Nội dung tổng quát của Huấn thị
Hôm 20/07/2020, Bộ giáo sĩ đã công bố Huấn Thị về các giáo xứ với tựa đề: ”Hoán cải mục vụ cộng đoàn giáo xứ để phục vụ sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội”.
Huấn Thị được ĐTC Phanxicô phê chuẩn hơn 3 tuần trước đó (27/06/2020) và được dịch ra 7 thứ tiếng. Huấn thị gồm 11 chương, với tổng cộng 124 đoạn.
6 chương đầu có tính chất tổng quát, nhấn mạnh sứ mạng truyền giáo của giáo xứ ngày nay, đồng thời trình bày các tiêu chuẩn hướng dẫn việc canh tân giáo xứ, đẩy mạnh việc loan báo Tin Mừng và quan tâm đến người nghèo: ”Trọng tâm việc hoán cải mục vụ phải đề cập tới việc loan báo Lời Chúa, đời sống bí tích, chứng tá bác ái, tức là những lãnh vực thiết yếu trong đó giáo xứ tăng trưởng và phù hợp với Mầu Nhiệm mà giáo xứ tin tưởng” (n.20).
5 chương còn lại có tính chất thực hành nhiều hơn, đề cập đến cách thức tiến hành việc gộp các giáo xứ, tổ chức giáo hạt, đơn vị mục vụ, vùng mục vụ, việc coi sóc giáo xứ, vai trò cha sở, cha phó, phó tế, tu sĩ, việc ủy thác một số giáo xứ cho một toán Linh Mục cùng coi sóc, hội đồng kinh tế và hội đồng mục vụ giáo xứ. Sau cùng, là vấn đề tiền dâng cúng để cử hành các bí tích.
Huấn thị mới của Bộ giáo sĩ không chứa đựng các qui luật mới, nhưng đưa ra những chỉ dẫn để áp dụng đúng đắn và nghiêm túc hơn các qui luật hiện hành về giáo xứ, để tạo điều kiện cho việc thực thi tinh thần đồng trách nhiệm của các tín hữu, đồng thời thăng tiến một nền mục vụ gần gũi và cộng tác giữa các giáo xứ.
Những nhu cầu khác nhau ở các Giáo Hội địa phương
Đối với Giáo Hội tại những nước như ở Việt Nam, có lẽ Huấn Thị này không đưa ra nhiều thách đố vì nói chung Việt Nam không thiếu ơn gọi Linh Mục. Có thể có vấn đề cần thăng tiến hơn sự cộng tác của cha sở và các hội đồng kinh tế, hội đồng mục vụ giáo xứ. Hội đồng kinh tế có tính chất tư vấn, do cha sở chủ tọa và có ít là 3 thành viên. Hội đồng này là cần thiết vì việc quản trị tài sản của một giáo xứ là ”điều quan trọng trong việc loan báo Tin Mừng và làm chứng tá Tin Mừng đối với Giáo Hội và xã hội dân sự”. Các tài sản là của giáo xứ chứ không phải của cha sở. Vì thế, nghĩa vụ của Hội đồng kinh tế là làm tăng trưởng ”văn hóa đồng trách nhiệm, quản trị minh bạch và chu cấp các nhu cầu của Giáo Hội”.
Còn Hội đồng mục vụ giáo xứ được Huấn Thị nồng nhiệt cổ võ thành lập: đây không phải là một cơ quan ”hành chánh bàn giấy”, nhưng Hội đồng này phải tạo nên một tinh thần hiệp thông, đặt Dân Chúa ở vị trí trung tâm như một tác nhân tích cực trong việc loan báo Tin Mừng. Chức năng chính yếu của Hội đồng mục vụ là tìm kiếm và nghiên cứu các đề nghị thực hành để đưa ra những sáng kiến mục vụ và bác ái của giáo xứ, phù hợp với đường hướng của giáo phận. Để có giá trị thực hành, các đề nghị của Hội đồng mục vụ phải được cha xứ chấp nhận.
Tránh khía cạnh thương mại trong việc cử hành bí tích
Một điểm khác cũng có tính cách thời sự đối với Việt Nam và một số nơi khác đó là vấn đề tiền dâng cúng để cử hành các bí tích. Huấn thị nhấn mạnh rằng việc dâng cúng này phải là một ”hành vi tự do” từ phía người dâng cúng và không thể đòi hỏi như một sự áp đặt hoặc như tiền thuế. Đời sống bí tích không được ”thương mại hóa” và việc cử hành thánh lễ, cũng như các hoạt động thừa tác vụ khác, không thể qui định theo giá biểu, hợp đồng hoặc mua bán. Huấn thị khuyên các LM hãy nêu gương về việc sử dụng tiền bạc, qua một lối sống điều độ và quản lý minh bạch các tài sản của giáo xứ. Nhờ đó, các LM có thể nêu gương cho giáo dân, giúp họ ý thức và tự nguyện góp phần đáp ứng các nhu cầu của giáo xứ cũng là nhà của họ.
Phản ứng dè dặt và tiêu cực
Nói chung, Huấn Thị của Bộ Giáo Sĩ được đại đa số các nơi chấp nhận và không thấy có phản ứng chống đối, khác với trường hợp ở Đức, hoặc Thụy Sĩ Đức và Áo, nơi mà từ lâu có những lạm dụng, trái với giáo luật hiện hành. Xu hướng cổ võ truyền chức LM cho phụ nữ đang được đẩy mạnh, và trào lưu gọi là ”dân chủ hóa” Giáo Hội giống như Tin Lành đang được cổ võ mạnh mẽ. Nhiều nơi vì thiếu LM, Giám mục ủy thác xứ đạo cho giáo dân coi sóc. Hoặc trong các êkíp coi sóc giáo xứ, cha sở cũng chỉ là một thành viên trong nhóm mục vụ và mọi quyết định được bỏ phiếu theo thể chức dân chủ.
Vì thế, có nhiều phản ứng ở Đức phê bình đoạn Huấn Thị nhắc lại giáo luật theo đó để coi sóc giáo xứ phải là linh mục. Hoặc đoạn Huấn Thị khẳng định rằng giáo dân không thể giảng trong thánh lễ (omelia), tuy rằng họ có thể nói, diễn giải trong thánh đường.
Một số GM Đức chống đối
Cho đến nay chưa có phản ứng chính thức của HĐGM vùng tiếng Đức về Huấn Thị của Bộ Giáo Sĩ. Phát ngôn viên của Hội đồng này cho biết trong đại hội mùa thu, HĐGM Đức sẽ chính thức bàn thảo về văn kiện này.
– Tuy nhiên, Đức Cha Franz-Josef Bode, 69 tuổi (1951), GM giáo phận Osnarbrueck, Phó Chủ tịch HĐGM Đức, đã công bố tuyên ngôn hôm 22-7-2020 phê bình Huấn Thị này là ”một sự ngăn chặn động lực thúc đẩy và sự đề cao giá trị phục vụ của giáo dân”. Huấn thị này hoàn toàn làm cho các GM ngạc nhiên, vì Đức Cha vốn mong đợi Tòa Thánh cảm thông với thực tại địa phương và quan tâm nhiều hơn đến công nghị tính nhiều lần được nói tới.
Đức Cha Bode phê bình Huấn Thị là ”trở về với sự giáo sĩ hóa… Và những qui luật mà Huấn Thị trình bày phần lớn không còn đáp ứng thực tế…”. Đức Cha lo ngại Huấn Thị mới sẽ làm cho các GM rất khó tìm được sự cộng tác của giáo dân, và kết luận rằng ”hiện thời tôi thấy không có nhu cầu nào phải thay đổi chiều hướng một Giáo Hội tham gia hiện hành trong giáo phận Osnarbrueck” (KNA 22-7-2020)
– Trong số các phản ứng phê bình Huấn thị của Bộ giáo sĩ, có Đức Cha Peter Kohlgraf, 53 tuổi, GM giáo phận Mainz, cho rằng Huấn thị này là một ”sự xen mình” vào sứ vụ GM của ngài và đó là điều không thể dễ dàng chấp nhận. Đức Cha Kohlgraf than phiền rằng mỗi vụ gộp các giáo xứ đều đòi phải có sự chấp thuận của Vatican, và Đức Cha than phiền vì đề nghị cử giáo dân quản trị các giáo xứ gộp lại như vậy sẽ bị Vatican bác bỏ.
ĐHY TGM giáo phận Koeln
ĐHY Rainer Maria Woelki, TGM giáo phận Koeln, chào mừng Huấn Thị mới của Bộ giáo sĩ về các giáo xứ và cám ơn ĐTC vì Văn kiện chỉ đường này.
Hôm 23-7-2020, Tòa TGM Giáo Phận Koeln cho biết ĐHY Woelki tuyên bố rằng Huấn Thị mới của Bộ giáo sĩ về các giáo xứ nhắc nhở chúng ta về các chân lý căn bản đức tin của chúng ta mà tại nước Đức này người ta đôi khi không nhìn đến, và quá chú ý đến chính mình… “Tôi biết ơn vì ĐGH Phanxicô chỉ đường cho chúng tôi qua Huấn Thị này. Văn kiện chứa đựng nhiều gợi ý đến khởi hành một Giáo Hội thừa sai”.
ĐHY TGM Koeln cũng khẳng định rằng: ”Không phải chúng ta tạo ra Giáo Hội, Giáo Hội cũng không phải là ”của chúng ta” nhưng là Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô. Chính Chúa đã thành lập Giáo Hội và cùng với Giáo Hội Chúa lập các bí tích, đặc biệt là chức linh mục. ĐGH Phanxicô nhắc nhở một số điểm ở đây, nhưng không phải như một biện pháp hay một kỷ luật, nhưng như một khích lệ hãy hoàn toàn tín thác nơi Chúa Kitô, để tái trở thành một Giáo Hội thừa sai”.
Một số phê bình khác
Trước đó, trên trang mạng chính thức của HĐGM (katholisch.de) người ta thấy những bài mạnh mẽ phê bình và phản đối Huấn Thị. HĐGM tài trợ mỗi năm 2 triệu Euro cho trang mạng này.
– Đáng kể là bài của ông Felix Neumann, trưởng ban biên tập trang mạng này. Ông phê bình Huấn thị của Bộ giáo sĩ vì giải thích giáo luật một cách bảo thủ tối đa, phân biệt vai trò lãnh đạo của LM và giáo dân.
– Cả ông Thomas Sternberg, 68 tuổi, Chủ tịch Ủy ban trung ương giáo dân Công Giáo Đức, cũng mạnh mẽ phê bình Huấn thị. Trong cuộc phỏng vấn hôm 22/07/2020 dành cho báo của giáo phận Osnarbrueck, Ông cho rằng Huấn thị này ”không để ý đến thực tại Giáo Hội Công Giáo tại Đức… Các cộng đoàn giáo xứ tại Đức này từ lâu vẫn có tinh thần đồng trách nhiệm, đồng quản trị… Với Huấn thị này, giáo dân bị loại khỏi việc điều hành giáo xứ. Thay vào đó Huấn thị củng cố vai trò của cha sở. Huấn thị chống lại những cố gắng làm sao để việc điều khiển giáo xứ được ủy thác cho một toán gồm LM và những giáo dân dấn thân trong Giáo Hội.
Theo Ông Sternberg, hình ảnh cộng đoàn giáo xứ xoay quanh cha sở là là một lý tưởng siêu vẹo, không thể thi hành được vì tình trạng thiếu LM trầm trọng từ lâu tại Đức. Ông cũng than phiền vì Huấn thị không nói vì đến vai trò phụ nữ. Trái với những gì được nói đến trong Huấn thị, từ lâu các Hội đồng giáo xứ ở Đức không phải chỉ là cơ quan thông tin, tư vấn và trợ giúp. Tại Đức các Hội đồng ấy được thiết lập như những cơ quan có quyền quyết định, chiếu theo hiệp định giữa Giáo Hội và Nhà Nước. Và ông tuyên bố rằng tiến trình Con đường công nghị của Công Giáo Đức để tìm kiếm câu trả lời mới với sự tham gia của mọi người sẽ không bị chặn lại vì Huấn Thị này.
– Có một thần học gia, Ông Albert Biegenser thuộc Đại học Tuebingen ở giáo phận Freiburg, nam Đức, càng quyết liệt hơn trong việc phê bình và cho rằng Huấn thị của Bộ giáo sĩ về cải tổ giáo xứ là điều nguy hiểm cho tương lai Giáo Hội. Ông viết: “Thật là một điều kiêu căng vì Vatican không tham khảo ý kiến các HĐGM thế giới mà lại đề ra những viễn tượng phát triển các cộng đoàn giáo xứ. Huấn thị này góp phần vào sự ‘tự hủy diệt’. Huấn thị chứng tỏ có hai LM người Đức tại Vatican đã góp phần soạn ra. Hai LM ấy hãy coi 1 giáo xứ lớn tại Đức trong 5 năm hoặc làm việc tại miền Amazzon 5 năm trước khi lên tiếng về các vấn đè mục vụ”.
Theo thần học gia Biesinger, Huấn thị được bố cục khéo léo: phần thứ I trình bày những tư tưởng mới của ĐGH Phanxicô nhưng phần II không như vậy. Đây là phần áp dụng giáo luật cách đây 30 năm không còn thích hợp và hữu ích nữa để giải quyết những thách đố và đảo lộn hiện nay. Những huấn thị và quyết định của Thượng HĐGM về miền Amazzon không được đưa vào huấn thị. Và thần học gia này viết: ”Với những đường hướng như thế, sự hủy bỏ Giáo Hội trong vùng Đức được xác định rồi. Các LM bị quá tải và ngày càng không muốn thi hành nghề của mình nữa”. Và thần học gia Biesinger kêu gọi các GM tiếng Đức, theo tinh thần đoàn thể của Công đồng Vatican 2 và công nghị tính mà ĐGH Phanxicô cổ võ, hãy chấm dứt hoạt động do Huấn Thị đề ra. Sự mau lẹ duyệt lại Huấn Thị của Bộ Giáo sĩ là điều không thể tránh được (KNA 20-7-2020)
Giáo sư Biesinger phê bình Huấn thị là lập lại các giải pháp giáo luật 30 năm về trước, không còn hợp với hoàn cảnh của Đức. Trong thực tế, Huấn Thị được Bộ giáo sĩ ban hành cho toàn thể Giáo Hội hoàn vũ và các khoản giáo luật ban hành năm 1983 vẫn còn hiện hành trong Giáo Hội. Giải pháp mà nhiều người trong Giáo Hội tại Đức cổ võ thực tế là giải pháp đã có từ 5 thế kỷ trước, do Martin Luther đề ra, với chủ trương xóa bỏ đạo lý Chúa Giêsu đã lập Giáo Hội trên nền tảng 12 tông đồ.
G. Trần Đức Anh OP
(VaticanNews Tiếng Việt 26.07.2020)