Rồi Đức Giêsu bảo các Tông đồ: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói : “Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại ; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này (Lc 24,44-48).
Chúng ta đang sống trong một xã hội rất đa dạng và phức tạp. Cuộc sống con người không ngừng được nâng cao về: tri thức, kinh tế, khoa học…, nhưng đời sống đạo xem ra có dấu hiệu dừng lại và đi xuống. Vì thế, các mục tử trong Giáo hội luôn băn khoăn, lo lắng cho đoàn chiên của mình.
Trong những năm gần đây, để hướng dẫn đoàn chiên Chúa đi sâu vào đời sống thiêng liêng, các Đức Giáo Hoàng luôn đưa ra những đường hướng cấp thiết cổ võ tinh thần Tân Phúc Âm hóa, cụ thể như: Tân Phúc Âm Hóa đời sống Gia đình; Tân Phúc Âm hóa đời sống Giáo xứ và các cộng đoàn sống đời Thánh hiến; và tương lai là Tân Phúc Âm hóa đời sống xã hội.
Cách riêng, các linh mục của Chúa đóng vai trò gì trong sứ vụ Tân Phúc Âm Hóa? Vì là người được Chúa chọn, là chứng nhân của Lời Chúa, thừa tác viên của các Bí Tích, các linh mục đóng vai trò rất quan trọng và là người khởi xướng cho sứ mạng này như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng: “Phúc Âm Hóa đời sống Giáo xứ phải được bắt đầu từ chính hàng linh mục”.
Lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Chính anh em là chứng nhân của những điều này” (Lc 24,48). Những điều này là những điều nào? Thưa đó là Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội (Lc 24,46-47). Nhất định không ai trong các linh mục dám nói là không biết, nhưng từ biết đến hiểu và sống lại là việc chúng ta phải làm liên tục, không bao giờ có thể nói là đã làm xong. Ở đây người viết xin gợi ra bốn điểm liên quan đến cuộc đời chứng nhân.
1. Chứng nhân là một người đã thấy
Trong cuốc sách Linh mục cho ngàn năm thứ ba kể lại một câu chuyện như sau: “Có một linh mục được sai đến làm việc ở Washington D.C. Cha thường được vinh dự đến giúp tại Gift of Peace House, ở góc đông bắc thủ đô, một bệnh viện dành cho những bệnh nhân mắc bệnh AIDS sắp chết, do các Nữ tu Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêsa điều khiển. Ngày thứ Sáu Tuần Thánh, năm 1989, cha cử hành nghi thức tưởng niệm cuộc Khổ Nạn của Chúa cho các nữ tu, các nhân viên tình nguyện, và bệnh nhân. Sau khi tất cả đã hôn kính Thánh giá, hai chị dẫn cha lên lầu trên. Khi đi từ giường này sang giường nọ, cha để ý thấy ở góc phòng có một người đàn ông gầy gò, nhìn có vẻ kích động, nài nỉ cha đến với ông. Khi sắp bước đến giường của ông, một chị cản cha lại, cảnh báo là ông hung tợn bất thường, mọi người đều ghét, và nhiều lần ông thực sự toan cắn các nữ tu phục vụ. Tuy nhiên, người đàn ông khốn khổ này lại tiếp tục ra hiệu mong cha đến gần. Lúc đó trong tâm trí cha nảy ra một suy nghĩ: Tôi phải làm gì? Một linh mục sẽ phải làm gì? Chậm chậm thận trọng, cha bước đến gần và đưa thánh giá cho ông. Ông cầm lấy rồi hôn – không phải hôn chân, cha nhớ rất rõ – nhưng hôn mặt Chúa. Sau đó ông nằm xuống, kiệt sức.
Ngày hôm sau, thứ Bảy Tuần Thánh, các chị nữ tu cho biết là ông ấy muốn gặp cha. Cha đến, và một lần nữa, lại gần ông, có hai chị làm người “bảo vệ”. Khi đến gần hơn, ông nói thật khẽ: “Tôi muốn được rửa tội!” Cha rất đỗi ngạc nhiên và yêu cầu ông giải thích lý do tại sao ông lại muốn gia nhập Giáo Hội. Ông thu hết tàn lực mà nói: “Tôi không biết gì về Kitô Giáo hay Công Giáo. Thực ra, cả đời tôi từng thù ghét tôn giáo. Tất cả những gì tôi biết là trong ba tháng nay tôi nằm chết dần chết mòn ở đây. Các chị này lúc nào cũng vui! Khi tôi nguyền rủa họ, họ vẫn nhìn tôi với đôi mắt đầy thương cảm. Ngay cả khi họ lau chùi chỗ tôi ói, rửa vết thương cho tôi, dọn vệ sinh cho tôi, họ luôn mỉm cười. Khi họ đút cho tôi ăn, đôi mắt họ sáng lên. Tất cả những gì tôi biết là họ có niềm vui, có niềm tin vào ai đó, còn tôi thì không. Trong lúc tuyệt vọng tôi hỏi họ tại sao vui như vậy, tất cả đều trả lời: Nhờ Đức Giêsu. Tôi muốn có Đức Giêsu này. Hãy Rửa tội cho tôi và cho tôi Đức Giêsu này! Hãy cho tôi niềm vui. Hãy cho tôi hạnh phúc!”[1]
Ngài cảm nghiệm từ khi làm linh mục, chưa bao giờ Rửa tội, Xức dầu, và cho ai Rước lễ mà thấy sung sướng như khi ban bí tích cho ông này. Ông qua đời lúc 3:15 sáng Chúa Nhật Phục Sinh.”
Tạ ơn Chúa đã ban cho Hội Thánh những người nữ tu làm chứng nhân cho Chúa như trong câu chuyện của Đức Hồng Y Timothy M. Dolan Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ vừa kể. Vâng, làm chứng nhân cho Đức Kitô đã vực kẻ thất vọng lên khỏi hố sâu thù hằn cuộc đời, đến độ tàn nhẫn, có thể gây hại cho chính ân nhân của mình. Chứng nhân cho Đức đã đã khơi lên thắc mắc nơi trí não của người tưởng như nó đã thành tuyệt vọng vì căn bệnh thế kỷ, để bắt đầu tìm kiếm cái mình khát khao mà không có, đó là niềm vui, niềm tin và hạnh phúc. Và Chứng nhân cho Đức Kitô đã làm cho bệnh nhân kiệt sức, bị hất qua bên lề xã hội, ngập lút trong vũng lầy vô thần, lại có kết thúc cuộc đời thật đẹp:“Tôi muốn có Đức Giêsu này. Hãy rửa tội cho tôi và cho tôi Đức Giêsu này!”
2. Những điều kiện cần có để trở thành một chứng nhân
a. Phải hiểu về Đức Kitô
Nói chính xác hơn nếu muốn làm chứng nhân cho Đức Kitô, ta phải có một đức tin sâu đậm về Ngài bởi vì nếu không hiểu Ngài, biết Ngài, thì giữa ta với Ngài chỉ là hai người xa lạ. Đã xa lạ với Ngài, thì bênh vực Ngài, làm chứng cho Ngài sao được?
Chính vì thế, chứng nhân của Đức Kitô cần phải sở hữu được một đức tin siêu nhiên và sống động vào Ngài. Đức tin đó cần được triển nở ra bên ngoài bằng những hành động cụ thể như lời Thánh Vịnh 116 nói: Tôi đã tin nên tôi mới rao giảng (Tv 116,10). Thánh Phaolô cũng đã cùng một xác tín: chúng tôi cũng tin, vì thế chúng tôi đã rao giảng (2 Cr 4,13).
Biết Đức Kitô, nhưng chỉ là cái biết để đấy, cái biết trong sách vở, ngay kể cả cái biết uyên bác nữa cũng không thay đổi được lòng người. Đi xa hơn nữa, dù đã tin vào Ngài, một đức tin đã đạt đến mức xác tín, nhưng nếu cứ dừng ở đó, thì như lời Thánh Giacôbê tông đồ nói là đức tin chết (Gc 2,17). Như thế, làm chứng nhân cho Chúa cần phải am hiểu về Đức Kitô hay có một đức tin sâu đậm về Ngài.
b. Yêu mến Ngài
Ngoài sự am hiểu về Đức Kitô, ta còn phải yêu mến Ngài. Tình yêu chính là đũa thần biến đổi cái biết của chúng ta, từ chỗ biết để biết đến chỗ biết để dấn thân, để nhập cuộc và thực hiện những điều mình biết, hầu có thể phục vụ người khác cách hữu hiệu hơn. Chính trong tình yêu của Đức Kitô, chúng ta được thúc đẩy nhớ lại tâm tư của Thánh Phaolô: Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình (2 Cr 5,15). Chính niềm tin đó thúc đẩy và nung đốt mà một ao ước cũng từ đó bùng lên, thôi thúc chúng ta gieo vãi niềm tin của mình cho mọi người, sẵn sàng bảo vệ nó trước mọi nghịch cảnh. Nếu cần phải minh chứng tính xác thực của nó, chúng ta sẽ mạnh dạn lên tiếng, dù có phải trả cái giá thật đắt. Lời chứng lúc đó sẽ có một sức mạnh cảm hóa đặc biệt vì nó đã xuất phát từ niềm tin và tình mến.
c. Nên một với Ngài
Theo Thánh Phaolô nói: Nhờ dám chết như Ngài, nghĩa là đóng đinh con người cũ của mình vào thập giá với Ngài, để hủy diệt con người tội lỗi đi, hầu không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Từ đó, sẽ được sống lại với Ngài như Ngài đã sống lại, để quyền lực của tội lỗi không còn khống chế được chúng ta (Rm 6, 5-7).
Ngoài việc nên một với Ngài trong cái chết, các linh mục còn được nên một với Ngài trong Bí Tích. Mỗi lần cử hành Thánh Lễ và Rước Lễ, Mình Máu Chúa sẽ hòa tan trong ta. Tình yêu trong con tim Ngài cũng nhờ đó chan hòa trong dòng máu ta, giúp ta có thể yêu như Ngài đã yêu.
Sự liên kết thành một này được mời gọi ta đạt tới mức “không thể tách lìa”. Không có gì tách tôi ra khỏi tình yêu của Đức Kitô, là điều mà Thánh Tông đồ dân ngoại đã từng quả quyết. Mọi người sẽ nhờ các linh mục, nhìn đời sống của các linh mục mà nhận ra được lòng thương của Thiên Chúa và ơn cứu độ Ngài ban, là Đức Giêsu Kitô.
d. Dám làm tất cả vì Ngài
Chứng nhân thực sự phải dám làm tất cả để Ngài được tôn vinh và được nhiều người biết đến. Việc làm đó, nếu phải đi đến tận điểm đau thương, là thiệt mạng vì Ngài, chúng ta cũng không ngần ngại. Bởi vì, như lời Thánh Phaolô, chúng ta đành mất hết, và coi như là rác rưởi, để được Đức Kitô (Pl 3,8).
Đời sống chứng nhân không phải lúc nào cũng diễn ra êm ả, nhưng có những lúc phải đương đầu với sóng gió. Đã dám làm tất cả vì Ngài, thì sóng gió chỉ còn là việc gieo trong đau khổ, để gặt trong vinh quang. Thánh Luca đã nói: Đức Kitô cũng chẳng phải chiụ đau khổ như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao (Lc 24,26). Việc làm của Chúa phải là nguyên tắc sống cho những ai muốn làm chứng nhân cho Ngài. Phải hủy mình đi, dám làm tất cả vì Ngài, ta mới chứng thực được tình yêu nồng thắm với Ngài: không ai yêu người khác nhiều, hơn người đã hy sinh mạng sống mình vì người đó.
Như vậy, chứng nhân cho Đức Kitô giúp cho người khác nhận ra Đức Kitô là Đấng Cứu Độ. Và dĩ nhiên, để lời chứng của ta có giá trị, người chứng nhân cần có một niềm xác tín về Chúa Giêsu, yêu mến Ngài, nên một với Ngài và dám làm tất cả vì Ngài.
3. Chứng nhân, một sứ mệnh rất khó khăn (x. Mt 10,17-20)
Làm chứng nhân cho Chúa Giêsu, chịu đóng đinh trên thập giá và loan báo giới lệnh yêu thương của Ngài cho đến tận cùng trong một xã hội có xu hướng duy hưởng thụ, sợ hy sinh và ích kỷ là một sứ mệnh rất khó khăn. Nhân loại hôm nay đã lên đến mặt trăng, sao hỏa; đã xuống được sát lòng đại dương; đã đào được những đường hầm xuyên biển, đã chế tạo được các loại máy vi tính hiện đại, những điện thoại di động cực kỳ thông minh…, nhưng sứ mạng làm chứng nhân cho Chúa Giêsu các Tông đồ đã trải qua ngày xưa và chúng ta phải đương đầu hôm nay vẫn không nhẹ bớt đi.
Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận xét: “Trong thời đại chúng ta, nhân loại đang sống ở một khúc quanh lịch sử, mà chúng ta có thể thấy từ những tiến bộ đạt được ở nhiều lãnh vực khác nhau. Chúng ta phải ca ngợi những thành công góp phần vào sự thịnh vượng của con người, chẳng hạn như trong lãnh vực y tế, giáo dục và truyền thông. Tuy nhiên, chúng ta không thể quên rằng hầu hết những người nam nữ ở thời đại chúng ta đang sống trong sự bất ổn định mỗi ngày, với những hậu quả tai hại. Một số bệnh học gia tăng. Sợ hãi và tuyệt vọng chiếm đóng quả tim của nhiều người, ngay cả trong những nước gọi là giàu có. Niềm vui của đời sống thường xuyên bị dập tắt, không có sự tôn trọng người khác và bạo lực gia tăng, chênh lệch về xã hội ngày càng trở nên rõ ràng. Chúng ta phải đấu tranh để sống, và thường sống với một chút nhân phẩm.”[2]
Theo lời Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, cuộc sống đạo của chúng ta ngày nay không gặp nhiều khó khăn như cha ông ta ngày xưa: bị tra tấn, xiềng xích, gông cùm, tù tội.., nhưng làm chứng nhân cho Đức Kitô gặp không ít khó khăn. Khó khăn thứ nhất là chủ nghĩa cá nhân ngày càng phát triển. Ai cũng muốn thăng tiến bản thân và gia đình của mình. Ai cũng lo làm ăn, học hành, xây dựng cho bản thân. Cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Những nhu cầu của bản thân ngày càng nhiều. Rõ ràng là ngày nay người ta kiếm được nhiều tiền hơn trước, có nhiều tiện nghi hơn trước, xe cộ tốt hơn, nhà cửa đẹp hơn, nhưng chưa bao giờ người ta thấy thỏa mãn và đầy đủ. Vì thế, càng ngày người ta càng đóng kín vào bản thân, không có thời giờ nghĩ đến người khác. Trong khi đó những người nghèo thì càng nghèo hơn, những người yếu càng mệt hơn, những người bệnh càng khổ hơn. Họ không đủ sức chạy theo cuộc tranh đua quyết liệt của chủ nghĩa cá nhân. Họ bị đẩy lùi ra phía sau và bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Khó khăn thứ hai là kinh tế thị trường ngày càng phát triển. Đồng tiền đang trở thành một thước đo giá trị con người. Đồng tiền đang trở thành một quyền lực chi phối toàn bộ đời sống con người. Ai cũng muốn có nhiều tiền, và để có nhiều tiền, nhiều người đã không từ chối một phương cách nào: lường gạt, lừa đảo, làm hàng giả, buôn thuốc phiện, tham nhũng, hối lộ….. Tiền bạc quả là một cơn cám dỗ đang làm chao đảo thế giới, tàn phá những giá, biến chất phẩm giá con người[3].
Chính vì thế, chứng nhân của Đức Kitô phải đi vào chiều sâu. Nó như một lò lửa, tự nhiên, tỏa ra nguồn nhiệt sưởi ấm chung quanh. Nó như nguồn sáng, tự nó phát quang để soi dẫn người khác. Nó chính là điều mà Đức Thánh Cha Phalo VI, trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng, đã cho biết: con người ngày hôm nay thích nhìn thấy chứng nhân hơn là nghe lời giảng.
Trước những thực tế đa dạng của nhân loại hôm nay, rất cần một ý thức nhạy bén của người chứng nhân. Làm sao để ta đủ sáng suốt nhận ra những câu hỏi của thời đại, được đặt ra cách minh nhiên hay mặc nhiên cho chúng ta; những nhu cầu cấp thiết đang cần chúng ta thỏa mãn; ở môi trường đang sống, trong công việc hiện tại đang làm, giữa nhóm người này, thái độ chúng ta phải làm thế nào đế làm chứng về Đức Kitô một cách hữu hiệu.
Khi câu trả lời được tìm ra, chứng nhân của Đức Kitô cần cấp bách thực hiện bằng một đức tin sống động, một tình mến dạt dào và một hy vọng không lay chuyển. Rất có thể chứng nhân của Chúa sẽ gặp thất bại, nhưng đó không phải là điều quan trọng. Chúng ta cứ trung thành trong sứ vụ gieo vãi. Việc mọc lên, đâm chồi và kết trái là việc của Chúa Thánh Thần.
Về điều này, Thánh Phaolô chia sẻ kinh nghiệm của Ngài trong sứ mạng làm chứng cho Chúa: Anh Đêma đã bỏ tôi, bởi yêu mến thế gian này, Alexandê, người thợ rèn, đã gây cho tôi nhiều khốn khổ….. hãy đề phòng anh ta, vì anh ta mạnh mẽ chống lại những lời chúng ta rao giảng. Và Ngài còn nói tiếp: khi đứng ra biện hộ lần thứ nhất, thì chẳng có ai bênh vực tôi, nhưng có Chúa bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà lời rao giảng được hoàn thành, và tất cả dân ngoại được nghe biết Tin mừng (2 Tm 4,9-7).
4. Một chứng nhân toàn diện
Một chứng nhân rất gần trong thời đại chúng ta chính là Mẹ Têrêsa Calcutta. Trong tập san Chứng nhân Tin mừng số 8 có nói: Mẹ Têrêsa là một phụ nữ vĩ đại, là chứng nhân thời đại về sự dấn thân phục vụ người nghèo, Mẹ phục vụ và yêu mến người nghèo vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa. Sở dĩ Mẹ Têrêsa có được tinh thần này theo như mẹ chia sẻ là nhờ đời sống cầu nguyện. Cầu nguyện để nhận ra ý Chúa và làm chứng nhân cho Chúa. Còn thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, trong ngày lễ phong chân phước cho Mẹ Têresa thì nói: Mẹ Têrêsa đã đi trên con đường mà Chúa đã đi. Đây là con đường chứng nhân được thể hiện qua tình thương và phục vụ tha nhân cách vô vị lợi[4].
Như vậy, một chứng nhân toàn diện, nghĩa là tất cả con người của ta đều trở thành hình ảnh và hiện thân của Chúa Kitô trước mặt mọi người. Đạt được mức độ này, người chứng nhân không cần phải biện thuyết, nhưng chỉ một sự hiện diện, cũng có mãnh lực cảm hóa lòng người. Điểm tới đó, chính Đức Kitô đã đặt ra cho chúng ta như một lệnh truyền: các con hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (Mt 6,48).
Nên hoàn thiện như Thiên Chúa là điều không bao giờ có thể đạt được, nhưng nó lại một lệnh truyền. Như thế nó bộc lộ cho ta thấy: đường hoàn thiện không khi nào có chỗ dừng, mà phải liên tiếp tiến lên. Đích điểm không bao giờ có thể đạt tới, thì đường đi cũng không bao giờ có quán nghỉ. Hình tượng chứng nhân nơi chúng ta luôn luôn phải nhờ đến ân sủng, hầu trở nên tấm gương cho những ai tin vào Chúa, để được sống đời đời (1Tm 1,16). Để thực hiện điều này, thánh Phalo đã khuyên người môn đệ Timôthê: Anh hãy nên gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch.. chuyên cần đọc sách Thánh trong các buổi hội họp, chuyên cần khuyên nhủ và dạy dỗ. Đừng thờ ơ với đặc sủng đang có nơi mình (1Tm 4,12-14)[5].
Gương mẫu như chỉ dẫn của Thánh Phaolô, bao gồm cả tự nhiên lẫn siêu nhiên. Nói thế có nghĩa là mọi ngôn từ, hành động, cách sống, ý hướng, suy tư cũng như cách sống đạo của mình cần được ướp đậm hương thơm của đức mến; được thúc đẩy bởi sức mạnh của đức tin và được thể hiện ra bên ngoài bằng một tinh thần siêu nhiên cao độ. Sứ mạng làm chứng nhân cho Đức Kitô chỉ ở mức độ này, mới có thể đạt được hiệu quả, là chinh phục mọi người về cho Chúa.
Lệnh truyền của Chúa Giêssu: Chính anh em là chứng nhân về những điều này không phải lệnh truyền chỉ dành cho các Tông đồ mà là nhiệm vụ Chúa đang gửi đến cho các linh mục Chúa.
Để thay cho lời kết, con xin mượn câu chuyện của Linh mục Natarino Rochky, một thừa sai làm việc truyền giáo lâu năm tại Nhật bản, đặc biệt là Ngài làm Cha sở giáo xứ Elsaye, cách thủ đô Tôkyo khoảng 100 km. Ngài kể rằng:
Có một giáo sư trẻ người Nhật xin gặp tôi mỗi tuần 2 buổi tối, để thảo luận về các vấn đề Tôn giáo và Tin Mừng, mặc dù ông chưa phải là tín hữu công giáo. Những cuộc thảo luận như vậy kéo dài hơn một năm trời. Vị giáo sư này trình bày cho tôi những thắc mắc, nghi ngờ về đạo, đồng thời ông cũng xin tôi giải thích thêm về Tin Mừng, về Giáo Hội, về luân lý của Đạo Công Giáo.
Sau hơn một năm trời, tôi cảm thấy như vị giáo sư thông minh này có vẻ đã sãn sàng lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, nên tôi hỏi ông ta có muốn được Rửa tội và gia nhập Hội Thánh Công Giáo không? Tôi ngạc nhiên khi thấy ông từ chối lịch sự. Và từ đó, không thấy ông lui tới nữa. Bẵng đi hơn 10 tháng, khi tôi hầu như đã quên vị giáo sư này, thì một hôm ông gặp lại tôi và nói: Thưa Cha, Cha đã thuyết phục được con. Bây giờ, con đã sẵn sàng đón nhận bí tích Rửa tội và đây còn có cả vợ, cũng như hai đứa con của con nữa.
Nghe đến đây, tôi rất ngạc nhiên. Tôi hỏi: Điều gì đã khiến ông thay đổi ý kiến như thế? Ông ta đáp: Thưa Cha! Trong những ngày tháng qua, con đã âm thầm quan sát xem cha sống như thế nào. Con thường thấy Cha dâng lễ một mình tại nhà thờ vào lúc 7 giờ sáng như Cha đã nói với con. Vào giờ này con thường qua nhà thờ và ra sân ga để đi làm. Và mỗi lần có dịp nhìn Cha qua cửa sổ, bao giờ con cũng thấy Cha trong nhà thờ và cầu nguyện thật sốt sắng. Qua những điều Cha đã chia sẻ và qua những lần con quan sát, con nhận thấy quả thật Cha đã tin và đã sống những điều Cha đã san sẻ cho con về đạo. Nên hôm nay con và gia đình đã quyết định gia nhập đạo Chúa Kitô.
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Vũ Đức Thảo