Bài Giáo Lý I và II của ĐTC Phanxicô về Bí Tích Rửa Tội

“Nhờ Bí Tích Rửa Tội, chúng ta có khả năng tha thứ và yêu thương ngay cả những người xúc phạm đến mình và làm tổn thương mình, chúng ta có thể nhận ra trong những người rốt hết và những người nghèo khổ nhất khuôn mặt của Chúa là Đấng đến thăm và gần gũi chúng ta.”

 

Như sự sống được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, thì ân sủng cũng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua việc tái sinh ở giếng Rửa Tội, và với ân sủng này, dân Kitô lữ hành trong thời gian, như một dòng sông tưới gội trái đất và truyền lan phúc lành của Thiên Chúa khắp thế gian.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 8 và 15 tháng 1 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô.  Hôm nay ĐTC bắt đầu loạt bài giáo l‎ý‎ về cácBí Tích, mở đầu bằng Bí Tích Rửa Tội.

baptism[1]

Bài 1:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta bắt đầu một loạt bài giáo lý về các Bí Tích, và Bí Tích thứ nhất là Bí Tích Rửa Tội.  Với một sự trùng hợp ngẫu nhiên rất hạnh phúc là Chúa Nhật tới đánh dấu Lễ

Chúa chịu Phép Rửa.francies10

1. Bí Tích Rửa Tội là Bí Tích mà trên đó đức tin của chúng tađược xây dựng và cho chúng ta trở thành phần tử sống động củaĐức Kitô và Hội Thánh của Người.  Với Bí Tích Thánh Thể và Thêm Sức, Bí Tích Rửa Tội tạo thành các Bí Tích gọi là “Khai Tâm Kitô Giáo”, tạo thành một biến cố Bí Tích lớn duy nhất, cho chúng ta được trở nên giống Thiên Chúa và biến chúng ta thành một dấu chỉ sống động của sự hiện diện và tình yêu của Ngài.

Nhưng chúng ta có thể thắc mắc là: Bí Tích Rửa Tội có thực sự cần thiết để sống như Kitô hữu và để theo Chúa Giêsu không? Theo cơ bản đó có phải một nghi lễ đơn giản, một hành động chính thức của Hội Thánh để đặt tên cho một em bé không?  Đó là một câu hỏi có thể được đặt ra. Và những lời của Thánh Tông Đồ Phaolô viết đã làm sáng tỏ điều này: Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới (Romans 6:3-4 ). Vì vậy, nó không phải là một thủ tục!  Bí Tích Rửa Tội là một hành động chạm đến cuộc sống chúng ta một cách sâu xa.  Một em bé đã được Rửa Tội và một em bé chưa được ữa tội không giống nhau!  Một người được Rửa Tội không giống một người chưa được Rửa Tội.  Chúng ta, qua Bí Tích Rửa Tội, được đắm mình trong nguồn vô tận của sự sống là cái chết của Chúa Giêsu, hành động cao quí nhất của tình yêu trong lịch sử; và nhờ tình yêu này mà chúng ta có thể sống một đởi sống mới, không còn đưới quyền thống trị của sự dữ, của tội lỗi và của sự chết, nhưng trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em mình.

2. Việc nhiều người trong chúng ta không nhớ cuộc cử hành Bí Tích này của mình là điều hiển nhiên, nếu chúng ta đã được Rửa Tội một thời gian ngắn sau khi sinh ra. Tôi đã hỏi câu hỏi này hai hoặc ba lần ở Quảng Trường này: Ai biết ngày Rửa Tội của mình, giơ tay lên.  Biết ngày mà tôi được dìm vào dòng nước cứu độ của Chúa Giêsu là điều quan trọng.  Tôi xin phép khuyên anh chị em một điều.  Nhưng còn hơn một lời khuyên nhủ, một bài tập ở nhà cho ngày hôm nay.  Hôm nay ở nhà, anh chị em hãy tìm và hỏi xem ngày Rửa Tội của mình là ngày nào, và do đó anh chị em sẽ biết thật rõ ngày Rửa Tội tốt đẹp ấy.  Biết ngày Rửa Tội của chúng ta là biết một ngày rất vui.  Nếu chúng ta không biết nó, chúng ta có nguy cơ mất ký ức về những gì Chúa đã làm trong chúng ta, ký ức về hồng ân mà chúng ta đã nhận được.  Chung cuộc chúng ta chỉ coi nó như là một biến cố đã xảy ra trong quá khứ – và thậm chí không do ý muốn của chúng ta, nhưng do ý‎ muốn của cha mẹ chúng ta – điều đó không còn có bất kỳ ảnh hưởng nào đến hiện tại của chúng ta.  Chúng ta cần phải đánh thức k‎‎‎ý ức về ngày Rửa Tội của mình.  Chúng ta được mời gọi sống Bí Tích Rửa Tội của chúng ta mỗi ngày, như một thực tại có thật trong cuộc sống của mình.  Nếu chúng ta theo Chúa Giêsu và ở lại trong Hội Thánh, bất chấp những giới hạn, những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta, chính nhờ Bí Tích này mà qua đó chúng ta đã trở thành những tạo vật mới và đã mặc lấy Đức Kitô.  Thực ra, chính nhờ Bí Tích Rửa Tội mà chúng ta được giải thoát khỏi Tội Nguyên Tổ, chúng ta được ghép vào mối liên hệ của Chúa Giêsu với Thiên Chúa Cha, chúng ta thành những người mang một niềm hy vọng mới, vì Bí Tích Rửa Tội cho chúng ta niềm hy vọng mới này: hy vọng bước đi trêncon đường cứu độ suốt cuộc đời mình.  Và không điều gì hoặc không ai có thể dập tắt niềm hy vọng này, bởi vì hy vọng không làm chúng ta thất vọng.  Hãy nhớ rằng: hy vọng nơi Chúa không bao giờ làm cho chúng ta thất vọng.  Nhờ Bí Tích Rửa Tội, chúng ta có khả năng tha thứ và yêu thương ngay cả những người xúc phạm đến mình và làm tổn thương mình, chúng ta có thể nhận ra trong những người rốt hết và những người nghèo khổ nhất khuôn mặt của Chúa là Đấng đến thăm và gần gũi chúng ta.  Bí Tích Rửa Tội giúp chúng ta nhận ra trên khuôn mặt những người nghèo, những người đau khổ, ngay cả trong những người lân cận của mình, khuôn mặt của Chúa Giêsu.  Tất cả những điều này có thể được là nhờ vào sức mạnh của Bí Tích Rửa Tội!

3. Một yếu tố quan trọng cuối cùng. Và tôi đưa ra câu hỏi: Một người có thể tự Rửa Tội cho mình được không?  Không ai có thể tự rửa tội cho mình được!  Không ai.  Chúng ta có thể yêu cầu được rửa tội, mong muốn được rửa tội, nhưng chúng ta luôn luôn cần một người nhân danh Chúa ban Bí Tích này cho chúng ta.  Bởi vì Bí Tích Rửa Tội là một món quà được ban tặng trong bối cảnh quan tâm và chia sẻ huynh đệ.  Luôn luôn trong lịch sử, một người rửa tội cho một người khác, một người khác, và một người khác nữa… đó là một chuỗi, một chuỗi ân sủng.  Nhưng, tôi không thể tự làm phép rửa cho mình: tôi phải xin người khác rửa tội cho tôi.  Đó là một hành động huynh đệ, một hành động liên kết với Hội Thánh.  Trong việc cử hành Bí Tích Rửa Tội, chúng ta có thể nhận ra những đặc tính chân chính nhất của Hội Thánh, là một người mẹ tiếp tục sinh ra những con cái mới trong Đức Kitô, trong hoa quả của Chúa Thánh Thần.

Vậy giờ đây chúng ta hãy xin Chúa bằng cả tâm hồn để chúng ta có thể cảm nghiệm nhiều hơn và nhiều hơn nữa trong cuộc sống hàng ngày, ân sủng này mà chúng ta nhận được qua Bí Tích Rửa Tội.  Để khi gặp gỡ chúng ta, anh chị em chúng ta có thể gặp những con cái thật của Thiên Chúa, những người em thật sự của Chúa Giêsu Kitô, các phần tử thật sự của Hội Thánh.  Và đừng quên bài tập ở nhà ngày hôm nay: tìm kiếm, hỏi cho biết ngày chịu phép Rửa Tội của mình.  Như một người biết ngày sinh của mình, tôi cũng phải biết ngày rửa tội của tôi, vì đó là một ngày lễ!

GLDTCruatoiBài 2:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em.

Thứ tư tuần trước, chúng ta bắt đầu loạt bài giáo lý ngắn về các Bí Tích, khởi đầu với Bí Tích Rửa Tội.  Và hôm nay tôi muốn tập trung vào Bí Tích Rửa Tội, để nhấn mạnh đến một loại hoa quả rất quan trọng của Bí Tích này: nó làm cho chúng ta thành phần tử của Thân Thể Đức Kitô và của Dân Thiên Chúa.  Thánh Tôma Aquinô nói rằng những người lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội được tháp nhập vào Đức Kitô, như chi thể của Người và được thêm vào cộng đồng các tín hữu (x. Summa Theologiae, III, q. 69, art. 5; q. 70, art. 1), đó là Dân Thiên Chúa.  Trong trường của Công Đồng Vaticanô II, ngày nay chúng ta nói rằng Bí Tích Rửa Tội đưa chúng ta vào Dân Thiên Chúa, làm cho chúng ta thành những phần tử của một dân đang hành trình, một dân lữ hành trong lịch sử.

Thực ra, như sự sống được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, thì ân sủng cũng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua việc tái sinh ở giếng Rửa Tội, và với ân sủng này, dân Kitô lữ hành trong thời gian, như một dòng sông tưới gội trái đất và truyền lan phúc lành của Thiên Chúa khắp thế gian.  Từ giây phút mà Chúa Giêsu truyền lệnh mà chúng ta đã nghe trong Tin Mừng, các môn đệ đã đi rửa tội, và từ lúc đó đến nay có một chuỗi dây chuyền trong việc truyền thụ đức tin qua Phép Rửa. Và mỗi người chúng ta là một mắt xích trong chuỗi ấy: một bước về phía trước, luôn luôn, như một dòng sông tưới gội mặt đất.  Đó là ân sủng của Thiên Chúa, và do đó cũng là đức tin của chúng ta, là điều mà chúng ta phải truyền lại cho con cái chúng ta, ban tặng cho các trẻ em, bởi vì các em, khi trưởng thành, có thể truyền thụ nó lại cho con cái của các em.  Bí Tích Rửa Tội là thế.  Tại sao?  Tại vì Bí Tích Rửa Tội làm cho chúng ta được gia nhập vào Dân này của Thiên Chúa, là dân truyền thụ đức tin.  Điều này là rất quan trọng.  Một Dân của Thiên Chúa bước đi và truyền thụ đức tin.

Nhờ Bí Tích Rửa Tội chúng ta trở nên những môn đệ truyền giáo, được mời gọi đem Tin Mừng vào thế gian (x. T.h. Evangelii Gaudium, 120 ). “Mọi người đã được rửa tội, bất kể chức năng của họ trong Hội Thánh và trình độ giáo dục đức tin của họ, đều là một chủ thể tích cực của việc rao giảng Tin Mừng… Việc Tân Phúc Âm hóa liên quan đến vai trò tiên phong mới của từng người đã được rửa tội” (ibid.), của tất cả mọi người, của toàn thể Dân Thiên Chúa, vai trò tiên phong mới của từng người đã được rửa tội.  Dân Thiên Chúa là một Dân Môn Đệ – bởi vì dân này nhận được đức tin – và Truyền Giáo – bởi vì dân này truyền thụ đức tin.  Và Bí Tích Rửa Tội làm việc này trong chúng ta.  Nó ban cho chúng ta ân sủng và truyền đức tin cho chúng ta.  Tất cả mọi người trong Hội Thánh đều là môn đệ, và vì thế chúng ta luôn luôn, toàn thể đời sống chúng ta; và tất cả chúng ta đều là những nhà truyền giáo, tất cả mọi người ở nơi mà Chúa đã chỉ định cho họ.  Tất cả mọi người: người nhỏ nhất cũng là một nhà truyền giáo, và người có vẻ lớn nhất cũng là một môn đệ.  Nhưng một số trong anh chị em sẽ nói:  “Các giám mục không phải là các môn đệ, các Giám Mục biết tất cả; và Đức Giáo Hoàng biết tất cả, ngài không phải là một môn đệ.”  Không, các Giám Mục và Giáo Hoàng cần phải trở thành môn đệ, bởi vì nếu các ngài không phải là môn đệ thì các ngài không làm tốt được, các ngài không thể truyền giáo, không thể truyền thụ đức tin.  Tất cả chúng ta đều là môn đệ và nhà truyền giáo.

Có một sự liên hệ chặt chẽ giữa bình diện mầu nhiệm và truyền giáo của ơn gọi Kitô hữu, cả hai bắt nguồn từ Bí Tích Rửa Tội. “Khi tiếp nhận đức tin và Bí Tích Rửa Tội, các Kitô hữu chúng ta đón nhận hành động của Chúa Thánh Thần là điều dẫn chúng ta đến việc tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và gọi Thiên Chúa là “Abba”, Cha.  Tất cả chúng ta đã được rửa tội và khi được rửa tội… chúng ta được mời gọi sống và truyền thụ sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, bởi vì truyền giáo là một lời mời gọi thông phần vào sự hiệp thông Ba Ngôi” (Văn bản cuối cùng của Aparecida, s. 157 ).

Không ai tự mình cứu được mình.  Chúng ta là một cộng đồng tín hữu, chúng ta là Dân Thiên Chúa và trong cộng đồng này chúng ta cảm nghiệm vẻ đẹp của việc chia sẻ kinh nghiệm về một tình yêu đi trước tất cả chúng ta, nhưng đồng thời đòi hỏi chúng ta thành “máng” ân sủng cho nhau, bất chấp những giới hạn và tội lỗi của chúng ta.  Chiều kích cộng đồng những chỉ là một “khuôn khổ”, một “đường nét”, nhưng còn là một phần không thể thiếu được của đời sống Kitô hữu, của việc làm chứng và loan báo Tin Mừng.  Đức tin Kitô giáo được sinh ra và sống trong Hội Thánh, và trong Bí Tích Rửa Tội, gia đình và giáo xứ chào đón sự gia nhập của một phần tử mới vào Đức Kitô và vào Thân Thể của Người là Hội Thánh (x. ibid., s. 175b ).

Về tầm quan trọng của Bí Tích Rửa Tội đối với Dân Thiên Chúa, lịch sử của cộng đồng Kitô hữu tại Nhật Bản là một mẫu gương.  Họ bị bách hại một cách trầm trọng trong những năm đầu thế kỷ XVII.  Có nhiều vị tử vì đạo; các thành viên giáo sĩ đã bị trục xuất và hàng ngàn người bị giết.  Đã không còn một linh mục nào ở lại Nhật Bản, tất cả đều bị trục xuất.  Sau đó, cộng đồng rút lui vào bóng tối, giữ đức tin và cầu nguyện trong trốn tránh.  Và khi một em bé được sinh ra, người cha hoặc người mẹ rửa tội cho em, bởi vì tất cả các tín hữu có thể rửa tội trong những trường hợp cụ thể.  Sau gần hai thế kỷ rưỡi, 250 năm sau, khi các nhà truyền giáo trở lại Nhật Bản, hàng ngàn Kitô hữu đã ra công khai và Hội Thánh có thể tái phát triển.  Họ đã sống sót nhờ ân sủng của Bí Tích Rửa Tội của họ!  Điều này thật vĩ đại:  Dân Chúa truyền thụ đức tin, rửa tội cho con cái mình và tiến bước.  Họ đã duy trì, thậm chí trong bí mật, một tinh thần cộng đồng mạnh mẽ, bởi vì Bí Tích Rửa Tội đã làm cho họ nên một thân thể trong Đức Kitô: họ đã bị cô lập và trốn tránh, nhưng họ luôn luôn là phần tử của Dân Thiên Chúa, phần tử của Hội Thánh. Chúng ta có thể học hỏi rất nhiều từ câu chuyện này!

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ