm rơi xuống đậu lại trên tán lá, khoác cho cây cối một chiếc áo màu xanh bóng nước, mỗi khi có ánh đèn đêm lướt qua, lại ánh lên màu xám bạc. Chỉ có tiếng dế, tiếng côn trùng kêu ri ri…, tiếng lao xao của lá cây va vào nhau mỗi khi tà áo mỏng của chị gió lướt qua.
Trong cảnh thanh bình, tĩnh lặng ấy, bỗng có tiếng thút thít, xụt xịt, dường như xa mà cũng như rất gần. Khiến cây cối giật mình, choàng tỉnh vì tiếng ho khẽ, tiếng khóc rất nhỏ, mà chủ nhân như cố nén không muốn ai nghe thấy. Mọi cây ngơ ngác nhìn nhau, những cây liễu ngẩng lên tìm, những bác bạch đàn chiếu ánh mắt sáng, xuyên thủng bóng đêm, xà cừ từ trên cao giỏng tai, cố nghe xem tiếng thút thít phát ra từ hướng nào.
Thì ra chủ nhân của tiếng khóc ấy là của một cô Bằng Lăng. Đó là một cây hoa nhỏ người ta mới đem trồng bên đường ít ngày trước. Bên cạnh đó, có cây Bàng rất to, vì tán Bàng xòe rộng che kín một góc đường lớn, vượt cao hơn mọi cây khác lên mãi mọi người mới nhận thấy bé Bằng Lăng đang run rẩy đứng nép gần cây cổ thụ.
Đứng gần hơn cả, cây Bàng cúi xuống, đưa những tán lá dưới thấp đu đưa, như vỗ về Bằng Lăng. Với sự quan tâm, thương cảm, Bàng gợi chuyện.
– Bằng Lăng, sao cháu lại khóc?
Càng thêm thổn thức, tiếng khóc bật ra hu hu… chứ không chỉ thút thít như lúc đầu, khiến bác Bàng càng lo lắng. Cúi gần hơn nữa, bác Bàng hỏi dồn.
– Cháu lạnh hả? Hay cháu đau ở đâu?
– Cháu không đau, cũng không lạnh, nhưng…cháu sợ!, Bằng Lăng khẽ lắc lắc mái lá trả lời.
– Cháu sợ gì?
– Cháu sợ… sợ như chị Phượng bên kia đường mới sáng nay bị người ta đè lên gẫy đôi thân mình, giờ chỉ còn như một cái cọc kia kìa. Mà chị ấy được trồng ở đây cùng ngày với cháu.
– À thì ra vậy, – Bác Bàng hiểu cơ sự. Với vẻ am hiểu, bác an ủi- Cô bé đừng lo. Bác ở đây đã lâu lắm rồi, từ khi con đường này chỉ là đất đá lổn nhổn. Lúc đó bác cũng bé tí như cháu bây giờ. Nói tới đây, Bàng ngước mắt lá nhìn lên trời cao, giờ đã chi chít những vì sao đang nhấp nháy nhìn xuống trái đất. Bàng khẽ thở dài, lòng đầy tâm sự, rồi phóng cái nhìn vào mênh mông đêm tối như đang lần nhớ về dĩ vãng.
Không nén nổi tò mò, Bằng Lăng hỏi với lên.
– Bác đang nghĩ gì thế?
– Bác đang nhớ lại. Có rất nhiều chuyện vui, buồn. Có biết bao con người, bao sự kiện. Có những ngày thanh bình, lại cả những bão gió đã xảy ra trong đời, từ từ lớn lên cháu sẽ biết thôi cô bé.
– Bác đã thấy vụ tai nạn nào ghê ghớm như sáng nay bao giờ chưa?
– Ồ, chưa nhằm nhò gì đâu. Còn nhiều chuyện đáng sợ hơn thế gấp trăm lần nữa kìa. Sáng nay chỉ là một va đụng nhỏ, mà do mải đùa giỡn các cậu bé xô nhau ngã, không may đè lên khiến cây Phượng bị gãy ngọn do thân còn non bé quá. Nhưng cháu đừng sợ! Phượng không chết được đâu. Chỉ mấy hôm nữa mùa xuân đến, những mầm lá non sẽ chồi lên từ vết thương cũ, rồi một cuộc sống mới hồi sinh lại mạnh mẽ hơn trước cho mà xem. Bác Bàng như phân trần để trấn an Bằng Lăng đoạn nói tiếp.
– Cháu có nhìn thấy thân bác không? Đã hơn trăm tuổi đời, biết bao vết tích do chiến tranh bom đạn, những cơn bão hung tợn quật gẫy ngọn. Những tài xế uống rượu không làm chủ được tốc độ lao thẳng vào khiến rách hết lớp áo xù xì. Lại cả những cô cậu choai choai nghịch ngợm lấy dao gọt vỏ khắc tên lên mình của bác đó.
Khẽ rùng mình, Bằng Lăng thốt lên.
-Eo ơi! Thế thì đau lắm.
– Phải, đau lắm đó cháu, vẻ hồn hậu, Bàng ôn tồn giải thích. Có lúc bác cũng tưởng mình chết không sống nổi. Van xin, nhưng con người không hiểu tiếng nói của loài cây chúng ta, họ nghĩ chúng ta là loài vô tri, vô giác, nên muốn xử với chúng ta thế nào cũng được. Ngày xưa bé như cháu bác cũng đã khóc, cũng run rẩy mỗi khi tối trời, cũng sợ những người đi qua thuận tay bẻ tạch một cái là mình tiêu đời. Như muốn tiếp thêm sự lạc quan cho bé Bằng Lăng, bác Bàng giãi bày.
– Nhưng giờ mới thấy, nếu không trải qua những ngày tháng lo sợ ấy, thì giờ đâu có nhiều chuyện để kể cho cháu. Thành một cây đại thụ như thế này, được thấy nhiều, biết nhiều mới hiểu ý nghĩa cuộc sống. Ban ngày nhìn con người tất bật, mỗi người với nghĩa vụ riêng, ai ai cũng hối hả chạy qua bác thật nhanh. Không phải họ vô tình, chỉ dừng lại tìm sự che chở của bác lúc cơn mưa bất thần ập đến, hay muốn có chút bóng râm giữa trưa hè nồng nực. Nhưng vì, ở nhà có những đứa con thơ đang mong bố mẹ về. Có những bố mẹ già đang đứng ngóng trông con… đó cháu.
– Ôi, bác biết nhiều thế!
– Còn nhiều điều bác muốn kể cho cháu nghe. Nhưng thôi, khuya lắm rồi, cháu ngủ đi kẻo mệt để hôm khác Bác sẽ kể nữa cho. Ngày mới đến, cháu sẽ được thấy nhiều chuyện lắm đấy. Bác cũng ngủ đây.
– Vâng, chúc bác ngủ ngon.
Không nói gì thêm, Bằng Lăng thán phục sự am tường của Bác Bàng và nghĩ rằng giá con người hiểu được tiếng nói của loài cây thì có lẽ họ sẽ được bác kể cho biết bao chuyện xưa nay ít ai còn nhớ về bao biến cố đã qua lúc họ chưa sinh ra. Hết thán phục, Bằng Lăng lại ngưỡng mộ dáng vẻ của cao lớn sừng sững, vượt hẳn lên để che mưa nắng cho mọi người.
Nghĩ đến đây cơn buồn ngủ đã chụp tấm khăn mơ màng lên mắt Bằng Lăng, cố hé mắt nhìn sang cây Phượng bị gãy. Lời bác Bàng nói như còn vọng bên tai: “Rồi cháu sẽ thấy, những mầm lá non sẽ chồi lên từ vết thương cũ. Rồi một cuộc sống mới hồi sinh sẽ mạnh mẽ hơn trước cho mà xem”.
Nt. Xuân Ân, Đaminh Bùi Chu