Bài 17: Vấn Nạn Của Thế Giới Ngày Nay

HuanducngaynayBài huấn đức tối 01-05-1991

Lần trước Cha đã nói về linh mục thời đại và con người thời nay cần những linh mục như thế nào. Hôm nay, chúng ta sẽ đi sâu hơn về tính chất và hoạt động của thời đại này. Một cách chung chung, người ta thường gọi thời đại này là thời đại văn minh hay thời đại nguyên tử. Nhưng đúng hơn, đây là thời đại khả năng vô biên của con người. Vì chỉ trong vòng mấy chục năm trở lại đây, khoa học và kỹ thuật đã đưa con người đến những tiến bộ, khám phá vượt bậc mà cả gần hai mươi thế kỷ trước vẫn còn xem là chuyện hoang đường.

Thời kỳ Cha mới đến Roma du học vào năm 1956, một linh mục đã hô hào giáo dân góp tiền để xây nhà thờ trên mặt trăng. Ngài đăng báo hẳn hoi làm cho mọi người đều ngạc nhiên. Nhiều người cho rằng linh mục ấy bị tâm thần, bị chập (tức là không bình thường). Nhưng chỉ hơn một năm sau, Liên Xô phóng phi thuyền thí nghiệm đưa con chó tên Laika lên không gian, rồi sáu tháng sau với phi thuyền Sputnik, Gagarin, người đầu tiên được đưa lên vũ trụ. Thế giới trầm trồ khen ngợi Liên Xô. Họ đặt những tượng hình phi thuyền Sputnik ở nhiều quảng trường để đánh dấu bước tiến vĩ đại này. Đến thời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, vào năm 1969, phi hành gia Armstrong của Mỹ đặt chân xuống mặt trăng và đem về những mẩu đất đá nữa. Trong những ngày lịch sử ấy, qua truyền hình, Đức Thánh Cha chăm chú theo dõi phi vụ chinh phục mặt trăng, một thành quả nói lên khả năng trổi vuợt của con người và quyền năng vô biên của Thiên Chúa… Ngài được vinh dự mời nói vài lời để chuyển lên mặt trăng. Và Ngài đã dùng lại những lời trong sách Sáng Thế Ký của Kinh Thánh: “Từ trước, Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ…” Khi các chuyện ấy cứ liên tiếp xảy ra, chẳng còn ai nhắc đến chuyện ông linh mục “chập” nữa. Chuyện không tưởng ngày trước bây giờ trở thành có thể rồi.

Khả năng của con người đã làm thay đổi mọi lãnh vực của cuộc sống. Ngày xưa các vị truyền giáo ở Âu Châu phải đi tàu thủy mất sáu tháng mới đến Việt Nam. Đến thời Cha du học, từ Sài Gòn đến Marseille bằng tàu thủy mất 21 ngày. Và bây giờ đi máy bay chỉ còn mất khoảng mười tiếng. Năm 1959, đi từ Paris đến New York mất 12 tiếng. Bây giờ chỉ còn 6 tiếng thôi. Thế giới ngày càng văn minh và khả năng con người như vô tận.

Về thực vật, có loại cây từ nguyên thủy đến nay không có hoa, vậy mà bây giờ khoa học làm cho nó ra hoa hoặc đổi màu sắc của hoa. Về dinh dưỡng, thấy rằng ăn thịt nhiều không tốt, con người tìm cách pha chế đỗ (đậu) tương ra những thức ăn có phẩm chất như thịt nhưng lại tốt cho sức khỏe… Đó chỉ là một vài ví dụ thôi. Nói chung, tất cả mọi lãnh vực đều đạt được những thành quả mỹ mãn. Nhưng một số những thành quả này đang trở thành vấn nạn cho Giáo Hội.

Cha thuộc hạng người già. Những vấn nạn này không đụng chạm đến Cha nhiều. Cứ vui vẻ hưởng dùng những phát minh mới. Họ chế đỗ tương ra thịt thì mình ăn. Họ phóng phi thuyền thì mình xem… Nhưng chúng con là những người sẽ phải đương đầu trực tiếp với những vấn nạn đó. Ví dụ: chuyện khoa học thành công trong việc thụ thai nhân tạo. Thời còn chiến tranh Việt Nam, người ta lấy tinh trùng của một Đại Úy Hoa Kỳ đem về Mỹ để thụ thai nhân tạo. Tinh trùng của ông được dùng để thụ thai nhân tạo và cho chào đời 300 đứa bé. Nhưng những đứa bé đó và mẹ của chúng lại không biết ông ta. Vấn đề đặt ra là nếu có cặp nào trong 300 đứa bé cùng bố đó sau này lớn lên và lấy nhau thì phải tính làm sao đây?

Một vấn đề khác cũng rắc rối không kém. Giả sử bây giờ người ta làm thụ thai nhân tạo rồi cấy vào tử cung của con khỉ, để cho khỉ nuôi dưỡng bào thai và sinh ra một “đứa bé”. Vậy thì “đứa bé” đó là người hay là khỉ? Câu hỏi này được đặt ra vì mới đây một người đàn bà mang thai thuê ở Mỹ đã không chịu trao đứa bé vừa sinh ra cho người chủ thuê mình, với lý luận rằng: Chính tôi sinh ra đứa bé thì nó là con của tôi. Rắc rối thật.

Vấn đề thứ hai đang là hố ngăn cách giàu nghèo. Người giàu thì ngày càng quá giàu, trong khi người nghèo thì ngày càng thê thảm. Trên thế giới hiện nay, những người giàu chiếm 2/3 đất đai toàn cầu, trong khi người nghèo chiếm 2/3 số dân thế giới, phải sống chen chúc nhau trên 1/3 đất đai còn lại. Do đó, bất công và nghèo đói cứ kéo dài mãi.

Vấn đề thứ ba: nạn nhân mãn. Dân số thế giới ngày càng tăng. Cứ 3 người sinh ra trên thế giới thì có một người Trung Hoa. Và chỉ nguyên ở Việt Nam, mỗi năm trung bình có thêm 1.200.000 người. Hơn nữa, những tiến bộ về y khoa, về thuốc men chữa trị bệnh, và dinh dưỡng cao cũng giúp con người sống lâu hơn trước. Người thì càng ngày càng đông đúc, trong khi trái đất vẫn như vậy. Vì thế, vấn đề đặt ra là làm thế nào để mọi người có đủ cơm ăn, áo mặc, có nhà ở, có công việc và sống xứng với phẩm giá của mình. Đây không phải chỉ là vấn đề của xã hội nhưng còn đụng chạm đến tôn giáo nữa. Nếu muốn áp dụng kế hoạch giảm dân hay kiểm soát dân số thì phải làm như thế nào? Kế hoạch đó có tôn trọng sự tự do của con người không?

Một vấn đề khác liên quan tới dân số và sự nghèo đói. Lấy nước Ái Nhĩ Lan làm ví dụ. Dân Ái Nhĩ Lan có tỷ lệ Công Giáo rất cao. Họ rất đạo đức và trung thành với đức tin, nên đi đến đâu họ mang đạo đến đó. Ở Anh, đa số người Công Giáo là người Ái Nhĩ Lan, và ở Mỹ một số lớn những người Công Giáo tốt đều có gốc gác từ Ái Nhĩ Lan. Tuy nhiên, ngay ở trong nước Ái Nhĩ Lan đã có một thời mà dân chúng phải sống trong cảnh nghèo khổ. Và vì nghèo, ít người có điều kiện công ăn, việc làm, nhà ở… để lập gia đình một cách chính thức, nhưng con cái thì vẫn được sinh ra. Theo luật Công Giáo và truyền thống đạo đức thời đó, những người “ngoại hôn” này bị loại ra khỏi xã hội, nên càng đói khổ hơn. Kết quả là nạn cướp bóc xảy ra khắp nơi và vấn đề tự tử cũng nhiều hơn. Ngày nay, nhiều quốc gia cũng đang lâm vào tình trạng của Ái Nhĩ Lan ngày trước. Như vậy, vấn đề dân số và nghèo đói không còn chỉ là vấn đề xã hội, nhưng liên hệ cả tới vấn đề tôn giáo, và tâm lý của con người nữa.

Không biết thường ngày chúng con cầu nguyện điều gì? Chẳng lẽ lúc nào cũng thưa: “Lạy Chúa, hôm nay con ăn cũng được và ngủ cũng được mãi sao”. Lời cầu nguyện của chúng con phải bao gồm những vấn nạn của con người và thế giới ngày nay. Bao gồm những ưu tư của Giáo Hội về ơn gọi, về truyền giáo, về đời sống đạo… Xã hội vô thần hay xã hội văn minh cũng đều có những vấn đề đáng quan tâm. Ngay ở nước Pháp, một nước được xem là Trưởng Nữ của Giáo Hội, cũng đã có những dấu hiệu suy thoái về đạo đức, luân lý. Ngày Chúa Nhật chỉ còn một số ít người Công Giáo đi lễ, và thường là người già cả. Và trẻ em vị thành niên được tự do dùng thuốc ngừa thai… Với chúng ta, mặc dầu còn “ngoan đạo”, Đức Thánh Cha cũng đã cho thấy trước những nguy hiểm phải đương đầu: “Những thách đố lớn cho các Giáo Hội ở Á Châu là trào lưu duy vật, trào lưu tiêu thụ và trào lưu tục hóa”. Nếu chúng ta không quan tâm và chuẩn bị, những trào lưu này sẽ làm cho Giáo Hội và xã hội điêu đứng.

Hôm nay, Cha dừng lại ở đây. Cha muốn chúng con nhận thức được bộ mặt thật của thế giới này. Một thế giới thật văn minh nhưng lại tạo ra hố cách biệt giữa người nghèo và người giàu càng ngày càng lớn. Một thế giới tiêu thụ, vật chất, đang muốn đặt nấc thang giá trị đời người trên tiền bạc, của cải. Một thế giới muốn gạt tôn giáo ra ngoài cuộc sống. Chúng con là những người trực tiếp đương đầu với con người và với thế giới ngày nay. Hãy chuẩn bị thật kỹ bằng cầu nguyện, bằng việc nghiên cứu, và học hỏi những vấn đề của thời đại một cách khoa học. Như thế, chúng con sẽ không bị lạc lõng với con người hôm nay, và có thể giúp họ tìm ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Điệp khúc: “Con cứ về rồi Cha cầu nguyện cho” của Cha xứ để trả lời cho giáo dân đến hỏi ý kiến về những vấn nạn xã hội, gia đình, lương tâm… không còn hữu dụng như ngày trước nữa. Giáo dân ngày nay đã tiến xa. Nếu chúng con không trở thành linh mục của thời đại, họ sẽ bỏ Giáo Hội và chạy theo thế giới. Cha mong muốn tất cả chúng con hãy ý thức điều đó, để chuẩn bị đối phó. Phần còn lại, Chúa sẽ bổ túc cho.