Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân

Nhưng niềm an ủi lớn nhất phát sinh từ thực tại là chính Chúa Giêsu đang hiện diện trong Bí Tích, là Đấng cầm tay chúng ta, vuốt ve chúng ta như Người đã làm với những người bệnh và nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta giờ đây đang thuộc về Người và rằng không bao giờ có gì – ngay cả sự dữ và cái chết – có thể tách chúng ta ra khỏi Người được. Chúng ta hãy tập thói quen mời linh mục cho những người bệnh của chúng ta – những người bị bệnh nặng – và thậm chí cả những người cao niên…

Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân

Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân

 

“Niềm an ủi lớn nhất … là chính Chúa Giêsu đang hiện diện trong Bí Tích, là Đấng cầm tay chúng ta, vuốt ve chúng ta như Người đã làm với những người bệnh và nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta giờ đây đang thuộc về Người và rằng không bao giờ có gì – ngay cả sự dữ và cái chết – có thể tách chúng ta ra khỏi Người được.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 26 tháng 2 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC tiếp tục dạy về Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em.

Hôm nay tôi muốn nói về Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân, là Bí Tích cho phép chúng ta chạm đến lòng từ bi của Thiên Chúa dành cho con người. Trong quá khứ, Bí Tích này được gọi là “Xức Dầu Cuối Cùng”, bởi vì nó được hiểu như sự an ủi tinh thần trong giờ lâm tử. Thay vào đó, nói về nói “Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân” giúp chúng ta mở rộng nhãn quan của mình về kinh nghiệm bệnh tật và đau khổ, theo phạm vi hiểu biết về lòng thương xót của Thiên Chúa.

1. Có một hình ảnh Kinh Thánh nói lên trong tất cả chiều sâu của nó về mầu nhiệm chiếu sáng qua Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân là dụ ngôn “Người Samaritanô nhân lành” trong Tin Mừng Thánh Luca (10:30-35). Mỗi khi chúng ta cử hành Bí Tích này, Chúa Giêsu, trong con người của vị linh mục, đến gần những người đau khổ và bị bệnh nặng hoặc người già cả. Dụ ngôn nói rằng người Samaritanô nhân lành chăm sóc con người đau khổ bằng cách đổ dầu và rượu trên những vết thương của người ấy. Dầu làm cho chúng ta nghĩ đến dầu được Đức Giám Mục làm phép mỗi năm, trong Thánh Lễ Truyền Dầu vào Thứ Năm Tuần Thánh, chính là để Xức Dầu Bệnh Nhân. Còn rượu là một dấu chỉ của tình yêu và ân sủng của Đức Kitô phát sinh từ việc Người ban sự sống của Người cho chúng ta và được bày tỏ trong tất cả sự phong phú của chúng trong đời sống bí tích của Hội Thánh. Cuối cùng, người đau khổ được trao cho chủ nhà trọ, để ông ta có thể tiếp tục chăm sóc cho anh, bất kể mọi chi phí. Giờ đây, chủ nhà trọ này là ai? Đó là Hội Thánh, cộng đoàn Kitô hữu, là chúng ta, mà mỗi ngày được Chúa Giêsu trao cho những người đau khổ về thể xác và tinh thần, để chúng ta có thể tiếp tục đổ trên họ, không giới hạn, tất cả lòng thương xót và ơn cứu độ của Người.

2. Huấn lệnh này được tái khẳng định một cách rõ ràng và chính xác trong Thư của Thánh Giacôbê, trong đó ngài khuyên nhủ: “Có ai trong anh em đau ốm? Hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh, và hãy để họ cầu nguyện trên người ấy, xức dầu cho người ấy nhân danh Chúa; lời cầu nguyện do đức tin sẽ cứu người bệnh, và Chúa sẽ nâng người ấy dậy; và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha.” (5:14-15). Vì vậy, đây là một thực hành đã có từ thời các Tông Đồ. Thực ra, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ phải có cùng một lòng yêu thương đặc biệt đối với các bệnh nhân và những người đau khổ, và Người đã truyền cho các ngài khả năng và trách nhiệm để tiếp tục nhân danh Người và theo lòng của Người mà trao ban sư trợ giúp và bình an, qua ân sủng đặc biệt của Bí Tích này. Tuy nhiên, điều này không được làm cho chúng ta rơi vào tình trạng quá bận tâm tìm kiếm phép lạ hoặc vọng tưởng rằng luôn luôn có thể có được sự chữa lành. Nhưng cũng là một đảm bảo về sự gần gũi người bệnh và người cao niên của Chúa Giêsu, bởi vì mỗi người cao niên, mỗi người trên 65 tuổi, có thể lãnh nhận Bí Tích này mà qua đó Chính Chúa Giêsu đem chúng ta đến gần Người hơn.

Nhưng khi có một người bệnh, đôi khi chúng ta nghĩ rằng, “hãy mời một linh mục để ngài đến”; “Không, như thế ngài sẽ đem đến cho chúng ta sự xui xẻo, đừng mời nữa” hay “như thế người bệnh sẽ sợ hãi”. Tại sao lại nghĩ như thế? Bởi vì có một ít người có‎ ý tưởng này sau khi linh mục đến nhà quàn. Và điều này không đúng. Linh mục đến để giúp người bệnh hoặc người già; đó là lý do tại sao việc linh mục đến thăm người bệnh là điều rất quan trọng. Anh chị em cần phải mời linh mục cho bệnh nhân và thưa, “Xin Cha đến, ban Phép Xức Dầu và chúc lành cho ông ấy.” Chính Chúa Giêsu đến để làm cho bệnh nhân khuây khoả, để ban cho họ sức mạnh, hi vọng, để giúp họ, và thậm chí tha tội cho họ. Và điều này thật đẹp! Và chúng ta không được nghĩ rằng đây là một điều cấm kỵ, bởi vì luôn luôn tốt đẹp để biết rằng trong giờ phút đau đớn và bệnh tật chúng ta không đơn độc: linh mục và những người có mặt trong lúc cử hành Bí Tích Xức Dầu đại diện cho toàn thể cộng đồng Kitô hữu, như một thân thể kết hợp chặt chẽ chung quanh những người đau ốm và các phần tử của gia đình họ, nuôi dưỡng đức tin và hy vọng của họ, cùng nâng đỡ họ bằng lời cầu nguyện và tình huynh đệ nồng nàn.

Nhưng niềm an ủi lớn nhất phát sinh từ thực tại là chính Chúa Giêsu đang hiện diện trong Bí Tích, là Đấng cầm tay chúng ta, vuốt ve chúng ta như Người đã làm với những người bệnh và nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta giờ đây đang thuộc về Người và rằng không bao giờ có gì – ngay cả sự dữ và cái chết – có thể tách chúng ta ra khỏi Người được. Chúng ta hãy tập thói quen mời linh mục cho những người bệnh của chúng ta – tôi không nói về những người bị cảm cúm ba bốn ngày, nhưng những người bị bệnh nặng – và thậm chí cả những người cao niên, để ngài đến và ban cho họ Bí Tích này, sự an ủi này, sức mạnh này của Chúa Giêsu để tiếp tục tiến bước. Chúng ta hãy làm điều này!

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Các bài mới