
TUẦN 3
Xh 20,1-17; 1 Cr 1,22-25; Ga 2,13-25
Vì Thập Giới là điều khoản của Giao ước và việc tuân giữ Thập Giới bảo đảm cho dân ở trong tương quan với Thiên Chúa nên Môsê và các vị lãnh đạo khác của Israel luôn nhắc nhở dân trung thành tuân giữ. Bài đọc thứ nhất nhắc lại và giải thích thập giới, đặc biệt là giải thích ba giới răn đầu, ba giới răn qui hướng về Thiên Chúa: ngươi không được thờ thần nào khác đối nghịch với Ta, không được tạc tượng vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao cũng như dưới đất thấp hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, hãy nhớ ngày sabát là ngày thánh. Sau 3 giới răn đầu qui về Thiên Chúa, tác giả nhắc lại bảy giới răn liên quan tới con người: thờ cha kính mẹ, không được giết người, không ngoại tình, không trộm cắp, không được làm chứng gian hại người, không được muốn tài sản và vợ người khác.
Israel phải tuân giữ các giới răn vì Đức Chúa là Thiên Chúa của họ và họ là dân thuộc quyền sở hữu riêng của Ngài. Chính Ngài đã làm cho họ bao nhiêu điều tốt đẹp, nào là đưa họ ra khỏi đất Ai Cập, thoát khỏi cảnh nô lệ, dẫn dắt họ suốt bốn mươi năm trong sa mạc đầy sóng gió và thử thách. Suốt những năm dài đi trong sa mạc, Thiên Chúa đã cho họ nước uống, ban manna từ trời và cho chim cút tràn ngập để họ không phải đói khát. Israel phải tuân giữ các giới răn vừa để bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa vừa để được Thiên Chúa chúc phúc thay vì đánh phạt “Đối với kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn đối với những ai yêu mến Ta, Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời. Thờ cha kính mẹ để được sống lâu trên phần đất mà Thiên Chúa đã trao ban” (Xh 1,5-6).
Tuân giữ các giới răn là một trong những việc tôn thờ Thiên Chúa rất cụ thể. Ngoài việc tôn thờ ấy, Israel còn thể hiện việc tôn thờ qua các nghi thức tế tự trong đền thờ. Tuy nhiên, nhiều khi việc thờ phượng ấy đã mất đi ý nghĩa đích thật của việc thờ phượng. Việc sử dụng đền thờ để thờ phượng Thiên Chúa cũng bị lạm dụng, bị biến thành nơi buôn bán kiếm lợi. Vì thế, Đức Giêsu đã trả lại cho việc tôn thờ Thiên Chúa cách đúng đắn. Ngài lấy dây làm roi xua đuổi tất cả chiên bò ra khỏi đền thờ, đổ tung tiền bạc và lật nhào bàn ghế của những người đổi bạc, yêu cầu những kẻ bán chim câu đem tất cả đi vì không được biến nhà Cha của Ngài thành nơi buôn bán. Cho dù không tránh khỏi những phiền toái hay chống đối, Ngài vẫn làm vì biết rằng Ngài đang thực thi thánh ý Chúa Cha.
Xa hơn nữa, Đức Giêsu còn dùng việc thanh tẩy đền thờ để nói với người Do Thái về một việc tôn thờ mới là thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật; một đền thờ mới nơi Thiên Chúa hiện diện sung mãn là chính thân thể Đức Giêsu và tâm hồn các tín hữu “Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi; nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại. Đền thờ mà Đức Giêsu muốn nói tới ở đây là chính thân thể Người.” Lời này tiên báo trước mầu nhiệm Vượt Qua tức là mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Ngài sẽ được thực hiện. Các môn đệ đã hiểu lời đó khi Đức Giêsu từ cõi chết sống lại. Mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài rất đáng để rao giảng vì đó chính là sự khôn ngoan tuyệt vời của Thiên Chúa như thánh Phaolô đã quả quyết: “Chúng tôi rao giảng một Đấng chịu đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục, dân ngoại cho là điên rồ, nhưng lại là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,22).
Anh chị em thân mến,
Để giữ Israel, dân thuộc quyền sở hữu riêng, trong tương quan của Giao ước, Thiên Chúa đã ban lề luật qua Môsê. Việc tuân giữ lề luật và việc tế tự trong đền thờ là những dấu hiệu cho thấy dân ở trong tương quan với Chúa, xứng đáng được chúc phúc. Đây là những cách cụ thể để thờ phượng Thiên Chúa. Tuy nhiên, trải theo năm tháng, dân Israel đã làm mất đi ý nghĩa của việc tuân giữ lề luật và sử dụng đền thờ. Đức Giêsu đã trả lại ý nghĩa cho việc thờ phượng “đền thờ không thể là nơi buôn bán, nhưng là nhà cầu nguyện” và việc tôn thờ đúng đắn nhất là giữ cho tâm hồn thanh khiết xứng đáng là đền thờ cho Thiên Chúa ngự. Nguyện xin Chúa thương cho chúng ta biế tôn thờ Thiên Chúa cách xứng đáng bằng việc trung thành tuân giữ các giới răn và giữ cho tâm hồn trong sạch xứng đáng cho Chúa hiện diện vì đó là cách sám hối thiết thực của Mùa Chay thánh. Amen.