Ánh Sao thấm đượm ơn cứu rỗi

Is 60,1-6 ; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12.
 
Những ngày gần đây trên truyền hình và báo chí đưa tin về chuyến máy bay gặp nạn rơi trên biển. Khi mà các nạn nhân dần nổi trên mặt biển, thì cùng lúc có biết bao tiếng khóc nấc nở, gào thét của người thân như thể tuyệt vọng. Bởi vì người thân của họ đã nhắm mắt, ngọn lửa hy vọng đã vụt tắt. Cả thế giới bàng hoàng và bản thân người viết cũng sững sờ. Lại thêm nữa, ngay sau lễ Giáng Sinh, sơ Mát-ta Thuyết (giúp Đại Chủng Viện Hà-nội) mới hơn 30 tuổi đời đã vĩnh biệt ra đi vì bệnh ung thư. Rồi một cha giáo ở Đại Chủng Viện Vinh Thanh, mới 45 mùa xuân đã bị tai nạn giao thông phải chết đột ngột.

Trước những sự kiện đau xé lòng này, là một ki-tô hữu, con tim của tôi không thể dửng dưng thờ ơ lãnh đạm. Tôi mang tất cả những tiếng kêu khóc, những tiếng thở dài của anh chị em tôi vào trong lòng để mừng lễ Chúa Hiển Linh. Mừng Chúa hiển linh, Chúa tỏ mình ra, sẽ ban tặng cho bạn và tôi ý nghĩa gì để sống đức tin giữa lòng thế giới hôm nay?

Khi mang vào trong lòng những tiếng gào thét đớn đau, tôi không hề mong có ngay câu trả lời cho những câu hỏi “tại sao”, nhưng chỉ xin được thinh lặng và thậm chí xin được một con tim trải nghiệm đêm đen với những người thân của những người đã khuất. Trong đêm đen bất lực, tôi sờ soạng đi tìm ý nghĩa. Tôi ước mong là người hành khất, ăn xin một vài tia sáng từ biến cố Chúa Hiển Linh để soi dọi ý nghĩa cuộc đời người tín hữu.

Mở trang tin mừng theo thánh Mát-thêu của ngày lễ Chúa Hiển Linh (x. Mt 2,1-12), thánh sử kể lại việc Chúa tỏ mình cho ba nhà Hiền sĩ Đông phương, đại diện cho cả nhân loại. Có một điều ghi nhận là khi Chúa tỏ mình, Ngài không tỏ mình cách “vội vàng, tức khắc”, nhưng là cả một tiến trình dài với sự dẫn dắt của Ngôi Sao lạ: có lúc Ngôi Sao tỏa sáng, có lúc biến mất khiến các ông dò dẫm, rồi cuối cùng thì Ngôi Sao lại xuất hiện dẫn họ tới tận nơi Hài Nhi ở (x. Mt 2,10). Ở đây tôi nhận được ánh sáng dù đã quen thuộc, nhưng ánh sáng đến từ Chúa thì luôn đem lại cho ta ý nghĩa đích thực: Để thấy ý nghĩa một sự kiện, một biến cố bi thương, ta không bao giờ vội vàng “đốt cháy giai đoạn” được. Ta cũng không bao giờ thấy ý nghĩa chỉ trên bề mặt sự việc, nhưng là ý nghĩa tiềm ẩn ở bên kia của những đổ nát. Điều quan trọng là cần một sự đồng hành và thời gian. Qua Ánh Sao, Thiên Chúa đồng hành với các nhà Hiền sĩ. Tôi nhớ rõ, khi vào thăm xơ Mát-ta Thuyết lúc dì bị ung thư giai đoạn cuối, tôi nhận thấy những người bệnh nhân khác cùng phòng luôn ngỡ ngàng thắc mắc: Tại sao một thiếu nữ trẻ như vậy, tuổi xuân mơn mởn ắp đầy hy vọng tương lai, bây giờ bị căn bệnh ung thư ở giai đoạn cuối chặt phăng đi, thế mà lại cứ hồn nhiên được? Trong bầu khí chia sẻ chân thành, xơ Mát-ta Thuyết đã giãi bày: “Thưa cha, thật lòng, lúc đầu khám phá ra căn bệnh ung thư ở giai đoạn cuối, con đã hoàn toàn suy sụp. Con kiệt quệ không thể tin nổi. Thế rồi với thời gian, một lần con đau quá, không thể chịu đựng được nữa, tay con sờ soạng thì chạm phải cây Thánh Giá mà con đã nhận ngày lễ khấn dòng. Con cầm cây Thánh Giá đặt lên trên trán, thế rồi bình an bắt đầu đến với con, và con ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Và cũng từ ngày đó, con không còn sợ chết nữa”. Một kinh nghiệm mãnh liệt về việc tìm ra ý nghĩa sức mạnh giữa bão tố cuộc đời. Nghĩ về những người thân có nạn nhân của máy bay rơi trên biển, tôi nghĩ tới tổng thống In-đô-nê-xi-a, chính ông đã nói: “tôi cầu nguyện cùng với những người thân của nạn nhân”; Hoặc ông chủ tịch hãng bay Airasie đã nói: “Tai nạn máy bay này là một vết thương không bao giờ lành trên thân thể tôi. Tôi không chạy trốn, tôi ở lại gần những người thân của các nạn nhân. Tôi sẵn sàng làm tất cả những gì có thể để họ bớt đi nỗi muộn phiền”. Thật đáng trân trọng những con người can đảm. Với cái nhìn đức tin, tôi tưởng rằng, tất cả những ai khi gặp hoàn cảnh khó khăn, mà đã can đảm “đồng hành, ở cùng người khác”, đó đã là một vài tia sáng phản ánh việc Thiên Chúa đồng hành với con người rồi. Thiên Chúa tới tỏ mình với con người trên bước đường song hành.

Rồi nữa, qua Ánh Sao dẫn lối các nhà Hiền sĩ, Thiên Chúa làm cho trổi vọt lên ý nghĩa lạ thường ngay trong khổ đau. Bình thường Ánh Sao gọi về niềm hy vọng ngời sáng giữa đêm đen. Sách Dân số còn cho ta thấy vai trò quan trọng hơn nhiều của Ngôi Sao. Hôm xưa, khi dân Chúa thoát ách nô lệ Ai-cập, trên đường tiến về Đất Hứa, dọc đường họ gặp phải vua xứ Mô-áp muốn làm hại. Vị vua này muốn mượn Bi-lơ-am, là người có nhiều phép thuật, ông này mà nguyền rủa ai thì người đó không thể nào ngóc đầu dậy. Vua xứ Mô-áp muốn Bi-lơ-am tới nguyền rủa con cái Ít-ra-en. Nhưng thật lạ, thay vì nguyền rủa, Bi-lơ-am phải vâng lệnh Đức Chúa để chúc lành cho Ít-ra-en như sau:

Sấm ngôn của Bi-lơ-am, con của Bơ-o,
Sấm ngôn của người mắt vẫn mở…
Của người ngủ mà mắt vẫn mở trong lúc xuất thần.
Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc,
Tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên;
Một vì sao xuất hiện từ nhà Gia-cóp,
Một vương trượng trỗi dậy từ Ít-ra-en” (x. Ds 24,15-17).
 
Nhiệm lạ quá, Thiên Chúa đổi vận mạng cho Dân Người. Từ tình trạng hãi sợ bị nguyền rủa chúc dữ, thì Ngài lại đổi thành niềm hy vọng chan chứa khi hứa cho một Vì Sao xuất hiện. Chính Thiên Chúa đã đảo lộn tình thế. Ngài làm cho những gì bề ngoài là “vô nghĩa, không có giá trị”, thành ắp đầy ý nghĩa; Ngài biến nỗi buồn thành niềm vui rạng rỡ. Chính ngôn sứ I-sa-i-a trong bài đọc 1 đã cảm nhận điều này khi nói với Dân: “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi…Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ, lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ” (x. Is 60,1.5). “Đứng lên, bừng sáng lên” là lời mời gọi ắp đầy hạnh phúc trào dâng mãnh liệt. Bởi vì, Dân của Chúa đang phải sống cảnh lưu đày tăm tối ở bên Ba-by-lon, không một tia hy vọng. Giờ này, chính Thiên Chúa tới gặp gỡ Dân Ngài, thành ra lòng người rạo rực, vui như mở cờ.

Đó cũng là niềm vui rạng rỡ của ba nhà Hiền sĩ, sau những lo âu tìm kiếm khắc khoải, sau những mệt mỏi đường dài đằng đẵng, chính Chúa lại đến với họ qua Ánh Sao: “khi thấy Ngôi Sao, ba nhà Hiền sĩ mừng rỡ vô cùng, họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, họ liền sấp mình thờ lạy Người” (x. Mt 2,11).  Sấp mình thờ lậy thường diễn tả tâm tình tôn thờ của con người dành cho một mình Thiên Chúa. Ở đây ba nhà Hiền sĩ thường được coi là những con người khôn ngoan, am hiểu thiên văn cùng các dấu lạ trong trời đất, ấy vậy mà lại sấp mình thờ lậy một Hài Nhi bé bỏng! Ta sẽ không thể nào hiểu được thái độ này của họ, nếu đã không có một cuộc gặp gỡ tận sâu thẳm lòng của họ. Hóa ra, chính Ánh Sáng của Thiên Chúa đã tới sờ chạm con tim họ, khiến họ nhận ra rằng chính Hài Nhi bé bỏng đơn sơ trước mặt là Đấng đem lại cho họ niềm vui hạnh phúc. Ở đây, ta học được bài học là “ý nghĩa cuộc đời” luôn vượt quá lãnh vực lý trí. Nhớ lại kinh nghiệm của Xơ An-na Thuyết, khi để cho Thập Giá phủ bóng căn bệnh của mình, thì cũng bắt đầu từ giây phút ấy, một sức mạnh an bình ngự trị giữa đớn đau. Những người khác nhìn Xơ hồn nhiên trong đau khổ mà không hiểu. Điều quan trọng là ở một cuộc gặp gỡ đích thực. Nhờ vậy mà ba nhà Hiền sĩ đã dâng tất cả những gì mình có là vàng bạc nhũ hương mộc dược cho Hài Nhi. Từ nay hạnh phúc của họ không phải là những thứ họ vẫn có nữa, nhưng một khi dâng tất cả cho Hài Nhi, lòng họ thanh thoát phó dâng cả cuộc đời, quá khứ hiện tại và tương lai, để cho Hài Nhi điểu khiển hướng dẫn.
 
Như vậy, năm nay mừng Chúa Hiển Linh, tôi có trong mình những tiếng khóc than cùng với những nỗi đau xé lòng của anh chị em tôi. Nếu Chúa Nhập Thể hiển linh, ấy là Ngài tỏ mình ra như là Đấng mang lấy tất cả những gì mỏng dòn nhất, đớn đau nhất, nhỏ bé nhất, Ngài đồng hành với con người và làm dọi sáng lên ý nghĩa cuộc đời. Ngài vẫn luôn tỏ mình, Ngài tỏ mình ngay cả trong những tiếng kêu xé lòng của con cái Ngài. Dấn mình như thế, Chúa Hiển Linh dọi sáng vào tất cả những tăm tối, những vết thương và cả tội lỗi của ta nữa, để chính ở đó là cơ hội để Chúa biểu lộ quyền năng tình yêu mãnh liệt của Ngài. Tình Yêu của Chúa mãnh liệt như vậy chất vấn tôi: Liệu tôi có như ba nhà Hiền sĩ dám từ bỏ cuộc sống tiện nghi để dấn mình vào một hành trình thiếu thốn, luôn lên đường? Liệu tôi có dám liều lĩnh vượt quá sự khôn ngoan tính toán trần gian để phó mình cho Đấng làm chủ đời tôi?
 

 

Tác giả bài viết: Lm. Vinhsơn Mai Kim, ĐCV Bùi Chu