Bài Giáo Lý Của ĐTC Phanxicô Về Bí Tích Thánh Thể
“Thánh Lễ là tột đỉnh của hành động cứu độ của Thiên Chúa, Chúa Giêsu biến Mình thành tấm bánh bị bẻ ra cho chúng ta, đổ trên chúng ta tất cả lòng thương xót và tình yêu của Người, để đổi mới tâm hồn chúng ta, cuộc sống chúng ta và cách thức chúng ta liên hệ với Người và với tha nhân.“
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 5 tháng 2 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC dạy về Bí Tích Thánh Thể
* * *
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay tôi sẽ bàn về Bí Tích Thánh Thể. Bí Tích Thánh Thể cùng với Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức là trọng tâm của việc “khai tâm Kitô giáo”, và là nguồn mạch của chính đời sống Hội Thánh. Thực ra, từ Bí Tích Tình Yêu này phát sinh mọi con đường đích thực của đức tin, sự hiệp thông và làm nhân chứng.
Điều mà chúng ta thấy khi tụ họp lại để cử hành Bí Tích Thánh Thể, Thánh Lễ, làm cho chúng ta cảm nhận được những gì chúng ta đang sống. Ở trung tâm của nơi dành để cử hành là bàn thờ, là một cái bàn được phủ bằng một khăn trải bàn, và điều này làm cho chúng ta nghĩ đến một bữa tiệc. Trên bàn có một cây Thánh Giá, ám chỉ rằng trên bàn thờ ấy hy tế của Đức Kitô được hiến dâng: Người là lương thực thiêng liêng mà chúng ta nhận được ở đó, dưới hình bánh và rượu. Bên cạnh bàn thờ có giảng đài, là nơi công bố Lời Chúa: và điều này cho thấy rằng chúng ta tụ họp lại để nghe Chúa, là Đấng nói qua Thánh Kinh, và do đó lương thực nhận được cũng là Lời của Người.
Lời Chúa và Bánh trở nên một trong Thánh Lễ, như trong Bữa Tiệc Ly, khi tất cả các lời của Chúa Giêsu, tất cả các dấu chỉ mà Người đã thực hiện, được cô đọng trong việc bẻ bánh và dâng chén rượu, diễn tả trước hy tế Thập Giá của Người, và trong những lời này: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là cơ Mình Thầy… Các con hãy cầm lấy mà uống, này là Máu Thầy.”
Cử chỉ mà Chúa Giêsu đã làm trong Bữa Tiệc Ly là lời tạ ơn tột bậc của Người dâng lên Chúa Cha vì tình yêu và lòng thương xót của Ngài. “Tạ Ơn” trong Hy Lạp được gọi là “Eucharista (Thánh Thể).” Và vỉ thế Bí Tích này được gọi là Thánh Thể, là lời tạ ơn tối cao dâng lên Chúa Cha, Đấng đã yêu thương chúng ta quá độ đến nỗi ban Con của Ngài cho chúng ta vì yêu. Đó là lý do tại sao từ Thánh Thể gồm tóm tất cả cử chỉ ấy, là cử chỉ của Thiên Chúa và đồng thời cũng là cử chỉ của con người, cử chỉ của Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Thiên Chúa thật và là người thật.
Vì vậy, việc cử hành Thánh Lễ cỏn hơn một bữa tiệc bình thường rất nhiều: đó là tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu, mầu nhiệm trung tâm của ơn cứu độ. “Tưởng niệm” không chỉ là một sự nhớ lại, sự tưởng nhớ đơn giản, nhưng có nghĩa là mỗi khi chúng ta cử hành Bí Tích này, chúng ta thông phần vào Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô. Thánh Lễ là tột đỉnh của hành động cứu độ của Thiên Chúa, Chúa Giêsu biến Mình thành tấm bánh bị bẻ ra cho chúng ta, Người đổ trên chúng ta tất cả lòng thương xót và tình yêu của Người, để đổi mới tâm hồn chúng ta, cuộc sống chúng ta và cách thức chúng ta liên hệ với Người và với tha nhân. Chính vì lý do này mà thường khi chúng ta tiếp cận Bí Tích này, chúng ta nói là “nhận sự Hiệp Thông (Hiệp Lễ)” để “hiệp thông”: điều này có nghĩa là nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, việc thông phần vào bàn tiệc Thánh Thể làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô một cách độc đáo và sâu xa, cho chúng ta được nếm trước lúc này sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha, đặc trưng cho bữa tiệc trên trời, nơi mà cùng với tất cả các Thánh chúng ta sẽ có được niềm vui khôn tưởng là chiêm ngắm Dung Nhan Thiên Chúa cách trực diện.
Các bạn thân mến, tôi không bao giờ có thể cảm tạ Thiên Chúa đủ vì hồng ân mà Ngài đã ban cho chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể! Đó là một hồng ân tuyệt vời và vì thế việc đi dự Thánh Lễ Chúa Nhật là điều rất quan trọng. Đi dự Thánh Lễ không chỉ để cầu nguyện, nhưng để Rước Lễ (nhận sự Hiệp Thông), bánh là Thân Thể Chúa Giêsu Kitô, là Đấng cứu chúng ta, tha thứ cho chúng ta, liên kết chúng ta với Chúa Cha. Thật là tốt đẹp khi làm điều này! Và mỗi Chúa Nhật chúng ta đi dự Lễ, bởi đó là ngày Phục Sinh của Chúa. Đó là lý do tại sao Chúa Nhật rất quan trọng đối với chúng ta. Và với Bí Tích Thánh Thể chúng ta cảm thấy thuộc về Hội Thánh, thuộc về Dân Thiên Chúa, thuộc về Thân Thể của Thiên Chúa, là Đức Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta sẽ không bao giờ ngừng thu nhận tất cả mọi giá trị và sự phong phú của nó. Vậy chúng ta hãy cầu xin Người cho Bí Tích này có thể tiếp tục duy trì sự hiện diện sống động của Người trong Hội Thánh và hình thành cộng đồng của chúng ta trong đức ái và sự hiệp thông, theo trái tim của Chúa Cha. Và điều này được thực hiện trong suốt cuộc đời của chúng ta, nhưng bắt đầu được thực hiện từ ngày Rước Lễ Lần Đầu. Việc chuẩn bị tốt cho trẻ em Rước Lễ Lần Đầu là điều rất quan trọng, và mỗi em đều phải làm thế, bởi vì nó là bước đầu tiên của việc thuộc về Đức Chúa Giêsu Kitô cách bền vững này, sau Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức.
Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về Sống Bí Tích Thánh Thể
“Một cuộc cử hành có thể được coi là hoàn hảo và xinh đẹp theo nhãn quan bên ngoài, nhưng nếu không dẫn chúng ta đến gặp gỡ Đức Chúa Giêsu Kitô, thì không thể đem một chất bổ dưỡng nào đến cho tâm hồn và đời sống chúng ta. Thay vào đó, qua Bí Tích Thánh Thể, Đức Kitô muốn đi vào đời sống của chúng ta và làm cho nó thấm nhuần ân sủng của Người, ngõ hầu trong mọi cộng đồng Kitô hữu có sự liên kết chặt chẽ giữa phụng vụ và đời sống.”
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 12 tháng 2 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC tiếp tục dạy về Bí Tích Thánh Thể
* * *
Anh chị em thân mến, chào anh chị em.
Trong bài giáo lý trước tôi nhấn mạnh đến việc Bí Tich Thánh Thể đưa chúng ta vào sự hiệp thông với Chúa Giêsu và mầu nhiệm thật của Người. Giờ đây chúng ta có thể tự hỏi mình một số câu hỏi về mối quan hệ giữa Bí Tích Thánh Thể và việc mừng cuộc sống của chúng ta như một Hội Thánh và những cá nhân Kitô hữu. Chúng ta sống Bí Tích Thánh Thể như thế nào? Khi chúng ta đi Lễ ngày Chúa Nhật, thì chúng ta sống nó như thế nào? Nó có phải chỉ là một thời gian cử hành, một truyền thống được thiết lập chắc chắn, một cơ hội để gặp gỡ nhau hoặc cảm thấy thoải mái, hay là một điều gì hơn nhiều?
Có những dấu chỉ rất cụ thể để biết chúng ta sống tất cả điều ấy thế nào, chúng ta sống Bí Tích Thánh Thể thế nào; những dấu chỉ cho chúng ta biết rằng mình sống Bí Tích Thánh Thể tốt hay không tốt.
Dấu chỉ thứ nhất là cách chúng ta nhìn vào và nghĩ đến người khác. Trong Bí Tích Thánh Thể, Đức Kitô luôn luôn làm cho việc tự hiến mà Người đã thực hiện trên Thánh Giá ra mới. Toàn thể cuộc đời của Người là một hành động chia sẻ Chính Mình cách hoàn toàn vì yêu; vì vậy Người thích được ở với các môn đệ và những ai mà Người có thể quen biết. Đối với Người, điều này có nghĩa là chia sẻ những ao ước của họ, những vấn đề của họ, những gì làm tâm hồn và cuộc sống của họ bị xáo trộn. Giờ đây, khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta gặp nhiều người nam nữ đủ loại: già trẻ, giàu nghèo, người bản xứ và những người ngoại quốc, đi cùng gia đình hay đi một mình… Nhưng Thánh Lễ mà tôi cử hành có đưa tôi đến việc thật sự coi tất cả mọi người như anh chị em không? Nó có làm lớn lên trong tôi khả năng vui với người vui và khóc với người khóc không? Nó có thúc đẩy tôi đến với những người nghèo khó, bệnh tật và bị bỏ ra ngoài lề xã hội không? Nó có giúp tôi nhận ra khuôn mặt của Chúa Giêsu trong họ không? Tất cả chúng ta đi tham dự Thánh Lễ vì chúng ta yêu mến Chúa Giêsu và muốn chia sẻ cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Người trong Bí Tích Thánh Thể. Nhưng chúng ta có yêu thương những anh chị em túng thiếu như Chúa Giêsu muốn không? Chẳng hạn như trong những ngày này ở Roma chúng ta thấy nhiều khó khăn xã hội, hoặc vì mưa đã gây rất nhiều thiệt hại cho nhiều khu phố, hoặc thiếu công ăn việc làm, là hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới. Tôi tự hỏi, và mỗi người chúng ta tự hỏi: Tôi, người đi tham dự Thánh Lễ: tôi phải sống điều này thế nào? Tôi có chăm lo giúp đỡ, gần gũi hơn và cầu nguyện cho những người đang gặp những vấn đề này không? Hay là tôi chẳng mấy quan tâm? Hoặc có thể tôi quan tâm đến việc nói chuyện tầm phào: (Anh) Chị có thấy quần áo nó mặc không, hoặc tại sao nó lại ăn mặc như thế? Đôi khi chúng ta làm như vậy sau Thánh Lễ, và đó là điều chúng ta không nên làm! Chúng ta nên quan tâm đến những anh chị em của mình đang có nhu cầu vì một căn bệnh, một vấn đề. Hôm nay, tốt hơn là chúng ta hãy nghĩ về anh chị em của mình đang gặp những vấn đề này tại đây ở Roma: những vấn đề vì thảm họa gây ra bởi mưa cùng những vấn đề xã hội và công ăn việc làm. Chúng ta hãy cầu xin cùng Chúa Giêsu, Đấng mà chúng ta rước trong Bí Tích Thánh Thể, để Người giúp chúng ta giúp đỡ họ.
Một dấu chỉ thứ hai, rất quan trọng, đó là ơn cảm thấy mình được tha thứ và sẵn sàng tha thứ. Đôi khi có người hỏi, “Tại sao chúng ta phải đi đến nhà thờ, bởi vì những người tham dự Thánh Lễ thường xuyên cũng là những người tội lỗi như những người khác.” Đã bao lần chúng ta nghe câu ấy! Thực ra, những người cử hành Thánh Lễ không làm thế bởi vì họ tin rằng mình hoặc muốn được coi là tốt hơn những người khác, nhưng bởi vì họ luôn nhận ra nhu cầu cần được chấp nhận và được tái sinh bởi lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã làm người trong Đức Chúa Giêsu Kitô. Nếu mỗi người chúng ta không cảm thấy cần lòng thương xót của Thiên Chúa, không cảm thấy mình là kẻ có tội, thì tốt hơn đừng đi Lễ! Chúng ta đi Lễ bởi vì chúng ta là những người tội lỗi và chúng ta muốn nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, tham dự vào ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu, ơn tha thứ của Người. “Kinh Cáo Mình” mà chúng ta đọc ở đầu Lễ không phải là một “ước lệ”, mà là một hành vi sám hối thật sự! Tôi là một kẻ tội lỗi và tôi thú nhận nó, Thánh Lễ bắt đầu như thế! Chúng ta không bao giờ được quên rằng Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu đã diễn ra “trong đêm Người bị nộp” (1 Corinthians 11:23). Mỗi lần chúng ta tụ họp chung quanh bánh và rượu mà chúng ta dâng tiến thì hồng ân Mình và Máu Đức Kitô để tha tội cho chúng ta được nhắc lại trong đó. Chúng ta phải đi Lễ một cách khiêm nhường, như những kẻ có tội, và Chúa giao hòa chúng ta.
Dấu chỉ quý giá cuối cùng được cung cấp cho chúng ta bởi sự liên hệ giữa việc cử hành Thánh Lễ và đời sống của các cộng đồng Kitô hữu của chúng ta. Chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng Thánh Lễ không phải là một điều gì chúng ta làm; nó không phải là một kỷ niệm của chúng ta về những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm. Không, đây là một hành động của Đức Kitô! Chính Đức Kitô hành động ở đó, trên bàn thờ. Đây là một hồng ân của Đức Kitô, là Đấng tự làm cho Mình hiện diện và tụ họp chúng ta chung quanh Người, để nuôi chúng ta bằng Lời Người và chính sự sống của Người. Điều này có nghĩa là sứ vụ và chính căn tính của Hội Thánh tuôn ra từ đó, từ Thánh Lễ, và chúng luôn luôn được hình thành ở đó. Một cuộc cử hành có thể được coi là hoàn hảo và xinh đẹp theo nhãn quan bên ngoài, nhưng nếu không dẫn chúng ta đến gặp gỡ Đức Chúa Giêsu Kitô, thì không thể đem một chất bổ dưỡng nào đến cho tâm hồn và đời sống chúng ta. Thay vào đó, qua Bí Tích Thánh Thể, Đức Kitô muốn đi vào đời sống chúng ta và làm cho nó thấm nhuần ân sủng của Người, ngõ hầu trong mọi cộng đồng Kitô hữu có sự liên kết chặt chẽ giữa phụng vụ và đời sống.
Tâm hồn chúng ta được đầy tin tưởng và hy vọng khi nghĩ về những lời của Chúa Giêsu được ghi lại trong Tin Mừng: “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta sẽ có sự sống đời đời và Ta sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6:54). Chúng ta hãy sống Bí Tích Thánh Thể với một tinh thần đức tin, cầu nguyện, tha thứ, ăn năn, niềm vui cộng đồng, quan tâm đến những người nghèo khổ và đến những nhu cầu của rất nhiều anh chị em, trong xác tín rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã hứa: sự sống đời đời. Chớ gì được như vậy!
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ