Ý chỉ cầu nguyện truyền giáo tháng giêng 2017

Trong tháng giêng năm 2017 ĐTC mời gọi chúng ta cầu cho mọi kitô hữu trung thành với giáo huấn của Chúa, biết sống đời cầu nguyện và bác ái huynh đệ để tái lập sự hiệp thông trọn vẹn trong Giáo Hội, bằng cách cộng tác để đáp trả lại các thách đố hiện nay của nhân loại.

PopeFrancis-prayerintention.jpg

 

Kể từ khi được Chúa Giêsu Kitô thành lập cách đây hơn 2.000 năm, Kitô giáo đã trải qua nhiều cuộc khủng hoàng và chia rẽ. Ngay trong các thế kỷ đầu đã nảy sinh ra các lạc giáo liên quan tới thiên tính và nhân tính của Chúa Kitô. Và sự hiệp nhất hữu hình của Kitô giáo đã chỉ kéo dài cho tới năm 1054, khi hai Giáo Hội Đông Tây ra vạ tuyệt thông cho nhau, làm nảy sinh ra khối Giáo Hội Chính Thống. Các Giáo Hội Chính Thống đều là các Giáo Hội tự quản mà không có một cơ cấu trung ương hiệp nhất như trong Giáo Hội Công Giáo. Hơn thế nữa vào đầu thế kỷ XVI, lại xảy ra vụ Cải Cách do Martin Luther khởi xướng năm 1517. Đây là Phong trào phản đối cung cách sống xa rời Tin Mừng trong Giáo Hội, cách riêng là trong giáo triều Roma thời đó. Phong trào phản đối này sau đó được gọi chung là Tin Lành. Mười sáu năm sau vụ ly giáo của Luther (1533) vua Enricco VIII thành lập Giáo Hội Anh giáo, phủ nhận quyền của Đức Giáo Hoàng và tách rời khỏi Công Giáo. Với thời gian qua đi khối Tin Lành phân chia thành nhiều Giáo Hội Kitô khác nhau và hàng ngàn giáo phái kitô lớn nhỏ, có khi chỉ có vài chục ngàn tín hữu. Hiện tượng này rất thịnh hành bên Hoa Kỳ và lan sang nhiều nước Phi châu, Á châu và châu Mỹ Latinh. Các giáo phái này hoạt động mạnh để chiêu dụ tín đồ, thường khi đi kèm với các trợ giúp tiền bạc và vật chất đủ loại.

 

Kể từ thập niên 1950 và nhất là từ thời Công Đồng Chung Vaticăng II phong trào đại kết nảy sinh với nhiều sinh hoạt và cơ cấu khác nhau nhắm mục đích tìm hiệp nhất các kitô hữu. Hội đồng Toà Thánh hiệp nhất các kitô hữu đã được thành lập cho mục đích này. Trong 50 năm qua Uỷ ban đã có các cuộc đối thoại song phương với các Giáo Hội Kitô khác nhau và đã đạt được nhiều thành quả, giúp các Giáo Hội Kitô hiểu biết nhau và xích lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, các hệ lụy chính trị, kinh tế, xã hội văn hóa và các khác biệt quan điểm thần học, tín lý và luân lý phát triển dọc dài các thế kỷ chia rẽ và xa cách nhau đã khiến cho cuộc đối thoại tìm về hiệp nhất  bị trì trệ và còn rất nhiều vấn đề chưa tìm ra giải đáp.

Trong các khác biệt thần học và tín lý có vấn đề quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng của Giáo Hội Công Giáo Roma, mà các Giáo Hội Chính Thống và các Giáo Hội ly khai đã không bao giờ thừa nhận. Liên quan tới các bí tích có bí tích
Thánh Thể, chỉ đuợc các Giáo Hội Tin Lành coi như biểu tượng. Bánh và Rượu chỉ biểu tượng cho Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô, chứ Chúa Kitô không hiện diện thực sự trong đó. Liên quan tới bí tích truyền chức thánh hiện nay các Giáo Hội Tin Lành chấp nhận truyền chức Linh Mục cho cả nữ giới, và vài Giáo Hội tin lành cũng có các nữ giám mục. Đây là một trong các khác biệt khiến cho việc tìm về hiệp nhất bị cản trở. Trong thời gian qua một số Giáo Hội Tin Lành cũng chấp nhận truyền chức linh mục và giám mục cho các ứng viên đồng tính, và thừa nhận hôn nhân đồng phái.

Bên cạnh các vấn đề lớn liên quan tới mọi Giáo Hội Kitô, trong mỗi hệ phái còn có nhiều khác biệt giữa các nhóm. Cũng giống như Giáo Hội Chính Thống có Thánh Công Đồng, các Giáo Hội Anh giáo có Hội Nghị Lambeth, nhưng các Giáo Hội đều tự quản, chứ không có một quyền bính trung ương như điểm tham chiếu. Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội Kitô có trụ sở bên Thụy Sĩ chỉ là tổ chức quy tụ các Giáo Hội Kitô lại với nhau nhằm đề ra và điều hành một số sinh hoạt đại kết, nhưng không có quyền pháp lý trên các Giáo Hội thành viên. Giáo Hội Công Giáo chỉ là quan sát viên nên không có quyền bỏ phiếu.

 

Từ nhiều thập niên qua thế giới tây âu bị chủ trương duy đời cực đoan khuynh đảo, dẫn đưa tới cuộc khủng hoảng đức tin của nhiều kitô hữu. Rất nhiều kitô hữu tây âu không thực hành đạo nữa. Kitô giáo chỉ còn là một yếu tố văn hóa truyền thống, mà không còn sức sinh động để lôi cuốn và hướng dẫn cuộc sống của tín hữu.  Một trong các dấu chỉ của cuộc khủng hoảng này là trong Hiến pháp của Liên Hiệp Âu châu giới lãnh đạo chính trị không muốn nhắc tới gốc rễ kitô của Âu châu nữa. Họ cho rằng Kitô giáo và các tôn giáo chỉ là các giá trị riêng tư của cuộc sống cá nhân, chứ không được ảnh hưởng trên cuộc sống xã hội, lại càng không được có tiếng nói trong lãnh vực chính trị. Và thế là người ta chứng kiến cảnh nhiều thành viên đảng phái chính trị thi nhau chỉ trích và tấn công các Giám Mục, khi các vị lên tiếng về các vấn đề luân lý xã hội, kinh tế và chính trị.


Trong bầu khí tục hóa và duy đời cực đoan đó, hơn bao giò hết các kitô hữu được mời gọi tái khám phá ra căn cước của mình, sống đao xác tín, tuân giữ các giáo huấn của Chúa, và dấn thân thực thi tình bác ái kitô. Vì đó là cách thức cụ thể giúp làm chứng cho Chúa và góp phần tái tạo sự hiệp nhất trọn vẹn giữa các kitô hữu, trong một thế giới có quá nhiều chia rẽ, chiến tranh, bạo lực bất công tàn phá thê thảm như thế giới hiện nay.

 

Đây cũng chính là lý do khiến cho trong tháng giêng năm 2017 này ĐTC Phanxicô mời gọi chúng ta cầu xin cho mọi kitô hữu trung thành với giáo huấn của Chúa, biết sống đời cầu nguyện và bác ái huynh đệ để tái lập sự hiệp thông trọn vẹn trong Giáo Hội, bằng cách cộng tác để đáp trả lại các thách đố hiện nay của nhân loại.

 

(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 31.12.2016)