Cảm nghiệm về “cái tôi”

 

camnghiemvecaitoiTựu trung, dù là cái tôi dư luận, cái tôi ngụy biện, cái tôi tĩnh hay cái tôi động cũng đều là mọi chiều sáng tối của con người tôi mà tôi cần khám phá.
Đang khi trải lòng mình ra trước mặt Chúa, tôi được thấy con người thật của mình dưới tên gọi “cái tôi”. Nó ẩn hiện dưới những hình thức: cái tôi dư luận, cái tôi ngụy biện, cái tôi tĩnh, cái tôi động.
Cái tôi dư luận
Trước hết, cái tôi này xây dựng, vun vén theo dư luận. Một mặt tôi sợ dư luận. Sợ đến mức không dám làm gì hoặc có làm thì cũng rào trước đoán sau. Mặt khác, tôi làm là vì dư luận. Vì đến mức mọi suy nghĩ, mọi hành động và mọi dự phóng đều theo dư luận. Cho nên vì dư luận mà tôi làm như thế này như thế kia. Dư luận trở thành cố vấn tối cao của tôi. Con người của tôi, mọi sự đều là dư luận.
Kết quả thứ nhất, tôi trở thành một kẻ khép kín. Tôi co cụm lại nơi chính mình theo kiểu “tự quy”. Không dám dấn thân, không dám làm gì. Tôi chấp nhận mọi sự theo kiểu ù lì, không cầu tiến. Những gì có sẵn thì tôi theo. Những gì chưa có, tôi không dám hoạch định. Nơi con người tôi chỉ là những thứ cũ. Bởi sự khép kín khiến tôi chạy trốn cái mới. Tôi trở thành một kẻ nhu nhược, lời biếng. Đây là một trong những kết quả làm cho cái tôi đích thực ra hủ bại.
Kết quả thứ hai, tôi trở thành kẻ gồng mình lên như những “chú nhím”. Tôi gồng mình lên với chính mình. Tôi sợ chính mình. Tôi làm theo dư luận triệt để bất phân tốt xấu, nên dư luận trở thành “mô thể” của tôi. “Mô thể” này quy định làm cho tôi trở thành “một kẻ khác” hoàn toàn. Tôi sợ chính mình cũng là đúng, vì tôi không còn biết mình là ai. Tôi đã đánh mất chính mình.
Kết quả thứ ba, tôi trở thành kẻ “phóng túng”. Tôi cho phép mọi luồng gió dư luận đi vào con người tôi. Tôi trở thành đứa con nít, dễ bảo trước mọi dư luận, bất phân thị phi, tốt xấu…Tôi trở thành kẻ ăn chơi phóng đãng, tiếp nhận mọi sự bất phân thị phi. Dư luận vốn là bao đồng và đầy thị phi. Tôi đón nhận tất cả, không có chọn lựa. Tôi trở thành đầy tớ, nô lệ của ông chủ dư luận, đến mức có thể nói: tôi là “kẻ dư luận”. Cái tôi dư luận làm cho tôi không còn là mình nữa. Tôi đã là “người ta” mất rồi! Cái tôi đích thực của tôi với lý trí, ý chí, tự do đã bị cái tôi dư luận cuốn trôi đi. Tôi có lý trí để suy xét cẩn trọng. Tôi có ý chí để muốn làm hoặc không làm. Tôi có tự do để chọn hoặc không. Tại sao tôi không dùng hết năng lực Chúa ban để sống ân huệ làm người với “cái tôi” đích thực? Tôi có thắng được dư luận hay không? Tôi có tự do để sống như chính tôi “là” hay không? Tất cả đều lệ thuộc vào những yếu tố làm nên hành vi nhân linh của một con người: ý chí, lý trí và tự do.
Cái tôi ngụy biện
Cái tôi ngụy biện là cái tôi đáng sợ nhất. Tất cả những gì đang che đẩy con người thật này đều diễn ra một cách khéo léo gọi là ngụy biện. Tội lỗi, đam mê và tất cả những gì xấu xa đang cư ngụ nơi tôi sẽ trở thành cái tôi ngụy biện khi tôi ưng thuận, cưu mang chúng. Tất cả những gì đang ngăn cản tôi đến với Chúa và tôi ưng thích trong chúng như đứa bé thích ngồi bệt trong đám bùn bầy nhầy của cuộc đời. Khi tôi chọn và sống như vậy thì tất cả những gì là bóng tối đều trở thành cái cố hữu ngụy biện nơi con người tôi.
Đam mê xấu là tình trạng liên tục và mạnh của những thói xấu làm cho tôi ra hủ bại. Như một kẻ bị nghiện ngập xì ke, rượu chè, thuốc lá…càng lâu ngày càng khó chữa, càng bào mòn toàn bộ con người. Bước đầu chỉ là sự tò mò, dùng chút ít, dần dần quen, thích thú và bị nô lệ hạng nặng. Đam mê cũng thế! Khởi đi từ chút ít, dần thành thói quen và nô lệ hóa con người. Cơn đam mê như nước lũ vùi dập những linh hồn không tỉnh thức và cầu nguyện. Nó làm cho linh hồn ra mù quáng. Từ sự mù quáng này, linh hồn phạm tội.
Tội lỗi là sự trá hình, ngụy biện nhất của cái tôi. Bởi tội là thiếu cái phải có nơi bản tính của con người. Thế nên, khi phạm tội, tôi không còn là mình, không còn là cái tôi nguyên tuyền Chúa dựng nên ban đầu. Nó được ngụy trang che đẩy bởi những gì không phải là bản tính người. Bởi nó đã cắt đứt với nguồn phát sinh ra bản tính hoàn bị đúng nghĩa của tôi là chính Thiên Chúa. Cái tôi ngụy biện là cái tôi dị tật. Tùy mức độ sự xấu xa mà nó che đẩy sẽ làm cho mức độ sự dị tật ít hay nhiều.
Cái tôi tĩnh
Có một cái tôi ít được người ta nhắc tới là cái tôi tĩnh. Nó không hẳn là xấu cũng không hẳn là tốt. Đơn giản nó là tôi, cái tôi thụ động, cái tôi đang “ngủ”. Nếu có ai hỏi tôi rằng “anh là ai?” Tôi sẽ trả lời “tôi là tôi là”. Cũng như chính Chúa đã trả lời cho ông Môsê ngày xưa trong hành trình sa mạc của dân Chúa về chính Người rằng: “Ta là Ta là”. Nhưng câu trả lời của tôi khác với câu trả lời của Chúa về nội dung thực tại. “Cái tôi là” của tôi mang tiềm thể và chỉ chiếm một chút hiện hữu. Nó hạn hẹp bởi yếu tính người và không hề đồng hóa với hiện hữu. Trong khi đó, “Ta là Ta là” của Chúa không có tiềm thể mà chỉ có hiện thể thuần túy và chiếm hiện hữu tuyệt đối. “Cái Ta” của Chúa thì đồng nhất yếu tính với hiện hữu. Cho nên, “cái Ta” của Thiên Chúa không có “tĩnh” mà chỉ có “động”. “Tĩnh” hiểu theo nghĩa “tiềm thể”, “động” hiểu theo nghĩa “hiện thể”. “Cái tôi là” tức “cái tôi tĩnh” là bản tính người, là yếu tính người. Nó “tĩnh” đến mức chẳng ai sống gần tôi có thể khám phá ra được. Ngay chính tôi dù có khảo sát đến mấy, có đi sâu vào chỗ sâu nhất cũng chẳng thấy được. Chỉ có Chúa, Đấng đã tạo dựng nên tôi, đã cho tôi được thông dự vào một phần ít ỏi bản ngã “động” của Chúa, cũng như đặt để nơi tôi cái tôi tĩnh, mới thấu hiểu được tôi và Người có sự nhận thức toàn vẹn về tôi. Ở một góc độ nào đó, cái tôi tĩnh là khiếm khuyết. Nó luôn cần được đánh thức bởi cái tôi động. Nó chỉ là chủ thể đón nhận và hướng tới cái tôi động.
Cái tôi động
Cái tôi động là cái tôi luôn “thức”. Nó hoạt động song song với cái tôi ngủ ù lì của con người tôi. Có thể nói nơi con người tôi, cái tôi tĩnh là một “gã khổng lồ Gôliat” so với cái tôi động chỉ là “Đavit tí hon” khiêm tốn nhỏ nhoi. Nhưng dù là “gã khổng lồ” hay “tí hon” thì chung quy cũng chỉ là một thực hữu duy nhất, ở chung dưới một “mái nhà” duy nhất là cái tôi. Cả hai đều là “bạn tâm giao” và có mối liên hệ lệ thuộc hỗ tương. “Người tí hon” hoạt động để quang tỏa “gã khổng lồ”. Có một điều đặc biệt là khi con người tôi bước dần tới đích trọn hảo thì “người tí hon” càng lớn dần và “gã khổng lồ” càng bé đi. Hay nói khác đi, càng về tới mục đích tối hậu của đời tôi thì “gã khổng lồ” càng được đánh thức.
Cái tôi động là hiện thể của con người tôi, là phần hiện hữu của con người tôi. Nó có nhiệm vụ suy tư, ước muốn, quyết định, chọn lựa. Cái tôi động càng lớn, thì nó càng tiến gần tới chân, thiện, mỹ. Vì lẽ càng “động” bao nhiêu thì các khả năng thực sự làm nên con người như lý trí, ý chí, tình cảm, tự do càng hoạt động bấy nhiêu và hoạt động hoàn bị của nó phù hợp với chân lý, thiện hảo, hoàn mỹ nơi Thiên Chúa bấy nhiêu.
Tôi có khả năng suy tư xuất phát từ lý trí nhưng suy tư đúng nghĩa và trọn vẹn là suy tư trong chân lý, suy tư về chân lý. Tôi có quyền ước muốn nhưng ước muốn làm cho con người tôi nên hoàn thiện là ước muốn điều thiện. Tôi có một trái tim để yêu hay ghét và yêu ai tùy ý nhưng để tôi được nên hoàn thiện thì chỉ có yêu Chúa và yêu mọi người trong đức ái hoàn hảo mới mở ra con đường, mới đưa tới đích. Tôi có tự do Chúa ban nhưng tôi chỉ có chọn lựa đi vào mục đích tối hậu của đời người là chính Chúa, Đấng là nguồn tự do, mới làm triển nở trọn vẹn con người tôi. Đó chính là cái tôi động của tôi. Đó chính là sự đánh thức liên lỉ cái tôi tĩnh của con người tôi. Chỉ có thể nhờ đến Đấng đã tạo thành nên tôi để vươn lên con người hoàn bị như Pascal đã cảm nghiệm: “con người chỉ cao cả khi họ cầu nguyện”.
Tựu trung, dù là cái tôi dư luận, cái tôi ngụy biện, cái tôi tĩnh hay cái tôi động cũng đều là mọi chiều sáng tối của con người tôi mà tôi cần khám phá, nhìn nhận cách khiêm tốn để trong nguyện cầu với ơn của Chúa, tôi chọn cho mình một mẫu sống lý tưởng là chính Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã là người đích thực và là Thiên Chúa đích thực. Người đã dạy tôi làm người thế nào, bằng những phương thế nào, cái gì phải bỏ, cái gì cần bổ khuyết, cái gì cần làm để được “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”. Chọn và sống như thế là chọn lựa xây dựng “cái tôi” theo chuẩn mực “cái Ta” của Thiên Chúa.
Agapio