Vũ khí chống lại Satan

VŨ KHÍ CHỐNG SATAN

 

Satan hiện diện xung quanh mình. Nó cám dỗ loài người phạm tội. Để nhận diện Satan, cứ nhìn vào hoa trái của nó thì biết liền. Ai đó giận hờn, ghen ghét, chia rẽ, nói xấu, chửi bới nhau, …người đó đang bị Satan chi phối. Người nào hiền hoà, nhẫn nại, chịu đựng, bình an, vui mừng, …người đó đang tràn đầy Thánh Thần.

Để chống lại Satan, tại Mễdu, Mẹ ban cho loài người vũ khí sắc bén là năm hòn sỏi : Cầu nguyện, ăn chay, đọc Kinh Thánh, xưng tội và tham dự Thánh Lễ. Ai giữ được năm hòn sỏi này sẽ chiến thắng Satan và đón nhận được muôn ơn lành từ Thiên Chúa.

Hôm nay ta tìm hiểu thêm về ba khí giới còn lại:

 

3. Khí giới thứ ba: Đọc Kinh Thánh mỗi ngày

 

Bình thường Mẹ Maria hiện đến với các thị nhân trong niềm vui tươi, hạnh phúc. Nhưng cũng có những trường hợp Mẹ buồn sầu, thỉnh thoảng Mẹ khóc. Cha Jozo làm chứng: Mẹ đã hiện ra với tôi và khóc khi nói: “Các con đã bỏ quên Kinh Thánh !” Và cha còn nói rằng: là một linh mục, cha từng chứng kiến các bà mẹ thương khóc con mình tại nghĩa trang, nhưng cha chưa thấy bà mẹ nào sầu não như Mẹ Maria, khi đề cập đến việc người ta bỏ quên Kinh Thánh.

Kinh Thánh là một cuốn sách khác hẳn với những cuốn sách khác trên cõi đời này. Nó được viết ra dưới ơn linh hứng của CTThần và chính Thiên Chúa là tác giả. Không có quyển sách nào có thể so sánh với cuốn sách này. Vì thế cha Jozo thuật lại lời Mẹ Maria khuyến cáo: “Hãy tách biệt sách Kinh Thánh ra khỏi các sách khác trên kệ sách, và đặt vào chỗ danh dự và dễ thấy trong nhà… Các con không đọc Kinh Thánh với tình yêu như đó là Lời của một vị Thiên Chúa đang sống động… Chỉ cần hôn kính sách Thánh, người ta cũng lãnh được nhiều ơn rối”.

Ngày 18-10-84, Mẹ nói: “Các con yêu dấu ! Bữa nay Mẹ yêu cầu các con hãy đọc Kinh Thánh trong gia đình mỗi ngày, và nên để nó chỗ nào có thể thấy được để nó nhắc nhở các con đọc và cầu nguyện”. “Mọi gia đình phải cầu nguyện chung với nhau và đọc Lời Chúa” (14-2-85).

Hiếm khi nào, chúng ta thấy Đức Mẹ nói câu “Phải” mạnh mẽ, cương quyết như vậy. Điều này làm ngạc nhiên. Đó là chỉ vì chúng ta thường coi lời của Chúa và Mẹ như lời khuyên sơ qua, làm hay không làm cũng không có sao. Chính vì để cho ta thấy tầm quan trọng của việc đọc Kinh Thánh và cầu nguyện chung trong gia đình mà lần này Mẹ Maria nói mạnh như thế.

Chúng ta yếu hèn, không biết cầu nguyện sao cho phải – theo lời Thánh Phaolô – T.Khí đến trợ giúp chúng ta, chuyển cầu cho ta bằng những lời nỉ non khôn tả (x. Rm 8.26). Kinh Thánh chính là lời CTThần viết ra, mớm cho ta có những lời cầu nguyện đúng với ý Thiên Chúa, đẹp lòng Thiên Chúa, và tất nhiên là sẽ được Thiên Chúa nhậm lời.

Chúng ta đang sống trong sự tối tăm mù mịt của thế gian, nhất là thời nay, lan tràn biết bao nhiêu tà thuyết lầm lạc, Kinh Thánh sẽ là kim chỉ nam soi đường dẫn lối. Chúa Giêsu đã phán: “Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm nhưng tìm được ánh sáng đem đến sự sống” (Ga 8.12).

Chính trong bản thân chúng ta cũng đầy những tối tăm lầm lạc, chưa kể chúng ta đưa ra biết bao nhiêu lý do này nọ để tự lừa mình, dối mình, cho phép mình phạm tội, hoặc bào chữa những sự sai trái mình làm v.v… Lời Chúa sẽ đến phân tách tất cả những mớ bòng bong ấy, vì thư Do Thái viết: “Lời Thiên Chúa thì sống động và linh hoạt, sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi, và xuyên thấu giới tuyến giữa tâm hồn và thần khí, gân cốt và tủy não, biện phân tâm tư và ý tưởng của lòng dạ con người… ” (4.12-13).

 

4. Khí giới thứ tư: Hòa giải bởi việc xưng tội

 

Trước bao căng thẳng, chiến tranh, bạo lực, hận thù của thế giới…, ngay ngày 26-6, tức là ngày thứ ba của cuộc Hiện Ra, Đức Mẹ đã gióng tiếng: “Hòa bình ! Hòa bình ! Hòa bình! Hãy hòa giải với Thiên Chúa, với nhau !”, và ngay sau đó, Đức Mẹ đã đề cập đến viêc xưng tội: “… Vì thế, cần phải tin, cầu nguyện, ăn chay và đi xưng tội”.

Mẹ Maria có đưa ra một lời xác nhận rất đánh động: “Bất cứ ai, dù đã làm nhiều điều ác xấu xa khi sống, vẫn có thể lên thẳng thiên đàng, nếu họ xưng tội, ăn năn hối hận về những điều đã làm, và rước lễ lúc cuối đời” (24-7-82).

Hòa giải với Thiên Chúa liên kết với hòa giải với anh chị em mình. Gốc rễ của mọi chia rẽ là bởi người ta đã cắt đứt liên hệ với Thiên Chúa. Tội là chia rẽ trong chính bản thân ta, chia rẽ với người khác. Trở về cùng Thiên Chúa là Cha chung, tức khắc, ta sẽ yêu thương mọi người là con cùng một Cha. Thư 1 Gioan dạy: “Nếu Thiên Chúa đã yêu mến ta như thế, thì ta cũng phải yêu mến nhau” (4.11); và: “Phàm ai yêu mến Thiên Chúa, Đấng Sinh Thành, tất yêu mến kẻ bởi Người sinh ra” (5.1).

Loài người thường cưu mang hận thù dai dẳng. Hãy cầu xin Thiên Chúa chữa lành “cái trí nhớ” bệnh hoạn ấy. Lúc đó, ta sẽ thực sự được giải thoát và thư thái, vì có lần Đức Mẹ bảo: “Kẻ cưu mang hận thù, không tha thứ, chính họ làm hại cho mình trước tiên”, vì hận thù là một chất độc, nó đầu độc chính trái tim ta trước. Được giải thoát khỏi hận thù, ta sẽ có thể cầu nguyện cho kẻ làm khốn ta, yêu thương kẻ thù và làm ơn cho họ, như Tin Mừng dạy.

Đấy là kinh nghiệm mà hàng triệu triệu con người đã được nếm trải tại Mễ Du, thánh địa của bình an, tình thương và hạnh phúc. Những khách hành hương đến Mễ Du thường rất cảm động trước số lượng khổng lồ các tội nhân hối nhau xếp hàng chờ lãnh nhận bí tích hòa giải. Có những đại lễ, giáo xứ Mễ Du đã phải mời 150 chục linh mục đến thay phiên ngồi tòa, ngay cả ngoài trời, để giải tội suốt ngày đêm…

Mễ Du được gọi là tòa giải tội của cả thế giới.

Dân chúng từ khắp bốn phương đến Mễ Du để xưng tội và trở về với Thiên Chúa. 

Nhưng xưng tội không phải như một thói quen. Đức Mẹ đã cắt nghĩa cho cô Jelena, một thụ khải của Mẹ: “Các con đừng đi xưng tội theo thói quen, rồi sau đó vẫn sống như cũ. Điều đó không tốt. Bí tích hòa giải phải mang lại một xung lực cho đức tin của các con, phải khuyến khích và đem các con lại gần Chúa Giêsu hơn. Nếu việc xưng tội chẳng có ý nghĩa gì đối với các con, thì thật tình, các con sẽ khó mà hối cải” (7-11-83).

Thị nhân Vicka nói với khách hành hương: Việc xưng tội phải làm cho hối nhân trở thành con người mới, vì vào tòa hòa giải, người ta không chỉ gặp một con người mà gặp chính Chúa Giêsu. Đức Mẹ không muốn chúng ta nghĩ rằng: Tòa cáo giải là nơi chúng ta đến trút gánh nặng tội lỗi và sau đó trở về nhà chúng ta lại sống tiếp tục con đường cũ.

 

5. Khí giới thứ năm: Thánh Lễ và bí tích Thánh Thể

 

Mẹ Maria nói Thánh lễ phải là trung tâm đời sống, đến nỗi có lần Người nói với các thị nhân ở Mễ Du: “Nếu phải chọn giữa việc đi dự lễ và dự cuộc hiện ra của Mẹ, Mẹ bảo hãy chọn Thánh Lễ.”

Vì thế Đức Mẹ đã khóc khi đề cập đến Thánh Thể và Thánh Lễ, chỉ vì con cái Mẹ coi thường bí tích ấy, thiếu sự tôn kính. Hãy xem Đức Mẹ đánh giá cao bí tích cao trọng này chừng nào khi năm 1985, Mẹ nói: “Các con đừng dâng Thánh Lễ như các con vẫn làm. Nếu các con hiểu được các con đón nhận được những ơn phúc và quà tặng nào khi dâng lễ thì các con sẽ dành ít ra là một giờ trong ngày để chuẩn bị cho việc trọng đại này.”

Cũng vì muốn tỏ cho thấy điều ấy mà Mẹ Maria yêu cầu chúng ta cầu khẩn với CTThần trước mỗi Thánh Lễ. Hãy đặt Chúa Giêsu làm trung tâm đời sống. Hãy đặt Thánh Lễ vào vị trí ưu tiên của cuộc đời, và dâng Thánh Lễ phải là giờ phút linh thiêng nhất, siêu thánh nhất hơn mọi giờ khác trong ngày. Và chúng ta chuẩn bị để đón rước Chúa Giêsu với lòng kính trọng và yêu mến vô biên. Với tâm trạng như thế, Đức Mẹ hy vọng chúng ta mới cảm nghiệm được Thiên Chúa, Mẹ nói: “Mẹ kêu gọi các con năng động hơn trong việc cầu nguyện và tham dự Thánh Lễ. Mẹ hi vọng các con cảm nghiệm được Thiên Chúa trong nội tâm các con khi dự Thánh Lễ.” (16-5-85).

Lúc khác, Mẹ Maria gợi đến lòng hiếu thảo của chúng ta đối với Mẹ, cũng giống như bà mẹ thế gian hỏi đứa con nhỏ: Con có thương mẹ không ? – Có ! – Thế thì con làm việc này việc nọ đi cho mẹ xem. Đức Mẹ cư xử với chúng ta như người mẹ thật, Người cũng hỏi xem ta có mến thương Mẹ không, nếu có thì hãy làm việc này: Dự Thánh Lễ ! Mẹ nói: “Dù thời tiết xấu, có nhiều người vẫn tới dự Thánh Lễ vì yêu Mẹ, và ước ao tỏ bày tình yêu của họ với Mẹ. Mẹ mong mỏi các con chứng tỏ lòng gắn bó của các con với Mẹ bằng cách tới dự Thánh Lễ, rồi Chúa sẽ ban muôn phần thưởng cho các con” (21-11-85). Người mẹ thế gian xin con làm việc này việc nọ là để phục vụ cho bà, còn Đức Mẹ xin ta dự Thánh Lễ là để: “… rồi Chúa sẽ ban muôn phần thưởng cho các con”.

Quả thế, biết bao năng lực giúp chống lại chước cám dỗ của ác thần, của xác thịt và những quyến rũ tội lỗi của thế gian hiểm ác, biết bao nhiêu ơn sủng, biết bao hoa trái tốt lành, đạo đức chỉ đến từ Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Từ Thánh Lễ, chúng ta nhận được sức sống của Chúa và trong Ngài, ta nhận được toàn thể mầu nhiệm cứu độ, đúng như Thông điệp “Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể” (của Đ.G.Hoàng Gioan Phaolô II, 17-4-2003, số 11) đã viết: “Bí tích Thánh Thể không chỉ là việc khơi gợi lại biến cố đó (Tử Nạn) nhưng còn làm tái hiện dưới hình bí tích của biến cố ấy. Đó là hy tế thập giá được tiếp tục trong thời gian… Khi Giáo Hội cử hành bí tích Thánh Thể… biến cố trung tâm này của ơn cứu độ thực sự trở nên hiện tại và như vậy “công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện”… Vì thế mọi tín hữu đều có thể tham dự vào và nếm được những hoa quả của sự hy tế ấy một cách vô tận… như thể chúng ta đã có mặt lúc bấy giờ (trên Núi Sọ)”.

Bí tích Thánh Thể giúp ta trở nên con người mới, thông phần cách sung mãn vào sự sống, sự thánh thiện của Thiên Chúa: “ Như Ta sống nhờ Chúa Cha thể nào, thì kẻ ăn Ta cũng nhờ Ta mà được sống như vậy” (Ga 6.57).

Tự sức mình, ta chỉ làm luống công. Hãy nghe lời thú nhận của các Tông đồ: “Chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì !” (Lc 5.5), vì chính Chúa Giêsu đã phán: “Ngoài Thầy, anh em chẳng làm được gì” (Yn 15.5).

 

Trích “Mẹ Đến Lần Cuối”

Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT