Cầu cho người qua đời

Hỏi (chi tiết):

Thưa cha! Hôm nay là lễ giỗ lần thứ 15 của bố con. Con kêu gọi anh em bà con xin lễ và tham dự Thánh lễ để cầu nguyện cho linh hồn của bố. Đứa em trai thứ 3 của con cắc cớ nói một câu: “Bố lên Thiên đàng rồi. Không cần xin lễ nữa. 15 năm nay đọc kinh quá chừng, xin lễ quá chừng, chẳng lẽ còn dưới luyện ngục à?” Con chẳng biết trả lời thế nào, chỉ biết nói: “Ai biết được, lỡ may bố còn dưới luyện ngục thì sao?” Sau đó thì cả gia đình cũng đi dự lễ cầu nguyện cho bố. Xin cha cho biết thêm ý kiến về vấn đề này

(Văn Chương, Q.8)

cauchonguoimoiquadoiĐáp:

LM. Giuse Nguyễn Ngọc Bích, DCCT, trả lời:

Bạn Văn Chương thân mến,

Khi xin lễ và cầu nguyện cho người thân đã qua đời chúng ta phó trao linh hồn người quá cố cho lòng từ nhân và thương xót của Thiên Chúa. Việc xin lễ và đọc kinh với số lần hay với số lượng thời gian không phải là một chuẩn mức để cân đo hay tính toán để rồi có thể coi là đủ đòi Thiên Chúa phải thực hiện mong muốn của chúng ta. Làm sao chúng ta có thể hiểu được mức độ mà một linh hồn cần được thanh luyện cho cân xứng trước khi vào hưởng vinh quang Thiên quốc?

Trừ phi một người được Giáo Hội phong thánh thì chúng ta mới tin chắc người ấy được Thiên Chúa ban thưởng trên trời, còn tất cả mọi người đã qua đời đều cần đến lời cầu nguyện của chúng ta. Việc cầu nguyện cho người thân không những chỉ là cầu xin cho họ mau được hưởng nhan thánh Chúa mà còn bày tỏ lòng hiếu kính của con cháu đối với các bậc sinh thành, lòng biết ơn với những người đã thương yêu chúng ta, lòng bác ái thiêng liêng với những người đã ra đi trước chúng ta. Vì thế, chúng ta không thể tự tiện cho rằng việc cầu nguyện của chúng ta như thế là đủ và tự ý tuyên bố một linh hồn được lên Thiên đàng rồi không cần đến lời cầu nguyện của chúng ta nữa. Việc cầu nguyện là của chúng ta còn áp dụng việc lành chúng ta làm cho các linh hồn là việc của Chúa. Chúng ta hãy để cho Chúa hành động theo lượng nhân từ và thương xót của Ngài chứ không thể tự ý đưa ra một khẳng định ngoài tầm nhận thức của mình.