Bài 16: Yêu Mến Mẹ Maria, Ngày 01-05-1991 – Lễ Thánh Giuse Thợ

St 1, 26-2, 3; Mt 13, 54-58 

GiusethoThời kỳ Cha còn ở chủng viện, có một cha già 70 tuổi đã nghỉ hưu cũng về sống tại đây, để lo việc linh hồn cho các chủng sinh. Các anh em đều nhận thấy Ngài rất nhẫn nại và hiếu học. Ngài đã đọc trọn bộ quyển Hạnh Các Thánh bằng tiếng Pháp dày cả nghìn trang. Và mỗi khi gặp danh từ nào không biết, Ngài lại hỏi đố anh em chủng sinh để hiểu thêm danh từ đó. Khi biết Ngài đã đọc xong toàn bộ cuộc sách, chúng tôi hỏi Ngài: “Đọc xong bộ sách Hạnh Các Thánh, cha có rút ra được kết luận gì không?” Suy nghĩ một lát, Ngài nói: “Cha nhận thấy một điều này là bất cứ Thánh nào cũng có lòng yêu mến Đức Mẹ”. 

Cha cũng vừa mới đọc cuốn sách của Đức Hồng Y hiện đã nghỉ hưu và đang phụ trách Đền Thờ Thánh Phêrô. Cuốn sách ấy có tựa đề: “Những vị Thánh có lòng yêu mến Mẹ Maria cách đặc biệt”. Sách kể ra 20 vị Thánh tiêu biểu. Nói là tiêu biểu vì Thánh nào mà chẳng có lòng yêu mến Đức Mẹ. Trước hết là Thánh Giuse, rồi Thánh Gioan, Ambrôsiô, Augustinô, Anfônsô… và sau cùng là Thánh Maximilien Kolbe. 

Thánh Giuse được kể là người yêu mến Đức Mẹ nhất. Như điều thần học thường xác quyết:: “Thiên Chúa ban cho ai chức vụ gì thì một trật cũng ban ơn đủ để chu toàn chức vụ ấy”, Thánh Giuse được Chúa kêu gọi để làm bạn với Đức Mẹ, nên Thiên Chúa cũng đặt tình yêu của Ngài vào trái tim của Thánh Giuse, để Thánh Giuse yêu mến Đức Mẹ thiết tha hơn. 

Thật vậy, Thánh Giuse là người có lòng yêu mến Đức Mẹ cách đặc biệt. Ngài không phải chỉ gặp Đức Mẹ một vài lần như những lần Đức Mẹ hiện ra với vị Thánh này, Thánh nọ, hay với người này người kia, nhưng được gặp Đức Mẹ trong suốt mấy chục năm sống ở trần thế. Thánh Giuse luôn ở cùng Đức Mẹ và thấy rõ các nhân đức của bạn mình. Và càng thấy rõ sự trọn lành, vẹn tuyền của Đức Mẹ, Thánh Giuse càng thêm lòng yêu mến, kính trọng Mẹ. Bà Thánh Bênadette đã được Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức nói rằng: “Một khi đã trông thấy Đức Mẹ rồi thì chỉ muốn chết. Tại sao? Vì thấy Đức Mẹ đẹp đẽ quá sức tưởng tượng, không còn muốn xem sự gì nữa mà chỉ muốn chết để được thấy Đức Mẹ mãi”. Vì thế, Thánh Giuse thật quá hạnh phúc vì được sống với Đức Mẹ suốt cả cuộc đời. 

Người Việt Nam chúng ta có lòng yêu mến Đức Mẹ cách đặc biệt. Nhưng lòng kính mến ấy có một cái gì thái quá và vụ lợi. Giáo dân Việt Nam mình nhiều khi bỏ công ăn việc làm, bỏ cả những việc bổn phận, để đi đến các trung tâm hành hương Đức Mẹ khấn xin. Và thông thường, họ cũng chỉ khấn xin những điều có lợi cho mình. Nghe đọc danh sách những người xin ơn Đức Mẹ sẽ thấy rõ điều đó: 30 người xin khỏi bệnh, 5 người xin tìm thấy của, 7 người xin khỏi đau mắt… Toàn là xin ơn. Không thấy đá động gì đến lòng kính mến. Đành rằng Đức Mẹ chẳng chối từ ban ơn, nhưng lối kính mến ấy còn mang tính cách của trẻ thơ. Với Mẹ của mình, một đứa bé chỉ biết đòi quà, xin áo quần mới, xin tiền… Xin đủ thứ. Không được như ý thì nó khóc lóc, giận hờn. Nhưng đến lúc lớn lên, người con đối xử với Mẹ mình một cách khác. Không còn xin đòi như ngày trước, nhưng muốn làm tất cả cho Mẹ: Mẹ nghỉ đi, để con quét nhà, thổi cơm cho; hay biếu Mẹ tiền để may mặc, mua sắm tùy ý Mẹ, hoặc dành thì giờ ở với Mẹ… Nói tóm lại, người con trưởng thành muốn làm tất cả những gì Mẹ cần, Mẹ muốn để làm hài lòng Mẹ. 

Lòng yếu mến Mẹ Maria của chúng ta cũng phải trưởng thành như thế. Nghĩa là phải vượt qua giai đoạn trẻ thơ luôn đòi xin Mẹ cái này cái khác, để ý thức làm những việc Mẹ vui lòng, học tập bắt chước gương sáng của Mẹ và luôn tự hỏi: Mẹ muốn con làm gì? Rồi hết sức thực hiện điều Mẹ mong muốn, và nhất là luôn sống bên cạnh Mẹ. 

Yêu mến Mẹ cũng là ý muốn của Thánh Giuse, vì Thánh Giuse biết rằng Mẹ rất đáng mến yêu. Đức Hồng Y Suenens ở Bỉ, là một nhà thần học nổi tiếng và đạo đức, có lần cùng Vua Baudouin ngồi chung xe và được nghe dân chúng hai bên đường vui mừng tung hô lớn tiếng: “Hoan hô Fabiôla. Hoan hô Fabiôla” (Fabiôla là Hoàng Hậu) Khi về tới cung, Đức Hồng Y gợi chuyện: “Dân chúng lạ thật. Thấy Vua mà lại cứ hoan hô Hoàng Hậu là thế nào nhỉ!” Vua trả lời: “Vì dân chúng biết tôi rất yêu mến Hoàng Hậu và Hoàng Hậu cũng rất yêu mến tôi, nên khi hoan hô Hoàng Hậu, họ biết chắc là tôi rất hài lòng”. Cũng vậy, Thánh Giuse rất vui mừng khi ta yêu mến và tung hô Mẹ Maria, vì Ngài rất mực yêu mến Đức Mẹ. 

Theo đức tin và thần học, chúng ta quả quyết Thánh Giuse yêu mến Đức Mẹ nhất. Nếu chúng ta nêu câu hỏi với Thánh Giuse: “Phải làm gì để được ơn cứu độ?”, chắc Ngài sẽ bảo chúng ta yêu mến Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Bởi vì Thánh Giuse đã yêu, đã cảm nghiệm sự tốt lành của Đức Mẹ và Ngài muốn hết mọi người chúng ta hãy yêu mến Mẹ như Ngài. Trái lại, nếu ta hỏi Đức Mẹ, chắc Mẹ cũng sẽ bảo ta yêu mến Thánh Giuse, vì không ai yêu mến Thánh Giuse mà lại không yêu Đức Mẹ và Chúa Giêsu. 

Là con cái của các Ngài, chúng ta phải yêu mến cả Đức Mẹ và Thánh Giuse để nhờ đó gặp được Thiên Chúa. Trong các Thông Điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, người ta thấy một điều then chốt được Ngài nhắc đến luôn, đó là danh từ : “Cứu Chuộc”. Các Thông Điệp này có tên: “Đấng Cứu Chuộc”, “Mẹ Đấng Cứu Chuộc”, “Cha Nuôi Đấng Cứu Chuộc”… Điều này cho chúng ta thấy được vai trò quan trọng của Đức Mẹ và Thánh Giuse trong công cuộc cứu chuộc. Cả hai Đấng đã cộng tác đắc lực trong công cuộc cứu chuộc của Con Chúa. Các Ngài đã nuôi nấng, giáo dục Chúa Giêsu, nên xứng đáng được hưởng vinh phúc với Chúa. 

Chúng con là linh mục sau này. Người linh mục càng phải có lòng kính mến Mẹ Maria hơn người giáo dân và yêu mến Mẹ một cách trưởng thành hơn. Vì thế, chúng con cần phải luôn tự hỏi: “Hôm nay, trong lúc này, và hoàn cảnh này, Mẹ muốn con làm gì?” Rồi cố gắng sống chu toàn công việc bổn phận và kết hiệp mọi vui buồn, sướng khổ để cùng với Mẹ dâng lên Thiên Chúa, góp phần thực hiện sứ mạng cứu chuộc của Chúa Giêsu, đem nhiều linh hồn về với Chúa. Và như thế, chúng ta chắc chắn sẽ được hưởng vinh quang muôn đời với Mẹ Maria và Thánh Giuse. Ngày hôm nay, chúng con cũng nhớ cầu nguyện cho Đức Cha Bùi Chu, quan thầy Thánh Giuse Thợ, để Ngài thêm sức lực phục vụ Giáo Hội của Chúa. Amen.