BÀI GIÁO LÝ 5-6-7-8 VỀ KINH TIN KÍNH CỦA ĐTC PHANXICÔ

Hôm nay chúng ta hãy tự hỏi mình: Tôi yêu Hội Thánh nhiều bao nhiêu? Tôi có cầu nguyện cho Hội Thánh không? Tôi có cảm thấy mình là phần tử của gia đình Hội Thánh không? Tôi phải làm gì để Hội Thánh thành một cộng đồng nơi mà tất cả mọi người cảm thấy được chào đón và thông cảm, cảm thấy lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa, là những điều canh tân cuộc sống?
 
BÀI GIÁO LÝ 5-6-7-8 VỀ KINH TIN KÍNH CỦA ĐTC PHANXICÔ
 

BÀI GIÁO LÝ 5 VỀ KINH TIN KÍNH CỦA ĐTC PHANXICÔ:

CHÚA THÁNH THẦN NÓI GÌ VỚI CHÚNG TA?

 

“Chúa Thánh Thần dạy chúng ta nhìn bằng đôi mắt của Đức Kitô, sống cuộc sống của mình như Đức Kitô đã sống cuộc sống của Người, hiểu cuộc đời như Đức Kitô đã hiểu.” 

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 8 tháng 5 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng trường Thánh Phêrô. Người tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và Năm Đức Tin.

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Mùa Phục Sinh mà chúng ta đang sống với niềm vui, được hướng dẫn bởi phụng vụ của Hội Thánh, là thời gian tuyệt vời của Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu, Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh, ban cho chúng ta “một cách vô hạn” (x. Ga 3:34). Thời gian ân sủng này được kết thúc bằng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (Ngũ Tuần), khi Hội Thánh sống lại sự tuôn đổ Thánh Thần trên Đức Mẹ Maria và các Tông Đồ đang tụ họp trong cầu nguyện nơi nhà Tiệc Ly.

Nhưng Chúa Thánh Thần là ai? Trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng bằng đức tin: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống.” Chân lý thứ nhất mà chúng ta giữ vững là tôi tin Chúa Thánh Thần làKyrios, Đức Chúa. Điều này có nghĩa là Ngài thực sự là Thiên Chúa như Chúa Cha và Chúa Con, Ngài, đối với chúng ta, là đối tượng của cùng một hành vi thờ phượng và tôn vinh mà chúng ta dành cho Chúa Cha và Chúa Con. Thực ra, Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba của Thiên Chúa Ba Ngôi; Ngài là hồng ân cả thể của Đức Kitô Phục Sinh, là Đấng mở trí khôn và tâm hồn chúng ta ra để đón nhận đức tin vào Chúa Giêsu như Chúa Con được Chúa Cha sai đến, và dẫn chúng ta đến tình bằng hữu, đến sự hiệp thông với Thiên Chúa.

Nhưng tôi muốn tập trung đặc biệt vào thực tại là Chúa Thánh Thần là nguồn mạch vô tận của sự sống của Thiên Chúa trong chúng ta. Con người của mọi thời đại và mọi nơi đều muốn có một cuộc sống sung mãn và tốt đẹp, công bằng và tốt lành, một cuộc sống không bị đe dọa bởi cái chết, nhưng có thể trưởng thành và phát triển một cách trọn vẹn. Con người như một khách lữ hành, đang băng qua hoang địa cuộc đời, khát một nước hằng sống, vọt lên và tươi mát, có khả năng làm thỏa mãn ước vọng sâu thẳm tận đáy lòng về ánh sáng, tình yêu, vẻ đẹp và bình an của người ấy. Tất cả chúng ta đều cảm thấy ước vọng ấy! Và Chúa Giêsu ban cho chúng ta nước hằng sống này: đó là Chúa Thánh Thần, Đấng phát sinh từ ​​Chúa Cha, và là Đấng mà Chúa Giêsu đổ vào lòng chúng ta. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”(Ga 10:10).

Chúa Giêsu đã hứa với người phụ nữ Samaria rằng Người sẽ luôn luôn ban một “nước hằng sống” cách dồi dào tất cả những ai nhìn nhận Người là Chúa Con được Chúa Cha sai đến để cứu chúng ta (x. Ga 4: 5-26; 3:17). Chúa Giêsu đến để ban cho chúng ta “nước hằng sống” này là Chúa Thánh Thần, để cuộc sống của chúng ta được hướng dẫn bởi Thiên Chúa, được sinh động hóa bởi Thiên Chúa và được nuôi dưỡng bởi Thiên Chúa. Đó là điều chúng ta muốn nói khi nói rằng một Kitô hữu là một con người tinh thần: một Kitô hữu là một người suy nghĩ và hành động theo Thiên Chúa, trong Chúa Thánh Thần. Nhưng tôi xin đưa ra một câu hỏi: còn chúng ta, chúng ta có nghĩ theo Thiên Chúa không? Chúng ta hành động theo Thiên Chúa không? Hoặc chúng ta để cho mình bị hướng dẫn bởi rất nhiều những điều khác mà không thực sự là Thiên Chúa? Mỗi người chúng ta phải phải trả lời câu hỏi này trong tận đáy lòng mình.

Lúc này chúng ta có thể tự hỏi: tại sao nước này có thể làm dịu cơn khát tận đáy lòng chúng ta? Chúng ta biết rằng nước là điều cần thiết cho cuộc sống, không có nước chúng ta chết; nó làm dịu cơn khát, rửa sạch, làm cho đất đai màu mỡ. Trong Thư gửi tín hữu Rôma, chúng ta tìm thấy những lời này: “tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ vào tâm hồn chúng ta, qua Chúa Thánh Thần mà Ngài đã ban cho chúng ta” (5:5). “Nước hằng sống,” Chúa Thánh Thần, hồng ân của Đấng Phục Sinh cư ngụ trong chúng ta, thanh tẩy chúng ta, soi sáng chúng ta, đổi mới chúng ta, biến đổi chúng ta bởi vì làm cho chúng ta được thông phần vào chính sự sống của Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu. Vì lý do đó mà Thánh Tông Đồ Phaolô nói rằng đời sống Kitô hữu được sinh động hóa bởi Chúa Thánh Thần và các hoa trái của nó là “bác ái, vui mừng, bình an, kiên nhẫn, nhân hậu, hào hiệp, trung tín, hòa nhã, tiết độ” (Gl 5:22 -23). Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta vào sự sống thần linh như “những người con trong Con Một.” Trong một đoạn khác của Thư gửi tín hữu Rôma, mà chúng ta đã nhiều lần đề cập đến, Thánh Phaolô tóm lược nó bằng những lời này: “Tất cả những ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Vì anh em đã không nhận được thần khí nô lệ khiến anh em phải sợ hãi, nhưng anh em đã nhận Thần Khí làm nghĩa tử, bởi đó chúng ta kêu lên,’Abba! Lạy Cha!’ Chính Thần Khí làm chứng cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy nếu là con, thì cũng là người thừa kế, thừa kế của Thiên Chúa, và đồng thừa kế với Ðức Kitô; miễn là chúng ta cùng chịu đau khổ với Người, để chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (8, 14-17).

Đây chính là hồng ân quý giá mà Chúa Thánh Thần đặt vào tâm hồn chúng ta: chính sự sống của Thiên Chúa, sự sống của những người con thật, một mối liên hệ tin tưởng, tự do và tín thác vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, cũng có ảnh hưởng là cho chúng ta một cái nhìn mới về tha nhân, dù xa hay gần, là những người phải luôn luôn được chúng ta coi như anh chị em trong Chúa Giêsu, phải được tôn trọng và yêu thương. Chúa Thánh Thần dạy chúng ta nhìn bằng đôi mắt của Đức Kitô, sống cuộc sống của mình như Đức Kitô đã sống cuộc sống của Người, hiểu cuộc đời như Đức Kitô đã hiểu.

Đó là lý do tại sao nước hằng sống là Chúa Thánh Thần thỏa mãn cơn khát của cuộc đời chúng ta, bởi vì Ngài cho chúng ta biết rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương như con cái, rằng chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa như con cái của Ngài, và nhờ ân sủng của Ngài chúng ta có thể sống như con cái Thiên Chúa, như Chúa Giêsu. Còn chúng ta, chúng ta có lắng nghe Chúa Thánh Thần không? Chúa Thánh Thần nói gì với chúng ta? Ngài nói: Thiên Chúa yêu thương bạn. Ngài cho chúng ta biết điều này. Thiên Chúa yêu thương bạn, Thiên Chúa thực sự yêu thương bạn. Còn chúng ta, chúng ta có thật sự yêu mến Thiên Chúa và tha nhân như Chúa Giêsu không? Hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta, hãy để cho Ngài nói với tâm hồn chúng ta và cho chúng ta biết điều này: Thiên Chúa là tình yêu, Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta, Thiên Chúa là Cha. Ngài yêu thương chúng ta như một người Cha thật, Ngài thật sự yêu thương chúng ta và chỉ một mình Chúa Thánh Thần nói điều này với tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy nghe Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy lắng nghe Chúa Thánh Thần, và chúng ta hãy tiến bước trên con đường này của tình yêu, lòng thương xót và tha thứ. Cảm ơn anh chị em.

 

BÀI GIÁO LÝ 6 VỀ KINH TIN KÍNH CỦA ĐTC PHANXICÔ: CÔNG VIỆC CỦA CHÚA THÁNH THẦN

 

“Chân lý của Đức Kitô, mà Chúa Thánh Thần dạy chúng ta và ban cho chúng ta, phải mãi mãi và hoàn toàn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày củachúng ta.”

 

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 15 tháng 5 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng trường Thánh Phêrô. Người tiếp tụcchu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và Năm Đức TinĐược biết Năm Đức Tin cũng là trọng tâm của Đại Hội Giáo Lý Việt Nam Toàn Quốc Hoa Kỳ lần thứ XII được tổ chức tại Baton Rouge, Louisiana từ ngày 21 đến 23 tháng 6, 2013.  

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay tôi muốn tập trung vào hành động mà Chúa Thánh Thần thực hiện trong việc hướng dẫn Hội Thánh và mỗi người chúng ta đến Chân Lý. Chính Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người: Chúa Thánh Thần “sẽ dẫn các con đến toàn thể chân lý” (Ga 16:13), chính Ngài là “Thần Khí Chân Lý” (x. Ga 14:17; 15:26, 16:13).

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà trong đó người ta một phần nào hoài nghi về Chân Lý. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói nhiều lần về thuyết tương đối,tức là khuynh hướng tin rằng không có gì là chung quyết, và nghĩ rằng chân lý phát sinh từ sự đồng thuãn hoặc từ những gì chúng ta muốn.  Câu hỏi được đặt ra là:thực sự có “chân lý” không?  Chân lý là gì?  Chúng ta có thể biết nó không?  Chúng ta có thể tìm thấy nó không?  Ở đây tôi nhớ đến câu hỏi của Thủ Hiến Phongxiô Philatô khi Chúa Giêsu tiết lộ cho ông ý nghĩa sâu xa của sứ mệnh của Người: Chân lý là gì?” (Ga 18:37.38). Philatô không hiểu rằng “Chân lý’ đang ở trước mặt ông, ôngkhông thể nhìn thấy trong Chúa Giêsu dung nhan của Chân Lý, là dung nhan củaThiên Chúa. Nhưng Chúa Giêsu chính là Chân Lý: Chân Lý “đã trở thành nhục thể”, trong thời viên mãn, (Ga 1,1.14), đã đến giữa chúng ta để chúng ta biết Chân Lý ấy. Không thể nắm bắt Chân Lý như nắm bắt một sự vật.  Chân Lý  phải được gặp gỡ. Nó không phải là một vật sở hữu, nhưng là một cuộc gặp gỡ với một Ngôi Vị.

Nhưng ai sẽ làm cho chúng ta nhận ra rằng Chúa Giêsu là “Lời” Chân Lý, ConMột Đức Chúa Cha?  Thánh Phaolô dạy rằng “không ai có thể nói rằng ‘Đức Giêsu là Chúa’ nếu không được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần” (1 Cor 12:3).  Chính Chúa Thánh Thần, hồng ân của Đức Kitô Phục Sinh, là Đấng làm cho chúng ta nhận raChân Lý.  Chúa Giêsu gọi Ngài là “Đấng Bảo Trợ”, nghĩa là “một Đấng đến để giúp đỡ chúng ta”,  Đấng đứng về phía chúng ta để nâng đỡ chúng ta trong cuộc hành trìnhđến hiểu biết; và trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu bảo đảm với các môn đệ rằng Chúa Thánh Thần sẽ dạy các ông mọi sự và nhắc nhở các ông những điều mà Người đãnói (x. Ga 14:26).

Như thế hành động của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta và trong đời sống Hội Thánh để hướng dẫn chúng ta đến Chân Lý là gì?  Trước hết, Ngài nhắc nhở và ghi khắc trong tâm hồn các tín hữu những lời mà Chúa Giêsu đã nói, và chính qua những lời này, Lề Luật của Thiên Chúa – như đã được các ngôn sứ của Cựu Ước công bố – được ghi khắc trong tâm hồn chúng ta và trở nên trong chúng ta một nguyên tắc để đánh giá những lựa chọn và hướng dẫn trong những hành động hàng ngày, nó trở nên một nguyên tắc của đời sống.  Lời tiên tri cả thể của ngôn sứEdêkiel được nên trọn: “Ta sẽ thanh tẩy các ngươi khỏi mọi ô uế và mọi ngẫu tượng của các ngươi, Ta sẽ ban cho các ngươi một quả tim mới, và đặt trong các ngươimột tinh thần mới… Ta sẽ đặt Thần Khí của Ta trong các ngươi, và làm cho các ngươi sống theo giới luật của Ta, và tuân giữ cùng thực hành các phán quyết của Ta”(36:25-27).  Thực ra, các hành động của chúng ta được nảy sinh từ chính tận thâm tâm chúng ta: chính quả tim cần phải được hoán cải trở về với Thiên Chúa, và Chúa Thánh Thần biến đổi nó nếu chúng ta mở lòng ra với Ngài.

Vậy, Chúa Thánh Thần, như Chúa Giêsu đã hứa, hướng dẫn chúng ta “vào tấtcả Chân Lý” (Ga 16:13); Ngài không những chỉ giúp chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu, sự viên mãn của Chân Lý, mà còn hướng dẫn chúng ta “vào” Chân Lý, làm cho chúng tađi vào sự hiệp thông sâu xa hơn với Chúa Giêsu, cho chúng ta hiểu biết về những gì thuộc về Thiên Chúa.  Chúng ta không thể đạt được điều này bằng sức riêng của mình. Nếu Thiên Chúa không soi sáng nội tâm chúng ta, việc làm Kitô hữu của chúng ta sẽ hời hợt.  Truyền Thống của Hội Thánh khẳng định rằng Thần Chân Lý hoạt đôngtrong tâm hồn chúng ta bằng cách làm dậy lên “cảm thức đức tin” (sensus fidei) này,mà qua đó, như Công đồng Vaticanô II xác quyết, Dân Thiên Chúa, dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền, gắn bó bền chặt với đức tin được truyền lại, và đào sâu nó bằng phán đoán đúng, cùng áp dụng nó cách trọn vẹn hơn trong đời sống (x. Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 12). Chúng ta hãy tự hỏi: tôi có mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần, tôi có cầu xin Ngài ban cho tôi ánh sáng, làm cho tôi nhạy cảm hơn với những gì thuộc về Thiên Chú không?  Đây là một kinh nguyện mà chúng ta cần phảiđọc mỗi ngày: Lạy Chúa Thánh Thần xin làm cho tâm hồn con mở ra cho Lời Chúa,cho tâm hồn con mở ra cho sự thiện, cho tâm hồn con mở ra cho vẻ đẹp của Thiên Chúa mỗi ngày.”  Tôi muốn đề ra một câu hỏi cho tất cả mọi người: có bao nhiêungười trong anh chị em cầu nguyện với Chúa Thánh Thần mỗi ngày? Có lẽ là ítngười, nhưng chúng ta phải đáp ứng mong muốn này của Chúa Giêsu và cầu nguyện mỗi ngày cùng Chúa Thánh Thần, ngõ hầu Ngài mở rộng tâm hồn chúng ta ra cho Chúa Giêsu.

Chúng ta hãy nghĩ đến Đức Mẹ Maria là Đấng đã giữ tất cả những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19.51).  Sự đón nhận những lời và những chân lý đức tin để chúng có thể trở nên sự sống, xảy ra và phát triển dưới tác động của Chúa Thánh Thần.  Theo nghĩa này, chúng ta phải học từ Đức Mẹ Maria, sống lại lời “xin vâng” của Mẹ, hoàn toàn sẵn lòng đón nhận Con Thiên Chúa vào cuộc đời Mẹ, mà từgiây phút ấy cuộc đời Mẹ đã được biến đổi. Nhờ Chúa Thánh Thần, Chúa Cha và Chúa Con đến ở với chúng ta; chúng ta sống trong Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa. Nhưng cuộc sống của Chúng ta có thực sự được sinh động hóa bởi Thiên Chúakhông? Chúng ta đặt bao nhiêu điều lên trước Thiên Chúa?

Anh chị em thân mến, chúng ta cần phải để cho mình được tràn ngập bởi ánh sáng của Chúa Thánh Thần, để Ngài đưa chúng ta vào Chân Lý của Thiên Chúa, Đấng là Chúa duy nhất của cuộc đời chúng ta.  Trong Năm Đức Tin này, chúng ta hãy tự hỏi mình xem chúng ta đã đi những bước cụ thể nào để biết thêm về Đức Kitô và Chân Lý đức tin, qua việc đọc và suy niệm Thánh Kinh, học Giáo lý, và trung thànhtiếp cận các Bí Tích. Nhưng đồng thời cũng hãy tự hỏi xem chúng ta đã đi những bước nào để làm cho đức tin hướng dẫn toàn thể cuộc đời chúng ta.  Một người không thể là một Kitô hữu “bán thời gian”, ở những thời điểm nào đó, trong những hoàn cảnh nào đó, trong một số chọn lựa.  Một người không thể là một Kitô hữu như thế.  Một người là Kitô hữu trong mọi gây phút! Toàn diện! Chân lý của Đức Kitô, mà Chúa Thánh Thần dạy chúng ta và ban cho chúng ta, phải mãi mãi và hoàn toàn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta.  Chúng ta hãy cầu khẩn Ngài thường xuyên hơn, để Ngài hướng dẫn chúng ta trên con đường làm môn đệ của Đức Kitô.  Chúng ta hãy cầu khẩn Ngài mỗi ngày. Tôi đề nghị cùng anh chị em điều này: chúng ta hãy khẩn cầu Chúa Thánh Thần mỗi ngày, để Chúa Thánh Thần đem chúng ta đến gần Đức Chúa Giêsu Kitô hơn.

BÀI GIÁO LÝ 7 VỀ KINH TIN KÍNH CỦA ĐTC PHANXICÔ:
HÃY TRỞ THÀNH NHỮNG CÔNG CỤ
CỦA HIỆP NHẤT VÀ HIỆP THÔNG

“Mỗi người trong tất cả chúng ta đều phải là người rao giảng Tin Mừng, đặc biệt là bằng cách sống của mình!… (hãy) trở thành những công cụ của sự hiệp nhất và hiệp thông với Thiên Chúa trong thế giới của chúng ta”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 22 tháng 5 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng trường Thánh Phêrô. Người tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và Năm Đức Tin. Hôm nay ĐTC mời gọi chúng ta “trở thành những công cụ của sự hiệp nhất và hiệp thông với Thiên Chúa trong thế giới của chúng ta.”

Được biết Năm Đức Tin cũng là trọng tâm của Đại Hội Giáo Lý Việt Nam Toàn Quốc Hoa Kỳ lần thứ XII được tổ chức tại Baton Rouge, Louisiana từ ngày 21 đến 23 tháng 6, 2013. 

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong Kinh Tin Kính, ngày sau khi đã tuyên xưng đức tin vào Chúa Thánh Thần, chúng ta nói: “Tôi tin Hội Thánh Duy Nhất nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.” Có một liên hệ sâu xa giữa hai thực tại này của đức tin: Thực ra, Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống cho Hội Thánh, hướng dẫn các bước đi của Hội Thánh. Nếu không có sự hiện diện và hành động không ngừng của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh không thể sống và không thể hoàn thành nhiệm vụ mà Chúa Giêsu Phục Sinh đã trao phó là đi và làm cho muôn dân thành môn đệ (x. Mt 28:18).

Rao giảng Tin Mừng là sứ vụ của Hội Thánh, chứ không chỉ là sứ vụ của một số người, nhưng là sứ vụ của tôi, của anh, của chị, là sứ vụ của chúng ta. Thánh Tông Đồ Phaolô kêu lên: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cor 9:16). Mỗi người trong tất cả chúng ta đều phải là người rao giảng Tin Mừng, đặc biệt là bằng cách sống của mình! Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh rằng “truyền giáo là… ân sủng và ơn gọi riêng của Hội Thánh, là căn tính của Hội Thánh. Hội Thánh hiện hữu để rao giảng Tin Mừng” (Tông Huấn. Evangelii Nuntiandi, 14).

Động lực thực sự của việc truyền giáo trong đời sống chúng ta và trong Hội Thánh là ai? Đức Phaolô VI đã viết một cách rõ ràng rằng: “Chính Ngài, Chúa Thánh Thần, ngày nay cũng như thủa ban đầu của Hội Thánh, hoạt động nơi mọi nhà truyền giáo là người để cho mình được Ngài sở hữu và hướng dẫn, và để Ngài đặt trên môi miệng mình những lời mà họ không thể tự mình tìm thấy, đồng thời Ngài cũng chuẩn bị tâm hồn người nghe để mở ra và đón nhận Tin Mừng và Vương Quốc được rao giảng” (ibid., 75). Như thế, để truyền giáo, một lần nữa, cần phải mở lòng ra cho chân trời của Thánh Thần Thiên Chúa, mà không sợ Ngài sẽ đòi hỏi nơi chúng ta những gì và sẽ dẫn chúng ta đi đâu. Chúng ta hãy phó thác cho Ngài! Ngài sẽ cho chúng ta có khả năng sống và làm chứng cho đức tin của mình, cùng soi sáng tâm hồn của những người mà chúng ta sẽ gặp. Đó chính là kinh nghiệm của Lễ Ngũ Tuần; các Tông Đồ tụ họp cùng Đức Mẹ Maria trong nhà Tiệc Ly, “thấy những hình như lưỡi lửa hiện ra với họ, phân tán ra và đậu xuống từng người một. Tất cả mọi người trong họ đều được đầy tràn Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói các thứ tiếng khác lạ, tuỳ theo Chúa Thánh Thần ban cho họ nói” (Cv 2:3-4). Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ, làm cho các ông ra khỏi phòng, nơi mà các ông đã phải đóng cửa vì sợ, làm cho các ông ra khỏi chính mình, và biến đổi các ông thành những người loan báo và nhân chứng của “những kỳ công của Thiên Chúa” (câu 11). Và sự biến đổi này được thực hiện bởi Chúa Thánh Thần, được phản ảnh trong việc đám đông vội vã kéo đến hiện trường và họ đến “từ mọi dân tộc dưới bầu trời” (câu 5), vì mỗi người nghe những lời của các Tông Đồ như chúng được nói bằng ngôn ngữ riêng của họ (câu 6 ).

Đây là một kết quả quan trọng đầu tiên của hành động của Chúa Thánh Thần là Đấng hướng dẫn và linh hoạt hóa việc loan báo Tin Mừng: sự hiệp nhất và hiệp thông. Nơi tháp Babel, theo Kinh Thánh, việc phân tán của các dân tộc và sự xáo trộn về ngôn ngữ đã bắt đầu, là kết quả của các hành động ngạo mạn và tự hào của con người, những kẻ muốn xây dựng bằng sức mạnh của chính mình, không cần Thiên Chúa, “một thành và một cái tháp, mà đỉnh tháp cao thấu trời” (St 11:4). Ở Lễ Hiện Xuống, những phân chia này được khắc phục. Không còn niềm tự hào đối với Thiên Chúa nữa, và cũng không đóng cửa lòng đối với nhau, nhưng có việc mở lòng ra với Thiên Chúa, người ta đi ra ngoài để loan báo Lời Ngài: một ngôn ngữ mới, đó là ngôn ngữ của tình yêu mà Chúa Thánh Thần đã đổ vào lòng chúng ta (x. Rm 5:5), một ngôn ngữ mà tất cả mọi người có thể hiểu được và nếu người ta lắng nghe, nó có thể được diễn tả trong mọi cuộc sống và mọi nền văn hóa. Ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần, ngôn ngữ của Tin Mừng, là ngôn ngữ của sự hiệp thông, mời gọi chúng ta vượt qua những khép kín và thờ ơ, những chia rẽ và xung đột. Tất cả chúng ta nên tự hỏi mình: tôi phài làm thế nào để được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, ngõ hầu cuộc sống của tôi và lời chứng của tôi về đức tin thành những dấu chỉ của sự hiệp nhất và hiệp thông? Tôi có đem sứ điệp hòa giải và tình yêu, là Tin Mừng, vào trong môi trường mà tôi đang sống không? Đôi khi dường như điều đã xảy ra ở tháp Babel đang được lặp lại hôm nay; những chia rẽ, không có khả năng hiểu nhau, những cạnh tranh, ganh tị, ích kỷ. Còn tôi, tôi phải làm gì với cuộc đời của tôi? Tôi có tạo nên sự hiệp nhất quanh tôi không? Hay là tôi tạo ra chia rẽ, với những việc ngồi lê mách lẻo, chỉ trích và tị hiềm của tôi? Tôi phải làm gì? Chúng ta hãy suy nghĩ về điều đó. Đem Tin Mừng, chính là bắt đầu bằng việc loan báo và sống sự hòa giải, tha thứ, bình an, hiệp nhất và tình yêu mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta.

Chúng ta hãy nhớ những lời của Chúa Giêsu: “Vì điều này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:34-35).

Một yếu tố thứ hai: ngày Lễ Ngũ Tuần, Thánh Phêrô, tràn đầy Chúa Thánh Thần, đứng lên “cùng nhóm mười một” và “lên tiếng” (Cv 2:14), “với sự mạnh dạn” (câu 29), loan báo tin mừng về Chúa Giêsu, Đấng đã hiến mạng sống của Người để cứu rỗi chúng ta và Thiên Chúa đã cho Ngừoi từ cõi chết sống lại. Đây là một kết quả khác của tác động của Chúa Thánh Thần: lòng can đảm để loan báo tính mới mẻ của Tin Mừng của Chúa Giêsu cho tất cả mọi người với sự chắc chắn (parrhesia), lớn tiếng, trong mọi thời đại và ở mọi nơi. Và điều này vẫn còn xảy ra ngày nay cho Hội Thánh và cho mỗi người chúng ta: ngọn lửa của Lễ Ngũ Tuần, tác động của Chúa Thánh Thần, không ngừng phát ra những năng lượng mới cho sứ vụ, những con đường mới để công bố sứ điệp cứu độ, một lòng can đảm mới để rao giảng Tin Mừng. Chúng ta đừng bao giờ đóng cửa lòng lại với tác động này! Chúng ta hãy sống Tin Mừng với lòng khiêm nhường và can đảm! Chúng ta hãy làm chứng cho tính mới lạ, niềm hy vọng, niềm vui mà Chúa mang đến cho cuộc đời chúng ta. Chúng ta hãy cảm nghiệm trong mình “niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc rao giảng Tin Mừng” (Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, 80). Bởi vì việc truyền giáo, việc rao giảng Chúa Giêsu, ban cho chúng ta niềm vui: ngược lại, sự ích kỷ cho chúng ta cay đắng, buồn rầu, làm cho chúng ta ra suy đồi; rao giảng Tin Mừng kéo chúng ta lên cao.

Tôi chỉ đề cập một cách đơn sơ đến yếu tố thứ ba, nhưng nó đặc biệt quan trọng: một cuộc tân phúc âm hóa, một Hội Thánh truyền giáo, phải luôn luôn khởi đầu bằng cầu nguyện, khẩn xin ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, như các Tông Đồ trong Nhà Tiệc Ly. Chỉ có mối liên hệ trung thành và mãnh liệt với Thiên Chúa mới cho phép chúng ta ra khỏi những nơi đóng kín của mình và rao giảng Tin Mừng vớiparrhesia (sự chắc chắn). Nếu không có cầu nguyện những việc làm của chúng ta trở nên trống rỗng và lời rao giảng của chúng ta không có hồn, vì nó không được sinh động hóa bởi Chúa Thánh Thần.

Các bạn thân mến, như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã xác quyết, Hội Thánh ngày nay “đặc biệt cảm thấy luồng gió của Chúa Thánh Thần là Đấng trợ giúp chúng ta, cho chúng ta thấy một cách đúng đắn; và vì vậy, với nhiệt tình mới, chúng ta đang bước trên đường và chúng ta cảm tạ Chúa” (Ngỏ Lời với Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường Kỳ, ngày 27 tháng 10 năm 2012). Chúng ta hãy canh tân mỗi ngày niềm tin tưởng của mình vào Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy tin tưởng rằng Ngài hoạt động trong chúng ta, Ngài ngự trong chúng ta, ban cho chúng ta lòng nhiệt thành làm việc tông đồ, ban cho chúng ta bình an, ban cho chúng ta niềm vui. Chúng ta hãy để cho Ngài hướng dẫn, chúng ta là những người của cầu nguyện, là những người làm chứng cho Tin Mừng với lòng can đảm, để trở thành những công cụ của sự hiệp nhất và hiệp thông với Thiên Chúa trong thế giới của chúng ta. Cảm ơn anh chị em!

HỘI THÁNH LÀ GIA ĐÌNH CỦA THIÊN CHÚA

(BÀI GIÁO LÝ 8 VỀ KINH TIN KÍNH CỦA ĐTC PHANXICÔ)

“Hội Thánh được sinh ra từ ý muốn của Thiên Chúa là kêu gọi tất cả mọi người vào hiệp thông với Ngài, vào tình bằng hữu của Ngài, và thực ra thông phần vào sự sống thần linh của Ngài như những người con”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 29 tháng 5 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng trường Thánh Phêrô. Người tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và Năm Đức Tin. Hôm nay ĐTC bắt đầu những bài Giáo Lý về mầu nhiệm Hội Thánh.”

Được biết Năm Đức Tin cũng là trọng tâm của Đại Hội Giáo Lý Việt Nam Toàn Quốc Hoa Kỳ lần thứ XII được tổ chức tại Baton Rouge, Louisiana từ ngày 21 đến 23 tháng 6, 2013. 

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Thứ tư tuần trước tôi đã nhấn mạnh đến mối liên hệ sâu xa giữa Chúa Thánh Thần và Hội Thánh. Hôm nay tôi muốn bắt đầu một số bài giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh, một mầu nhiệm mà trong đó tất cả chúng ta đều sống và chúng ta là một phần của mầu nhiệm ấy. Tôi muốn bắt đầu với một số từ ngữ mà ai cũng biết trong các bản văn của Công Đồng Vaticanô II.

Bài giáo lý hôm nay: Hội Thánh như gia đình của Thiên Chúa.

Trong những tháng gần đây, tôi đã nhiều lần nhắc đến dụ ngôn người con hoang đàng, hay đúng hơn là dụ ngôn người cha nhân hậu (x. Lc 15:11-32). Người con thứ của ông rời bỏ nhà cha mình, hoang phí tất cả và quyết định trở về bởi vì anh ta nhận ra rằng mình đã sai, nhưng anh không còn coi là mình xứng đáng làm một người con, và nghĩ rằng mình có thể trở về như một người đầy tớ. Thay vào đó, người cha chạy đến gặp anh, ôm chầm lấy anh, phục hồi phẩm giá của một người con cho anh và mở tiệc ăn mừng. Dụ ngôn này, cũng như những dụ ngôn khác trong Tin Mừng, cho thấy kế hoạch của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Kế hoạch này của Thiên Chúa là gì? Là làm cho tất cả chúng ta thành một gia đình con cái của Ngài, trong đó mỗi người cảm thấy gần gũi và cảm thấy được Ngài yêu thương, như trong dụ ngôn của Tin Mừng, và cảm thấy sự ấm áp được thuộc về gia đình của Thiên Chúa. Trong kế hoạch vĩ đại này Hội Thánh tìm thấy nguồn gốc của mình; Hội Thánh không phải là một tổ chức được thành lập bởi một hợp đồng với một số người, nhưng – như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta – là công việc của Thiên Chúa, được sinh ra tử kế hoạch yêu thương thể hiện cách tiệm tiến trong lịch sử. Hội Thánh được sinh ra từ ý muốn của Thiên Chúa là kêu gọi tất cả mọi người vào hiệp thông với Ngài, vào tình bằng hữu của Ngài, và thực ra thông phần vào sự sống thần linh của Ngài như những người con.

Gốc của từ “Hội Thánh” là từ ekklesia Hy Lạp, có nghĩa là “cuộc tập họp”:Thiên Chúa kêu gọi chúng ta, thúc giục chúng ta thoát ra khỏi chủ nghĩa cá nhân, khỏi khuynh hướng khép kín nơi chính mình, và kêu gọi chúng ta làm phần tử của gia đình Ngài. Ơn gọi này bắt nguồn từ chính việc tạo dựng. Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta để sống trong một mối liên hệ bằng hữu sâu xa với Ngài, và ngay cả khi tội lỗi làm đứt mối liên hệ này với Thiên Chúa, với người khác và với các tạo vật, Thiên Chúa đã không bỏ rơi chúng ta. Toàn thể lịch sử cứu độ là câu chuyện về Thiên Chúa tìm kiếm con người, ban cho họ tình yêu của Ngài và đón chào họ. Ngài đã gọi ông Abraham làm cha của nhiều người, Ngài đã chọn dân Israel để lập một giao ước bao trùm mọi dân tộc, và đến thời viên mãn đã sai Con Ngài xuống ngõ hầu kế hoạch yêu thương và cứu độ của Ngài được thực hiện trong một giao ước mới và vĩnh cửu với nhân loại. Khi đọc các sách Tin Mừng, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu tụ họp quanh Người một cộng đồng nhỏ bé là cộng đồng đón nhận lời Người, đi theo Người, chia sẻ cuộc hành trình của Người, trở thành gia đình của Người, và với cộng đồng này Người chuẩn bị và xây dựng Hội Thánh của Người.

Vậy Hội Thánh đã sinh ra ở đâu? Hội Thánh đã sinh ra từ hành động tối cao của tình yêu trên thập giá, nơi cạnh sườn bị đâm thâu qua của Chúa Giêsumà từ đó máu và nước chảy ra, một biểu tượng của Bí tích Thánh Thể và Thánh Tẩy. Trong gia đình của Thiên Chúa, trong Hội Thánh, các mạch máu là tình yêu Thiên Chúa được diễn tả trong việc yêu mến Ngài và yêu thương tha nhân, tất cả mọi người không phân biệt ai, và không đo lường. Hội Thánh là một gia đình trong đó chúng ta yêu thương và được yêu thương.

Hội Thánh tỏ lộ khi nào? Chúng ta mừng ngày này cách đây hai tuần: Hội Thánh tỏ lộ khi hồng ân của Chúa Thánh Thần đổ đầy tâm hồn của các Tông Đồ và thúc đẩy các ông đi ra ngoài và bắt đầu cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng, truyền bá tình yêu của Thiên Chúa.

Ngày nay vẫn còn có người nói rằng, “Đức Kitô thì vâng, nhưng Hội Thánh thì không”. Giống như những người nói: “tôi tin vào Thiên Chúa nhưng không tin vào các linh mục.” Nhưng chính Hội Thánh đem Đức Kitô đến với chúng ta và dẫn chúng ta đến cùng Thiên Chúa; Hội Thánh là đại gia đình của con cái Thiên Chúa. Tất nhiên Hội Thánh cũng có những khía cạnh con người; trong những người hợp thành Hội Thánh, là các mục tử và các tín hữu, có những thiếu sót, khiếm khuyết, tội lỗi, ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng có chúng, và ngài có rất nhiều, nhưng điều đẹp đẽ là khi chúng ta nhận ra rằng mình là những người tội lỗi, chúng ta tìm thấy lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng luôn luôn tha thứ. Đừng quên điều này: Thiên Chúa luôn luôn tha thứ và đón nhận chúng ta trong tình yêu tha thứ và thương xót của Ngài. Một số người nói rằng tội lỗi là một hành vi xúc phạm đến Thiên Chúa, nhưng cũng là một cơ hội để khiêm nhường, để nhận ra rằng có một điều gì tốt hơn: lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này.

Hôm nay chúng ta hãy tự hỏi mình: Tôi yêu Hội Thánh nhiều bao nhiêu? Tôi có cầu nguyện cho Hội Thánh không? Tôi có cảm thấy mình là phần tử của gia đình Hội Thánh không? Tôi phải làm gì để Hội Thánh thành một cộng đồng nơi mà tất cả mọi người cảm thấy được chào đón và thông cảm, cảm thấy lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa, là những điều canh tân cuộc sống? Đức tin là một hồng ân và một hành động ảnh hưởng đến cá nhân chúng ta, nhưng Thiên Chúa mời gọi chúng ta sống đức tin với nhau, như một gia đình, như Hội Thánh.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa, cách đặc biệt trong Năm Đức Tin này, để các cộng đoàn của chúng ta, toàn thể Hội Thánh, càng ngày càng trở nên những gia đình thật sự sống và mang trong mình sự ấm áp của Thiên Chúa. Cám ơn anh chị em.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ